Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản

Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Nhật Bản

Chiều 27/11, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản ở thủ đô Tôkiô, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda đã nhất trí thông qua Chương trình hợp tác “Hướng tới quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản”.

Sau đây là toàn văn chương trình hợp tác:

"Giao lưu, hợp tác trong Đối thoại chính sách, an ninh và quốc phòng

1. Trao đổi đoàn cấp cao

Hai bên bày tỏ sự hài lòng về những chuyến thăm hàng năm của lãnh đạo hai nước trong những năm gần đây, nhất là chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết đến Nhật Bản lần này. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nhắc lại lời mời Nhà vua Nhật Bản và Hoàng hậu cùng các thành viên Hoàng gia Nhật Bản tới thăm Việt Nam và chính thức mời Thủ tướng Nhật Bản Yasuo Fukuda sớm sang thăm Việt Nam.

Thủ tướng Yasuo Fukuda bày tỏ mong muốn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh sẽ sớm thăm Nhật Bản vào thời gian gần nhất thuận lợi cho cả hai bên. Hai bên hy vọng rằng chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản sẽ được thực hiện vào đầu năm tới.

2. Ủy ban hợp tác Việt-Nhật

Nhận thức được tầm quan trọng của đối thoại chính sách đối với việc tăng cường quan hệ song phương hướng tới quan hệ đối tác chiến lược, hai bên đánh giá cao thành công của phiên họp đầu tiên Ủy ban Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản được tổ chức vào tháng 5 năm 2007, đã tạo ra khuôn khổ đối thoại chính sách toàn diện cấp Bộ trưởng Ngoại giao và khẳng định sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ 2 của Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản tại Việt Nam vào năm 2008.

3.
Đối thoại giữa hai chính phủ

Hai bên hoan nghênh các kênh đối thoại giữa hai chính phủ trong nhiều lĩnh vực, bao gồm Đối thoại chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Phía Việt Nam đánh giá cao việc Nhật Bản đã mời nhiều đoàn quan chức Chính phủ Việt Nam sang thăm Nhật Bản. Phía Nhật Bản hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam triển khai chương trình mời các cán bộ ngoại giao Nhật Bản thăm Việt Nam trong năm 2008.

4. Giao lưu quốc phòng

Hai bên ghi nhận sự tiến triển tích cực của các cuộc Đối thoại ngoại giao-quốc phòng, Đối thoại tham mưu, hợp tác đào tạo giữa hai nước và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ bộ binh Nhật Bản tháng 3 vừa qua. Hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ quốc phòng thông qua trao đổi các đoàn quân sự trong đó bao gồm chuyến thăm của các quan chức quốc phòng cấp cao và các chuyến thăm của tàu thuộc Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản.

5.
Công an và an ninh công cộng

Hai bên thừa nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy giao lưu giữa các cơ quan cảnh sát hai nước sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đến Nhật Bản vào tháng 4 năm 2007. Thủ tướng Yasuo Fukuda cho biết Nhật Bản sẽ xem xét việc gửi một phái đoàn sỹ quan công an cao cấp sang thăm Việt Nam nhằm phát triển hơn nữa sự hợp tác cụ thể trong lĩnh vực này.

6. Trao đổi các đoàn nghị sĩ

Hai bên đánh giá cao những đóng góp quan trọng của các tổ chức nghị sĩ hữu nghị hai nước trong việc củng cố quan hệ song phương. Hai bên hài lòng nhận thấy nghị sĩ hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm lẫn nhau mà gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Liên minh nghị sỹ hữu nghị Nhật-Việt Tsutomu Takebe và chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt - Nhật Hồ Đức Việt. Hai bên bày tỏ hy vọng sẽ hình thành một cơ chế đối thoại thường xuyên giữa các nghị sỹ quốc hội hai nước.

Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện

7.
Môi trường đầu tư

Hai nhận ghi nhận rằng “Sáng kiến chung Nhật- Việt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam” là hữu ích và góp phần tăng mạnh đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam tăng lên 10 lần trong ba năm qua. Hai bên sẽ hợp tác chân thành để triển khai những bước tiếp theo của báo cáo Giai đoạn II Sáng kiến chung Nhật-Việt và đi vào thực hiện giai đoạn III của Sáng kiến này.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để thu hút đầu tư. Hai bên khẳng định thực hiện Giai đoạn II Dự án Việt Nam về Khuôn khổ chính sách đầu tư (PFI) theo sáng kiến của OECD, theo đó Nhật Bản cam kết đóng góp chuyên gia và tài chính cho dự án này để cải thiện môi trường đầu tư ở Việt Nam.

8.
Hiệp định đối tác kinh tế Việt-Nhật (VJEPA)

Hai bên đánh giá cao tầm quan trọng to lớn của Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt - Nhật và ghi nhận những nỗ lực và kết quả tích cực đạt được trong các vòng đàm phán kể từ tháng 1 năm 2007. Hai bên bày tỏ quyết tâm thúc đẩy hơn nữa đàm phán để ký kết được một Hiệp định ở tầm cao và mang lại lợi ích chung trong thời gian sớm nhất.

9. Viện trợ phát triển chính thức (ODA)

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với những đóng góp của Nhật Bản vào hiện đại hóa kinh tế và xã hội của Việt Nam với tư cách là nước tài trợ lớn nhất về Viện trợ Phát triển Chính thức (ODA), trong vòng 5 năm qua từ 2002 đến 2006 đã đạt 1.382 tỷ yên. Viện trợ hàng năm của Nhật Bản cho Việt Nam đã vượt 100 tỷ Yên kể từ năm tài khóa 2005. Phía Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư và bảo vệ môi trường thông qua ODA của Nhật Bản trong những năm tới.

10.
Các dự án Đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Đường sắt cao tốc Bắc-Nam và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc

Phía Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác chân thành của Nhật Bản đối với Việt Nam trong các dự án Đường bộ cao tốc Bắc-Nam, Đường sắt cao tốc Bắc-Nam, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được nêu trong Tuyên bố chung tháng 10 năm 2006. Hợp tác bao gồm đoàn làm việc của Nhật Bản đến Việt Nam vào tháng 2, nghiên cứu sơ bộ về chiến lược giao thông vận tải trong tháng 6, đoàn doanh nghiệp và hoàn tất nghiên cứu nâng cấp đề án tổng thể Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vào tháng 11. Hai bên hoan nghênh sự hợp tác chuẩn bị cho các dự án hỗ trợ phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bao gồm việc nghiên cứu hợp tác về hạ tầng cơ sở Khu Công nghệ. Phía Việt Nam bày tỏ hy vọng thành lập Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Việt-Nhật trong Khu Công nghệ Hòa Lạc. Hai bên khẳng định quyết tâm tiếp tục hợp tác hiệu quả và thúc đẩy ba dự án lớn trên.

11.
Cơ sở hạ tầng chính

Phía Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, bao gồm các cầu, cảng, đường xá và các công trình chủ chốt khác, và hoan nghênh việc khánh thành cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong năm 2007 cũng như những tiến triển trong hợp tác về dự án đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Phía Việt Nam đề nghị Nhật Bản tham gia tích cực các dự án phát triển giao thông đô thị ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Phía Nhật Bản khẳng định lại sự ủng hộ mạnh mẽ của Nhật Bản đối với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thông qua việc hỗ trợ trong các lĩnh vực ưu tiên như thúc đẩy tăng trưởng, cải thiện mức sống và giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng thể chế, và tận dụng công nghệ và kiến thức hiện đại của Nhật Bản.

Hai bên bày tỏ sự đáng tiếc về vụ tai nạn cầu Cần Thơ, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn trong xây dựng cơ sở hạ tầng và khẳng định cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này.

12. Thị trường chứng khoán

Hai bên hoan nghênh sự hợp tác giữa Tập đoàn Chứng khoán Tokyo và Thị trường Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh, và bày tỏ hy vọng rằng các Tổ chức Dịch vụ Tài chính của Nhật Bản và Bộ Tài chính của Việt Nam sẽ thiết lập một cơ chế hợp tác chung trong tương lai.

13.
Trao đổi giữa hai cộng đồng doanh nghiệp

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc trao đổi giữa hai cộng đồng doanh nghiệp và đánh giá cao việc Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã nỗ lực tổ chức các đoàn doanh nghiệp và triển lãm nhằm phát triển các ngành công nghiệp bổ trợ ở Việt Nam. Hai bên cũng đánh giá cao các Diễn đàn kinh tế được tổ chức tại Tokyo và Osaka nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

14. Hợp tác kinh tế khu vực

Nhằm củng cố sự phồn vinh trong khu vực, hai bên hoan nghênh việc kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP) và nhất trí về tầm quan trọng của việc sớm thực hiện Hiệp định này và thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực như nghiên cứu về Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện ở Đông Á (CEPEA), và kịp thời thiết lập Học viện Nghiên cứu Kinh tế của ASEAN và Đông Á (ERIA).

15.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)

Phía Nhật Bản hoan nghênh Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007 và những nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam hướng tới nền kinh tế thị trường. Hai bên bày tỏ quyết tâm hợp tác để sớm kết thúc thành công vòng Đàm phán Đôha với những kết quả công bằng và toàn diện. Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết với WTO cũng như hội nhập vào hệ thống thương mại đa phương.

Hoàn thiện hệ thống pháp lý, cải cách hành chính

16.
Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Thừa nhận tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp lý của Việt Nam nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phía Việt Nam bày tỏ cảm ơn sự giúp đỡ của phía Nhật Bản trong lĩnh vực này, hoan nghênh những dự án mới liên quan tới việc hoàn thiện hệ thống pháp lý, bao gồm hỗ trợ trong quá trình soạn thảo Luật tố tụng dân sự và hình sự sửa đổi cũng như Luật đền bù Nhà nước.

17.
Cải cách hành chính và cải cách tài chính

Phía Việt Nam nhấn mạnh việc tăng cường quản lý nhà nước trong thực hiện chính sách Đổi Mới và cảm ơn sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với quá trình đổi mới thể chế của Việt Nam, bao gồm sự giúp đỡ về tài chính như Chương trình tín dụng hỗ trợ giảm nghèo (PRSC) và hỗ trợ cải cách hệ thống thuế.

Khoa học và công nghệ

18.
Hiệp định về Hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam về Khoa học và Công nghệ

Hai bên đánh giá cao cuộc họp đầu tiên cấp Bộ trưởng của Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ tháng 3 năm 2007. Hai bên khẳng định lại mong muốn thúc đẩy nhanh chóng các dự án hợp tác đã được thông qua tại phiên họp này và nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ 2 tại Việt Nam vào năm 2008.

19.
Sự hợp tác về khoa học và công nghệ, trong đó những tiến bộ về lĩnh vực nghiên cứu sinh khối giữa Cơ quan Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) với các cơ quan tương ứng của Nhật Bản như Hội Phát triển Khoa học Nhật Bản (JSPS) và Viện Khoa học và Công nghệ Công nghiệp cao Nhật Bản (AIST). Hai bên nhất trí sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các Viện liên quan.

20.
Vũ trụ

Hai bên đánh giá cao sự hợp tác trong các lĩnh vực như viễn thám, phát triển vệ tinh cơ nhỏ trên cơ sở Thỏa thuận giữa Cơ quan Khám phá không gian vũ trụ Nhật Bản (JAXA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST). Hai bên sẽ hợp tác đồng tổ chức thành công Hội nghị về vũ trụ Châu Á-Thái Bình Dương tại Việt Nam vào năm 2008.

21. Bệnh truyền nhiễm

Phía Việt Nam cảm ơn sự hỗ trợ của Nhật Bản đối với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương Việt Nam. Hai bên đánh giá cao vai trò của Viện này trong việc phòng chống các bệnh truyền nhiễm và nhất trí sẽ sử dụng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương của Việt Nam như một trung tâm của khu vực sông Mê-kông trong tương lai.

22. Công nghệ thông tin truyền thông (ICT)

Phía Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin như “Chương trình Băng tần rộng châu Á” và “Sáng kiến Công nghệ thông tin châu Á”, “Chương trình mạng lưới giao thức liên mạng (IP based)” và công nghệ di động. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của viện trợ ODA của Nhật Bản đối với Dự án Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Cao học trong lĩnh vực Công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và Dự án Phát triển sử dụng Internet vùng nông thôn.

Biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên thiên nhiên và năng lượng

23.
Biến đổi khí hậu

Hai bên thừa nhận rằng, hiện tượng biến đổi khí hậu đã trở thành một thách thức lớn toàn cầu. Phía Việt Nam hoan nghênh đề xuất “Trái đất Xanh Mát 50” của Nhật Bản nhằm đạt được những mục tiêu cuối cùng theo Hiệp ước khung về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (UNFCCC) và chia sẻ mục tiêu lâu dài trong việc cắt giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu hiện tại vào năm 2050.

Hai bên quyết tâm tham gia việc thiết lập một khuôn khổ hiệu quả nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu sau năm 2012. Hai bên quyết tâm thúc đẩy hợp tác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng những nguồn năng lượng sạch, bao gồm cả năng lượng hạt nhân và tăng cường các giải pháp đối phó với các nguy cơ thiên tai do biến đổi khí hậu. Hai bên sẽ tăng cường cách tiếp cận cùng có lợi, giải quyết đồng thời vấn đề ô nhiễm môi trường trong nước và biến đổi khí hậu. Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác thúc đẩy sử dụng Cơ chế Phát triển sạch (CDM).

24.
Môi trường

Hai bên đánh giá cao hợp tác song phương và đa phương trong lĩnh vực môi trường như kế hoạch 3R (Giảm thiểu, Tái sử dụng và Tái chế), quản lý rác thải độc hại, kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ nguồn nước và các đầm hồ.

Nhằm giảm thiểu khí thải nhà kính và bảo vệ tính đa dạng sinh học, hai bên nhất trí về tầm quan trọng cần thúc đẩy việc quản lý rừng bền vững và khẳng định ý định hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực này thông qua hợp tác song phương và đa phương như Tổ chức bảo vệ rừng châu Á (AFP) và Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO). Phía Nhật Bản nhấn mạnh sự đóng góp có ý nghĩa của việc sử dụng rộng rãi máy bay chở khách loại nhỏ của Nhật Bản đối với việc giải quyết vấn đề môi trường.

25.
Tài nguyên thiên nhiên và Năng lượng

Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của việc đề ra mục tiêu và xây dựng các kế hoạch hành động nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đến năm 2009 theo Tuyên bố Cebu về An ninh Năng lượng Đông Á và Tuyên bố Singapore về Thay đổi khí hậu, năng lượng và môi trường. Phía Việt Nam đánh giá cao hợp tác của Nhật Bản trong các lĩnh vực khoáng sản, than, dầu, khí tự nhiên, dự trữ dầu, điện, hiệu quả sử dụng và bảo tồn năng lượng, và năng lượng sạch.

Hai bên hoan nghênh những bước hợp tác trong Diễn đàn năng lượng Nhật Bản-Việt Nam vào tháng 3 vừa qua và dự án nghiên cứu địa chất chung về đất hiếm ở khu vực phía Bắc Việt Nam bắt đầu từ tháng 10. Hai bên chia sẻ triển vọng hợp tác trong tương lai gần, trong đó có đối thoại chính sách về tài nguyên than và khoáng sản.

26. Năng lượng hạt nhân

Thừa nhận tầm quan trọng của hợp tác trong sử dụng an toàn năng lượng hạt nhân vào mục đích hoà bình, hai bên tỏ ý tiếp tục hợp tác song phương bao gồm việc phát triển cơ sở cần thiết cho việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình ở Việt Nam. Hai bên khẳng định cam kết tăng cường hợp tác đa phương trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Hạt nhân châu Á (FNCA) và hoan nghênh Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 8 của FNCA sẽ tổ chức tại Tôkiô vào tháng 12 năm nay.

Về việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình, hai bên thừa nhận cần phải bảo đảm không phổ biến, an toàn và an ninh hạt nhân mà Nghị định thư Bổ sung của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, Công ước về Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và Công ước về An toàn hạt nhân đóng vai trò quan trọng. Hai bên nhất trí cho rằng, những nỗ lực này có thể dẫn tới việc thảo luận một Hiệp định song phương về hợp tác hạt nhân trong tương lai.

27.
Hiệu quả sử dụng năng lượng và các năng lượng tái tạo

Nhấn mạnh về hiệu quả sử dụng năng lượng và các năng lượng tái tạo, hai bên hoan nghênh tiến bộ của các dự án mẫu thúc đẩy sử dụng lò luyện công nghiệp chất lượng cao và áp dụng công nghệ sản xuất điện bằng chất thải rắn công nghiệp. Phía Việt Nam đánh giá cao việc Nhật Bản cử chuyên gia sang làm việc dài hạn tại Bộ Công thương Việt Nam về vấn đề hiệu quả sử dụng năng lượng.

Tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước

28.
Hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên bày tỏ mong muốn tăng cường hiểu biết hơn nữa giữa nhân dân hai nước thông qua nhiều hình thức giao lưu phong phú và có hiệu quả, đặc biệt là hoạt động sinh viên làm phim hiện diễn ra ở Việt Nam, liên hoan ca nhạc ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản vào năm tới.

29.
Hai bên chia sẻ quan điểm về tầm quan trọng của giao lưu nhân dân, đặc biệt là thanh niên, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Phía Nhật Bản bày tỏ dự định mời hơn 2.000 thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản trong vòng 5 năm tới theo nhiều chương trình khác nhau, trong đó có Chương trình Mạng lưới Nhật Bản-Đông Á về Giao lưu sinh viên và thanh niên (JENESYS) và các chương trình ODA khác. Phía Việt Nam hoan nghênh sáng kiến này.

30.
Hai bên mong muốn thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa hai nước và hy vọng Diễn đàn Giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản sẽ góp phần quan trọng vào phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Phía Việt Nam hoan nghênh việc thành lập Trung tâm Giao lưu văn hóa của Quỹ Nhật Bản ở Việt Nam.
Hai bên bày tỏ hy vọng rằng dự án lai ghép hoa sen của hai nước sẽ là biểu tượng của sự tương đồng văn hóa và sẽ góp phần thúc đẩy tình hữu nghị giữa hai nước.

31.
Hợp tác giáo dục, trao đổi giữa các Viện nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa hai nước, đặc biệt là giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu, và phát triển nguồn nhân lực. Phía Nhật Bản bày tỏ hài lòng về số lượng sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản ngày càng gia tăng. Hai bên hoan nghênh những tiến triển trong giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam ở mọi cấp, bao gồm cấp trung học cơ sở. Hai bên bày tỏ quyết tâm tăng cường hợp tác đào tạo các chuyên gia hàng đầu về Nhật Bản học.

32. Di sản văn hóa

Ghi nhận những tiến triển trong hợp tác trong khuôn khổ Ủy ban Hợp tác Nhật Bản - Việt Nam về bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, hai bên đồng ý bắt đầu thực hiện hợp tác toàn diện thông qua sử dụng Quỹ Ủy thác của Nhật Bản tại UNESCO. Hai bên hoan nghênh tiến độ hợp tác trong việc bảo tồn Cảng biển Hội An cũng như làng cổ ở Xã Đường Lâm, tỉnh Hà Tây.

33. Du lịch

Hai bên đánh giá cao tiềm năng to lớn và sự hợp tác chặt chẽ về du lịch giữa hai nước, nhất trí tiếp tục đẩy mạnh Kế hoạch hành động đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban Hợp tác Du lịch Việt Nam - Nhật Bản vào năm 2005 và tổ chức Hội nghị lần thứ hai tại Nhật Bản vào năm tới.

34.
Giao lưu địa phương

Hai bên hoan nghênh và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giao lưu giữa các chính quyền địa phương của hai nước, bao gồm các thành phố, địa phương kết nghĩa nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân sự.

Hợp tác trên trường quốc tế

35.
Phía Nhật Bản chúc mừng Việt Nam lần đầu tiên được bầu làm Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, đồng thời đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với Nhật Bản trong nỗ lực trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2009-2010. Hai bên khẳng định lại quyết tâm tăng cường hợp tác tại Liên hợp quốc, đặc biệt là Hội đồng Bảo an. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết sớm cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Phía Việt Nam khẳng định lại sự ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

36.
Xây dựng và gìn giữ hòa bình

Hai bên cùng chia sẻ quan điểm rằng Nhật Bản và Việt Nam có thể phối hợp chặt chẽ hơn nhằm thúc đẩy đối thoại và trao đổi thông tin trong Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (PKO) cũng như những nỗ lực xây dựng hòa bình khác. Hai nước sẽ tăng cường quan hệ trong việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng hòa bình.

37.
Chống khủng bố

Hai bên khẳng định tầm quan trọng của hợp tác khu vực về chống khủng bố và khuyến nghị các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này.

38.
An ninh con người

Hai bên khẳng định lại rằng, an ninh con người cần được cộng đồng quốc tế cùng nhau giải quyết và hai bên quyết tâm tăng cường hợp tác theo hướng này nhằm đối phó với mọi loại những thách thức toàn cầu trên trường quốc tế.

39.
Hợp tác Đông Á

Hai bên khẳng định lại cam kết thúc đẩy hội nhập khu vực trên cơ sở các lợi ích chung của cộng đồng quốc tế, hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng, thông qua hợp tác chặt chẽ và mạnh mẽ hơn nữa trong khuôn khổ các cơ chế sẵn có như hợp tác Nhật Bản- ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á và ASEAN+3. Phía Việt Nam hoan nghênh việc Nhật Bản cam kết tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và hội nhập chặt chẽ hơn vào khu vực, tiến tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.

40.
Phát triển vùng Mê kông

Phía Việt Nam đánh giá cao cam kết của Nhật Bản đối với việc phát triển Khu vực sông Mê-kông, bao gồm Chương trình quan hệ đối tác khu vực Nhật Bản -Mêkông mà Nhật Bản công bố tháng 1 năm 2007. Hai bên thừa nhận tiềm năng to lớn của Hành lang kinh tế Đông-Tây đối với phát triển kinh tế khu vực và khẳng định hợp tác chặt chẽ hơn để Hành lang được sử dụng tốt nhất; tiếp tục cải thiện hạ tầng cở sở và hiệu quả dịch vụ tiếp vận, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp của hai nước gia tăng đầu tư vào Hành lang này. Hai bên sẽ hợp tác chạy thử thành công tuyến đường dọc Hành lang Đông-Tây.

Hai bên khẳng định lại ý định xây dựng dự án cả gói 20 triệu đôla Mỹ viện trợ của Nhật Bản thông qua Quỹ Hội nhập Nhật Bản- ASEAN (JAIF) cho hợp tác Tam giác Phát triển tại cuộc họp các Ngoại trưởng Nhật Bản – Mê-kông vào tháng 1 năm 2008.

41.
Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (CHNDND Triều Tiên)

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề liên quan CHNDND Triều Tiên nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Bắc Á và châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên hoan nghênh việc thực hiện “Các hành động ban đầu” được nhất trí tại các cuộc đàm phán sáu bên và việc thông qua “Hành động giai đoạn hai để thực hiện Tuyên bố chung”.

Phía Nhật Bản bày tỏ mong muốn mạnh mẽ bình thường hóa quan hệ với CHDCND Triều Tiên thông qua giải quyết toàn diện các vấn đề giữa Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên, và phía Việt Nam ủng hộ những cố gắng này.

Hai bên kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ tiến trình phi hạt nhân đã được nhất trí trong Thỏa thuận ngày 3 tháng 10 và các bên cần tiếp tục những bước cụ thể và hiệu quả nhằm thực hiện đầy đủ Tuyên bố chung ngày 19 tháng 9 năm 2005. Hai bên nhấn mạnh sự cần thiết sớm giải quyết các mối quan tâm nhân đạo của cộng đồng quốc tế, bao gồm vấn đề bắt cóc.

42.
Hai bên bày tỏ quan tâm sâu sắc về tình hình hiện nay tại Mianma và nhấn mạnh sự cần thiết của tiến trình hòa hợp dân tộc bao gồm các cuộc đối thoại giữa các bên liên quan. Hai bên kêu gọi Chính phủ Mianma hợp tác đầy đủ với Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Ibrahim Gambari.

43. Hai bên bày tỏ sự đồng tình về việc cần chia sẻ kinh nghiệm của Châu Á trong lĩnh vực phát triển kinh tế với các nước châu Phi và tiếp tục triển khai các dự án hợp tác ba bên giữa Nhật Bản, Việt Nam và một nước châu Phi theo tinh thần của TICAD. Về vấn đề này, hai bên sẵn sàng xem xét việc hợp tác ba bên tại Môdămbích.

Phía Nhật Bản mời lãnh đạo Việt Nam tham gia Hội nghị Quốc tế Tôkiô lần thứ 4 về Phát triển châu Phi (TICAD IV) từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 5 năm 2008 ở Yokohama. Phía Việt Nam đánh giá cao sự đóng góp có ý nghĩa của tiến trình TICAD IV cho sự phát triển của Châu Phi và Việt Nam sẵn sàng hợp tác và đóng góp vào thành công của TICAD IV và sẽ cử đoàn cấp cao chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị TICAD IV.

44. Hai bên nhắc lại cam kết giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về vấn đề phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm vũ khí hạt nhân, các phương tiện phóng và tuyên bố ý định tiếp tục phối hợp như những đối tác trong lĩnh vực này. Việt Nam khẳng định sớm phê chuẩn Nghị định thư Bổ sung của Tổ chức Năng lượng và Nguyên tử Quốc tế (IAEA)."/.

Tôkiô (TTXVN) -
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top