Khái quát về Nhật Bản,một cách nhìn khác

Khái quát về Nhật Bản,một cách nhìn khác

Sau đây là một bài viết tôi sưu tầm được và nó lại có một cách nhìn khác về Nhật Bản. Các bạn tham khảo thêm nhé.

A/ Địa dư Nhật Bản.

Nhật Bản là một quốc gia hải đảo, có diện tích tổng cộng là 377,834 cây số vuông. Đất đai của Nhật Bản là một dãy đảo trải theo hình vòng cung bên cạnh phía đông của lục địa châu Á, dài 3,800 cây số, từ 20 độ vĩ tuyến bắc với các đảo cực nam là Okinawa, tới 45 độ vĩ tuyến bắc với phần trên cùng của đảo Hokkaido. Địa thế này tương đương với miền đất từ Miami, Hoa Kỳ, kéo lên tới tận Montreal, Canada.

Nhật Bản có hơn 3,900 hòn đảo nhỏ và 4 đảo lớn là Honshu (Bản Châu), hơi lớn hơn nước Anh và chiếm khoảng 60 % toàn thể diện tích, Hokkaido (Bắc Hải Đạo), Kyushu (Cửu Châu) và Shikoku (Tứ Quốc). Trong số các hòn đảo nhỏ, đảo Okinawa là lớn nhất và quan trọng nhất, nằm giữa đường kéo dài từ mỏm phía cực tây của đảo Honshu tới đảo Đài Loan. Hòn đảo Okinawa này tuy thuộc về Nhật Bản nhưng trước kia do ở khá xa phần đất chính nên đã phát triển được một thứ văn hóa riêng và một số điểm khác biệt với nếp sống của bốn hòn đảo lớn.

Nhật Bản ở khá gần Trung Hoa và Triều Tiên nên đã chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa của hai quốc gia này nhưng lại nằm cách biệt Trung Hoa bằng một biển rộng nhờ đó đã không bị Trung Hoa xâm lăng vào các thế kỷ trước.

Nhật Bản là một dãy đảo cô đơn, có 186 núi lửa hiện nay đang hoạt động. Mỗi năm Nhật Bản chịu vào khoảng 1,000 trận động đất và các hoạt động địa chấn này đặc biệt tập trung vào miền Quan Đông (Kanto), nơi có thủ đô Tokyo và người ta cho rằng cứ 60 năm, Tokyo lại gặp một trận động đất khủng khiếp. Trận động đất xẩy ra vào ngày 01/9/1923 với cường độ 8.2 trên địa chấn kế Richter, đã tàn phá phần lớn hai thành phố Tokyo và Yokohama. Động đất là mối đe dọa lớn lao nhất đối với Nhật Bản nên chính phủ Nhật mỗi năm đã phải bỏ ra hàng tỉ Yen để tìm kiếm một hệ thống báo động sớm về động đất, và khoa học địa chấn tại Nhật Bản được coi là tiến bộ nhất trên thế giới nhưng kết quả của các nghiên cứu và các dụng cụ báo động cho tới nay chưa được coi là đáng tin cậy.

Các đảo Nhật Bản là một phần của dải núi ngầm trải dài từ Đông Nam Á tới Alaska. Nhật Bản có bờ biển dài 37,000 cây số, có đá lớn và nhiều vịnh nhỏ nhưng rất tốt và đẹp. Các núi lớn chiếm 71 % tổng số diện tích với hơn 532 ngọn núi cao hơn 2,000 mét và ngọn núi cao nhất là núi Phú Sĩ (Fujisan) cao 3,776 mét. Kể từ năm 1707, núi Phú Sĩ không còn phun lửa nữa nhưng vẫn được xếp hạng cùng với 77 ngọn núi lửa đang hoạt động. Ngọn núi Mihara trên đảo Oshima, một trong 7 hòn đảo thuộc miền Izu, gần Tokyo, vào năm 1986 đã phun lửa khiến cho hàng ngàn cư dân gần đó phải di tản. Vài năm trước đó, ngọn núi lửa trung tâm Miyakejima của đảo Izu đã phun lửa và chôn lấp ngôi làng lớn nhất gần đó dưới vài mét phún thạch. Ngọn núi Sakurajima gần Kagoshima thuộc đảo Kyushu thường xuyên phun tro, bao phủ các nơi cư ngụ chung quanh. Các núi lửa cũng đã cung cấp rất nhiều suối nước nóng có khoáng chất, là nơi hàng triệu người Nhật thường tới để nghỉ ngơi và chữa bệnh.

Do địa thế và lãnh thổ trải dài 25 độ vĩ tuyến, khí hậu của Nhật Bản cũng phức tạp. Tại miền bắc thuộc đảo Hokkaido, mùa hè ngắn nhất, mùa đông dài với tuyết rơi nhiều trong khi đảo Ryukyu (Lưu Cầu) có khí hậu bán nhiệt đới, và do ở gần lục địa châu Á, Nhật Bản cũng chịu các ảnh hưởng thời tiết của lục địa này. Vào mùa đông từ tháng 12 tới tháng 2, gió lạnh và khô của miền Siberia thổi về hướng Nhật Bản, đã gặp không khí ẩm và nóng của Thái Bình Dương, tạo ra các trận tuyết lớn trên các phần đất phía tây. Miền đông của Nhật Bản ít bị tuyết hơn nhưng cũng rất lạnh. Vào tháng giêng, thành phố Tokyo lạnh hơn thành phố Reykjavik của Iceland nhưng tuyết rơi ít hơn.

Phía nam của đảo Kyushu và các đảo Nansei vào mùa đông ít lạnh hơn, đây là nơi mùa Xuân tới trước tiên với hoa Anh Đào, một sự kiện rất quan trọng đối với người Nhật Bản. Vào cuối tháng 3, hoa Anh Đào đã nở trên đảo Kyushu và loại hoa này nở dần lên tới phía bắc của đảo Hokkaido vào tuần lễ thứ hai của tháng 5. Mùa hoa Anh Đào là mùa tốt đẹp nhất để du khách viếng thăm Nhật Bản. Sau khi hoa đã tàn là các trận mưa thất thường trước khi mùa mưa (tsuyu) đến và kéo dài trong hai tháng.

Mùa hè tại Nhật Bản bắt đầu từ tháng 6 tới tháng 8 với các luồng khí từ Thái Bình Dương thổi tới, làm cho phần lớn lãnh thổ Nhật Bản nóng và ẩm. Đầu mùa hè cũng có các trận mưa, bắt đầu từ miền nam và lâu vài tuần lễ rồi loại mưa này chuyển dần lên mạn bắc. Độ nóng của mùa hè cao nhất vào tháng 8 với thời tiết ngột ngạt, rất khó chịu, khiến cho nhiều người trốn sức nóng mà chạy lên miền núi mát mẻ hơn. Thành phố Yamagata vào mùa đông chịu đựng một mét tuyết phủ và vào mùa hè, độ nóng đã có lần lên tới kỷ lục là 40.8 độ C. Vào cuối mùa hè, Nhật Bản gặp các trận cuồng phong mang tới các trận mưa lớn và các tàn phá, nhất là tại các vùng bờ biển. Thông thường mỗi năm có 3 hay 4 trận cuồng phong, các trận nhỏ vào tháng 8, trận lớn vào tháng 9. Tại miền nam và tại miền bờ biển Thái Bình Dương, nhiều trận gió mạnh làm đổ nhà cửa, lật úp tầu thuyền. Nhật Bản còn chịu ảnh hưởng của gió mùa, chịu các trận sóng thần (tsunami) do các vụ động đất ngầm dưới đáy biển. Tới tháng 10 và tháng 11, thời tiết trở nên dịu đi, lá cây bắt đầu đổi màu, đây cũng là thời gian tốt đẹp cho khách du lịch.

Mùa hè và mùa đông tại Nhật Bản là hai thái cực trong khi mùa xuân và mùa thu có thời tiết tương đối dịu hơn, với ít mưa và các ngày quang đãng. Thủ đô Tokyo của Nhật Bản nằm trên cùng vĩ độ với các thành phố Athens của Hy Lạp, Teheran của Iran và Los Angeles của Hoa Kỳ. Vào mùa đông tại Tokyo, trời lạnh vừa với độ ẩm thấp và đôi khi có tuyết, trái với mùa hè có nhiệt độ và độ ẩm cao.

Nhật Bản là xứ sở có nhiều đồi núi nhưng người dân Nhật lại ưa thích miền đồng bằng bờ biển. Trong số các bình nguyên lớn, miền Quan Đông (Kanto) gần Vịnh Tokyo là nơi rộng rãi nhất, nơi đây các nhà máy, các công ốc, các nông trại ... chen chúc nhau khiến cho các thành phố, thị xã và làng mạc lẫn vào nhau và trải dài thật xa. Chỉ riêng miền Quan Đông đã sản xuất được 1/3 tổng sản lượng quốc nội (gross domestic product) của Nhật Bản, một số lượng lớn về sản phẩm và dịch vụ, lớn hơn số lượng của toàn thể nước Anh. Khu vực kỹ nghệ của Nhật Bản kéo dài từ Tokyo tới Yokohama là thành phố đứng thứ hai, sau đó là thành phố Osaka.

Nhật Bản là một xứ sở có phong cảnh được coi là đẹp nhất thế giới, đặc biệt nhất là ngọn núi Phú Sĩ có tuyết trắng bao phủ nơi phần đỉnh núi. Núi Phú Sĩ là nguồn cảm hứng của rất nhiều văn sĩ và thi sĩ xứ Phù Tang cũng như của các văn nghệ sĩ trong đó có các nhiếp ảnh gia và họa sĩ khắp bốn phương.




B/ Thực vật, động vật và tài nguyên.

Các hải đảo Nhật Bản trải dài 25 vĩ độ vì thế đất nước này có nhiều loại thực vật và động vật. Tại nhóm hải đảo Ryukyu và Ogasawara ở về phía nam, thời tiết thuộc loại bán nhiệt đới nên động vật và thực vật giống như của bán đảo Mã Lai, trong khi tại phần đất chính của Nhật Bản hay tại các đảo Honshu, Kyushu và Shikoku, thời tiết giống như Trung Hoa và Triều Tiên còn miền trung và miền bắc của đảo Hokkaido có khí hậu gần cực, rất lạnh nên có nhiều rừng thông loại lá lớn.

Thực vật và động vật tại Nhật Bản qua nhiều thế kỷ đã bị ảnh hưởng do sự du nhập từ các quốc gia khác. Trong thời kỳ Minh Trị (Meiji, 1858- 1912), đã có từ 200 tới 500 loại cây được đưa vào Nhật Bản, phần lớn từ châu Âu rồi về sau này từ Hoa Kỳ. Ngày nay do nạn phá rừng và mở mang các thành phố, rừng cây của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng xấu, thêm vào là sự ô nhiễm và các trận mưa axít.

Nhật Bản vào thời cổ xưa đã được nối với châu Á nhờ thế đã có các thú vật di cư từ Triều Tiên và Trung Hoa qua. Nhật Bản có các loại thú đặc biệt, chẳng hạn như loài gấu nâu (higuma) của đảo Hokkaido cao tới 2 mét và nặng 400 kilô và loài gấu nâu châu Á (tsukinowaguma) nhỏ hơn, cao tới 1,4 mét và nặng 200 kilô. Một giống thú đặc biệt khác là loài khỉ cỡ trung bình, cao khoảng 60 phân và có đuôi ngắn, thường thấy trên các đảo Honshu, Shikoku và Kyushu.

Nhật Bản là quốc gia có rất ít tài nguyên thiên nhiên. Trên các đảo Hokkaido và Kyushu có các mỏ than và kỹ nghệ khai mỏ lên tới cực điểm vào năm 1941, ngày nay hầu như các hầm mỏ này không hoạt động. Tất cả khoáng sản khác, kể cả dầu thô, đều phải nhập cảng từ nước ngoài.

Tại Nhật Bản, cây rừng cũng là một nguồn tài nguyên. Gỗ được dùng cho kỹ nghệ xây nhà và làm giấy nhưng việc sản xuất nội địa đã giảm hẳn vì Nhật Bản ưa nhập cảng loại gỗ rẻ tiền hơn từ các quốc gia nhiệt đới thuộc vùng Đông Nam Á.

Một tài nguyên khác của Nhật Bản là cá biển. Nhật Bản có các hạm đội tầu đánh cá rất lớn, hoạt động trong các hải phận quốc tế. Nhật Bản cũng khai thác mạnh ngành du lịch với các khách sạn, các sân golf và loại kỹ nghệ này càng bành trướng, lại càng làm ô nhiễm môi trường sống trong khi người dân Nhật vẫn quý trọng Thiên Nhiên. Do sự phát triển đô thị, do các loại kỹ nghệ và việc bành trướng du lịch, môi trường sống của một số sinh vật đã bị ảnh hưởng xấu. Loại hạc (tancho) rất đẹp của hòn đảo Hokkaido đã từng làm đề tài cho các bức danh họa nhiều thế kỷ trước, nay đã bị tuyệt chủng. Sự ô nhiễm các giòng sông đã làm chết đi các loại cá chép và cá hồi. Loại gấu màu nâu cũng biến đi dần. Loại khỉ macaca chỉ còn thấy tại khu vực Nagano. Các khu giải trí dưới mặt nước cũng làm hư hỏng các vùng biển san hô thiên nhiên.

Để bảo vệ môi trường thiên nhiên, Nhật Bản có 28 công viên quốc gia (kokuritsu koen) và 55 công viên bán công (kokutei koen) với công viên Iriomote tại phía cực nam và công viên Sarobetsu ở mỏm cực bắc của hòn đảo Hokkaido. Các công viên quốc gia được quản trị trực tiếp và các công viên bán công được cai quản gián tiếp bởi Cơ Quan Môi Trường thuộc Văn Phòng Thủ Tướng.

Miền phía bắc đảo Honshu và đảo Hokkaido là hai nơi thưa dân, nên có nhiều công viên quốc gia lớn trong khi công viên lớn nhất là Công Viên Quốc Gia Nội Hải (Seto Naikai Kokuritsu Koen) trải dài 400 cây số từ đông sang tây, nơi rộng nhất 70 cây số và bao gồm hơn 1,000 đảo nhỏ.




C/ Dân số và cuộc sống xã hội.

Theo Bộ Nội Vụ của Nhật Bản, dân số Nhật Bản vào cuối năm 2000 là 126,434,470 người, đứng hàng thứ bẩy sau Trung Hoa Cộng Sản, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nam Dương, Brazil và Nga Xô. Mức gia tăng dân số lên tối đa vào năm 1974 với tỉ số sinh 1.27 %, đã giảm xuống còn 0.35 % vào năm 1992. Tuy thế, Nhật Bản vẫn có thể có dân số lên tới 129.5 triệu người vào năm 2010 rồi sau đó mới giảm bớt.

Do dân số cao, mật độ của Nhật Bản là 327 người trên một cây số vuông, ngang hàng với các nước có mật độ cao như Bỉ, Hòa Lan và Bắc Triều Tiên. 49 % dân Nhật chen chúc quanh ba trung tâm đô thị lớn là Tokyo, Osaka và Nagoya cùng với các thành phố phụ cận. Thành phố Tokyo vẫn là nơi đông dân nhất, có vào khoảng 3 tổng số dân chúng. Lý do của sự tập trung này là vì Tokyo là trung tâm của các kỹ nghệ dịch vụ (service industries). Vào năm 1991, Nhật Bản có 13 % dân số trên 65 tuổi, con số này thấp hơn so với của Thụy Điển là 18 % và Anh Quốc là 15 %. Tuổi thọ trung bình tại Nhật Bản là 81 đối với phụ nữ và 75 với nam giới.

Nhật Bản là quốc gia có tính đồng nhất về sắc dân và văn hóa. Người dân không có nguồn gốc Nhật chỉ chiếm hơn 1 % vào năm 1993. Sắc dân nước ngoài đông nhất là Triều Tiên nhưng nhiều người Triều Tiên sinh trưởng tại Nhật Bản đã nói tiếng Nhật không khác gì người Nhật Bản cả. Sắc dân này trước kia bị kỳ thị tại nơi làm việc và tại một số phương diện trong đời sống hàng ngày. Sắc dân ngoại quốc thứ hai là người Trung Hoa rồi về sau còn có một số dân lao động gồm người Phi Luật Tân và người Thái Lan.

Người Nhật Bản có nguồn gốc Mông Cổ, giống như người Triều Tiên và Trung Hoa. Có lẽ vào khoảng 10,000 năm về trước, giống người gốc Mông Cổ này đã di cư qua xứ Nhật Bản là nơi có sẵn giống người Ainu, một loại thổ dân gốc Caucase. Ngày nay thổ dân Ainu chỉ còn vào khoảng 14,000 người, hiện sinh sống trong các khu vực riêng biệt thuộc hòn đảo Hokkaido. Người Ainu đang chịu các số phận thiệt thòi giống như thổ dân da đỏ tại Bắc Mỹ.

Do sống biệt lập với các quốc gia khác tại châu Á trong nhiều thế kỷ cho tới thời kỳ mở cửa vào năm 1868, Nhật Bản đã có các nét riêng về phong tục, tập quán, chính trị, kinh tế và văn hóa... trong đó gia đình đã giữ một vai trò trọng yếu. Trước Thế Chiến Thứ Hai, phần lớn người Nhật sống trong loại gia đình gồm ba thế hệ. Sự liên lạc gia đình đã theo một hệ thống đẳng cấp khắt khe nơi đó người cha được kính trọng và có uy quyền. Người phụ nữ khi về nhà chồng phải tuân phục chồng và cha mẹ chồng nhưng sau khi Luật Dân Sự năm 1947 được ban hành, người phụ nữ đã có nhiều quyền hạn ngang hàng với nam giới về mọi mặt của đời sống và đặc tính phụ quyền của gia đình đã bị bãi bỏ. Người phụ nữ Nhật đã tham gia vào xã hội và chiếm 40.6 % tổng số lực lượng lao động của năm 1990.

Các phát triển nhanh chóng về kinh tế, kỹ thuật và đô thị cũng làm gia tăng loại gia đình hạt nhân chỉ gồm cha mẹ và các con, khiến cho loại đại gia đình giảm từ 44 % vào năm 1955 xuống còn 13.7 % vào năm 1991. Số người con trong gia đình cũng giảm từ 4.7 vào năm 1947 xuống còn 1.5 vào năm 1991 vì việc làm nơi thành phố và do cuộc sống trong các căn nhà chung cư chỉ thích hợp với loại gia đình trung bình là 2.9 người.

Cùng với sự thay đổi về số người trong gia đình, nếp sống hiện nay của người Nhật Bản khác ngày trước do việc dùng các máy móc gia dụng (household appliances), do sự phổ biến các loại thực phẩm ăn liền và đông lạnh, các loại quần áo may sẵn và các phương tiện hàng ngày khác. Những tiện nghi này đã giải phóng người phụ nữ khỏi các ràng buộc về gia chánh, cho phép mọi người có dư thời giờ tham gia vào các hoạt động giải trí, giáo dục và văn hóa. Các tiến bộ về công bằng xã hội cũng làm mất đi tính kỳ thị về giai cấp, về quá trình gia đình, và đại đa số người Nhật Bản thuộc giai cấp trung lưu, căn cứ vào lợi tức của họ.

Ngày nay mặc dù Nhật Bản đã là một quốc gia tân tiến nhưng trong xã hội Nhật, vai trò và các liên hệ nam nữ đã được ấn định rõ ràng. Dù rằng tinh thần giải phóng phụ nữ đã được du nhập vào Nhật Bản từ cuối thế kỷ 19 nhưng hiện nay trong đời sống công cộng, người phụ nữ vẫn ở vị thế thấp hơn nam giới và bên ngoài xã hội, người nam vẫn giữ vai trò độc tôn. Theo căn bản, người nữ vẫn là người của “bên trong” (uchi no) và người nam vẫn là người của “bên ngoài” (soto no). Phạm vi của người phụ nữ là gia đình và các công việc liên hệ, trong khi người chồng là người đi kiếm sống và đưa hết tiền lương về cho người vợ. Người phụ nữ trên 25 tuổi mà chưa có chồng thường bị nam giới coi như “có khuyết điểm nào đó”. Tại các công ty, nhà máy, cửa hàng... người phụ nữ thường được thuê mướn để chào đón các khách mới đến. Chính vì vai trò của người phụ nữ chưa được xã hội Nhật Bản đánh giá cao nên lợi tức trung bình của hai giới nam và nữ khá cách biệt so với cùng tình trạng tại các quốc gia tân tiến khác.

Xã hội Nhật Bản có các nét đặc biệt về giao thiệp. Người Nhật thường cúi chào bằng cách gập người xuống và độ hạ thấp tùy thuộc địa vị xã hội của cả hai người. Đây là một dấu hiệu quan trọng để tỏ lộ sự kính trọng. Một nét phong tục khác là việc trao đổi danh thiếp. Mỗi lần giới thiệu hay gặp mặt đều cần tới tấm danh thiếp và việc nhận tấm danh thiếp bằng hai tay là một cử chỉ lễ độ. Tấm danh thiếp được in rõ ràng và không được viết tay trên đó. Trong việc giao thiệp, người Nhật thường không thích sự trực tiếp và việc trung gian đóng một vai trò quan trọng trong cách giải quyết mọi hoàn cảnh khó khăn. Cũng như đối với nhiều người châu Á khác, người ngoại quốc tới Nhật Bản cần phải bình tĩnh trước mọi điều không vừa ý, không nên nổi giận và luôn luôn nên nở nụ cười.





D/ Tổ chức chính quyền.

Hiến Pháp của nước Nhật Bản được công bố vào ngày 3 tháng 11 năm 1946 và có hiệu lực kể từ ngày 3 tháng 5 năm 1947, quy định rằng nhân dân Nhật Bản thề nguyện trung thành với các lý tưởng hòa bình và trật tự dân chủ. Bản Hiến Pháp này khác hẳn với bản Hiến Pháp Minh Trị năm 1889 ở các điểm sau: (1) Nhật Hoàng chỉ là biểu tượng của Quốc Gia và của sự đoàn kết nhân dân. Quyền hành của đất nước thuộc về người dân. (2) Nhật Bản từ bỏ chiến tranh và mọi đe dọa, hay cách dùng võ lực để giải quyết các tranh chấp với các nước khác. (3) Nhân quyền căn bản được bảo đảm là vĩnh cửu và không thể bị xâm phạm. (4) Hội Đồng Quý Tộc (the House of Peers) trước kia được thay thế bằng Thượng Viện (the House of Councillors) và Hạ Viện (the House of Representatives) với các nghị viên được bầu ra và là các đại biểu của nhân dân. Hạ Viện có quyền hơn Thượng Viện. (5) Quyền Hành Pháp được giao cho Nội Các chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc Hội. (6) Chính quyền tự trị địa phương được thiết lập trên một căn bản rộng rãi. (7) Nhật Hoàng không có quyền lực đối với chính quyền, làm việc theo các quy định bởi Hiến Pháp chẳng hạn như chấp thuận Thủ Tướng và Chánh Án Tối Cao Pháp Viện, công bố các đạo luật và hiệp ước, triệu tập Quốc Hội và ban thưởng, tất cả việc làm của Nhật Hoàng đều có sự cố vấn và đồng ý của Nội Các.



1/ Gia đình Hoàng gia:

Hoàng Đế của nước Nhật Bản hiện nay là Nhật Hoàng Akihito, sinh ngày 23/12/1933 tại Tokyo, là con trai trưởng của Nhật Hoàng Hirohito và Hoàng Hậu Nagako, đã lên ngôi ngày 7/1/1989 khi Nhật Hoàng Hirohito băng hà. Khi còn là Hoàng Thái Tử, Nhật Hoàng Akihito đã theo học trường tiểu học và trung học Gakushuin cho tới năm 1952, rồi trường đại học Gakushuin cho tới năm 1956. Vào tháng 4 năm 1956, Thái Tử Akihito cưới cô Shoda Michiko, trưởng nữ của một nguyên tổng giám đốc của đại công ty sản xuất bột thực phẩm. Cố Nhật Hoàng Hirohito sinh tại Tokyo ngày 29/4/1901, là Nhật Hoàng trị vì lâu dài nhất, 62 năm và cũng sống lâu nhất, 87 tuổi, trong lịch sử của nước Nhật.

Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko có 3 người con, hoàng thái tử Naruhito sinh ngày 23/2/1960, đã tốt nghiệp Phân Khoa Lịch Sử của Đại Học Gakushuin vào tháng 3 năm 1982. Tháng 6/1983, Thái Tử tới nước Anh theo học Đại Học Oxford và vào tháng 4/1993, đã chính thức hứa hôn với cô Masako, trưởng nữ của ông Owada Hisashi, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao.



2/ Cơ Quan Lập Pháp:

Quốc Hội Nhật Bản (the National Diet) là cơ quan lập pháp cao cấp nhất, gồm có Hạ Viện với 512 ghế và Thượng Viện với 252 ghế. Dân biểu Hạ Viện có nhiệm kỳ 4 năm nhưng hạn kỳ này có thể bị chấm dứt nếu Quốc Hội bị giải tán. Hạ Viện được bầu ra từ 130 đơn vị bầu cử với số nghị viên từ 2 tới 6 vị tùy theo dân số. Nhiệm kỳ của Thượng Viện là 6 năm, mỗi 3 năm được bầu lại một nửa. 100 Thượng Nghị Sĩ được bầu theo sự đại diện tỉ lệ (proportional representation) tức là do các cử tri toàn quốc, số còn lại 152 ghế được bầu từ 47 đơn vị bầu cử tỉnh. Hạ Viện có quyền bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm Nội Các, đây là một quyền lực chính trị quan trọng nhất của nền chính trị đại nghị. Các công dân Nhật Bản trên 25 tuổi đều có quyền ứng cử Dân Biểu và trên 30 tuổi có thể tranh cử ghế Thượng Viện. Việc phổ thông đầu phiếu là của mỗi người dân nam nữ trên 20 tuổi.



3/ Các đảng phái chính trị :


Đảng phái chính trị đầu tiên của nước Nhật là đảng Công Xã Ái Quốc (Aikoku Koto = the Public Society of Patriots) được thành lập vào năm 1874 và đã kêu gọi nước Nhật Bản cần phải thiết lập một cơ quan lập pháp. Cuộc bầu cử đầu tiên được tổ chức vào ngày 01/7/1890 và Quốc Hội họp lần đầu tiên vào ngày 29/11 năm đó. Đây là cơ quan lập pháp đầu tiên tại châu Á. Sau đó chế độ quân phiệt đã đưa nước Nhật tới trận Thế Chiến Thứ Hai và các đảng phái đều bị giải tán. Ngày nay Nhật Bản có 5 đảng phái chính là đảng Dân Chủ Tự Do (Jiminto = LDP), đảng Dân Chủ Xã Hội (Shakaito), đảng Công Minh (Komeito), đảng Cộng Sản (Kyosanto) và đảng Dân Xã (Minshato).

Đảng Dân Chủ Tự Do (LDP) là đảng chính trị quan trọng nhất, được thành lập vào năm 1955 do sự sát nhập của hai đảng phái được tổ chức sau Thế Chiến Thứ Hai. Đảng này chiếm 274 ghế Hạ Viện và 106 ghế Thượng Viện của Quốc Hội năm 1992, so với đáng phái thứ hai là đảng Dân Chủ Xã hội có 141 Dân Biểu và 73 Thượng Nghị Sĩ.



4/ Các cơ quan Hành Pháp và Tư Pháp:

Quyền hành pháp được giao cho Nội Các, gồm Thủ Tướng và hơn 20 Bộ Trưởng, tất cả chịu trách nhiệm tập thể trước Quốc Hội. Thủ Tướng phải là một nghị viên của Quốc Hội và được Quốc Hội bổ nhiệm, có quyền chỉ định và bãi nhiệm các bộ trưởng, các vị sau này phải là dân sự và phần lớn là nghị viên Quốc Hội.

Vào tháng 3/1992, Nhật Bản có 12 bộ và 32 cơ quan (agencies) với Văn Phòng Thủ Tướng, 1.17 triệu công chức kể cả 240,000 nhân viên thuộc Lực Lượng Tự Vệ (the Self-Defense Forces). Ngoài ra còn có Hội Đồng Kiểm Soát (the Board of Audit) chịu trách nhiệm thanh tra các trương mục quốc gia.

Nhật Bản được chia làm 47 tỉnh (prefectures). Vào tháng 4/1990, các chính quyền địa phương gồm 3.23 triệu công chức trong đó có 1 triệu giáo chức và 221,000 nhân viên cảnh sát. Cơ quan Tư Pháp gồm Tối Cao Pháp Viện, 8 tòa án cao cấp và các tòa án địa phương, tòa án gia đình (family courts). Tối Cao Pháp Viện gồm Chánh Án được Nhật Hoàng bổ nhiệm và 14 vị Thẩm Phán chọn do Nội Các. Tất cả các vụ án đều được xét xử công khai, nhất là các vụ vi phạm chính trị, báo chí và nhân quyền.




E/ Lịch sửI/ Các thời đại

Nhật Bản thuộc vùng ôn đới, có 4 mùa rõ rệt. Gồm 4 đảo chính, theo thứ tự từ bắc xuống nam là: Bắc Hải Ðạo (Hokkaido). Bản Châu (Honshu), Tứ Quốc (Shikoku) và Cửu Châu (Kyushu) và hàng ngàn đảo nhỏ. Nhật Bản còn có mỹ danh là xứ Anh Ðào, vì người Nhật rất thích nên trồng cây hoa Anh Ðào khắp nước, hay xứ Mặt Trời Mọc (The Land of Rising Sun) vì Nhật Bản là quốc gia ở vùng cực đông. Vào thế kỷ thứ 4, Nhật Bản đã lấy tên nước là Ðại Hòa (Yamato), vì vậy người Nhật còn được gọi hay nhận là Hòa Nhân. Thời xưa, Trung Hoa gọi Nhật Bản là "Nụy Quốc" (nước của những người lùn) hay "Phù Tang" (sứ có nhiều cây Phù Tang, tức một loại cây dâu). Năm 670, đầu niên hiệu Hàm Hưởng nhà Ðường, Nhật Bản gởi một sứ bộ đến chúc mừng triều đình Trung Quốc nhân dịp vừa bình định Cao Ly (Triều Tiên) và từ đó được đổi tên là Nhật Bản.

Theo thần thoại Nhật Bản trong Cổ Sự Ký (Kojiki) viết vào đầu thế kỷ thứ 8, thuở ban sơ, vũ trụ chưa có hình thù. Có tới tám trăm vạn thần linh, sống ở trên Cánh Ðồng Trời, từ đó nhìn xuống chì thấy bóng tối, sương mù và nước. Hai vị thần trong tuổi thanh xuân là chàng Izanagi và nàng Izanami nhận nhiệm vụ làm cho mặt đất đi theo đời sống mà sinh sôi nẩy nở. Họ bước qua Thiên Phù Kiều là chiếc cầu nối trời và đất, quậy sóng cho kết đọng lại mà thành đảo Onogoro và xuống đó, đây là sáng tạo đầu tiên của họ. Họ bắt tay dựng trụ trời và xây nhà trên quê hương mới.

Rồi hai vị thần trẻ quên mình là thần linh, sống như con người, kết hôn với nhau sinh "con" đầy đàn... là những đảo khác tạo thành quần đảo Nhật Bản ngày nay. Rồi Izanagi sinh ra thần Mặt Trời (Amaterasu = Thiên Chiếu Ðại Thần) là nữ thần nhan sắc và ánh sáng (tượng trưng cho phụ nữ Nhật) từ mắt trái, thần Mặt Trăng (Tsukiyomi) từ mắt phải và thần Bão (Susanoo) từ mũi của mình.

Sau đó, nữ thần Mặt Trời phái cháu trai của mình là Ninigi giáng thế, chinh phục vùng Izumo. Ninigi gặp và lấy con gái sinh đẹp của thần Oyamatsumi sinh ra hai con trai là Hoderi và Hoori . Hoori sau lấy công chúa Thủy Cung Toyotama sinh được một con trai. Người con trai này lấy em gái của Toyotama sinh ra bốn hoàng tử, họ chinh phục xứ Yamato (Ðại Hòa). Sau khi các anh chết, hoàng tử út lên ngôi xưng là Thiên Hoàng Jinmu (Thần Vũ), đó là Thiên Hoàng đầu tiên gọi là Hoàng Kỷ (kỷ nguyên Thiên Hoàng), cai trị xứ Yamato tức Nhật Bản năm 660 BC... truyền tới nay là 125 đời.

Dân tộc Nhật Bản nguyên là kết hợp của những người bản địa và di dân xa xưa như người Eskimo từ phương bắc, Trung Hoa hay Triều Tiên từ phương tây và một số đảo quốc ở phương nam. Sau đó đất nước phát triển tháp nhập thêm sắc dân Inu ở Bắc Hải Ðạo và dân Okinawa.

Nguyên có khoảng 100 bộ lạc hay 100 xứ, với vua hay nữ hoàng và tôn giáo riêng. Nhưng từ thời đại Ðại Hòa (Yamato) hay còn gọi là Cổ Phần (Kofun) vì có nhiều phần mộ lớn, thế kỷ thứ 4, sau khi thống nhất đất nước thì chỉ có 1 dòng họ làm vua và 1 tôn giáo dân tộc là Thần Ðạo (Shinto). Thật vậy, Thiên Hoàng Nhật thuộc một dòng họ duy nhất truyền từ xưa tới nay gồm 125 đời, trong số đó, thời xa xưa có 6-7 đời Thiên Hoàng là phụ nữ. Theo truyền thuyết Thần Ðạo, vua được coi là con trời nên tự xưng là "Thiên Tử" (Tenshi) hay còn gọi là "Thiên Hoàng" (Tenno, Sumeragi, Sumerogi) chứ không gọi là "Hoàng Ðế", còn người Nhật là con cháu Thái Dương Thần Nữ/Nữ Thần gọi là "Amaterasu Omikami" (Thiên Chiếu Ðại Thần hay Thiên Chiếu Ðại Ngự Thần) nên họ thờ Mặt Trời. Thời xứ quân với các Tướng Quân (Shogun) làm lãnh chúa, Thiên Hoàng yếu thế, có khi bị xứ quân uy hiếp hoặc ám hại, nhưng không ai cướp ngôi vua. Ðến thời Minh Trị (Meiji) Thiên Hoàng đánh bại xứ quân Ðức Xuyên (Tokugawa), chấm dứt loạn xứ quân và thâu tóm quyền lực vào tay Thiên Hoàng.

Về tôn giáo, thời Thánh Ðức Thái Tử (Shotoku Taishi, một Thiên Hoàng lỗi lạc), từ năm 593 đã cổ võ Phật Giáo và sau đó họ cũng có "Tam Giáo Ðồng Nguyên" là Thần Ðạo, Nho Giáo và Phật Giáo. Nay thì có nhiều tôn giáo lớn và hàng trăm giáo phái nhỏ. Họ trọng tư tưởng, mỹ thuật và sức mạnh

Thiên Hoàng hiện nay là đời thứ 125, tên Minh Nhân (Akihito), sinh ngày 23/12/1933, lên ngôi năm 1989, hiệu là "Bình Thành" (Heisei), với ý nghĩa là thành đạt hòa bình. Nhật Bản cũng như Thái Lan, Ðài Loan hiện nay hay Việt Nam... khi xưa, vẫn dùng niên lịch thính theo niên hiệu vua đang tại vị, như năm 1997 tức "Heisei" 9, năm 1945 tức "Showa 20" , người không quen sẽ khó tính ra dương lịch vì vậy đôi khi giấy tờ phải ghi thêm dương lịch bên cạnh. Thiên Hoàng Akihito là nhà sinh hóa về cá, viết sách... Kết hôn năm 1959 với cô Mỹ Trí Tử (Michiko) sinh năm 1934, con một thương gia. Hoàng Hậu Mỹ Trí Tử thích văn học, âm nhạc, thủ công, quần vợt... Họ có 3 người con là Hoàng Thái Tử Ðức Nhân (Naruhito) sinh ngày 23/2/1960 kết hôn với cô Chính Tử (Masako Owada) năm 1993 có một gái, công chúa Aiko, sinh ngày 1 tháng 12, 2001. Hoàng Tử Thu Tiểu Chi Cung (Akishinonomiya) sinh năm 1965 kết hôn với Kỷ Tử (Kiko) năm 1990, sinh được 2 con gái, và Công Chúa Kỷ Cung (Norinomiya Sayako) sinh năm 1969, năm 1998 vẫn chưa kết hôn

Naruhito, 1960–, Japanese crown prince, son of Akihito. He was officially invested as crown prince in 1991. In 1993 he married , a commoner. They have a daughter.

1- Thời đại Thằng Văn (Jomon) khoảng 8.000 năm: 8.000 năm - thế kỷ thứ 3 trước kỷ nguyên.

Gọi là Thằng Văn vì các đồ gốm có trang trí các tua hình dây thừng hay có in hoa văn hình dây thừng. Sinh hoạt bằng săn bắn và đánh cá.


2- Thời đại Di Sinh (Yayoi) khoảng 600 năm: Thế kỷ thứ 3 trước - thế kỷ thứ 3 sau kỷ nguyên.

Chịu ảnh hưởng văn hóa Triều Tiên, Trung Hoa. Ðã bắt đầu trồng lúa và biết dùng kim thuộc.


3- Thời đại Ðại Hòa (Yamato) khoảng 400 năm: Thế kỷ thứ 4 - hậu bán thế kỷ thứ 7.
Vương tộc và hào tộc xây cổ phần (ngôi mộ lớn). Cuối thời này xuất hiện thêm thời đại Phi Ðiểu (Asuka).


4- Thời đại Na Lương (Nara) từ năm 710, kéo dài 74 năm:

Chọn Nara làm kinh đô.


5- Thời đại Bình An (Heian) từ năm 794 kéo dài khoảng 400 năm:

Chọn Kinh Ðô (Kyoto) làm kinh đô.


6- Thời đại Liêm Thương (Kamakura) từ năm 1192 kéo dài khoảng 140 năm:

Bắt đầu thời đại Mạc Phủ (Makufu) tức Sứ Quân (Shogun) và Vũ Sĩ (Samurai).


7- Thời đại Thất Ðinh (Muromachi) từ năm 1338 khoảng 240 năm:

Giữa thời này loạn lạc khắp nơi, nên giai đoạn này gọi là thời đại Chiến Quốc (Sengoku).


8- Thời đại An Thổ Ðào Sơn (Azuchi Momoyama) từ hậu bán thế kỷ 16 kéo dài khoảng 30 năm:

Chức Ðiền Tín Trường (Orita Nobunaga) và Phong Cơ Tú Cát (Toyotomi Hideyoshi) thống nhất Nhật Bản.


9- Thời đại Giang Hộ (Edo) từ năm 1603 kéo dài khoảng 260 năm:

Ðức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Ieyasu) lập Mạc Phủ (Makufu, như phủ chúa thời Trịnh - Nguyễn bên Việt Nam, lấn áp cả Thiên Hoàng) ở Giang Hộ tức Ðông Kinh (Tokyo) ngày nay.


10- Thời đại Minh Trị (Meiji, 1868 - 1912) được coi là thời Cận Ðại và Ðại Chính (Taisho 1912 - 1926),

Chiêu Hòa (Showa 1926 - 1989), Bình Thành (Heisei 1989- ) được coi là thời Hiện Ðại, từ 1868 tới nay. Nhân đây nói về văn hóa và văn minh của Nhật. Nhật Bản có văn hóa riêng đồng thời chủ yếu là du nhập:


- Văn hóa Trung Hoa, đạo Phật và thiền của Tây Tạng (cũng qua ngả Trung Hoa) và sau này thêm tinh thần tự do, dân chủ của Âu Mỹ. Hoàng gia và quý tộc lại ảnh hưởng của Anh, cụ thể qua lối trang phục; theo chế độ Ðại Nghị, mỗi khi trình diện nội các mới, Thủ Tướng và các Bộ Trưởng đều mặc áo đuôi tôm, không tuyên thệ mà nhận ủy nhiệm thư của Thiên Hoàng. Họ lái xe bên trái giống Anh, nhưng điều này có lẽ vì người Nhật xưa đeo kiếm bên trái nên từ xưa vốn đã đi bên trái để khỏi đụng kiếm của nhau? Họ theo Pháp về luật pháp (luật Napoleon).


- Văn minh thì lúc đầu du nhập của Hòa Lan, sau tới Ðức Quốc và nay là Hoa kỳ... Họ theo Pháp về hệ thống đo lường (dùng thập phân) cũng như thời trang và học hỏi về kiểu mẫu sản phẩm...

II/Nhật Bản và các nước

1) Nhật Bản trước thế chiến thứ hai Thời Minh Trị, do áp lực của Hoa Kỳ, Nhật Bản chịu mở cửa, Hoa Kỳ cùng các đại cường Anh, Pháp, Nga đã ép Nhật Bản ký những hiệp ước bất bình đẳng. Như tính theo vàng thì 1 Mỹ Kim = 2 Yen, nhưng Hoa Kỳ bắt ép đổi lấy 4 Yen. Thương gia Hoa Kỳ đổi 1 Mỹ Kim ra 4 Yen rồi đem 4 Yen qua Hồng Kông hay Thượng Hải đổi lại thành 2 Mỹ Kim. Các cường quốc thì lo ngại một ngày kia Nhật Bản sẽ vùng lên nên hạn chế việc truyền kiến thức kỹ thuật cho Nhật Bản. Nhật Bản phải nhẫn nhục đi học đế quốc hạng nhì như Hòa Lan... về đúc súng và đóng thuyền để chờ ngày phục hận. Về tàu chiến, Hoa Kỳ và Anh ép Nhật phải chấp nhận nguyên tắc 5-5-3, tức Hoa Kỳ và Anh làm 5 thì Nhật Bản chỉ được làm 3...


Nhưng rồi từ từ Nhật Bản cũng học đuợc của Âu Mỹ 3 điều chính: kỹ thuật, tinh thần dân chủ cũng như tinh thần đế quốc. Khi Nhật Bản bắt đầu hùng mạnh, cụ thể là chiến thắng oanh liệt hạm đội Nga tại eo biển Ðối Mã năm 1905. Các đế quốc cũ lo sợ, tìm mọi cách hạn chế việc sản xuất vũ khí nhất là tầu chiến của Nhật. Nước Nhật dân đông, lại qúa ít tài nguyên, nên Nhật Bản lại cần tài nguyên và thị trường hơn cả các đế quốc đi trước. Thế là học gây chiến tranh

2) Nhật Bản trong thế chiến thứ hai
Trong khi Hitler khai chiến ở Âu Châu thì Nhật Bản hỗ trợ bằng cách khai chiến ở á Châu năm 1939, cụ thể là bất ngờ mở trận không tập Trân Châu Cảng (Honolulu, Hawaii) . Nhật Bản đã thắng lớn trong trận này nhưng vô tình đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến. Nhật Bản đem lòng dũng cảm ra đối đầu với Hoa Kỳ là nước hơn trội về kỹ thuật, tài nguyên và nhân lực. Khoảng 3,1 triệu binh sĩ và thường dân Nhật đã hy sinh vẫn không c ản được bước tiến của binh sĩ Hoa Kỳ. Hoa Kỳ ngay khi khai phát ra bom nguyên tử, để tiết kiệm xương máu và mau chấm dứt cuộc chiến, đã quyết định thả 2 qủa bom nguyên tử xuống Quảng Ðảo (Hiroshima) ngày 6/8/1945 và Trường Kỳ (Nagasaki) ngày 9/8/1945. Ngày 14/8/1945, Nhật Hoàng Hirohito lần đầu tiên lên tiếng trên đài phát thanh kêu gọi đầu hàng vô điều kiện.

Thời đó, Nhật Bản có khoảng 10 hàng không mẫu hạm (nay thì không còn chiếc nào) và khoảng 28.000 phi cơ, trong khi Hoa Kỳ có khoảng 15 hàng không mẫu hạm và khoảng 100.000 phi cơ. Vũ khí cá nhân của lính Nhật Bản là súng tường 38 nặng gần 4 kg, nạp đạn bắn từng phát một, trong khi lính Hoa Kỳ dùng súng Carbin M1 nặng 2,5 kg, bắn không cần lên đạn, liên tục 1 băng 30 phát. Nhật Bản phải đi mua dầu, trong khi dầu hỏa của Hoa Kỳ gần như vô tận... Vì qúa chênh lệch về phương tiện như vậy nên lính Nhật đã phải hy sinh rất nhiều, lấy sự dũng cảm cũng như động viên dân chúng để bù đắp cho sự thiếu thốn. Qua Thế Chiến Thứ 2, Nhật Bản chết khoảng 3,1 triệu người, trong số đó có 2,3 triệu binh sĩ. Thường dân đa số bị chết do trận không tập Ðông Kinh ban đêm ngày 10/3/1945, khi không quân Hoa Kỳ huy động tối đa lực lượng ở á Châu, gồm hàng ngàn máy bay, mà chủ yếu là oanh tạc cơ B29 mở trận oanh tạc đêm ngay trên thành phố khiến cho khoảng 200.000 người thiệt mạng. Hàng năm, ngày 10/3 được coi là ngày "Hòa Bình Ðông Kinh". Và 2 trái bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki khiến cho khoảng 200.000 khác người thiệt mạng. .

3) Nhật Bản sau thế chiến thứ hai
Hội nghị Yalta II của các lãnh tụ Ðồng Minh gồm Tổng Thống Hoa Kỳ Harry S. Truman, Chủ Tịch Nga Stalin, Thủ Tướng Anh Winson Churchill và Tổng Thống Trung Hoa Tưởng Giới Thạch quyết định số phận 2 nước bại chiến Ðức Quốc và Nhật Bản.


Hội nghị quyết định chia Ðức Quốc làm 2, 1 nửa phía tây do Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp Quốc, 1 nửa phía đông do Liên Sô chi phối. Nhật Bản thì bị chia làm 3, miền bắc do Liên Sô, miền trung do Trung Hoa, miền nam do Hoa Kỳ chi phối và đặc biệt xử tử Nhật Hoàng Hirohito cũng như một số lãnh tụ chính trị và quân sự như những tội phạm chiến tranh.


Thống Tướng Mac Arthur là Tư Lệnh Lực Lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đồng thời chỉ huy cuộc chiếm đóng Nhật Bản được lệnh thi hành quyết định của hội nghị Yalta II. Khi nghe tin này, hàng trăm ngàn người Nhật đã tràn xuống đường phố giăng biểu ngữ phản đối, yêu cầu rút lại quyết định của phe Ðồng Minh. Từng đoạn đường Thống Tướng Mac Arthur đi qua, một số cựu chiến binh Nhật qùy xuống, hướng về phía mặt trời biểu tượng của Nhật Hoàng và tổ quốc họ rồi mổ bụng tự sát để tỏ lòng trung thành của họ.

Trước dũng khí của người Nhật, Thống Tướng Mac Arthur không dám thi hành quyết định của hội nghị Yalta II. Ông không muốn Hoa Kỳ mang tiếng đã giết vị Thiên Hoàng thiêng liêng của họ, vì sẽ để lại vết nhơ muôn đời trong lịch sử Nhật Bản. Thiên Hoàng Hirohito là tư lịnh tuyệt đối, tất nhiên ông đã từng ra lịnh và có trách nhiệm về cuộc chiến, nhưng cạnh đó ông là biểu tượng của dân tộc Nhật Bản, một dòng họ duy nhất truyền liên tục 124 đời, giết ông là tạo vết thương lớn trong lòng toàn thể dân tộc Nhật. Ông đã khẩn cấp gọi điện báo cáo cho Tổng Thống Truman. Tổng Thống Truman liền liên lạc với các vị nguyên thủ kia, cuối cùng phe Ðồng Minh đồng ý hủy bỏ quyết định ở hội nghị Yalta II.


Người Nhật dù thất trận đã tỏ được lòng dũng cảm và yêu nước của họ khiến thế giới phải nể phục. Rồi với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, chỉ 15 - 20 năm sau họ đã nhanh chóng phục hồi và trở lại vai trò cường quốc và nay vượt qua cả nhiều cường quốc từng chiến thắng họ

(Nguồn :http://vietsciences1.free.fr/vietscience/lichsu/lichsucacnuoc/lichsunuocnhat.htm)
 
Bình luận (3)

BE NHOC KHIN

New Member
Ðề: Khái quát về Nhật Bản,một cách nhìn khác

:(

Bạn ơi, cho BNK hỏi chút, bạn có thể cho mình biết thông tin về lịch sử nước VIỆT NAM chi tiết và cụ thể như những gì bạn biết về Lịch sử của nước Nhật không?
Cảm ơn bạn trước nghen! :D

:)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top