Món ăn Việt trên xứ hoa anh đào

Món ăn Việt trên xứ hoa anh đào

Cô Naomi Imoto - một người Nhật từng sống 10 năm tại Việt Nam, hiện ngụ tại 1-4-13 Motomachi, TP Osaka - là giáo viên dạy nấu món Việt. Những nhận xét thú vị và nỗi bức xúc về sự phai nhạt của món ăn Việt Nam nơi hải ngoại được người phụ nữ Nhật này thể hiện trong bài viết dưới đây.

Tôi sống ở Việt Nam đã hơn 10 năm và yêu thích các món ăn của dân tộc này. Không riêng tôi, nhiều người đồng hương cũng có ấn tượng đặc biệt về hương vị Việt Nam. Rất nhiều người Nhật đi du lịch Việt Nam chỉ để có cơ hội nếm món ăn Việt thuần chất, không lai tạp.

Một người bạn Việt Nam hỏi tôi: tại sao người Nhật lại thích món ăn Việt đến thế? Đơn giản vì chúng tôi cảm thấy hợp khẩu vị. Món ăn Việt thường không nhiều dầu mỡ như món Trung Quốc, không cay như món Thái, đặc biệt luôn có những chén nước mắm với hương vị đặc trưng kèm theo. Ngoài ra, món ăn Việt thường ăn kèm với nhiều rau, đó cũng là một lý do khiến người Nhật thích ăn món Việt.

Bạn tôi tiếp tục đặt câu hỏi: vậy người Nhật thích món ăn nào của Việt Nam nhất? Rất thú vị, và cô ấy đã tỏ ra bất ngờ khi biết câu trả lời.

Mỗi người mỗi sở thích, thế nên khó nói rằng người Nhật thích món ăn nào của Việt Nam nhất. Tuy nhiên, có thể chia làm hai khuynh hướng khác nhau. Đối với người Nhật sống tại Nhật, món ăn Việt Nam được ưa chuộng nhất là gỏi cuốn, tiếp theo là phở và chả giò. Tại sao món gỏi cuốn đơn giản lại được người Nhật thích đến như vậy?

Truyền hình và các tạp chí ẩm thực là yếu tố quyết định. Món gỏi cuốn được quảng bá thường xuyên trên truyền hình và các tạp chí, đến mức trở nên "thân thiết" với người Nhật. Các tiệm ăn Việt Nam trên đất Nhật bán rất nhiều loại gỏi cuốn. Các siêu thị cũng bán gỏi cuốn làm sẵn có thể mang về nhà ăn ngay. Gỏi cuốn ở Nhật được chế biến bằng tôm, cá sa-mon (hoặc thịt gà) cùng với rau các loại.

Những người Nhật đang sống ở Việt Nam thì lại có quan điểm khác hẳn về món ăn Việt. Theo đó, món ăn mà họ thích nhất chính là gỏi ngó sen, gỏi đu đủ hoặc các món ăn có nhiều rau. Cá kho tộ và thịt kho trứng cũng rất được người Nhật ưa thích và họ có thể tìm thấy ở bất cứ tiệm ăn bình dân nào tại Việt Nam.

Vì sao người Nhật lại hay nói về gỏi cuốn đến thế thì thật khó giải thích. Tôi tìm thấy ở đây một sự tương đồng trong cách nhìn nhận về món ăn tiêu biểu của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, khi tôi hỏi người bạn Việt Nam rằng bạn biết gì về món ăn Nhật, chị ấy đã kể ra vài cái tên như sushi (cơm, rong biển, cá sống), sashimi (cá sống), tempura (món lăn bột chiên), sukiyaki (bún ăn với thịt bò, rau). Đó là những món ngon nhưng thực tế, người Nhật không thường xuyên ăn. Theo tôi, cũng như trường hợp món gỏi cuốn tại Nhật, rất nhiều người Việt Nam biết đến những món ăn trên - đặc biệt là sushi hoặc sashimi - là nhờ các phương tiện truyền thông.

Không phải những loại nguyên liệu, gia vị nào mà người Việt Nam ưa thích cũng được ưa chuộng tại Nhật. Đại đa số người Nhật không thích ăn các loại rau thơm như hành, ngò, rau húng quế... Nhiều người Nhật cũng e ngại với các món chân gà, vịt; nội tạng của heo như tim, lòng, phèo, phổi hoặc huyết... Nước mắm là một loại nước chấm nhạy cảm, và tại các nhà hàng Việt trên đất Nhật, người pha chế phải có đủ sự tinh tế để làm hài lòng thực khách.

Điều đáng tiếc là đại đa số món ăn Việt ở Nhật được các đầu bếp làm theo cách riêng, trong đó có những món tôi chưa từng ăn bao giờ hoặc "không Việt Nam" chút nào. Nói chung, những món ăn này chỉ có cái tên Việt Nam, còn hương vị thì hoàn toàn xa lạ.

Thực tế, nhiều đầu bếp Việt Nam làm việc tại Nhật cho biết, họ thật sự muốn làm những món Việt chính gốc để người Nhật thưởng thức nhưng phương châm của các ông bà chủ là món ăn của tiệm phải hợp khẩu vị người Nhật. Kinh doanh là kinh doanh mà!

Để món ăn Việt trở nên phổ biến và đi vào tiềm thức thực khách Nhật Bản như các món ăn Hoa, Thái hoặc Ý, thì trước tiên người Việt - hay người Nhật hiểu biết về món ăn của dân tộc này - phải biết trân trọng hương vị của món ăn Việt.

Theo tôi, hãy để người Nhật biết đến hương vị nguyên thủy của món ăn Việt Nam trước, sau đó có thể thay đổi chút ít để phù hợp với khẩu vị người Nhật. Đằng này, chưa gì người ta đã tự ý "Nhật hóa" món ăn Việt.

Đó là một sự bất kính đối với món ăn Việt Nam, buồn hơn nữa khi điều đó còn tạo cho người Nhật nhận thức sai lệch về món ăn Việt một cách trầm trọng. Nếu chúng ta biết gieo hạt thì một khi rễ đã ăn sâu, lan tỏa, nỗ lực của chúng ta về việc truyền đạt đến người Nhật món ăn đích thực của Việt Nam sẽ trở thành hiện thực.

Còn bây giờ, cứ mỗi lần đến một nhà hàng Việt trên đất Nhật dùng bữa, tôi lại nhớ Việt Nam da diết...

Naomi Imoto
(Theo Thanh Niên)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top