Nhật giải cứu "dân tị nạn net cafe"

Nhật giải cứu "dân tị nạn net cafe"

Vạ vật đêm này qua đêm khác ở quán cà phê Internet, biến phòng máy thành nơi ăn ngủ, sinh hoạt của mình. Đó là đặc điểm chung của những người vô gia cư mới mà báo chí Nhật gọi là "dân tị nạn net cafe".

Họ thường có tuổi đời rất trẻ, nhiều người dù cố gắng kiếm tiền vẫn không đủ chi trả cho một chốn nương thân tử tế.

Tuy nhiên, trong một tương lai không xa, những hình ảnh gây xốn xang cho xã hội Nhật Bản ấy sẽ dần biến mất. Lần đầu tiên chính quyền Tokyo đã quyết định mở rộng tay giúp đỡ "những người tị nạn net cafe" làm lại cuộc sống bằng hệ thống cho vay không lãi suất, sẽ được triển khai vào năm tài khóa này, bắt đầu từ tháng 3-2008.

Báo Mainichi cho biết chính sách hỗ trợ này dành cho tất cả "người tị nạn", nhưng sẽ ưu tiên giúp đỡ những người cầu tiến, có ý chí xây dựng một cuộc sống ổn định, ví dụ như quyết tâm tìm kiếm việc làm. Họ sẽ được cho vay đến 600.000 yen (gần 5.500 USD) để trả chi phí thuê căn hộ và các sinh hoạt phí ban đầu. Chính quyền cũng sẽ thành lập một trung tâm tư vấn và mời gọi các tổ chức phúc lợi xã hội tham gia giúp đỡ.

Theo khảo sát do Bộ Y tế - lao động và phúc lợi thực hiện vào tháng 4-2007, dân số của "cộng đồng tị nạn" này trên toàn nước Nhật đã lên đến 5.400 người. Họ dành ra ít nhất ba ngày trong tuần để sống lay lắt tại các quán cà phê Internet hoặc những nơi chốn tương tự. 2.000 người trong số đó đang tá túc ở 23 phường của Tokyo.

"Có nhiều người bị vướng vào vòng luẩn quẩn không tìm được việc làm vì không có nhà cửa ổn định. Nếu vấn đề không được giải quyết, số người bị buộc phải ra đường để sống sẽ còn tăng hơn nữa". Lời nhận xét của một đại diện chính quyền Tokyo đã phần nào nói lên thực trạng cùng quẫn của những người chọn thân phận "tị nạn" ngay trên chính quê hương mình.

Khi được hỏi tại sao lại sống một cuộc đời khổ sở như con thuyền không bến đậu, 66% người nói họ không có đủ tiền để đặt cọc mua nhà, 38% thừa nhận không có nguồn thu nhập thường xuyên để đảm bảo trả tiền thuê nhà, 31% cho rằng không tìm được người bảo lãnh.

Ông Makoto Yuasa, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận "Trung tâm hỗ trợ Moya vì một cuộc sống độc lập", cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ thích hợp. "Thực tế mà nói những người tị nạn net cafe không thể dành dụm tiền để thuê căn hộ. Do đó các biện pháp hỗ trợ là rất cần thiết. Cần lưu ý các điều kiện đi kèm trong lúc cho vay để đảm bảo đây thật sự là một hệ thống thân thiện, có ích" - ông nói.

THANH TRÚC (TTO)
 

Đính kèm

  • nhatcafe.JPG
    nhatcafe.JPG
    6.7 KB · Lượt xem: 229

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top