Người võ sĩ đạo cuối cùng (The last samurai)

Người võ sĩ đạo cuối cùng (The last samurai)

“Nếu hoàng thượng nghĩ rằng hạ thần là kẻ thù của ngài, thì hạ thần sẽ tự dâng đầu cho ngài” - Algren, một trong hai kẻ chủ mưu nổi loạn còn sống sót sau trận chiến tiêu diệt đội quân võ sĩ đạo của sứ quân Katsumoto, trả lời Minh Trị thiên hoàng như thế.

Chỉ một câu nói đầy tính chất “võ sĩ đạo” đó đã đủ để thuyết phục nhà vua trẻ này nghĩ lại và nhìn thấy lại nơi Algren và Katsumoto, vị sứ quân mà nhà vua vừa ra lệnh tiêu trừ tận gốc, những trung thần ngày nào. Nhà vua bèn dịu giọng trở lại:

- Hãy kể ta nghe ông ta đã chết như thế nào?

- Algren: Hạ thần sẽ kể cho hoàng thượng nghe ông ta đã sống như thế nào.

Quả thật, sứ quân Katsumoto trong tâm khảm mình luôn nghĩ rằng ông đã trung thành với hoàng đế, như tổ tiên ông đã từng như thế. Trong khi đó, gã tài phiệt Omura âm mưu câu kết với ngoại bang, mượn chiêu bài hiện đại hóa đất nước, trong đó có hiện đại hóa quân đội, mà bán nước, vinh thân phì gia. Omura khuynh đảo triều chính, lấn lướt cả nhà vua, ép nhà vua theo con đường hiện đại hóa của y...

Thế nhưng, Katsumoto đã không thức thời. Nhà vua muốn hiện đại hóa đất nước, như thông điệp vĩ đại của Minh Trị thiên hoàng trước triều đình: “Tổ tiên ta đã cai trị nước Nhật này từ 2.000 năm qua. Trong suốt thời gian đó, chúng ta đã ngủ vùi. Đêm qua, khi ngủ ta đã nằm mơ. Mơ thấy thống nhất đất nước. Mơ thấy một đất nước hùng mạnh, độc lập và hiện đại”.

Tiếc là sứ quân Katsumoto vẫn cứ sống và chết cho khái niệm trung thần võ sĩ đạo của cái đã trở thành quá khứ. Cái quá khứ của một nước Nhật mà nhân vật “người dẫn truyện” Simon Graham trong phim đã mô tả: “Người ta bảo rằng nước Nhật do một thanh kiếm đúc thành. Họ cũng kể rằng các thần linh đã cắm một thanh kiếm bằng san hô xuống đại dương. Đến khi thần linh rút thanh kiếm lên, bốn hòn san hô toàn bích nhất rơi trở lại xuống biển, biến thành quần đảo Nhật Bản. Còn tôi, tôi bảo rằng nước Nhật được tạo thành bởi một dúm người can trường, sẵn sàng hiến mình cho điều mà ngày nay đã trở thành một từ ngữ bị lãng quên: danh dự”.

Chỉ sau khi nghe Algren (Tom Cruise) nhắc lại quá trình sống và cống hiến của Katsumoto, nhà vua mới đầm đìa nước mắt. Thế nhưng, thương tiếc thì thương tiếc, chứ điều đó cũng không ngăn nổi ý muốn thống nhất uy quyền của ông mà cơ bản phải là xóa sổ những gì cổ hủ cản trở, trong trường hợp này là chấm dứt hoạt động của các võ sĩ đạo để dẹp nạn sứ quân. Tiêu diệt sứ quân Katsumoto chính là vì mục đích ấy.

Xem phim, có vẻ như Minh Trị còn non trẻ nên dễ bị tài phiệt Omura xỏ mũi. Thế nhưng, đó cũng là một ông vua không hoa mắt vì cái mới: “Giờ đây chúng ta đã thức giấc. Chúng ta nay đã có đường sắt và quần áo phương Tây. Thế nhưng, chúng ta không được phép quên chúng ta là ai, đến từ đâu...”. Một cảnh khác: trên lưỡi kiếm báu mà sứ quân Katsumoto trao cho gã võ sĩ đạo người Mỹ Algren có khắc dòng chữ đại ý: vinh quang thuộc về kẻ nào biết kết hợp quá khứ với tương lai. Minh Trị trong sử đã là một trong những người như thế. Nước Nhật đã thức giấc vào năm 1877 đó bằng máu của các sứ quân và võ sĩ đạo nào không chịu hạ kiếm, bằng sự đoạn tuyệt với những cản trở của quá khứ.

Mỗi dân tộc chỉ thật sự bắt đầu lịch sử của mình, hay nói cách khác chỉ “làm nên lịch sử”, khi thức giấc và đoạn tuyệt với đêm qua, chứ không vừa thức vừa ngái ngủ.

(Theo Tuổi Trẻ)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top