Nhật Bản: Bí ẩn về sự mất tích hàng loạt của người cao tuổi

-nbca-

dreamin' of ..
Những cụ già bách niên thực sự đã chết nhưng vẫn được khai báo là còn sống đang tràn ngập Nhật Bản. Thống kê ban đầu cho thấy trên toàn nước Nhật có đến gần 500 cụ trên 100 tuổi mất tích một cách bí ẩn và điều này đang gây tâm lý hoang mang và lo sợ cho người dân tại đất nước được coi là thọ nhất thế giới này. Công luận Nhật nghi ngờ có chuyện gian dối để lĩnh tiền trợ cấp.

26_nhat986.jpg

Nhật Bản hiện có 40.000 người trên 100 tuổi.

Quần đảo Nhật Bản có trên 40.000 cụ ông, cụ bà thọ trên 100 tuổi. Người có tuổi thọ cao nhất hiện nay là bà Chiyono Hasegawa, 113 tuổi, sống tại tỉnh Saga.

Gần đây cảnh sát phát hiện cụ ông Sogen Kato, 111 tuổi, theo giấy hộ tịch ở Tokyo, và cũng được xem là công dân có tuổi thọ cao nhất tại thủ đô, thật ra đã chết trong căn hộ riêng từ 3 thập niên trước đây mà không ai hay biết, căn cứ trên những tờ báo mà cụ đã mua vào thời điểm đó. Thành ra chính quyền Nhật nhận thấy rằng có những trường hợp người lớn tuổi chết cô đơn mà không ai hay biết và ngay cả những giấy tờ khai báo về nơi cư trú hoặc khai tử không có ai làm cho họ. Do vậy trong hồ sơ hộ tịch, những người này vẫn coi là còn sống nhưng thực ra họ đã chết.

Sau phát hiện trên, chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh trên toàn nước Nhật đã mở cuộc thanh tra xem ai còn, ai mất trong danh sách người 100 tuổi ở tỉnh nhà. Kết quả sơ khởi cho thấy chỉ riêng ở Kobe, trong số 847 bậc bách niên, 105 cụ đã biến mất không biết tự bao giờ mà từ thân nhân đến láng giềng không ai thông báo.

Trước điều này, Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản đã cho mở cuộc điều tra rộng rãi. Tới giờ này mặc dù chưa cho kết quả tổng kết trên toàn quốc nhưng theo giới thông tin truyền thông Nhật thì qua kết quả điều tra của 20 tỉnh có đến 242 người trên 100 tuổi được liệt vào đối tượng không rõ tung tích. Như vậy, nếu tính trên toàn quốc là 43 tỉnh thì con số người bách niên mất tích hoặc đã chết lên đến gần 500 người. Đây là một con số quá lớn, vì từ xưa đến giờ chính quyền Nhật vẫn đinh ninh rằng, những người này còn sống và tuổi thọ bây giờ là 113 hoặc 114 nhưng rốt cuộc lại không tìm ra.

Sở dĩ có sự điều tra hàng loạt số lượng người trên 100 tuổi tại Nhật hiện nay là sự ngỡ ngàng khi người ta đinh ninh có những người tên tuổi như vậy còn sống nhưng rốt cuộc họ đã chết từ lâu hoặc không thể liên lạc được, thành ra có thể là người đó mất tích hoặc đã chết trong khi hồ sơ và thống kê thì vẫn coi người đó còn sống. Vì vậy chính quyền Nhật nhận thấy phải kiểm duyệt lại toàn bộ con số này.

Việc các cụ mất tích hoặc mất liên lạc là vì các cụ sống một mình và khi dọn nhà lại không thông báo với ai hoặc nếu có thì ngay cả những người thân của các cụ trên 100 tuổi cũng đã bước vào tuổi 80 hoặc 90 rồi. Những người này đã bước vào tuổi lẩm cẩm nên rất có thể không nhớ gì. Hoặc cũng có trường hợp tên của các cụ vẫn còn và vẫn lĩnh trợ cấp nhưng do lớn tuổi nên các cụ không thể đích thân đi nhận tiền mà nhờ người thân lĩnh giùm nên có thể có một số trường hợp gian dối, người được hưởng trợ cấp mặc dù đã chết nhưng người thân không khai báo để tiếp tục được lĩnh trợ cấp.

Trong số những trường hợp người trên 100 tuổi không rõ tung tích, có đến 50% ghi là ở chung với thân nhân. Nhưng khi chính quyền rà soát lại thì phát hiện có nhiều người nói là ở chung với thân nhân nhưng thực ra là không phải vậy.

Trước tình trạng này, các cơ quan hành chính Nhật hiện đã gửi giấy yêu cầu xác nhận tới từng người được hưởng tiền trợ cấp. Nếu không có phản hồi, chính quyền sẽ đến tận nơi ở để điều tra và nếu thấy không còn hiện diện nữa, họ sẽ xóa sổ không trợ cấp nữa.

Trợ cấp người già ở Nhật được chia làm hai trường hợp. Thứ nhất, những người lĩnh theo tiền lương hưu. Mức tiền trợ cấp này sẽ phụ thuộc vào số thời gian làm việc và mức lương nhận được tại thời điểm nghỉ hưu. Tuổi hưu hiện tại Nhật là 65. Thứ hai, tại Nhật cũng như ở các nước phát triển khác, chính quyền chu cấp một mức sống tối thiểu cho người dân. Chẳng hạn một cụ bà không đi làm, không đóng góp bảo hiểm xã hội, thì vẫn được lĩnh một khoản tiền hàng tháng gọi là bảo hộ sinh hoạt. Khoản tiền này mặc dù không cao, khoảng 600 đến 700 USD/tháng, nhưng đủ để đảm bảo cho người già sống được.

Người Nhật có truyền thống tặng quà sinh nhật cho những người 100 tuổi, tuy nhiên do có đến 40.000 người trên 100 tuổi trên cả nước nên theo giới quan sát, việc để lọt sổ 500 người là con số quá nhỏ, hơn 1%. Vì những người lớn tuổi quá, lâu ngày họ sống đơn độc một mình nên chính thân nhân cũng không biết.

Có dư luận cho rằng, phát hiện người trên 100 tuổi mất tích hàng loạt tại Nhật sẽ làm tỉ lệ người trường thọ tại Nhật giảm xuống so với những thống kê từ trước đến nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, con số 500 người bị mất tích không ảnh hưởng nhiều tới kỷ lục 40.000 người bách niên mà Nhật đang nắm giữ. Tuổi thọ trung bình của các cụ bà tại Nhật hiện nay là 86,44, mức cao nhất thế giới trong suốt 25 năm qua, của các cụ ông là 79,59, đứng hàng thứ 5 trên thế giới.

Hiện cả nước Nhật đang nóng lòng chờ đợi kết quả thống kê toàn quốc về số lượng người trên 100 tuổi, dự báo sẽ được công bố trước ngày 20/9 tới.

(Theo ANTG)
 
Top