Nhật đứng trước nỗi lo khoảng cách giàu nghèo

Nhật đứng trước nỗi lo khoảng cách giàu nghèo

Vốn tự hào là một quốc gia luôn duy trì được tình trạng quân bình trong xã hội nhưng hiện nay Nhật bắt đầu chứng kiến khoảng cách giàu nghèo được mở rộng.

Yoshinori Umemoto từng có cuộc sống khá thoải mái với nghề viết văn và trợ lý đạo diễn truyền hình cho tới khi tất cả những công việc tự do của anh không còn nơi sử dụng và 4 công ty mà anh làm cho lần lượt đóng cửa. Hiện nay, Umemoto là một trong số nhiều người Nhật phải sống nhờ phúc lợi xã hội.

''Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng có ngày phải sống nhờ trợ cấp của nhà nước'' Umemoto nói. Hiện, anh này đang sống trong một căn hộ nhỏ và phải tính toán làm sao có thể sống nổi tại một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Umemoto đang đứng trước những khó khăn chồng chất về tài chính, bệnh tật - tiểu đường và trầm uất.

Trong khi đó, tại một khu vực khác ở Tokyo, Mayumi Honda và Hinako Yamazoe đang bận rộn với thú vui: tiêu tiền vào các mặt hàng xa xỉ.

Cả hai phụ nữ, đều trong độ tuổi 44 cho biết, mỗi người mới tiêu khoảng 1.700 USD cho một chiếc áo khoác hiệu Emporio Armani, túi Bally, đôi giày Max Mara và một vài món đồ đắt tiền khác.

''Tôi vừa mua một ngôi nhà vì mọi người nói tôi nên mua nó vào lúc này. Tôi đã để dành tiền vì nó'' Yamazoe - bác sĩ thú y nói khi hai người đang dạo bước qua các cửa hàng sáng loáng trưng bày các mặt hàng của Chanel và Louis Vuitton.

Sau một thập niên nhiều bất ổn, nền kinh tế Nhật vững vàng và nổi bật hơn thì nước này lại đối mặt với khoảng cách giàu nghèo ngày càng mở rộng. Những thay đổi này không thể không khiến Nhật - một quốc gia vốn tự hào về tình trạng quân bình trong xã hội, chỉ có tầng lớp trung lưu - lo lắng.

Ngày nay, việc mua hàng đắt tiền đang là mốt ở Nhật. Những ngôi nhà sang trọng có giá tới 850.000USD thường được bán hết veo....trong vòng 3 năm, từ 2001-2004 số triệu phú Nhật tăng 10%, báo cáo hàng năm về Thịnh vượng của thế giới của Merril Lynch cho thấy.

Trong khi đó, tỷ lệ người nghèo ở Nhật lại tăng gần gấp đôi, từ 8,1% năm 1994 lên 15,3% năm 2000. Số các gia đình không có tiền tiết kiệm đã lên tới 22,8% năm 2005, con số cao nhất kể từ khi Nhật tiến hành khảo sát về tình hình này từ năm 1953.

Ngoài ra, số dân phải sống nhờ trợ cấp xã hội cũng tăng đều, từ 0,7% năm 1995 tới 1,11% năm 2004, Bộ Y tế Nhật cho hay. Số hộ gia đình nhận trợ cấp của nhà nước đã đạt tới con số 1 triệu vào tháng 10. Đây là lần đầu tiên số gia đình nhận phúc lợi xã hội tăng cao như vậy kể từ khi chính phủ triển khai chương trình trợ cấp này vào năm 1951.

Những thay đổi trên khiến nước Nhật bị sốc. Kể từ Thế chiến II, Nhật vẫn luôn tự hào về khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế ngoạn mục mà không dính dáng tới các vấn đề xã hội như đang hoành hành tại phương Tây như tình trạng vô gia cư tràn lan, bất bình đẳng về kinh tế, đói nghèo.

Xu hướng trên đã dẫn tới sự ra đời của một loạt cuốn sách nói về tình trạng bất bình đẳng, gồm cả cuốn ''Xã hội hạ lưu''. Tình trạng chênh lệch trong xã hội cũng là chủ đề thường xuyên được đề cập trong các buổi thảo luận của Quốc hội Nhật.

Lo ngại sự bất bình đẳng sẽ có ngày biến Nhật thành một xã hội phân cực, có tỷ lệ tội phạm cao ...chính phủ nước này hôm 30/3 đã triển khai một lực lượng đặc nhiệm chuyên giúp đỡ các công nhân thất nghiệp và những công ty bị phá sản.

''Ngày càng có nhiều người sống dựa vào phúc lợi xã hội và mỗi lúc lại có thêm các sinh viên không thể trả tiền ăn trưa. Điều đó thật đáng lo ngại'', ông Hajime Ota - một nhà kinh tế học tại trường đại học Doshisha ở Kyoto nói.

Hiện nay, phần lớn người Nhật đã nhận thức rõ khoảng cách giàu nghèo được mở rộng cùng với sự phục hồi của kinh tế. Theo kết một cuộc khảo sát mới đây do tờ Tokyo Shimbun tiến hành, 87% số người được hỏi nói họ tin rằng khoảng cách giữa người có-không có tài sản đang tăng lên, chỉ có 8% nói mọi việc vẫn bình thường.

Mặc dù nhiều người dân Nhật coi mình thuộc tầng lớp trung lưu nhưng khoảng cách giàu nghèo vẫn là một vấn đề xã hội nghiêm trọng, và nó cũng là chủ đề thường được các nghị sĩ đề cập trong mọi cuộc họp. Quốc hội Nhật đã tiến hành các cuộc thảo luận để tìm ra những cách tốt nhất giảm được khoảng cách giữa những người có và người không có gì.

Nhiều thành viên đảng đối lập đã chỉ trích các chính sách kinh tế của Thủ tướng Koizumi đã tạo nên khoảng cách này. Các sáng kiến của Thủ tướng vừa kích thích kinh tế phát triển vừa tạo điều kiện cho các công ty giảm quy mô bằng cách thuê công nhân bán thời gian hoặc cắt giảm lương.

(Theo VNN)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top