Thảo luận về dịch thuật - nạn dịch sai

thuchai

New Member
Nguồn: Bản rút gọn của bài viết này đã đăng trên báo Văn Nghệ số 1+2 năm 2005, bản đăng trên talawas là toàn văn bài viết.

7.1.2005
Bùi Việt Bắc
Nạn dịch sai đang phá hỏng tiếng Việt
(Phát hiện một số từ dùng sai trong tiếng Việt và chứng minh chúng do những người dịch đưa vào)

Có lần, một ông đồng nghiệp từng cùng đi làm chuyên gia xuất bản với tôi trong một nhiệm kỳ thông báo cuốn sách ông ấy vừa in. Trong đó ông dành 85 trang để liệt kê và phân tích các lỗi dịch sai của một cuốn sách khác. Ðiều đáng nói là người dịch sai hơi bị nhiều kia lại từng nhiều chục năm đứng trên bục giảng đại học để dạy chính môn dịch tiếng Anh. Ðể chia sẻ, tôi đưa ông một trang bản thảo cùng với photo nguyên bản: cả thảy 15 câu tiếng Anh mà dịch sai 14 lỗi! Và đây là trang bất kỳ tôi mở ra ngay sau khi nhận bản thảo. Người dịch này cũng khá lâu năm.

Tháng 11 năm 1999 tôi có viết một bài báo dẫn chứng Ðài Truyền hình Trung ương (ÐTHTƯ) dịch sai hơi nhiều. Trong bài báo đó tôi có gợi ý đổi tên chương trình Ðường lên đỉnh Olympia vì ở Hy Lạp không có đỉnh Olympia mà chỉ có đỉnh Olympus (ta gọi là Ôlanhpơ). Ba tờ báo lần lượt khước từ đăng vì họ không muốn đụng đến đồng nghiệp quá to lớn này. ÐTHTƯ độc quyền phục vụ hàng chục triệu người cả nước, cái sai của họ tác hại rất lớn.

Vai trò của công tác dịch thuật đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, nâng cao dân trí… chắc chắn là không ai nghi ngờ cả. Cho nên nếu ta còn làm ẩu thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

Tiếng Việt đang mất dần bản sắc do chúng ta phải nghe quá nhiều lối hành văn của những người dịch không thoát. Thí dụ “thú nhỏ nhất là một loài dơi đến từ Thái Lan” (trên một tờ báo to), “Ðội tuyển bóng đá Việt Nam đã bị thua trước đội Mianma 3-0” (trên một tờ báo khác), “Ban Văn hoá Giáo dục trong thành phần của Quốc hội”, “Những chiếc lá trên một cành cây đang tỏ ra rung rinh trước những cơn gió”, “Cụ Nguyễn Trãi được biết đến như một nhà thơ lớn”... Rất nhiều người không biết tiếng Tây mà vẫn có lối hành văn với những chữ thừa kiểu như vừa nêu.

Trong bài này tôi không nói về lỗi dịch sai của từng cá nhân (việc đó phải nhiều tập sách mới kể hết) mà đi thẳng vào những cái sai đã qua mắt gần như tất cả chúng ta, nghiễm nhiên đi vào tiếng Việt, được sử dụng rộng rãi, chưa có ai phát hiện, để làm sáng tỏ một trong những tác hại của dịch sai là phá hỏng tiếng Việt.

Có một từ mà tần số xuất hiện chắc chắn là hàng đầu trong lời nói hằng ngày, trên sách báo, phát thanh truyền hình, văn bản giao dịch, tài liệu khoa học… Có thể nói là mỗi chúng ta hằng ngày đều đụng đến.
Ðó là từ vi tính!

Từ này có nguồn gốc dịch sai.

Máy tính trước những năm bảy mươi to bằng cả gian nhà. Nhờ có phát minh ra bóng bán dẫn vào cuối những năm bốn mươi và vi mạch silicôn những năm sáu mươi mà vào đầu thập kỷ bảy mươi chiếc máy tính kích thước nhỏ đầu tiên ra đời. Ðó là tiền thân của toàn bộ thế hệ máy tính ta dùng bây giờ. Tại nơi sinh ra, nó được gọi là microcomputer (máy tính cực nhỏ). Tôi gặp cụm từ máy vi tính lần đầu tiên vào khoảng giữa những năm tám mươi trong quyển sách của một dịch giả lớn, nhưng chắc là không phải ông này đã dịch từ này đầu tiên. Với đà phát triển vũ bão của microcomputer cường độ sử dụng từ vi tính ở ta cũng theo đó mà tăng ồ ạt! Không hề có một ai do dự khi dùng từ này. Trên sạp báo thường có một tờ báo tên là Vi tính, một tạp chí là Thế giới vi tính.

Chúng ta đều biết trong các tổ hợp từ vi trùng, thế giới vi mô… thì vi bổ nghĩa cho từ đứng sau nó để đem lại ý nghĩa cực nhỏ: trùng cực nhỏ, thế giới cực nhỏ… Như vậy vi tính là tính cái cực nhỏ. Nhưng trong chữ microcomputer thì cái cực nhỏ là cái máy chứ đâu phải việc tính. Các loại máy tính bây giờ so với thế hệ cũ thì tất nhiên là cực nhỏ rồi. Còn việc tính ở đây đâu có nhỏ! Ðó là cái sai thứ nhất: Hiểu sai ý.

Cái sai thứ hai là chữ tính không phải là âm Hán Việt để mà kết hợp với chữ vi theo kiểu này! Cùng xuất hiện với từ microcomputer trong tiếng Anh còn có từ microplane (máy bay cực nhỏ). Nếu mà cứ dịch theo kiểu máy vi tính thì trong tiếng Việt ta còn có thêm máy vi bay (!)

Cái sai thứ ba là theo lôgíc thông thường nhất: Khi tất cả các máy tính đều vi cả thì việc gì phải gọi chúng là vi nữa! Ngay trong tiếng Anh, người ta chỉ gọi microcomputer lúc vừa mới xuất hiện để phân biệt với các máy tính thế hệ cũ, sau đó chỉ là computer thôi.

Bớt chữ vi, đỡ nhiêu khê lại tiết kiệm biết bao giấy mực và thời gian!

Có cụm từ mà tôi thấy phân vân ngay khi nghe lần đầu tiên. Ðó là tên bộ phim hoạt hình Nga nhiều tập Hãy đợi đấy. Phim hay, tiếc là dịch cái tên chưa đúng. Trong Từ điển tiếng Nga bốn tập do Viện tiếng Nga thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô xuất bản năm 1984, từ pogodit ngoài nghĩa là đợi còn một nghĩa khác nữa là lời đe doạ (khi ở mệnh lệnh thức). Thế thì phải dịch là Liệu hồn chứ. Về lời dịch này tôi đã trao đổi với vài đồng nghiệp người Nga, họ hoàn toàn nhất trí. Có người nói Hãy đợi đấy cũng ngụ ý lời đe doạ. Theo tôi thì đó là do nghe mãi thành quen. Nhưng cứ cho đó là lời de doạ đi nữa thì lời đe doạ này nghe èo uột quá, không giống với lời đe doạ tức đầy ruột như nội dung phim.

Từ đầu những năm 70 trong nhiều bài báo ở ta, tôi thấy tên tạp chí Nga Sovremennik được dịch là Người đương thời. Các dịch giả đã mắc một lúc hai cái sai.

Trong tiếng Nga danh từ Sovremennik chỉ có một nghĩa duy nhất là Người cùng thời mà thôi! Có nghĩa là những người sống cùng thời với nhau, không nhất thiết trong quá khứ hay hiện tại. Họ đã nhầm với một trong các nghĩa của tính từ sovremennưi là hiện thời, hiện nay. Còn cái sai thứ hai là diễn đạt tiếng Việt cũng sai nốt! Từ xưa đến nay chúng ta đều hiểu đương thời là thời bấy giờ, thời đó, tức là quá khứ chứ đâu phải là bây giờ! Cho đến nay, tất cả các từ điển của nước ta và kể cả của Trung Quốc chưa thấy chỗ nào viết đương thời là thời đang diễn ra cả.

Ba mươi năm trôi qua, từ dịch sai, viết sai, đọc mãi, nghe mãi thành quen, thành khái niệm. Khi viết bài này tôi có hỏi một loạt dịch giả, nhà văn, biên tập... Họ đều trả lời: “Người đương thời là đang sống với chúng ta bây giờ, vì đương =đang. Ðương đại cũng thế”. Ðài truyền hình cũng có một chương trình mang cái tên sai tiếng Việt này nên số người hiểu sai do đó càng tăng nhanh.

Chúng ta đều biết trong các kết hợp Hán-Việt, các âm Hán chỉ kết hợp với Hán và tính từ đi trước danh từ. Tổ hợp từ này đọc lên nghe loảng xoảng như âm Hán-Việt, đáng tiếc là trong Từ hải (từ điển tiếng Hán), đương có 14 nghĩa nhưng không hề có nghĩa nào là bây giờ, đang diễn ra cả! Ðương=đang là của tiếng Việt chứ không phải tiếng Hán, đương tiếng Hán kết hợp với thời sẽ ra nghĩa khác. Trong tổ hợp từ “đương kim vô địch” thì từ tố kim mới là bây giờ, chứ không phải là đương. Ðương ở đây có nghĩa là đích thị. Nhầm lẫn chính là ở đây.

Cái sai của đương thời cũng như của thăm quan, yếu điểm, đọc giả…

Tương tự, đương đại cũng được hiểu là đang diễn ra. Những người được hỏi còn giải thích: là những gì diễn ra trong vòng mươi, mười lăm năm lại đây. Hiểu như thế là chưa được chuẩn. Thứ nhất: nếu xem đương là đang thì nó là âm Việt, không thể kết hợp với đại vì đại là âm Hán-Việt. Thứ hai, những người soạn ngữ pháp tiếng Việt gọi đương=đang là hư từ (một dạng trạng từ), chỉ có thể đi kèm động từ hoặc tính từ chứ không thể bổ nghĩa trực tiếp cho danh từ. Thứ ba: đã là thời đại thì phải mang tính thời đại, không thể là giai đoạn ngắn trước mắt được!

Trong tiếng Hán hiện đại người ta có dùng từ đương đại nhưng không phải là khoảng thời gian ngắn đang diễn ra. Một giáo sư Hán ngữ giải thích cho tôi rằng đương đại được xem là từ 1949, để phân biệt với hiện đại được xem là từ 1911 (hoặc 1919). Ta có thể thấy đương ở đây không phải là đang mà là ở tại, giống như trong đương cục, đương đạo. Ðại ở đây tôi cho là cách hiểu ngầm của thời đại Này cũng như khi nói người giàu nhất hành tinh thì hành tinh đây mọi người đều hiểu ngầm là hành tinh Này, tức là Trái đất.


Tạp chí Ogoniok, trong tất cả các bản dịch ở ta là Ngọn lửa nhỏ. Tên này đem lại ý nghĩa và ấn tượng gì (?) khi trong tiếng Nga nghĩa bóng Ogoniok là chất lửa, nhiệt tâm!

Từ sotrudnik (Nga) tôi chưa thấy ai dịch khác là cộng tác viên trong khi sotrudnik là những người cùng công tác chính thức trong một cơ quan còn cộng tác viên là người ngoài cơ quan, chỉ cộng tác mà thôi.

Trong nền văn hoá phương Đông có con vật linh thiêng tưởng tượng là con rồng. Chúng ta đều hình dung được hình hài và bản chất của nó: mình dài, có vảy, không cánh nhưng bay trong mây, phun ra mưa…, không hề gây ác, là biểu tượng của sự cao sang hùng vỹ, của vua chúa.

Trong kho tàng huyền thoại phương Tây có con quái vật hình thù gớm ghiếc: mình ngắn, bụng to, có cánh, phun lửa, tác quái hại dân. Nó có tên là dragon trong tiếng Anh, tiếng Pháp và drakon trong tiếng Nga. Trong các truyện cổ thường có các anh hùng diệt dragon cứu dân. Theo hình hài các hoạ sỹ mô tả, tính chất kể trong các truyện cổ cũng như theo định nghĩa trong các từ điển giải thích của họ thì con dragon này chính xác là con chằn tinh trong tiếng Việt.

Con rồng không hề có trong văn hoá các dân tộc phương Tây. Ðáng tiếc là người phương Tây không hề nghĩ ra con vật tương tự con rồng. Khi phải dịch từ con rồng Trung Hoa ra tiếng phương Tây, các dịch giả không thể tìm được từ tương ứng nên họ đành phải chọn con chằn tinh để thay con rồng. Cú dịch này quả nhiên là có khiếm khuyết! Tuy nhiên ở mức độ ta có thể thông cảm được. Thứ nhất là vì không có từ thích hợp hơn và thứ hai là vì người đầu tiên dịch từ này có lẽ đã lâu lắm rồi, lúc đó sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hoá Ðông, Tây chắc hẳn rất mù mờ.

Còn các dịch giả cũng như những người làm từ điển của ta khi dịch con chằn tinh của phương Tây ra con rồng của ta thì đáng trách quá vì ta có từ để dịch đúng, và ta đang sống trong “đương đại” giao lưu!
Bây giờ chắc các bạn đã rõ tại sao mấy thập kỷ qua vườn cổ tích trẻ em Việt Nam vắng bóng gã chằn tinh. Chúng ta đều đã gặp con quái vật ăn thịt người này một lần trong truyện Thạch Sanh, sau đó là biệt tăm.

Hoá ra là những người làm từ điển và các dịch giả bắt chước nhau đeo mặt nạ rồng cho gã chằn tinh đáng ghét nên các em vẫn thường xuyên gặp chúng trong các phim hoạt hình, truyện tranh, cổ tích nước ngoài mà không biết, cứ tưởng đó là rồng. Còn cụ rồng kiêu hãnh vốn chỉ ngự ở các đền chùa và những nơi tôn nghiêm bỗng biến thành con quái vật khát máu. Oan này biết kêu ai?

Sai lầm này làm cho độc giả có khái niệm sai lệch về con rồng nói chung. Từ đó rõ là không nên dịch thành con rồng Cômôđô như mọi người đang làm mà phải dịch là con kỳ đà Cômôđô mới đúng.

Trong từ điển tiếng Anh chữ dream ghi rành rành hai nghĩa 1) là những gì ta thấy khi đang ngủ (giấc mơ). 2) là những gì ta chưa có mà rất mong muốn có (ước mơ). Từ lâu lắm rồi, tôi thấy những người dịch ẩu cứ gặp từ dream là dịch luôn giấc mơ, không thèm phân biệt ngữ cảnh. Hậu quả là người đọc thấy mãi quen mắt rồi cũng dùng luôn một chữ để diễn đạt cả hai ý như người Anh luôn. Bây giờ thì không phải chỉ thấy trong các bản dịch nữa mà thấy và nghe khắp nơi.

Tương tự như vậy, trong tiếng Anh chữ queen phải mang hai nghĩa là hoàng hậu và nữ hoàng. Trong tiếng ta thì đường đường hai chữ tách bạch, vậy mà nhiều người dịch vẫn không đếm xỉa. Thậm chí có những bài báo, để nói về một người mà dòng trên đang là hoàng hậu, dòng dưới đã là nữ hoàng rồi. Cũng như vậy, gần đây không phải một lần tôi đọc và nghe thấy “… cô phóng viên đã trở thành công chúa…” (vì lấy hoàng tử). Con dâu với con đẻ mà không phân biệt!

Một số từ cùng có mặt trong vài thứ tiếng nhưng trong mỗi thứ tiếng lại có những nghĩa riêng chứ không hoàn toàn như nhau. Các dịch giả không để ý điều này đã dẫn đến những cái sai đáng tiếc. Thí dụ trong tiếng Nga chữ universitet có nghĩa là trường đại học tổng hợp (ÐHTH). Ở Liên Xô cũng như ở ta trước đây trường ÐHTH chỉ có các bộ môn khoa học. Còn chữ university trong tiếng Anh lại có nghĩa là trường đại học nói chung, vì ở Anh, Mỹ… không phân chia như ở Nga. University có thể đào tạo cả kỹ sư, bác sỹ và cán bộ khoa học. Thế mà rất nhiều người vẫn cứ dịch university ra ÐHTH.

Tương tự như vậy, từ tekhnika trong tiếng Nga và từ technics trong tiếng Anh không hoàn toàn đồng nghĩa. Cái nghĩa là tập hợp những kiến thức khoa học áp dụng vào thực tiễn để thiết kế, chế tạo, hoàn thiện các máy móc... của từ tekhnika trong tiếng Nga lại hoàn toàn tương ứng với khái niệm technology trong tiếng Anh. Cho nên người ta chỉ nói science and technology chứ không ai nói science and technics. Khi hai miền nước ta thống nhất, cái mà trong Nam gọi là công nghệ thì ngoài Bắc gọi là kỹ thuật. Dễ hiểu thôi, vì trong Nam dịch từ technology của Anh, Mỹ còn ngoài Bắc lại dịch từ tekhnika của Nga. Ngày nay ta có xu hướng dùng từ công nghệ nhiều hơn là kỹ thuật trong nghĩa này. Bởi vậy ta mới có Bộ Khoa học và Công nghệ.

Có một Nhà xuất bản tên là NXB Khoa học và Kỹ thuật. Tên này tôi không dám chê lỗi thời, mặc dù nó là của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ðiều tôi muốn mạo muội góp ý là cái tên tiếng Anh để giao dịch của nó là Science and Technics Publishing House. Cái tên Anh này tôi nhìn thấy đã trên 30 năm và ngay từ lần thấy đầu tiên tôi đã ái ngại cho nó.

Trong tiếng Việt ta, ai cũng biết thành phần là một từ Hán-Việt có nghĩa là một phần để hợp thành một cái gì đó; là một bộ phận, một phần tử để cấu tạo nên một tổng thể nào đó. Thí dụ “protein là một thành phần dinh dưỡng của đậu nành”.

Còn từ sostav trong tiếng Nga thì có nghĩa ngược lại là tổng thể của các thành phần. Ðiều này có thể thấy trong bất kỳ quyển từ điển tiếng Nga (Nga-Nga) nào. Thế mà không hiểu sao các từ điển Nga-Việt đều ghi sostav là thành phần. Và hậu quả là không biết bao nhiêu lần tôi đọc hoặc nghe những câu đại loại “Ucraina là một nước cộng hoà nằm trong thành phần của Liên Xô”. Khác nào nói: “Khi tôi còn nằm trong bụng của đứa con của mẹ tôi”.

Dẫn chứng còn nhiều lắm nhưng để gói gọn vấn đề lại, tôi xin đưa hai câu chuyện do một ông đồng nghiệp khả kính góp vui.

Trong Từ điển kỹ thuật tổng hợp Anh-Việt và Nga-Việt chữ metallography dịch là kim tương học. Thực ra là kim tướng học. Tướng là cái mặt như trong chữ chân tướng. Ðây là khoa học nghiên cứu kim loại thông qua cấu trúc của nó nhìn thấy qua kính hiển vi. Hậu quả là tất cả sách vở tài liệu về kim loại học gọi đây là kim tương học và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có một bộ môn có tên là kim tương học. Biết bao thế hệ kỹ sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu đều gọi là kim tương học!

Hà Nội ta có một đường phố nhỏ gọi là phố Lê Ðại Hành. Hoá ra chẳng có ông vua nào lấy hiệu Ðại Hành cả, mà ông vua nào cũng được người ta gọi là đại hành, khi ông ấy chết rồi mà chưa chôn. Ðại hành tức là đang thực hiện chuyến đi lớn, nói rõ hơn là đang đi sang thế giới bên kia! Một nhà sử học nào đó dịch bài văn điếu, trong đó gọi ông Lê Hoàn là Lê Ðại Hành, nên những nhà sử học khác cứ đinh ninh cho rằng đây là đế hiệu của ông ta!

Hai câu chuyện trên cho thấy nếu ta để ý và chịu khó tra cứu thì sẽ phát hiện mà loại bỏ được nhiều cái nhiêu khê. Câu chuyện thứ nhất tôi đã đi xác minh, là hoàn toàn có thật. Còn câu chuyện thứ hai, có lẽ xin nhường cho các nhà sử học.

Biên tập sách dịch đã trên ba mươi năm, tôi có may mắn được quan sát sự nẩy sinh của nhiều từ, ngữ trong khu vườn tiếng mẹ đẻ, phát hiện đôi điều thú vị để hôm nay tâm sự cùng bạn đọc. Những cái sai tôi phát hiện trên đây đã đi vào tiếng Việt, không biết có ai nghi ngờ không mà chưa thấy ai nói đến. Một số từ sai này đã cắm rễ sâu rồi, nhổ ra chắc không dễ. Chúng làm ngôn từ bớt chính xác, lệch lạc khái niệm, giảm tính lôgic, tính khoa học và tính thẩm mỹ của tiếng Việt.

Xin thử nghĩ mà xem, con rồng và con chằn tinh cũng như nhau, thời đó với thời bây giờ cũng chỉ là một, thành phần với tổng thể cũng thế thôi, nữ hoàng chính là hoàng hậu, gọi thái phi là công chúa thì đã sao, giấc mơ khác gì ước mơ, đợi đấy cứ hiểu là liệu hồn, tướng biến thành tương... Rõ ràng là những từ dùng sai này xoá nhoà các khái niệm rành mạch đã định hình từ trước đây. Theo tôi hiểu thì một ngôn ngữ có tính khoa học cao sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng trong mọi lĩnh vực cũng như có tác dụng hình thành tư duy lô gích cho thế hệ trẻ. Và điều cuối cùng này rất quan trọng đối với việc tạo lập dần năng lực sáng tạo trong tương lai của các em.

Ngôn ngữ luôn luôn vận động, phát triển. Bao giờ cũng có xu hướng một số từ bị đào thải, một số từ mới mọc ra... Gặp từ mới mà ta không thận trọng lựa chọn, không kiểm soát chặt chẽ thì mảnh vườn ngôn ngữ được nhiều thế hệ đi trước vun đắp, chăm chút sẽ mọc lên những loài cỏ dại, dây gai, nấm độc chèn ép che khuất những hoa thơm lá đẹp mà sau này mất nhiều thời gian mới phục hồi lại được.

Nhiều người nghĩ dịch là việc dễ ợt, chỉ cần học qua chương trình ngoại ngữ cơ bản là dịch được sách báo. Số khác lại nói dịch là cực kỳ khó. Theo tôi cả hai đều chưa đúng. Nhưng gộp cả hai ý kiến vào thì lại đúng: Có câu khó câu không, có bài khó bài không, có quyển rất khó dịch, có quyển rất dễ dịch. Một người khoe đã dịch 10 quyển sách thì điều đó cũng chẳng nói lên điều gì. Vấn đề là anh ta đã dịch gì và dịch như thế nào.

Do đó điều quan trọng nhất đối với người dịch và biên tập là chọn tài liệu dịch phù hợp về năng lực và sở trường. Còn trách nhiệm về dịch sai đương nhiên là biên tập gánh. Cũng như mất trộm thì tội ở bảo vệ vì kẻ trộm đã cao chạy xa bay từ khuya.

Chắc quý vị còn nhớ Công chúa hạt đậu, nhân vật của Andersen, nằm trên hai mươi tấm đệm mà trằn trọc không ngủ được chỉ vì có một hạt đậu chèn phía dưới cùng! Trong khi đó các nhà yoga Ấn Ðộ lại nằm ngủ ngon lành trên bàn chông. Những người này quả thật sung sướng. Tuy nhiên nghề dịch và nghề biên tập lại rất cần các công chúa hạt đậu. Tiếc thay, công chúa hạt đậu thì hơi ít, còn thuật sỹ yoga lại hơi nhiều.

Thực ra ai cũng có lúc dịch sai, do nhiều nguyên nhân. Lắm khi chỉ là do nhìn nhầm, hiểu nhầm, vào thời điểm mệt mỏi chẳng hạn. Nhưng dịch sai nhiều thì phải phê phán, phê phán quyết liệt. Nhiều người vì không hiểu thực tế này nên nảy sinh hai khuynh hướng. Một là quá tin tưởng người dịch nên cứ thản nhiên tiếp thu và truyền bá cái sai. Hai là, ngược lại, có người phát hiện được một hai lỗi sai ở đâu đó đã làm ồn ỹ lên, cứ như là tất cả các bản dịch khác đều tuyệt hảo hết ấy! Vậy sai với tỷ lệ nào thì phải phán quyết? Ðó chính là điều mà những người biên tập phải bàn.

Bên cạnh những tác hại hiển nhiên ai cũng biết, dịch sai còn là một trong những cách tàn phá tiếng Việt. Mong rằng những người làm công tác dịch thuật và biên tập hãy cẩn trọng hơn với bản dịch trước khi đưa đến với công chúng.
 

kamikaze

Administrator
Tác giả bài báo này có vẻ cũng khá khó tính. Mình không hoàn toàn đồng ý với việc bắt bẻ những từ như "vi tính" vẫn biết là dịch sai từ lúc đầu nhưng khi nó đã ăn sâu vào cách sử dụng của người ta rồi thì khó mà bỏ đi được. Hơn nữa, có lẽ không nên cố tìm về gốc rễ của nó mà hãy xem nó như 1 từ tiếng Việt thì mọi việc sẽ không có vấn đề gì.

Việc dịch sai do thiếu kiến thức văn hóa thì rất nhiều. Đặc biệt là các nhà báo luôn sai ở cách viết địa danh. Vi dụ chữ 名古屋=nagoya thì họ viết là NAGOIA vì tưởng rằng I và Y cũng giống nhau! Có một lần có bài báo viết về cuộc sống của lưu học sinh ở Nhật và có để là tiền chi phí sinh hoạt khỏang 120 0000 Yên (12 000 USD)/tháng mình có gửi mail yêu cầu họ đính chính. Họ gửi mail lại xin lỗi nhưng sau đó thì chẳng thấy đính chính ở đâu cả!

Ở nước ngoài khi người ta sai thì họ xin lỗi và đính chính công khai còn ở VN ngay cả khi bị chỉ ra cái sai rồi cũng cố tình không sửa chữa!
 

thuchai

New Member
Ðề: Thảo luận về dịch thuật - nạn dịch sai

Hiện mình đang trao đổi với một nhóm các bạn xoay quanh chủ đề này. Xin trích nguyên văn.

Lại một bằng chứng cho thấy ta chưa hề có chuẩn tiếng Việt.

Thực tình, trước đây tôi cũng không thật sự để ý đến điều này lắm đâu, nhưng có lần cộng tác với Chi (Vũ Bích Liên), mới thấy một số tên nước ngoài mình không biết nên để tiếng Việt ra sao. Chỉ cần các bạn lướt qua một số tờ báo của Việt Nam, sẽ thấy một tên nước được viết dưới rất nhiều dạng khác nhau, ví dụ New Zealand, Niu Dilân, hay Newzealand; hay tên một thành phố : New York, Niu-óc, rồi Niu Oóc (có cả gạch ngang và không gạch ngang), và cũng là cái thành phố này ở trong một cuốn tiểu thuyết đã trở thành Nĩu Ước; hoặc tên một người : Bill Clinton, Biu Cờ-lin-tơn... Một số báo khác tỏ ra "sành điệu" hơn khi dùng nguyên tiếng Anh cho tên nước, còn tên người thì không phiên âm. Vậy, thử hỏi khó khăn đến thế nào cho người đọc? Cứ cho là chúng ta, những người được tiếp xúc với nhiều kênh truyền thông, chúng ta có thể đoán được đằng sau mỗi "sự thể hiện tên nước, tên người, đến thành phố" ấy là gì, thì những người sống ở nông thôn, ít có cơ hội trau dồi thông tin hơn, chắc chắn sẽ không khỏi bỡ ngỡ, có khi lại nghĩ rằng cái ông "Biu" không phải là ông "Bill" từng là tổng thống Mỹ đâu! Và tôi cũng chột dạ không hiểu trong các sách giáo khoa của học sinh thì cái "sự thể hiện" ấy nó như thế nào nhỉ, không biết có giống trên vô tuyến hay trên báo không.

Tôi viết ra những băn khoăn này cũng chẳng phải là để chê trách ai, vì suy cho cùng chỉ khi nào có chuẩn thì ta mới có thể dựa vào đó mà nói "báo A, báo B đăng vớ vẩn, tên sai lung tung", nhưng giả sự giờ đây có một lời kêu gọi tạo chuẩn cho tiếng Việt nói chung và việc thể hiện các tên gọi nước ngoài ra tiếng Việt, thì theo các bạn chúng ta nên chọn cách nào : phiên âm ra tiếng Việt (dựa vào thói quen dùng từ của người dân) hay để nguyên tiếng Anh cho phù hợp với xu thế toàn cầu hóa?

Ý kiến của bạn là: ...?
 

kamikaze

Administrator
Re: Ðề: Thảo luận về dịch thuật - nạn dịch sai

Đúng là không có chuẩn thì không ai nói ai được! Nhật Bản bây giờ vẫn chưa có chuẩn cho katakana, do đó việc phiên âm vẫn còn rất nhiều thứ lộn xộn. Đặc biệt là tên người nước ngòai.

Trong dịch thuật sai về phát âm thì còn có thể nào đấy chấp nhận được. Còn sai vì thiếu kiến thức thì có lẽ khó giải thích. Ngay cả thông tấn xã Việt Nam vẫn không thống nhất cách dùng từ trong bài viết của họ!

Có lẽ trong phần tin tức thì 1/2 không phải là lỗi tiếng Việt mà lỗi do thiếu trách nhiệm với bài viết của mình. Thỉnh thoảng đọc các bài viết về Nhật Bản có nhiều chỗ sai đến buồn cười.
 

minhson

New Member
Ðề: Thảo luận về dịch thuật - nạn dịch sai

Việc phiên âm tên nước, tên địa danh, tên người từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là chủ đề mình thích đây ;-) Trước hết, mình xin nêu một vài ví dụ để các bạn tham khảo.

Đây là các cách thể hiện tên thủ đô của nước Nga:
(1) - Moscow
(2) - Mát-xcơ-va
(3) - Mátxcơva
(4) - Mạc Tư Khoa

Tương tự, một thành phố lớn nước Mỹ có các cách thể hiện như sau:
(1) - New York
(2) - Niu-Oóc
(3) - NiuOóc
(4) - Nữu Ước (bạn thuchai ghi là Nĩu Ước, mình nghĩ phiên âm này là không chính xác , và có thể là người phiên âm ghi theo âm địa phương mà họ đang nói chăng)

Còn đây là ví dụ dành cho các bạn yêu nước Nhật, ;-) tên thủ đô của Nhật là:
(1) - Tokyo
(2) - Tô-ky-ô
(3) - Tôkyô
(4) - Đông Kinh

...và còn nhiều nữa :)

Như các bạn có thể thấy qua các ví dụ trên, các mục số (1) được lấy từ nguyên gốc tiếng Anh và được dùng rộng rãi trên thế giới. Có thể nói, chỉ cần viết ra từ ở mục số (1) này, đi đến nước nào người ta cũng hiểu ;-) (Hy vọng là vậy !).

Các mục số (2) là cách phiên âm (tên người, tên địa danh, tên nước) ở Việt nam khi chưa cải cách giáo dục.

Các mục số (3) là cách phiên âm ở Việt nam hiện nay (sau khi cải cách GD).

Các mục số (4) là tên chuyển đổi tương đương có nguồn gốc Hán Việt.

Theo mình nghĩ, các sách khoa học kỹ thuật, các sách tham khảo có nguồn gốc nước ngoài nên sử dụng cách thể hiện số (1). Những người đã có thể đọc sách tham khảo kỹ thuật, là những người có trình độ thì càng phải nên sử dụng và trao đổi từ ở đây.

Mình nhớ khi còn học đại học, có một định luật của kỹ thuật điện mà tên của nó được các thầy cô đọc ...không ai giống ai hết, làm tụi mình cười quá trời (!?). Đó là định luật Kirchoff về dòng điện và điện áp. Thế nhưng, cái tên Kirchoff được phiên âm (trên sách) và phát âm từ các thầy cô thành Kiết-sốp, Kiết-hốp, Kơ-chốp...Tại sao lại có sự phiên âm khác nhau ở đây ? Sau này khi "nghiên cứu" một chút, mình mới phát hiện là do các thầy cô, hoặc đi học tập ở các nước khác nhau nên nghe rồi phát âm lại, hoặc đơn giản chỉ vì nghĩ "nó phát âm như thế".

Mình xin không nói đến cách phát âm nào đúng, cách phát âm nào sai. Mình chỉ muốn nói là: Nếu mỗi người có cách phát âm khác nhau đến như vậy (và khổ-một-nổi ai cũng nghĩ cách phát âm của mình đúng) thì khi viết sách, nên thống nhất viết theo mục số (1). Bạn nghĩ sao cùng một cái tên X, nhưng sách này thì phiên âm nó là X1, sách kia lại phiên âm nó là X2...Rõ ràng "loạn" quá phải không ?

Cách đây không lâu (mà cũng lâu rồi ấy nhỉ ;-), báo Tuổi Trẻ có đăng trong mục Chuyện thường ngày nói về cách phát âm của các đài truyền hình. Riedl, tên của huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt nam được VTV phát âm là Ri-ét, còn HTV phát âm là Ri-đô... Rồi cả cái hội nghị thượng đỉnh G7, G8 này nọ, VTV (và hình như là tất cả các đài phía bắc) phát âm thành Gờ-7, HTV (và hình như là tất cả các đài phía nam) phát âm thành Giê-7...Thôi thì phát âm sao-cũng-được, nhưng đề nghị các-đồng-chí nên viết từ đó bằng chữ La-tin cho-em-nhờ !!! :p Mỗi lần đọc các từ được phiên âm như ở mục (2) và (3), đặc biệt là mục (3), mình bị dị ứng liền.

Có người biện hộ cách phiên âm ở (2) và (3) là để cho giới bình dân đọc. Nếu vậy thì nên sử dụng cách phiên âm ở (2) và (4) thì tốt hơn. Cách phiên âm ở (3) thì tây-chẳng-ra-tây mà ta-cũng-chẳng-ra-ta chút nào. Cách thể hiện ở mục số (4) có thể được xem là bảo-vệ-tiếng-Việt và mang tính đại chúng rất cao vì ai cũng đọc được. Một số từ khác: thay vì nói New Zealand, ta hãy nói Tân Tây Lan, nói Ái Nhĩ Lan thay cho Ireland, nói nước Pháp thay vì nói France, nói Nhật Bản thay vì nói Japan, nói Trung Quốc thay vì nói China hoặc ChungHwa...v.v..

Trên quan điểm cá nhân, mình thích sử dụng cách thể hiện phiên âm ở mục (1) và (4).
 

micdac

tât cả chỉ là ngụy biện, hãy đội mũ BH
Ðề: Thảo luận về dịch thuật - nạn dịch sai

theo tui ý mà, nên cố gắng giữ từ nguyên gốc hơn là phiên âm ra, nhất là những từ mang chữ latin thì càng phải vậy. Điều này góp phần nâng cao dân trí, ví dụ như singapore thì phải là singapore, hà cớ gì phải phiên âm ra khi thì xing-ga-po, khi thì sing-ga-bo loạn cào cào, làm cho mai mốt người ta gặp ở đâu đó từ singapore thì chẵng biết nó là cái nước quái nào. nếu mà hỏi " ai trong 4 người sau đây là người nước ngoài: 1- Lê Lai 2-Lê Lợi 3- Lê thánh Tông 4- Lê nin, chắc có ngừơi nói không có ai cả lắm đó. bây giờ thông tin nhiều, có thể có được ở nhiều ngùôn, ti vi , báo, đài, internet... nếu không thống nhất cách viết thì người xem ở trình độ phổ thông tưởg nhầm singapore với xin-ga-po là 2 nước thì khốn. có thể lắm chứ

Người miền Bắc hay dùng kiểu phiên âm này chứ miền nam ít khi sử dụng lắm. Chúng ta chỉ nên phiên âm những từ nước ngoài không phải chữ latin như tiếng Nhật, Trung quốc, Hàn quôc... mà thậm chí ngay cả những tên hay địa danh nước này cũng được quốc tế hoá sang chữ latin rồi ví dụ như thủ tướng Nhật koizumi, thành phố shanghai (thượng hải)...thì cũng nên theo đó mà viết, trừ những tiếng quá quen thuộc với người việt nam như nước Mỹ (america), Nhật Bản (japan), Trung quốc (china), thái lan (thailand)...Mao Trạch Đông (Mao zedong) , nước Nga... thì không cần phải vậy.

phiên âm như thế cũng có lúc mắc cười

Nga: đồng chí : Ivan cu-to-như-phích
móc-cu-ra-đốp
ăn-ngô-rang-nhai-lốp-cốp

Lào: đồng chí : xà-lỏn-dây-thun-lỏng
teo-hẳn-mông-bên-phải
cai-hẳn-thôi-không-đẻ
đang-ỉa-lăn-ra-ngủ
say-xỉn-xông-vô-hãm
ôm-phản-lao-ra-biển
hắc-lào-mông-chi-chít
xăm-hỏng-kêu-van-hỏng

Hàn quốc: chơi-xong-dông
soi-giun-kim
chim-đang-sung
pắt-xong-híp
nâng-xu-chiêng
choi-suc-cu
kim-đâm-chim

Nhật Bản: xa-cu-ta-ra
 

kamikaze

Administrator
Re: Ðề: Thảo luận về dịch thuật - nạn dịch sai

Ý kiến cá nhân mình thì cũng nên để nguyên tên tiếng anh và nếu có tử tế thì mở ngoặc ra cho thêm phiên âm tiếng Việt vào là hay Nhất. Phiên âm linh tinh chẳng biết đâu mà lần. Có lần đọc sách có chữ "Gia Nã Đại" chẳng biết là ở đâu cả!
 

micdac

tât cả chỉ là ngụy biện, hãy đội mũ BH
Ðề: Thảo luận về dịch thuật - nạn dịch sai

Cần có một nghị định về nói và viết tiếng nước ngoài và tiếng Việt

Cách đây khoảng 10 năm, có một quy định được ban hành: Tất cả quảng cáo trên báo, quảng cáo ngoài trời, biển hiệu cửa hàng, công ty... đều không được sử dụng tiếng nước ngoài. Nếu sử dụng phải dịch ra tiếng Việt dù đó là tên riêng. Quy định này đã làm các doanh nghiệp nước ngoài lúng túng vì có tên công ty có nghĩa tương ứng với tiếng Việt nhưng có tên công ty không thể dịch được hoặc có dịch được thì phải mất tới vài chục từ.

Nhưng điều họ băn khoăn hơn: Tên Cty chính là thương hiệu, nên nó phải được sử dụng thống nhất dù ở bất cứ quốc gia nào, ví dụ như LG (Lucky Goldstar) sang Việt Nam làm ăn họ không thể dịch ra là Công ty Ngôi sao vàng may mắn. Adidas, Sony, Samsung... không thể Việt hóa theo kiểu A-di-đát hay So-ny.

Đối với tiếng nước ngoài, hiện nay có 2 cách viết trên các báo. Có báo để nguyên nhưng có báo lại phiên âm ví dụ như Bush được phiên âm thành Bút-sơ, người ta lí luật rằng phiên âm như vậy vì dân trí nước ta còn thấp, nếu không phiên âm thì người có văn hóa thấp không đọc được. Đúng là phiên âm ra thỏa mãn được cho người đọc hạn chế về văn hóa nhưng lại làm người có văn hóa... bực mình khi từ đó bị phiên âm sai. Nếu cứ để nguyên thì ai muốn đọc được sẽ phải đi học, như thế cũng là 1 cách nâng cao dân trí. Bên cạnh báo viết, nói trên báo hình cũng có nhiều điều cần bàn, rất nhiều đài truyền hình địa phương ở các tỉnh phía Nam nói bằng tiếng địa phương. Sẽ không có vấn đề gì nếu đài truyền hình ấy chỉ phát trong phạm vi địa phương, thế nhưng khi phát trên chương trình địa phương của VTV mọi chuyện bỗng nhiên khác. Ví dụ như những từ bắt đầu bằng chữ v bị phát thanh viên đọc thành d (công tác dân vận đọc thành công tác dân dzận , nghe cứ như công tác chọc giận nhân dân). Với các đài truyền hình phía Bắc, không ít đài đặc biệt là VTV khi đọc bản tin có dấu ^ thường là bị mất, ví dụ như thứ bẩy thì đọc là thứ bảy (trong từ điển tiếng Việt ghi là bẩy), giầy nhưng biên tập viên B.T lại đọc là giày (từ điển tiếng Việt ghi rõ là giầy) và chữ chạy dưới chân cũng là giày.

Mới đây Viện Ngôn ngữ đang lấy ý kiến cho dự thảo “Về cách viết, đọc tên riêng nước ngoài trong các văn bản Nhà nước”. Thật quá muộn khi làm chuyện này nhưng dù sao cũng không thể không làm. Nước ta đã hội nhập với thế giới và có khả năng sẽ được kết nạp vào WTO vào tháng 10 năm nay, do đó nói và viết tiếng nước ngoài cũng như tiếng Việt thực sự trở thành vấn đề lớn. Nên chăng Chính phủ ra hẳn một nghị định về nói và viết để thống nhất trong văn bản Nhà nước cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng khi dùng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài.
 
Sửa lần cuối:

minhson

New Member
Ðề: Thảo luận về dịch thuật - nạn dịch sai

Bài này nếu không phải do Micdac viết thì nên ghi rõ nguồn nhé !? ;-) Tại vì cách phát âm được viết ở trên hóa ra là ...sai đấy !

Chẳng hạn: những từ như "da giầy", "mầu sắc", "thứ bẩy"... thì không phải là chuẩn của tiếng Việt đâu. Đúng ra phải là "da giày", "màu sắc" , "thứ bảy"...cơ. Người viết bài đó viện dẫn là có xem "từ điển", nhưng theo mình thì chắc là viết nhầm rồi đấy.

Cùng là một từ nhưng mỗi địa phương có cách phát âm khác nhau, điều đó không có gì là lạ và có lẽ nên trân trọng điều đó. Người ta bảo "chửi cha không bằng pha tiếng" cũng là nhằm nhắc nhở mọi người nên chung sống hòa bình với những cách phát âm của người khác.

Người miền bắc thường phát âm mạnh nên những từ như "thứ bảy" sẽ biến thành "thứ bẩy". Người miền nam phát âm nhẹ hơn nên "thứ bảy" sẽ biến thành "thứ bải". Còn người Huế phát âm nặng hơn nên "thứ bảy" sẽ thành "thự bạy"..v.v..Một ví dụ khác, câu "Một cơn gió nhẹ vừa thổi qua tai Dung..." sẽ
được nghe như là "Một cơn jó nhẹ vừa thổi qua tay Jung" hay "Một cơn dzó nhẹ dzừa thổi qua tai Dzung" tùy theo mình đang ở địa phương nào. Vui chứ phải không ? ;-)

Có người bảo Hà nội là nơi phát âm chuẩn nhất (?) Mình thì không cho là như vậy. Không có nơi phát âm chuẩn mà chỉ có ...người phát âm chuẩn thôi: phải phát âm sao cho "v" ra "v", "d" ra "d", "gi" ra "gi"...v.v....

Một câu hát dân ca Nam bộ, hay một bài vọng cổ Nam bộ...nếu phát âm không theo giọng của người Nam bộ sẽ không cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nó. Ngược lại, một văn bản hành chính mà đọc với giọng này thì....nghe không lọt lổ tay lắm ;-)

Các bạn có nghĩ như vậy không ?

(MS)
 

subasa

New Member
cách phát âm khác nhau thi tùy theo từng địa phương thì đúng rùi. nhưng tui chua hiểu lắm về cách phiên âm tiếng nước ngoài ra tiếng việt một cách vô tội vạ. có lẽ nó cũng chỉ giúp cho dễ đọc mà thôi. nhưng khi đọc nhiều khi lại trở thành một nghĩa khác. có thể trở thành một trò cười. vậy đó
 
Top