Vài lưu ý khi làm phiên dịch

Vài lưu ý khi làm phiên dịch

Ngày càng nhiều người Việt Nam qua Nhật du học làm việc. Và số công ty Nhật qua Việt Nam cũng tăng lên. Kéo theo đó là số người Việt Nam qua Nhật làm công việc liên quan đến phiên dịch cũng tăng lên.

Với tư cách là một người từng làm công việc phiên dịch. Cũng như đã có cơ hội quan sát cách làm việc của nhiều phiên dịch khác tôi xin có một số ý kiến liên quan đến vấn đề này.

1. Phiên dịch là một công việc như thế nào?
Bình thường rất nhiều người quan niệm rằng cứ hễ giỏi ngọai ngữ (nghe nói thạo, biết nhiều từ) thì sẽ trở thành một phiên dịch giỏi. Quan niệm này cũng đồng nghĩa với suy nghĩ phiên dịch chỉ là công việc của ngôn ngữ. Đây không phải là một quan niệm sai. Tuy thế là một quan niệm phiến diện. Thiếu khách quan.
Không sai khi nghĩ rằng giỏi nghe nói, biết nhiều từ thì sẽ làm phiên dịch giỏi (hơn những người kém nghe nói, biết ít từ). Tuy thế, phiên dịch là một công việc đòi hỏi kiến thức tổng thể. Trước hết là vốn từ ngữ, kiến thức trong lĩnh vực cần phải phiên dịch. Thứ hai là kiến thức về hai nền văn hóa đằng sau 2 ngôn ngữ. Kế đến là khả năng tư duy phân tích, tổng hợp thông tin(để chuyển tải nội dung làm sao cho dễ hiểu và sát). Cuối cùng là một cái nhìn trung lập. Có nghĩa là người phiên dịch không được phép cho rằng mình thuộc bên nào hay ủng hộ bên nào trong khi phiên dịch.

Nếu ai đã tham gia dịch cho những giao dịch giữa người Nhật và người Việt thì sẽ nhận ra rằng có những chi tiết khá nhỏ thuộc về lĩnh vực văn hóa mà người dịch cần xử trí khéo léo. Ví dụ: Người Việt có tính nói đi nói lại mãi 1 vấn đề hay khi có lỗi hay biện lý do thay vì xin lỗi. Đây là những điều mà người Nhật không ưa. Nhiều trường hợp phiên dịch sẽ bị hỏi tại sao bên đối tác Việt lại có thái độ như thế. Trong trường hợp này thay vì bình tĩnh giải thích cho đối phương hiểu thì nhiều người phiên dịch đã nổi máu tự ái dân tộc lên và thầm nghĩ rằng “ Thì Việt Nam là thế” và điều này đã dẫn đến việc anh ta bênh vực cho phía Việt Nam thay vì đứng giữa. Hay ngược lại, khi đối tác Nhật có cách trả lời không rõ rang và phía Việt Nam khó chịu thì nhiều người phiên dịch đã hùa cùng phía VN để nói xấu đối tác thay vì giải thích cho phía Việt Nam hiểu đấy là nét văn hóa của người Nhật.

2.Những điều cần chú ý khi làm phiên dịch:
+ Tư tin:
Không cần phải nói, trong bất cứ việc gì nếu bạn đánh mất tự tin thì 90% là sẽ thất bại. Trong công việc phiên dịch thì sự tự tin sẽ giúp bạn không những làm tốt bổn phận của mình mà còn là 1 biểu hiện để chứng tỏ khả năng của bạn cũng như của công ty bạn với đối tác. Nói bằng lời thì rất dễ tuy thế khi thực hiện không đơn giản.

Nếu bạn đi cùng người của công ty bạn thì sẽ có chỗ dựa hay có người cùng phe. Trường hợp này có lẽ ít khi bạn bị mất tự tin. Tuy thế, nến lưu ý để tránh tình trạng quá lệ thuộc vào người đi cùng khi trả lời các câu hỏi mà đối phương có ý danh cho bạn. Ví dụ khi bạn đi phiên dịch và đối tác Nhật hỏi một câu hỏi có nội dung so sánh cách suy nghĩ của người Nhật và người Việt. Dù đối tác không nêu hẳn tên bạn nhưng trong thâm tâm họ muốn bạn- là người hiểu rõ cả hai nền văn hóa – đưa ra câu trả lời. Trường hợp này nếu bạn dịch lại và yêu cầu người đi cùng trả lời thì gây ra ấn tượng là bạn thiếu tự tin. Hay nói cách khác là chỉ họat động như 1 cái “máy nói”.

Nếu bạn phải đi một mình đến công ty đối tác. Nếu đây là lần đầu tiên và công ty đối tác khá lớn hay bạn phải tiếp nhiều người. Trường hợp này bạn sẽ dễ dàng đánh mất tự tin. Để không đánh mất tự tin trong trường hợp này thì bạn nên chuẩn bị những thông tin mà đối tác có thể hỏi 1 cách kỹ càng. Ngòai ra, hãy tự nhủ với chính mình rằng trong lĩnh vực bạn đảm nhiệm thì bạn là người giỏi nhất. Đối tác là những người chưa biết gì. Và cũng đừng quên rằng bạn đang là đại diện cho công ty bạn- Nghĩa là phía sau bạn còn có cả 1 tập thể làm chỗ dựa cho bạn/

+Trung thực:
Với nghề phiên dịch bạn sẽ phải tham dự vào rất nhiều lĩnh vực. Có những lĩnh vực bạn có hiểu biết khá sâu rộng. Nhưng cũng có những lĩnh vực mà kiến thức của bạn là con số không. Trong trường hợp này khi phiên dịch nếu bạn gặp vấn đề không rõ thì hãy trung thực nói là bạn không biết rõ và yêu cầu người nói giải thích. Nếu sau đó vẫn không giải quyết được hãy xin lỗi họ và xin thời gian để tra cứu(Đa số trường hợp thì người nói sẽ thay đổi cách nói và giải thích cho bạn rõ). Tuyệt đối tránh “ầm ừ” cho qua chuyện.

+Khôn khéo và cứng rắn khi cần thiết:
Trong các giao dịch thì có lẽ cả hai phía đều hiểu rõ và muốn sử dụng (hay lợi dụng) phiên dịch để dành phần lợi thế về phía mình. Vì thế mà nhiều khi phiên dịch sẽ gặp tình huống khó xử là bị yêu cầu những việc “ngòai khả năng”. Do đó để chuẩn bị cho tình huống này thì người phiên dịch cần rèn luyện kỹ năng phán đóan để nhận ra đâu là công việc của mình và đâu không thuộc phạm vi của mình. Và sau khi nhận ra rồi thì sẽ có cách từ chối thích hợp thuyết phục đối phương.

Xin nêu 1 kinh nghiệm của chính tôi.
Vài năm về trước tôi có đảm nhiệm dịch ở một đồn cảnh sát. Công việc liên quan đến 1 người Việt Nam cho bạn mượn điện thoại di động. Sau đó người bạn này đi ăn cắp và khi bị đuổi đã vứt lại điện thọai di động. Kết quả là chủ nhân của điện thọai di động bị nghi ngờ và gọi lên.
Trong buổi làm việc này cảnh sát đã hỏi khá nhiều chuyện và tôi dịch ra tiếng Nhật. Cảnh sát đã ghi lại nội dung bằng tiếng Nhật. Cuối buổi làm việc cảnh sát yêu cầu tôi ký vào biên bản là “đã dịch”.

Sau một thoáng suy nghĩ tôi trả lời họ rằng tôi không thể ký. Lý do đơn giản là tôi dịch nói(lời nói gió bay) . Nhỡ tôi ký vào và sau vài ngày cảnh sát lại phát ngôn khác và bảo là tôi dịch thì sao? Lúc này phía cảnh sát bí và đồng ý với tôi ý kiến đó. Sau đó tôi gợi ý rằng tôi sẽ dịch viết lại lời cảnh sát đã ghi ra tiếng Việt, xác nhận với người khai và chúng tôi (cảnh sát, người khai và tôi là phiên dịch) sẽ ký vào dưới để làm chứng.

Tất nhiên tôi đưa ra yêu cầu như thế là nhằm tránh rắc rối về sau vì đây là những vấn đề liên quan đến pháp luật và cần sự chính xác, chắc chắn.

Bẵng đi một thời gian. Một hôm cấp trên của tổi hỏi tổi là “Đã làm gì ở đồn cảnh sát?”. Khi nghe câu hỏi tôi cũng hơi lo lắng và hỏi lại là “vì sao lại hỏi thế?”. Anh ta cười và cho biết là đích than người cảnh sát nọ đã gọi điện cho công ty tôi cảm ơn và hỏi : kiếm đâu ra phiên dịch “ghê gớm” như thế?

+Hãy ra tay khi cần thiết:
Dù công việc của bạn là phiên dịch đi nữa thì có lẽ bạn cũng sẽ có một số khả năng để giúp người khác khi cần thiết. Trong khi phiên dịch cũng đừng quên “giúp” đối tác của bạn nếu bạn có thể.( Tất nhiên cũng nên cẩn thận để không đi quá giới hạn cho phép).

Ví dụ nếu bạn đến một công ty nào đó nói chuyện. Và trong câu chuyện có liên quan về thuế hay 1 chính sách nào đó. Khi đó đối tác của bạn tìm mãi cũng không ra câu trả lời cho 1 câu hỏi nào đó. Và bạn chợt nhớ rằng ở công ty bạn có một người rất giỏi về vấn đề này. Ttường hợp này hãy “ ra tay nghĩa hiệp” xin phép họ là gọi điện cho người kia để hỏi giúp họ các vấn đề khúc mắc.

+Hãy cho đối tác thấy rằng bạn đang là người của họ:
Nhiệm vụ của bạn là vun trồng cho lợi ích của công ty bạn. Tuy thế nhin xa ra thì để co 1ợi ích cho công ty thì cần phải có khách hàng và đối tác. Với tư cách là phiên dịch- người đứng giữa, cho dù trong thâm tâm bạn vẫn hướng về việc bảo vệ lợi ích cho công ty mình đi nữa thì bề ngòai cũng hãy cố gắng để đối tác cảm thấy rằng “phiên dịch này đang đứng về phe ta” hay đang “bênh vực cho ta”. Phần này tôi xin không nêu cụ thể nên làm gì và làm thế nào vì nó thuộc về khả năng của từng cá nhân và tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Thước đo để xem bạn có thực hiện được điều này chưa thì hãy nhìn vào phản ứng của khách hàng. Ví dụ công ty bạn có nhiều phiên dịch nhưng khách cứ gọi và yêu cầu cho được bạn thì coi như bạn đã thàh công. Ngược lại, nếu khách yêu cầu đổi phiên dịch thì hãy suy nghĩ lại xem bạn đã làm gì không phải.


Còn một số ý nữa nhưng tôi xin bỏ lửng tại đây để các thành viên khác tiếp tục. Xìn mời tất cả.


Lưu ý:
-“Phiên dịch” ở bài này được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm những người làm việc tư vấn, tiếp thị v.v…

-Để tránh việc nhiều người copy bài đi chỗ khác và mạo nhận bài viết là của họ kể từ thời điểm này tôi sẽ lồng những kinh nghiệm của bản than vào các bài viết của mình.

Kamikaze-thongtinnhatban.net
26/5/2011
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Bình luận (10)

rikishi

New Member
kinh nghiệm quý báu cho những người đang làm cây cầu nối.
Phiên dịch là người hiểu rõ nhất tâm tư và suy nghĩ của cả 2 phía, rất khó để bảo mình nghiêng về phía nào. Chỉ có thể nói rằng cần phải nắm bắt tình hình chung của cả 2 bên, đưa ra những ý kiến của cá nhân mình để ít nhất là có 1 bên hiểu được ý kiến của mình. Tôi cũng gặp rất nhiều trường hợp nửa nạc nửa mỡ. Không biết nên làm thế nào để thuận hoà cả đôi bên. Nhất là trong công việc, người VN mình thì làm 1 kiểu và người Nhật làm 1 kiểu, cái đó nằm trong tính cách và văn hoá của cả 2 bên.
Nhiều khi mình bị cả 2 bên nói những câu khó nghe gây ra ức chế lắm, nhưng vì tính chất công việc cũng phải cố gắng vượt qua. Người Nhật luôn hướng cho mình 1 áp lực khá cao để có thể làm ổn thoả trong công việc, còn người Việt nhiều khi lại không hiểu và cố gắng nói cho mạnh miệng để giành thế thắng. Ôi đời thông dịch, stress 溜まる.
Nhiều khi về muốn xẹt 1 nhát chết cho rồi, áp lực quá! ^0^. Nhưng nghĩ lại nó là công việc mà, các bạn làm thông dịch cố gắng lên nha. Đừng bênh vực cho bên nào cả, đúng thì làm theo như gì mình nghĩ. Góp ý cho người ta, hok đc ta bàn kế khác ^0^
 

kamikaze

Administrator
Xin phép tiếp theo 1 số ý.

+Cách đưa ra ý kiến:
Không cần phải nói thì ai cũng biết chức năng chính của phiên dịch là "chuyển lời nói từ ngôn ngữ này qua ngôn ngữ khác" để hai bên hiểu nhau. Tuy thế, nhiều khi phiên dịch cũng cần phải đưa ra ý kiến riêng của mình.

Dù việc đưa ra ý kiến là cần thiết nhưng người phiên dịch nên lưu ý ở cách đưa ra ý kiến để tránh bị hiểu lầm cũng như tránh việc làm cho người nghe không nắm bắt được đó là ý kiến của phiên dịch hay đối tác.

Một lỗi lớn mà nhiều người phiên dịch hay gặp phải là thay vì dịch thì lại trở thành "phát biểu ý kiến riêng", "thay vì chuyển lời của người này chọ người nọ" thì lại "dành để nói". Đối với những phiên dịch chưa nhiều kinh nghiệm thì bản thân anh ta cũng khó mà phân biệt đâu là ý kiến của mình và đâu là ý kiến của khách. Nhiều khi anh ta đang "dịch" nhưng lại vô ý "phát biểu ý kiến".

Để tránh điều này thì trước hết hãy học tính phân biệt rạch ròi. Và học cách xin phép cũng như báo cáo. Tại vì sao? Đơn giản là vì nếu như bạn có thói quen xin phép thì khi nói một điều gì đó bạn sẽ xin phép những người liên quan. Và kèm theo đó thói quen báo cáo sẽ khiến bạn dịch lại nội dung mình sẽ nói cho người liên quan trước khi nói.

Cụ thể hơn thì trong khi dịch nếu bạn muốn phát biểu ý kiến thì hãy nói rõ ra rằng: Xin lỗi tôi có ý kiến riêng như thế này..... Và sau khi nói xong thì nên nhắc lại rằng "đây là ý kiến của riêng tôi chứ không phải của bên A hay bên B".

Có lẽ không khách hàng hay đối tác nào không vui khi có một phiên dịch vừa dịch tốt lại thỉnh thoảng đưa những ý kiến có ích cho cả hai phía khi cần thiết.
 

kamikaze

Administrator
Lưu ý khi tiếp xúc với người Việt.

Ở phần này tôi xin lưu ý trước là người ngòai cuộc đọc có nếu có khó chịu thì làm ơn tránh ra chỗ khác vì tôi viết với tư cách là người trong cuộc.

I. Tâm lý chung của người Việt đối với phiên dịch:
Tôi nhận ra khoảng 98% thì đa số khách hàng, đối tác người, lao động, kỹ sư, tu nghiệp sinh người Việt khi tiếp xúc với phiên dịch người Việt đều kỳ vọng 1 điều là “ người Việt Nam cần bênh vực nhau. Do đó phiên dịch cũng nên bênh vực người Việt”. Tâm lý này cũng dễ hiểu và đáng được thông cảm. Tuy thế điều này cũng nảy sinh khó khăn cho người phiên dịch.

+ Nên xử sự như thế nào?
Trước hết điều quan trọng mà người phiên dịch cần nhớ là tuyệt đối không được làm mất lòng bên nào cả bên Việt cả bên Nhật. Tuy thế cũng phải làm sao giữ được thế thăng bằng và làm cho những người Việt đang kỳ vọng vào sự bênh vực của phiên dịch hiểu rằng “bạn đang thi hành nhiệm vụ” và không được phép bênh ai (dù là người Việt).
Tôi xin tạm chia nhóm ra như sau:

a. Với nhóm là cha chú, cấp trên:
Đây là nhóm mà phiên dịch khó xử nhất. Vì họ thuộc hàng cha chú và tâm lý muốn phiên dịch phục tùng rất mạnh. Đối với nhóm này bạn phải lễ phép và kiên trì giải thích về những thứ bạn không làm được hay nói cách khác là dù muốn cũng không được phép. Nếu cần thiết bạn có thể báo cho cấp trên của bạn hay đối tác (Nhật ) và xin ý kiến của họ về cách giải quyết các yêu cầu của nhóm “khách hàng” này.
Trường hợp cần thiết và bí quá thì bạn nên xin đổi phiên dịch để tránh phiền hà. Bản thân tôi cũng nhiều lần đã phải dùng đến biện pháp này rồi.

b. Nhóm bằng hay ít tuổi hơn:
Đây là nhóm như lưu học sinh, kỹ sư, tu nghiệp sinh v.v... Nhóm này thì thường xem phiên dịch là “anh/chị” và cách kỳ vọng của họ ở phiên dịch cũng khác. Với nhóm này người phiên dịch nên giữ cân bằng trong khoảng cách. Có nghĩa là không quá thân với người này hay xa cách với người kia. Quá thân thiện sẽ gây ra xử lý theo cảm tính. Quá xa cách sẽ gây ra thờ ơ. Cho dù bạn có cảm tình với ai hay một nhóm nào đi nữa thì cũng không nên bộc lộ ra khi làm phiên dịch trong công việc.

Kế đến là phiên dịch cần nghiêm túc và gương mẫu. Ví dụ bạn muốn yêu cầu mọi người đi đúng giờ thì trước hết bạn phải đúng giờ. Bạn muốn nhắc nhở người khác giữ gìn vệ sinh thì bản thân bạn cũng nên làm điều này trước.

II. Mẹo vặt:
-Nên tỏ ra bạn bênh người Việt một cách khéo léo:
Dù như đã nói ở trên bạn nên giữ khỏang cách thì bạn vẫn có cách tỏ ra rằng mình vẫn bênh người Việt theo cách của bạn. Đó là việc khi bạn dịch và thấy phía người Việt cần những lời khuyên thì bạn nên khuyên họ. Hay khi qua lời nói của đối phương mà bạn đóan trước được kết cục không hay sẽ xảy ra với ngừơi Việt thì bạn nên âm thầm “cảnh báo” cho họ(Tất nhiên cũng đừng quên nói với họ rằng đấy là bạn đang “bí mật làm gián điệp”).

-Nên Trung thực:
Bạn đừng quên rằng khi bạn đi dịch thì dù bạn biết nhiều từ ngữ thì những người ngồi trước mặt bạn vân là những nhà “chuyên môn” về chuyên ngành nào đó. Do đó khi bạn không rõ điều gì thì nên trung thực thú nhận và hỏi họ. Ví dụ bản thân tôi khi đi dịch cho tu nghiệp sinh tại xưởng làm và vướng mắc tôi vẫn nói rõ với họ là tôi không hiểu và yêu cầu họ giải thích rõ.
Điều này nói rất dễ tuy thế nhiều phiên dịch giấu nhẹm đi hay dịch qua loa vì sợ nói ra thì “mắc cỡ”.
 

kamikaze

Administrator
Cách đối xử với khách Nhật:

1. Thái độ của khách Nhật đối với phiên dịch người Việt:
Tùy cá tính của từng ông khách Nhật mà họ sẽ có cách nhìn, thái độ khác nhau với phiên dịch. Kéo theo đó là sự kỳ vọng vào phiên dịch củ họ cũng sẽ khác nhau.
Nói ngắn gọn thì có thể chia ra các lọai như sau:

-Không tin tưởng ở phiên dịch:
Đây là mẫu người cho rằng phiên dịch không biết tiếng Nhật nhiều và cũng không biết nhiều về Nhật. Họ có thái độ dè dặt với phiên dịch. Cụ thể là khi nói cho phiên dịch nghe thì họ nó rất chậm. Nói xong còn giải thích bằng mọi cách và luôn lặp lại những cầu “Có hiểu không?” “chắc chắn hiểu không?” v.v... Những người này lúc đầu sẽ không kỳ vọng nhiều hay tin vào phiên dịch. Nhưng nếu phiên dịch tự tin thì chỉ sau vài lần tiếp xúc họ sẽ tin tưởng vào phiên dịch. Nói chung với dạng khách này nhiều khi phiên dịch sẽ khó chịu và cảm thấy tự ái trước phản ứng của họ. Ngòai ra thì không có gì khó khăn khi phải tiếp chuyện những ông khách dạng này.

-Kỳ vọng quá nhìêu vào phiên dịch:
Ngược lại với nhóm khách ở trên thì đây là những ông khách cho rằng phiên dịch cái gì cũng phải biết. Và họ là khách nên tâm lý bắt buộc phiên dịch phải phục vụ họ tận tình là rất mạnh. Các vị khách này sẽ không để ý đến chuyện phiên dịch có nghe, hiểu họ nói hay không. Và do đó họ cũng không hề nói chậm hay giải thích cho phiên dịch hiểu. Và những gì họ kỳ vọng vào phiên dịch cũng không khác gì họ kỳ vọng vào một đối tác Nhật đang phục vụ họ với tư cách là “thượng đế”.

Đối với nhóm này phiên dịch cần chú ý là khi có gì không hiểu thì nên yêu cầu họ giải thích lại cho bằng hiểu. Và cũng đừng quên là yêu cầu họ nói chậm lại khi cần thiết/

-Nhóm nhìn từ trên xuống:
Có lẽ rất ít nhưng thỉnh thỏang vẫn tồn tại cách nhìn người nước ngòai từ trên xuống.
Những người này không những nhìn phiên dịch từ trên xuống mà có lẽ còn nhìn cả Việt Nam với con mắt từ trên xuống. Đối với nhóm này thì có lẽ phiên dịch nên biết kìm chế, tránh tự ái. Và vấn đề là hãy cố gắng làm tròn bổn phận phiên dịch khi cần thiết chứ không cần phải “chăm sóc” họ quá nhiều.

2. Tâm lý chung và cách đối phó:
Có lẽ tâm lý chung của các ông khách Nhật là tâm lý của “thượng đế” và muốn được phục vụ bằng hay hơn mức phục vụ ở Nhật. Điều này là một đòi hỏi khó đối với những bạn phiên dịch chưa qua Nhật hay không rõ về dịch vụ của Nhật như thế nào.

Và cũng không khác gì các “thượng đế” Việt Nam, các ông khách Nhật cũng muốn được phiên dịch bênh vực hay chí ít cũng tỏ ra bênh vực họ.

Tùy vào khả năng hiểu biết mà nhiều khi người phiên dịch sẽ bị đói hỏi quá đáng. Và nếu không chú ý thì có những đòi hỏi của khách có khi đụng chạm đến pháp luật.

Có lẽ đễ hòan thành tốt công việc thì trước hết người phiên dịch nên tự tin(Nhưng để tự tin được thì cần phải có lượng kiến thức và kinh nghiệm nào đó). Và cũng cần phân biệt rạch ròi đâu là trách nhiệm và đâu là những thế nên và không nên làm để có quyết định sáng suốt.

Đối với những đòi hỏi vô lý của khách thì trước hết hãy giải thích thuyết phục khôn khéo để tránh bị mất lòng. Và nếu như khách vẫn không chịu thì hãy nêu các yếu tố pháp luật v.v.. ra để “dọa” nhằm làm cho khách từ bỏ ý định.

Một điều cần lưu ý nữa là hãy 空気を読むようにする khì làm việc với khách Nhật. Hãy cố phán đóan họ muốn gì và không muốn gì từ những phải ứng, cử chỉ của họ để biết cách “chiều” họ cho chu đáo. Có lẽ ai cũng sẽ vui nếu như những ý nghĩ không nói ra được người khác đọc và đáp ứng kịp thời?!!
 

kamikaze

Administrator
Xin kết thúc chủ đề này với vài lời khuyên dành cho các bạn vừa mới vào nghề phiên dịch.

Ai cũng biết rằng "vạn sự khởi đầu nan". Nghề phiên dịch cũng không phải là một ngọai lệ. Nếu như người ngòai cuộc nhìn vào thấy rằng nghề phiên dịch đơn giản bao nhiêu thì kẻ trong cuộc sẽ thấy nó khó khăn bấy nhiêu. Vì thế nên nếu bạn có ý định dính vào nghề này thì xin hãy khắc sâu vào lòng rằng đây là nghề "khó nuốt" và cần chuẩn bị kỹ về tinh thần.

Bên cạnh đó thì đây cũng là một nghề thú vị. Cá nhân tôi cho rằng nếu người phiên dịch biết cách quan sát thì đây là cơ hội rất tốt cho việc trau dồi kiến thức, mở mang mối quan hệ. Bởi lẽ thông qua nội dung phiên dịch nếu bạn chú ý bạn sẽ có thêm rất nhiều thứ mà khó có ai dạy cho dù bạn muốn học. Tôi xin ví dụ kinh nghiệm của riêng mình. Tôi đã tham gia dịch từ bệnh viện cho đến xưởng sản xuất cũng như các cuộc họp thương thảo về hợp đồng nào đó. Ví dụ ở bệnh viện khi nghe bác sĩ giải thích về một thứ bệnh nào đó tôi đã có dịp hiểu về nguyên lý của lọai bệnh đó nói chung và học thêm từ về lĩnh vực này nói riêng. Khi tham gia dịch cho các cuộc hội nghị thì là cơ hội để quan sát "mánh khóe" của các bên. Đây cũng lại là cơ hội học thêm cách đối phó với các tình huống. Dịch cho cảnh sát thì lại là cách để moi thông tin dành cho việc khi bản thân hay người quen của mình dính vào cảnh sát thì nên giải quyết thế nào. Nói tóm lại là hãy cố gắng quan sát, suy nghĩ để đúc rút ra những thứ bạn cần. Để làm được điều này cần sự say mê. Nếu bạn cảm thấy rằng phiên dịch mệt và bạn chỉ có trách nhiệm chuyển lời nói của bên này cho bên kia thì coi như bạn đã bỏ qua cơ hội hiếm.

Bây giờ xin quay lại nội dung chính.

-Ghi chép và ghi chép:
Người Việt Nam mình có thói quen ít ghi chép vì cứ nghĩ rằng sẽ nhớ. Hay thậm chí có người còn nghĩ rằng ghi chép nhiều sẽ bị nghĩ là "có trí nhớ kém". Tuy thế thực tế thì trong công việc bình thường nói chung va phiên dịch nói riêng, thói quen không ghi chép sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Khi phiên dịch khi nghe bạn cứ tưởng sẽ nhớ và không cần ghi chép. Tuy thế sau khi nghe người ta nói luyên thuyên một hồi thì bạn sẽ quên hết. Chưa kể đến nếu như bạn bị mất bình tĩnh vì mới vào nghề thì có lẽ sau khi nghe xong bạn chẳng còn nhớ gì.

Để tránh điều này thì hãy cố gắng ghi chép lại những ý chính. Thật ra bạn phải làm 3 thao tác cùng lúc: vừa ghi chép lại vừa phải nghe người khác nói và cùng lúc phải sắp xếp ý để dịch. Ba thao tác này cần phải được phối hợp nhịp nhàng.

-Chủ động:
Nên nhớ rằng nhiệm vụ của bạn là làm cho hai bên hiểu nhau. Do đó bạn có quyền chủ động ngắt và yêu cầu những người nói dài quá dừng lại hay yêu cầu kẻ "ít lời" bổ sung thêm những ý bạn chưa rõ.( Tâm lý chung của những người mới đi phiên dịch là không dám ngắt lời vì đa số người nói là giám đốc, trưởng phòng v.v...)

Nếu bạn không biết làm việc này thì sẽ gây cho bên nghe chờ dài cổ và bên nói nói luyên thuyên. Đến khi bạn dịch cũng sẽ mệt vì phải xứ lý sắp xếp quá nhiều hay quá ít thông tin. Điều nãy sẽ gây ra thiết sót trong khi dịch.

(xin dừng ở đây khi nào suy nghĩ ra gì sẽ viết tiếp)
 

arikas

New Member
-Ghi chép và ghi chép:
Người Việt Nam mình có thói quen ít ghi chép vì cứ nghĩ rằng sẽ nhớ. Hay thậm chí có người còn nghĩ rằng ghi chép nhiều sẽ bị nghĩ là "có trí nhớ kém". Tuy thế thực tế thì trong công việc bình thường nói chung va phiên dịch nói riêng, thói quen không ghi chép sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.

Khi phiên dịch khi nghe bạn cứ tưởng sẽ nhớ và không cần ghi chép. Tuy thế sau khi nghe người ta nói luyên thuyên một hồi thì bạn sẽ quên hết. Chưa kể đến nếu như bạn bị mất bình tĩnh vì mới vào nghề thì có lẽ sau khi nghe xong bạn chẳng còn nhớ gì.

Để tránh điều này thì hãy cố gắng ghi chép lại những ý chính. Thật ra bạn phải làm 3 thao tác cùng lúc: vừa ghi chép lại vừa phải nghe người khác nói và cùng lúc phải sắp xếp ý để dịch. Ba thao tác này cần phải được phối hợp nhịp nhàng.

Ari cũng được 1 bác Nhật bảo nên có thói quen ghi chép lại. Nhưng nếu vừa ghi mà người ta vẫn cứ đang nói thì ari thấy phân tâm vô cùng, không biết người ta đang nói đến đâu hay nói gì nữa. Bác kami hay bác nào có kinh nghiệm về việc ghi chép khi phiên dịch không ạ?
 

kamikaze

Administrator
Ari cũng được 1 bác Nhật bảo nên có thói quen ghi chép lại. Nhưng nếu vừa ghi mà người ta vẫn cứ đang nói thì ari thấy phân tâm vô cùng, không biết người ta đang nói đến đâu hay nói gì nữa. Bác kami hay bác nào có kinh nghiệm về việc ghi chép khi phiên dịch không ạ?

Phải luyện cho quen thôi chứ nếu mà vừa dịch vừa ghi bị phân tâm thì không "làm ăn" gì được. Đã đề cập đến 3 thao tác cùng 1 lúc ở trên kia. Khi nào quen thì sẽ làm được thôi. Ghi chép không cần phải cầu kỳ miễn sao cho mình hiểu, nhớ để dịch không sai là được.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

rikishi

New Member
khi dịch ở các hội nghị, thường thì người VN mình có thói quen nói rất dài, nếu muốn ghi chép chỉ ghi chép những câu chính, còn các câu khác ta cứ nhớ nằm lòng theo ý đó.
Em cũng về dịch trong các cuộc họp mấy lần, thấy nhờ có ghi chép mình dịch ra sẽ không bị mất ý của người ta.
Khó khăn nhất là cách dịch từ Việt ra Nhat65. Em có đi chung với phiên dịch của đối tác, họ đang dịch 1 câu là nhảy vào あのう、 một vài lần mình còn nghe được, suốt đoạn hội thoại toàn nghe あのう。 Bởi thế sau khi kết thúc, người Nhật có nói nhỏ với mình là nghe tiếng Nhật cứ như tra tấn vì chữ Ano đó cứ nhảy ngang cuộc họp.
Cho nên các bạn nào có thói quen nói Anou nhớ tập khắc phục nhé, hì hì. Mình thì thi thoảng nhảy vào vài câu ええと. ^0^
 

rikishi

New Member
à nhân tiện Thanks bác Kami, mình có áp dụng những kĩ năng và kinh nghiệm bác có ghi trên đây, và cũng được các bạn Nhật khá hài lòng về cách xử sự khi về Vn. Đặc biệt là cách để cho người ta thấy mình là người của người ta và có quan tâm người ta ^0^
 

kamikaze

Administrator
khi dịch ở các hội nghị, thường thì người VN mình có thói quen nói rất dài, nếu muốn ghi chép chỉ ghi chép những câu chính, còn các câu khác ta cứ nhớ nằm lòng theo ý đó.
Em cũng về dịch trong các cuộc họp mấy lần, thấy nhờ có ghi chép mình dịch ra sẽ không bị mất ý của người ta.
Khó khăn nhất là cách dịch từ Việt ra Nhat65. Em có đi chung với phiên dịch của đối tác, họ đang dịch 1 câu là nhảy vào あのう、 một vài lần mình còn nghe được, suốt đoạn hội thoại toàn nghe あのう。 Bởi thế sau khi kết thúc, người Nhật có nói nhỏ với mình là nghe tiếng Nhật cứ như tra tấn vì chữ Ano đó cứ nhảy ngang cuộc họp.
Cho nên các bạn nào có thói quen nói Anou nhớ tập khắc phục nhé, hì hì. Mình thì thi thoảng nhảy vào vài câu ええと. ^0^

Quên đề cập là nếu công ty bạn có cả phiên dịch người Nhật và có điều kiện thì nên tham gia một lúc hai phiên dịch để hỗ trợ cho nhau. Thường thì phiên dịch người Việt sẽ dịch Nhật> Việt và phiên dịch người Nhật sẽ dịch Việt-Nhật(Tất nhiên tuỳ tình huống mà có thể nên ngược lại. Ví dụ nhiều khi cần nói ra điều "mất lòng" và bạn sợ bị chê là người việt ăn hiếp nhau thì nên mượn miệng người Nhật!). Và khi gười này dịch thì người có thể ngồi để nghe và hỗ trợ. Tất nhiên là phải thật hợp ý nhau chứ quan hệ lục đục thì không làm được.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐỜI SỐNG TẠI NHẬT 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top