Việc Làm Của Người Cao Tuổi Nhật Bản Vài Năm Gần đây Và Những Chính Sách Thúc đẩy

Việc Làm Của Người Cao Tuổi Nhật Bản Vài Năm Gần đây Và Những Chính Sách Thúc đẩy

Như chúng ta đã biết, trong khi phải tìm những giải pháp tối ưu nhất để nhanh chóng thoát ra khỏi sự suy thoái kinh tế trầm trọng kéo dài suốt từ sau sự tan vỡ của nền kinh tế bong bóng cho đến nay,


Nhật Bản lại đang tiến dần đến một xã hội già hóa mà ở đó số lượng người cao tuổi ngày một tăng nhanh trong khi nguồn lao động trẻ ngày càng giảm mạnh. Điều này không những làm cản trở đến quá trình khắc phục sự khủng hoảng kinh tế mà còn đặt ra nhiều vấn đề bức xúc đối với lực lượng lao động Nhật Bản hiện nay và trong tương lai. Trong bối cảnh của một xã hội đang dần già hóa, vấn đề việc làm của người cao tuổi luôn được bàn đến. Bài viết này nhằm phản ánh phần nào về lực lượng lao động cao tuổi và những chính sách sử dụng lao động cao tuổi ở Nhật Bản diễn ra trong vài năm trở lại đây.

Già hóa dân số cùng với sự giảm thiểu trẻ sơ sinh đang là một vấn đề vô cùng bức xúc và nan giải đối với Nhật Bản trong thế kỷ 21. Xu hướng này đang ngày càng diễn tiến mạnh mẽ ở Nhật Bản với một tỷ lệ tăng chưa từng thấy kể từ sau năm 1998. Theo kết quả của cuộc tổng điều tra dân số năm 1995 và dự báo dân số do Viện Nghiên cứu Dân số và Phúc lợi xã hội Quốc gia đưa ra, năm 1995 Nhật Bản có 125,6 triệu người. Dự kiến đến năm 2007, dân số Nhật Bản sẽ tăng lên mức đỉnh điểm là 128,6 triệu sau đó giảm dần đến năm 2025 là 121,7 triệu. Năm 1995, tỷ lệ người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) là 14,8%, tỷ lệ trẻ em (từ 0 đến 14 tuổi) là 15,9%. Theo dự tính, kể từ sau năm 1995 trở đi, xu hướng phát triển dân số của Nhật Bản không có tính đồng đều. Có nghĩa là tỷ lệ người từ độ tuổi 0 đến 14 có chiều hướng giảm dần qua từng năm, trái lại cùng với thời gian đó tỷ lệ người cao tuổi (từ 60 trở lên) tăng rất nhanh. Tính đến năm 2005 tỷ lệ ở hai nhóm tuổi này tương ứng là 15,9% và 19,3%; năm 2025 con số người cao tuổi sẽ tăng khoảng 27,3%, ngược lại vào năm đó tỷ lệ dân số ở độ tuổi thanh niên (từ 20 đến 29) giảm đi rất nhiều. Từ những số liệu trong bảng 1, có thể thấy rằng vào năm 2015, khoảng 1/4 dân số Nhật Bản sẽ ở độ tuổi trên 65 (xem bảng 1). Hiện nay, tỷ lệ những người cao tuổi như vậy ở Nhật Bản là trên 17%. Già hóa dân số ở Nhật Bản đang diễn ra nhanh đến nỗi không thể so sánh với những nước nào khác trên thế giới. Theo số liệu thống kê về dân số thế giới, năm 2000 tỷ lệ người già trong dân số Nhật Bản chiếm 17%, Mỹ là 12,4%, Thuỵ Điển là 16,7%; 16% của Italia, 15,6% là Pháp, Anh là 15,4% . Để tăng tỷ lệ này từ 17% lên gấp hai lần (khoảng 28% đến 29%), các nước Tây Âu như Italia, Canada, Thụy Sĩ, Anh, Đức, Pháp sẽ phải mất ít nhất từ 80 đến 120 năm nhưng Nhật Bản chỉ mất có 1/3 hoặc 1/2 thời gian đó. Theo dự đoán, tính đến năm 2025, tỷ lệ người già trong dân số ở Nhật Bản sẽ đứng đầu thế giới, ở mức 27,3%; tiếp theo là Italia với 25,2%, Đức là 22,9%, Pháp là 21,3%. Cũng qua bảng 1, có thể thấy tỷ lệ người quá già (những người từ 75 tuổi trở lên) trong số những người già tăng lên rất nhanh trong thế kỷ 21, từ 39,9% vào năm 2000 lên 56,6% vào năm 2025 và trở thành nước có tỷ lệ người già vượt xa các nước khác và đứng đầu thế giới, tiếp theo sau là Thụy Điển (51,1%).



Nếu số trẻ em giảm và số người già tăng thì dân số trong độ tuổi lao động được quy định theo tuổi sẽ giảm. Tình trạng số trẻ em ít hơn số người già là điều chưa từng có từ sau thời kỳ Meiji và gây ra những tác động to lớn trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Một trong số những tác động đó là, nếu sự tăng trưởng kinh tế được mang lợi lại từ lực lượng lao động, tư bản và tiến bộ kỹ thuật thì việc dân số trong độ tuổi lao động, nguồn của lực lượng lao động, giảm đi sẽ trở thành nguyên nhân khiến cho nền kinh tế tăng trưởng âm. Sự phát triển dân số không đồng đều như vậy đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách của Nhật Bản trong việc đưa ra những giải pháp việc làm thích hợp nhất cho một xã hội già hóa.

Kể từ đầu thập kỷ 90 trở lại đây, tốc độ già hóa dân số ngày một tăng cộng với tỷ lệ sinh đẻ quá thấp ở Nhật Bản đã làm cho lực lượng lao động của nước có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới này cũng bị già hóa theo và thiếu nguồn lao động trẻ thay thế. Cuộc điều tra về lực lượng lao động do Bộ Lao động Nhật Bản tiến hành vào năm 1993 cùng với những dự báo trong những năm tới cho thấy tỷ lệ người cao tuổi tham gia vào lực lượng lao động đang tăng lên nhanh chóng. Cụ thể là, tỷ lệ những người lao động làm thuê trên 55 tuổi và những người trên 65 đang tăng dần. Nhìn vào bảng 2 có thể thấy rõ xu hướng thay đổi cơ cấu trong lực lượng lao động Nhật Bản. Sự tăng giảm tỷ lệ phần trăm lực lượng lao động theo tuổi trong khoảng thời gian từ năm 1990 đến năm 2025 cho thấy là thanh niên trẻ giữa nhóm tuổi 15 và 29 sẽ giảm từ 23,1% xuống 17%. Tỷ lệ những người trong độ tuổi 30 - 59 giảm nhẹ hơn từ 65,4% (năm 1990) xuống 63% (năm 2025); nhóm tuổi trung niên (từ 40 đến 54 tuổi) giảm từ 56,7% xuống 54,9%, trong khi đó những người cao tuổi từ 55 tuổi trở lên sẽ tăng một cách đột ngột từ 20,2% lên 26,9%. Đặc biệt hơn là những người lao động đã qua tuổi về hưu bắt buộc (từ 60 - 64 tuổi) vẫn tham gia vào lực lượng lao động có thể sẽ tăng từ 4.400.000 người (6%) năm 2000 lên 5.300.000 người (9%) năm 2025; nhóm người từ 65 tuổi trở lên có tỷ lệ tăng cao hơn từ 5.200.000 người (8%) lên 7.100.000 người (11%), tăng 1.900.000 người từ năm 2000 đến 2025.

Hiện nay, tỷ lệ lực lượng lao động trong số nam giới thuộc độ tuổi 60 - 65 ở Nhật là khoảng 75%, cao hơn so với tỷ lệ này ở Mỹ: khoảng 50%, ở Đức: khoảng 30%. Tỷ lệ việc làm của người cao tuổi cũng thay đổi theo từng khu vực. Thành phố càng lớn thì tỷ lệ phần trăm này càng cao. Chằng hạn như tỷ lệ việc làm của những người cao tuổi ở Tokyo chiếm tỷ lệ cao nhất với 40,7% là nam giới và 21,5% là nữ giới đang làm việc. Ngay ở Nagasaki, nơi có tỷ lệ việc làm của người cao tuổi thấp nhất với 19,2% là nam giới và 10% là nữ giới trong lực lượng lao động.

Về loại hình việc làm, 66% những người lao động cao tuổi trong nhóm tuổi 55 - 59 là những người làm thuê. Tỷ lệ những người làm thuê này giảm theo tuổi. Trong nhóm tuổi 65 - 69, phần lớn là những người làm tư và những người lao động tình nguyện, những người làm thuê lại rất ít. Những người lao động cao tuổi có thể tham gia vào những công việc phù hợp bằng cách đảm nhận những công việc của gia đình hoặc tự làm cho chính mình trên sự hợp tác với các công nhân trong gia đình. Ví dụ, những người cao tuổi có thể điều chỉnh giờ làm việc hoặc khối lượng công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của họ. Tuy nhiên, những người cao tuổi có thể không được thuê mướn nếu khả năng của họ không đáp ứng được những yêu cầu của công việc và điều kiện làm việc. Đây là lý do tại sao tỷ lệ những người làm thuê vượt trên tỷ lệ những người làm tư ở độ tuổi 65. Hầu hết tất cả những người làm thuê nam giới đều làm việc thời gian cả ngày (full-time). Nhưng tỷ lệ những người cao tuổi làm việc cả ngày giảm theo tuổi và tỷ lệ những người lao động làm thuê cao tuổi làm việc không đủ thời gian cả ngày (short - time) tăng lên. Những người cao tuổi thất nghiệp có thể được thuê mướn nếu họ đảm nhận công việc làm cả ngày. Nhưng họ thích làm việc không đủ thời gian cả ngày hoặc là đảm nhận việc làm tình nguyện hơn là làm việc cả ngày. Sự bất cân đối về thời gian làm việc là một trong những lý do cơ bản của tình trạng thất nghiệp đối với người già, mặc dù lý do chính của thất nghiệp này là điều kiện sức khỏe.

Về loại hình nghề nghiệp mà những người nam cao tuổi thường xuyên làm nhất đó là nghề thủ công và chế tạo sản xuất, sau đó là những công việc trong ngành nông lâm ngư nghiệp; công nhân kỹ thuật, quản lý, viên chức... Hầu hết nam giới cao tuổi đều là những lao động làm thuê ở độ tuổi 55. Trong số những người làm thuê trong nhóm tuổi phải về hưu bắt buộc 60 - 64, có 60% tham gia cùng một công việc như độ tuổi 55. Nhưng có một điều là những người lao động làm thuê trong các ngành nông - lâm - ngư nghiệp, viễn thông, quản lý gặp rất nhiều khó khăn để có được việc làm giống như trước. Những người này đã phải chuyển sang loại công việc khác như nghề thủ công, chế tạo. Điều này có lẽ bởi vì họ có rất ít cơ hội để kiếm được một việc tương tự, mặc dù những người tìm việc nói chung thích những loại nghề nghiệp mà họ đãtừng làm trước lúc nghỉ hưu.

Trước bối cảnh người cao tuổi Nhật Bản tham gia vào thị trường lao động có tỷ lệ cao nhất trong số những nước cũng có tình trạng như vậy, nhiều người đã đưa ra câu hỏi: "Vậy, tại sao những người cao tuổi Nhật Bản vẫn tiếp tục và mong muốn làm việc sau tuổi nghỉ hưu? ". Để trả lời cho câu hỏi này, Hiệp hội phát triển việc làm cho những người cao tuổi, một tổ chức thuộc Bộ Lao động, đã tiến hành điều tra trên phạm vi cả nước tại các xí nghiệp có trên 100 nhân công trong nhóm tuổi 40 - 59.

Kết quả cuộc điều tra là như sau: tỷ lệ những người mong muốn về hưu ở độ tuổi 60 là khoảng 14% đối với nam và khoảng 20% đối với nữ. Tỷ lệ những người mong muốn làm việc lâu như có thể là 37,2% đối với nam và 40,7% đối với nữ. Tỷ lệ này có xu hướng cao hơn trong số những người được hỏi. Khoảng 1/3 nam giới ở độ tuổi cuối 50 sắp đến tuổi về hưu mong muốn làm việc lâu như có thể, trong khi đó 1/3 khác lại coi trọng tuổi 65 là tuổi về hưu, và chỉ có 13,5% muốn nghỉ hưu ở tuổi 60. Về phần nữ giới, có một tỷ lệ xấp xỉ như nam giới mong muốn làm việc lâu như có thể, nhưng tỷ lệ những người muốn về hưu ở độ tuổi 60 thì cao hơn nam giới khoảng 10%. Nếu không xét về giới, chỉ có phần ít những người lao động cao tuổi muốn về hưu ở tuổi 60.

Về loại hình việc làm, có trên 40% những người trả lời "muốn làm việc sau tuổi về hưu" quan tâm đến việc làm 5 ngày/ 1 tuần. Về giờ làm việc hàng ngày, 43% muốn làm việc cả ngày (full-time) và 37% là muốn 5 - 6 giờ. Thực tế là 37% muốn làm 5 - 6 giờ /1 ngày cho thấy những người cao tuổi có sự ham muốn làm việc rất cao. Về nơi làm việc, tỷ lệ nữ nhiều hơn nam muốn tiếp tục ở lại các công ty hiện tại của mình (58,2% đối với nữ và 41,5% đối với nam), nhưng tỷ lệ nam giới có xu hướng thích làm việc tại nơi làm việc khác không có quan hệ với công ty hiện tại lại cao hơn nữ (31,2% là nam và 19,5% là nữ).

Nhiều người cao tuổi làm việc vì những lý do kinh tế nhưng tỷ lệ những người cao tuổi làm việc vì lý do kinh tế giảm theo tuổi, trong khi đó tỷ lệ những người làm việc vì lý do sức khỏe tăng lên. Lương hưu có một ảnh hưởng sâu sắc đến điều kiện kinh tế của những người cao tuổi. Tỷ lệ những người cao tuổi được nhận lương hưu tăng theo tuổi nhưng tỷ lệ có việc làm của những người được nhận lương hưu thấp hơn tỷ lệ những người không được hưởng lương hưu. Có nhiều lý do khác nhau về việc làm của người cao tuổi. Họ làm việc chủ yếu để kiếm sống, nhưng cho dù họ không cần kiếm sống, họ cũng không muốn về hưu để rời bỏ công việc của mình. Lý do ở đây là họ làm việc để có sự thoải mái cho chính họ, để có những mối quan hệ thân thiện với các đồng nghiệp và để tham gia vào các hoạt động xã hội. Bảng 4 dưới đây cho thấy rõ những lý do chính mà những người cao tuổi Nhật Bản mong muốn làm việc sau tuổi nghỉ hưu.

Với sự phát triển bất cân đối về nhân khẩu học - già hóa dân số và giảm thiểu tỷ lệ trẻ sơ sinh - lực lượng lao động trong xã hội Nhật Bản đang đứng trước sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lao động trẻ. Trước những diễn biến xấu như vậy, Chính phủ Nhật Bản cũng như bản thân các công ty đã xúc tiến nhiều biện pháp giải quyết việc làm khác nhau để người cao tuổi có thể tiếp tục được tham gia vào lực lượng lao động nhằm lấp đi sự khuyết lao động trẻ thay thế. Cụ thể, ngoài các biện pháp như sử dụng lao động nữ và sử dụng lực lượng lao động người nước ngoài, Chính phủ Nhật Bản đã cho sửa đổi "Luật về việc làm của người cao tuổi" thành "Luật về ổn định việc làm của người lao động cao tuổi", trong đó đảm bảo quyền làm việc cho những người trên 55 tuổi. Bộ luật này cũng nhấn mạnh việc yêu cầu các công ty kéo dài tuổi về hưu bắt buộc, và thuê mướn lại những người cao tuổi có năng lực, kinh nghiệm tại các công ty hiện tại hoặc từ các công ty chi nhánh cho đến khoảng 65 tuổi. Những dịch vụ tại các văn phòng tư vấn việc làm nhằm đẩy mạnh việc sớm gia nhập lại thị trường lao động của người cao tuổi thất nghiệp cũng được củng cố. Đặc biệt, trước tình hình những người cao tuổi Nhật Bản vẫn có động cơ làm việc ở mức độ cao nhưng nhiều người trong số họ có lẽ không thể đảm nhận công việc thời gian cả ngày khi ở tuổi gần 70 do những điều kiện về sức khỏe và tâm lý, nhiều Trung tâm nguồn nhân lực bạc (Silver Human Resources Centers) đã được thành lập ở nhiều thành phố để tạo cơ hội và sẵn sàng cung cấp những công việc bán thời gian hoặc tình nguyện. Những Trung tâm này ký giao kèo với các xí nghiệp và các cá nhân về việc làm tạm thời hoặc ngắn hạn với tất cả các loại việc làm từ dọn dẹp, làm vườn, làm cỏ, thợ mộc đến nhân viên, thư ký văn phòng, quản lý, kỹ sư và v.v... Chính sách trợ cấp nghỉ hưu cũng đang được Chính phủ xem xét lại để phù hợp với những thay đổi hiện nay trong vấn đề sử dụng lao động cao tuổi.

Về phía bản thân các công ty, để có thể giải quyết được nhu cầu của công ty là cần những người có kinh nghiệm và những khả năng đặc biệt, không có lao động trẻ thay thế, các công ty thường áp dụng hai biện pháp, đó là thực hiện kế hoạch kéo dài thời hạn thuê mướn và kế hoạch thuê mướn lại. Hiện nay, trong số các công ty có chế độ tuổi về hưu bắt buộc, có 67,0% thực hiện kế hoạch kéo dài thời gian thuê mướn và/ hoặc thuê mướn lại (13,8% chỉ có kế hoạch kéo dài thời gian thuê mướn, 46% chỉ có kế hoạch thuê mướn lại, và 7,2% áp dụng cả hai cách). Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản đều đưa ra những điều kiện tuyển chọn đối với lao động có tuổi, cụ thể là 2 điều kiện chính sau: (1) Những kế hoạch này chỉ mở rộng cho những người lao động đáp ứng những tiêu chuẩn cụ thể của công ty đó đặt ra, và (2) kế hoạch này nhằm vào những cá nhân được xem là cần thiết cho các hoạt động của công ty đó. Có 3 lý do chính tại sao các công ty lại không thực hiện kế hoạch kéo dài việc thuê mướn với tất cả nhân công là vì: thứ nhất là, phải gánh nặng chi phí tiền lương liên quan đến chế độ tiền lương hiện nay do tiền lương có xu hướng tăng lên khi tuổi của những người lao động tăng. Các công ty nhận ra rằng họ sẽ không thể duy trì tính cạnh tranh kinh doanh của mình nếu họ thực hiện những kế hoạch kéo dài thời gian thuê mướn mà không thay đổi hệ thống tiền lương. Việc thực hiện một hệ thống tiền lương bằng cách tiền lương giảm khi những người lao động đạt đến một độ tuổi nhất định nào đó có thể giải quyết được vấn đề này. Nhưng một hệ thống tiền lương như vậy sẽ gây ra nhiều vấn đề khác như là làm giảm tinh thần làm việc của người lao động. Thứ hai là, thiếu các vị trí phù hợp cho người lao động cao tuổi. Chẳng hạn, nhiều người cao tuổi gặp nhiều khó khăn khi đọc các bản in chữ nhỏ, có những phản ứng chậm hơn lao động trẻ tuổi, không đáp ứng được các công việc mới do sức khoẻ và khả năng v.v... Các công ty sẽ không thể tiếp tục giữ những người lao động cao tuổi nếu họ không có những công việc phù hợp. Lý do cuối cùng là, những người lao động thường có một xu hướng nặng nề là không có ý thức tin cậy vào các công ty về trách nhiệm giải quyết các vấn đề. Để có được và duy trì những khả năng hấp dẫn đối với các công ty khi không quan tâm đến tuổi tác, chính những người lao động cần thiết phải chăm lo đến điều kiện sức khỏe của họ và phát triển năng lực của mình. Thực tế, trong nhiều trường hợp họ không có ý định tích cực thu hút sự chú ý của những người chủ mà chỉ thường thụ động đợi các công ty đưa ra điều gì đó.

Đặc biệt hơn cả là các công ty đang hướng tới chế độ tuyển dụng tự do tuổi tác và xóa bỏ chế độ tuổi về hưu bắt buộc. Có nghĩa là nếu căn cứ vào thành tích và năng lực làm việc của mỗi cá nhân để trả lương và đưa ra sự đãi ngộ thì dù người lao động có tuổi cũng không cần phải nghỉ việc, do đó tuổi nghỉ hưu sẽ trở nên không cần thiết nữa. Với xu hướng như vậy, những người cao tuổi có ham muốn và năng lực lao động có thể làm việc, điều này vừa là niềm hạnh phúc của họ và cũng vừa góp phần giải quyết các vấn đề tài chính trợ cấp. Ngay tại các công ty, nếu không có tuổi nghỉ hưu thì người lao động đến 60 tuổi sẽ không đồng loạt nghỉ làm, vì vậy cũng không có việc tuyển dụng nhất loạt các sinh viên mới tốt nghiệp đại học và sẽ phổ biến việc tuyển dụng quanh năm những sinh viên mới tốt nghiệp đại học cũng như tuyển dụng những người đã từng làm việc ở công ty khác. Nhưng có một điều là cách thức tuyển dụng kiểu Nhật Bản có truyền thống lâu dài và phổ biến rộng rãi nên cho dù muốn chuyển ngay sang một xã hội tự do tuổi tác thì có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề bất đồng không đơn giản. Do vậy, việc chuyển sang một xã hội tự do tuổi tác cần phải trải qua nhiều giai đoạn bằng những hình thái đa dạng. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện đang đứng trước ngưỡng cửa của thời kỳ mà hiện tượng già hóa và giảm thiểu dân số đang diễn ra nhanh chóng cho nên thời gian cho sự thích ứng về chế độ tuyển dụng theo xu hướng này không còn nhiều.

Tóm lại, qua những gì đã trình bày trên đây, có thể thấy được một số vấn đề bức xúc đang diễn ra trong lực lượng lao động Nhật Bản do những hậu quả tiêu cực của sự già hóa và giảm thiểu lao động trẻ, và qua đây cũng phần nào thấy được một bức tranh toàn cảnh về việc làm của người cao tuổi Nhật Bản. Chắc chắn là trong những năm tới, khi mà Nhật Bản thực sự trở thành một xã hội già hóa, những chế độ việc làm ở Nhật Bản, cụ thể là chế độ lương hưu, chế độ tuyển dụng, chế độ nghỉ hưu sẽ dần có những thay đổi hoàn toàn.

( Hoàng Vọng Thanh

Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top