Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại lễ gia nhập WTO

Bài phát biểu của Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại lễ gia nhập WTO

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tại lễ gia nhập WTO của Việt Nam, được tổ chức tại trụ sở chính của WTO tại Geneva (Thụy Sĩ) cách đây ít phút.


Thưa Ngài Tổng Giám đốc,

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa các Quý vị đại biểu

Thưa các Quý bà, Quý ông…

Tôi rất vinh dự thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam tham dự Phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hôm nay và chứng kiến lễ ký Nghị định thư về việc Việt Nam gia nhập WTO. Đây là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mở đường cho Việt Nam tham gia một cách bình đẳng vào thể chế thương mại toàn cầu.

Sự kiện này cũng thể hiện sự đánh giá cao và những tình cảm nồng hậu mà cộng đồng quốc tế đã dành cho Việt Nam, đặc biệt là những thành quả mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong công cuộc Đổi mới toàn diện về kinh tế - xã hội và tiến hành hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm mục đích: "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh", cũng như những đóng góp của Việt Nam vào xu thế hợp tác vì hoà bình và phát triển trên thế giới.

Tôi xin thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam gửi lời cảm ơn chân thành đến ông Pascal Lamy, Tổng giám đốc WTO; ông Eirick Glenne, Chủ tịch Đại hội đồng WTO và Chủ tịch Ban Công tác về gia nhập WTO của Việt Nam, Ban Thư ký WTO, đặc biệt là ông Arif Hussain, Vụ trưởng Vụ Gia nhập và các cộng sự của ông, các thành viên Ban Công tác về thiện chí, sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình dành cho Việt Nam trong các chặng đường đàm phán vừa qua.

Chính sự nhiệt tình, sự cảm thông của những người bạn đã tạo điều kiện cho Việt Nam trở thành thành viên của WTO ngày hôm nay. Chúng tôi luôn trân trọng và sẽ luôn ghi nhớ những nghĩa cử cao đẹp đó.

Chúng tôi chân thành cảm ơn nhiều nền kinh tế đã tin tưởng vào sự chân thành và nỗ lực của Việt Nam, từ đó đã chấp nhận các cam kết của Việt Nam mà không tiến hành đàm phán song phương.

Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực lớn lao của 28 đối tác đã tiến hành đàm phán song phương với Việt Nam, đưa tới những thoả thuận cân bằng, cùng có lợi. Điều đó cho thấy các bạn coi trọng việc thắt chặt hợp tác với Việt Nam - một nền kinh tế phát triển năng động, một bộ phận cấu thành của một khu vực đầy tiềm năng về phát triển.

Thưa các Quý vị

Các đây vừa tròn 60 năm, ngay sau khi đất nước chúng tôi mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đã đề xuất những định hướng rõ ràng cho đất nước về mở cửa và hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế quốc tế.

Trong bức thư gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc năm 1946, Người đã khẳng định: "Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực: Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc".

Chúng tôi vô cùng xúc động khi nhìn lại, vào thời điểm đó, trong đống hoang tàn đổ nát của Chiến tranh Thế giới lần thứ II, vị nguyên thủ đầu tiên của chúng tôi, của một đất nước vừa mới giành được độc lập sau gần một thế kỷ là thuộc địa của nước ngoài, đã sớm có tầm nhìn chiến lược để gửi tới nhân loại bức thông điệp rõ ràng, sâu sắc, thể hiện nguyện vọng chân chính vì hoà bình và hợp tác của một dân tộc yêu tự do và luôn phấn đấu vì phát triển.

Tiếc rằng, do hoàn cảnh lịch sử, vì phải tiếp tục trải qua các cuộc chiến tranh liên tục, tàn khốc và chịu đựng bao vây, cấm vận, nên trong nhiều thập kỷ chúng tôi đã không thể triển khai một cách đầy đủ ý tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 của Thế kỷ 20, cùng với chủ trương đổi mới kinh tế - xã hội, Nhà nước Việt Nam đã thi hành đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.

Xuất phát từ đường lối đối ngoại đó, đồng thời nhận thức rõ xu thế toàn cầu hoá, khu vực hoá đang phát triển mạnh mẽ với sự tuỳ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng giữa các nền kinh tế, Việt Nam đã nhanh chóng triển khai chính sách chủ động và tích cực hội nhập kinh tế của mình với kinh tế khu vực và toàn thế giới.

Trong những năm 1990, Việt Nam đã lần lượt gia nhập ASEAN và thực hiện các cam kết của mình trong khuôn khổ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), là thành viên sáng lập của Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), trở thành thành viên của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập WTO.

Chúng tôi đã chủ động thực hiện các bước hội nhập từ tiểu khu vực đến liên khu vực và cuối cùng là hội nhập toàn cầu, đưa ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành hiện thực.

Đặc biệt, ngay trong tháng này, với tư cách chủ nhà APEC 2006, chúng tôi đang tích cực chuẩn bị tổ chức tốt Hội nghị các Nhà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Và hôm nay, trên đất nước Thuỵ Sĩ tươi đẹp, thanh bình và mến khách, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO - một bước tiến quan trọng để chúng tôi tiếp tục hội nhập sâu rộng và toàn diện vào nền kinh tế thế giới.

Thưa các Quý vị

Việc Việt Nam gia nhập WTO diễn ra đúng vào lúc chúng tôi vừa nhìn lại kết quả của 20 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, đồng thời đề ra mục tiêu tới năm 2010 đưa đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Để phấn đấu cho mục tiêu đó, chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, chống tham nhũng, quan liêu.

Chúng tôi hy vọng rằng việc trở thành thành viên WTO sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam mở rộng thị trường, thu hút đầu tư, tranh thủ công nghệ để phát triển. Với thị trường bao gồm 85 triệu dân, có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn thuộc loại cao nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp, một đất nước thanh bình và luôn ổn định, một điểm du lịch tươi đẹp với những người dân hiền hòa và mến khách, tôi tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục là một thị trường hấp dẫn, một điểm đến tin cậy cho mọi nhà đầu tư.

Tôi cũng chia sẻ ý kiến của nhiều bạn bè cho rằng gia nhập WTO là lợi ích của Việt Nam cũng như của chính WTO. Về phần mình, chúng tôi sẽ nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết của một thành viên, đồng thời sẽ tích cực đóng góp vào các công việc chung của Tổ chức.

Chúng tôi mong rằng các nền kinh tế thành viên và Ban Thư ký WTO sẽ tiếp tục nhiệt tình ủng hộ Việt Nam, mở rộng hợp tác với đất nước chúng tôi, dành cho chúng tôi sự trợ giúp cần thiết, kể cả sự trợ giúp kỹ thuật, để thực hiện cam kết đã đạt được.

Trên tinh thần đó, để kết thúc, tôi xin bày tỏ sự tin tưởng mạnh mẽ rằng với nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ, hợp tác nhiệt tình của các thành viên WTO khác, Việt Nam nhất định sẽ là một thành viên tin cậy và có trách nhiệm của WTO, sẽ góp phần xứng đáng vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng một hệ thống thương mại đa biên công bằng, bình đẳng và cùng có lợi.

Tôi xin chúc Quý vị dồi dào hạnh phúc và sức khỏe!

Xin chân thành cám ơn các Quý vị!

Theo TTXVN

Phải công nhận là các bác nhà mình viết hay đấy chứ. :dethuong:
Theo dantri.com
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top