Giá lương thực leo cao, đe doạ an ninh toàn cầu

Giá lương thực leo cao, đe doạ an ninh toàn cầu

Giá cả lương thực leo cao đang gây ra một loạt những cuộc bạo động, biểu tình ở nhiều nước, đe doạ an ninh và sự ổn định của thế giới.

Đó là lời cảnh báo của một quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc hôm 8/4, chỉ 2 ngày sau khi xảy ra các cuộc nổi loạn ở Ai Cập xung quanh việc giá cả những mặt hàng lương thực cơ bản ở nước này tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm cùng với hàng loạt các cuộc biểu tình ở nhiều nơi trên thế giới.

Ông John Holmes, điều phối viên Liên Hợp Quốc về cứu trợ khẩn cấp, phát biểu tại một hội nghị ở Dubai rằng giá cả lương thực leo thang sẽ gây ra một loạt những cuộc biểu tình, bạo động ở những quốc gia dễ bị tổn thương. Ông này cho biết tình trạng thiếu lương thực và giá cả nhiên liệu tăng cao sẽ làm trầm trọng thêm những ảnh hưởng xấu của việc khí hậu trái đất ấm lên. Giá cả trung bình trên toàn cầu đã tăng lên 40% kể từ mùa hè năm ngoái.

"Chúng ta không nên coi thường những hệ luỵ về an ninh từ cuộc khủng hoảng lương thực bởi vì những cuộc bạo động, biểu tình do lương thực gây ra đang xảy ra ở rất nhiều nơi trên toàn cầu," ông Holmes cho hay. "Giá cả lương thực hiện nay có xu hướng sẽ tiếp tục tăng mạnh gây ra một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực toàn diện và sâu rộng."

Bên cạnh những cuộc bạo lực xảy ra ở Ai Cập thì giá lương thực tăng cao cùng với tình trạng thiếu lương thực cũng là nguyên nhân của các vụ bạo động ở Haiti gần đây, các vụ biểu tình bạo lực ở Bờ biển Ngà, các cuộc biểu tình gay gắt ở Mauritania, Mozambique, Senegal, Uzbekistan, Yemen, Bolivia và Indonesia. Trước đó hồi tháng 2, các cuộc bạo động ở Cameroon đã khiến 40 người thiệt mạng.

Các nhân viên của Liên Hợp Quốc ở Jordan tuần này cũng đình công một ngày để đòi tăng lương trong bối cảnh giá cả lương thực tăng 50%. Trong khi đó, các nước Châu Á như Campuchia, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan đã kiềm chế xuất khẩu gạo để bảo đảm nguồn cung cho người dân trong nước.

Các quan chức ở Philippines còn cảnh báo bất kỳ người nào đầu cơ, tích trữ gạo có thể sẽ phải đối mặt với những cáo buộc phá hoại nền kinh tế.

Tuy nhiên, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết sản xuất gạo năm nay sẽ tăng 12 triệu tấn, tương đương với mức tăng 1,8% và điều này sẽ giúp giải toả bớt những căng thẳng trong cuộc khủng hoảng lương thực. FAO cũng mong đợi mức tăng "đáng kể" ở những nước sản xuất gạo chính ở Châu Á, đặc biệt là Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Burma, Philippines và Thái Lan.

Ông Holmes là quan chức cấp cao gần đây nhất lên tiếng cảnh báo về việc thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trầm trọng. Josette Sheeran, giám đốc Chương trình Lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc, tháng trước đã từng nói: "Chúng ta đang đối mặt với nạn đói mới. Chúng ta đang có nhiều người thành thị thiếu đói hơn bất kỳ thời gian nào trước đây. Chúng ta cũng đang phải chứng kiến tình trạng lương thực có trên giá nhưng mọi người không đủ tiền để mua."
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top