Kinh hoàng cơm làng đại học

Kinh hoàng cơm làng đại học

SVVN) Sau Tết, giá cả tăng cao, cảnh sinh viên chen chúc trong các quán cơm, thức ăn kém chất lượng, thái độ phục vụ hách dịch… là tình trạng chung của hầu hết các quán cơm ở làng Đại học Thủ Đức (TP.HCM), khiến sinh viên vô cùng ngao ngán…


Thấy là muốn…

Trong vai một sinh viên đi tìm nhà trọ tại quán cơm sinh viên SGM và quán PS (đối diện trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM) chúng tôi không khỏi rùng mình khi chứng kiến “hậu trường” của các quán cơm. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc từ những xô nước đổ thức ăn dư thừa không được che đậy đến cống nước thải kề bên. Cách đó khoảng một mét, còn có những thùng nước cáu bẩn, mà theo quan sát của chúng tôi, đó là thùng nước được dùng để rửa thực phẩm.

Nước dùng để rửa thứ này được tận dụng để rửa lại thứ kia. Các loại thịt, cá, gà, đậu hũ, măng, dưa… bày ngay dưới đất. Các thực phẩm này được sơ chế ngay dưới nền xi măng đầy rác thải, loang loáng nước dầu mỡ. Thực phẩm chế biến xong, lại vô tư để ngay trên bàn, bất kể người qua lại, ruồi nhặng tha hồ đậu. Còn tất các loại rau chỉ cần nhúng vào một chậu nước rồi vớt ra, đem đi chế biến.

Thâm nhập vào hậu trường các quán cơm sinh viên ở cổng trường Đại học KHXH&NV sau các giờ cao điểm, cảnh chén đũa vứt vương vãi dưới đất, đầy nhếch nhác túi ni lông, chén bát tráng vội qua loa chưa hết bọt xà bông là “chuyện bình thường”. Một nữ sinh viên kể lại sau khi xin đi nhờ toilet trong quán, bạn đã “bỏ của chạy lấy người” khi trông thấy đống chén đĩa, muỗng đũa được rửa và để ngay trên bồn cầu nhà vệ sinh.

Đức Huy (trường Đại học Thể dục Thể thao) chia sẻ: “Một lần ở quán ĐB không may bị đổ thức ăn vào người, mình xin đi ra sau rửa vết bẩn, vô tình phát hiện các “đầu bếp” không đeo găng tay, trộn ào ào chậu thịt gà ướp gia vị để át đi mùi hôi tanh của thực phẩm ôi thiu”.

Bạn H.Y từng làm thêm ở quán cơm, tiết lộ: “Những thức ăn dư thừa của ngày hôm qua được chủ quán tận dụng chế biến thành các món khác: thịt luộc dư có thể băm mịn quấn với lá lốt, hoặc đem trộn vào với thức ăn của ngày hôm sau để tiết kiệm. Vì các món ăn này thường được chế biến nóng nên các thực khách ít phát hiện ra”. Hầu hết các quán cơm sinh viên đều nấu các loại gạo rẻ tiền, cơm khô rời rạc, không tài nào nuốt nổi.

Sợ, vẫn phải ăn

Cơm sinh viên “rẻ”, thức ăn kém chất lượng, thái độ phục vụ không tốt là đương nhiên. Một bạn gái tên K. thường ăn cơm nhà A13. Theo K. cơm ở đây dẻo hơn các nhà ăn khác trong KTX Đại học Quốc gia, số lượng khách quá đông nên sinh viên phải chen nhau xếp hàng. Các bạn phía sau nhờ mình lấy giùm mấy quả ớt, chỉ vậy thôi mà bà chủ quán cơm đã cất giọng xối xả: “Con gái ăn ớt gì mà dữ vậy, sau này ghen chồng phải biết”.

Nói rồi bà quay sang phía mấy bạn nam cũng đang xếp hàng nói: “Mấy thằng bay đừng có dại mà yêu con gái ăn cay sau này về nó ghen cho té khói”. Nghe bà chủ quán chửi, K. đỏ bừng mặt lẳng lặng lùi ra. Nhiều sinh viên ăn cơm ở nhà ăn A5 cũng bị ám ảnh vì nhân viên phục vụ. Họ dằn đĩa cơm hỏi “thượng đế”: “Ăn gì thì chọn nhanh lên để tôi còn bán cho người khác nữa, đứng đó mà ngắm trai, vướng chân người khác!”.

Sinh viên ăn cơm, phở trong ký túc đều nắm “luật” cấm được kêu ca phàn nàn. Nếu bạn nào “lỡ dại” kêu một câu, sẽ bị đáp lại một tràng liên thanh. P. kể lại: “Một lần cầm bịch cơm thấy ít hơn mọi ngày, mình xin thêm, được đáp trả bằng câu ít gì mà ít, muốn ăn nhiều thì mua thêm suất nữa ăn cho nhiều”.

Hoặc một lần bạn đưa ra ý kiến “Cô ơi, gà có mùi… hôi”. “Mười nghìn một suất mà đòi ăn gà ngon không có đâu nha con!” – bà chủ thẳng thừng. Trả tiền cũng khổ, chủ quán hứng lên là mắng: “Đi mua cơm phải chuẩn bị tiền lẻ trước đi chứ, đi đổi tiền đi rồi lại mà lấy cơm”.

Kêu ai bây giờ?


Trong thời điểm giá cả tăng như hiện nay, để tìm được một quán ăn ngon rẻ, đảm bảo vệ sinh đối với sinh viên làng Đại học Thủ Đức khó như hái sao trên trời. “Số phận” sức khỏe gửi gắm cả vào các quán cơm bụi - nơi chủ các quán cơm chỉ chạy theo lợi nhuận. Đăng (trường Đại học KHXH&NV) nhăn nhó kể: “Mới hôm vừa rồi nghe bạn bè giới thiệu, gần cổng KTX có quán cơm mới mở, gạo ngon lắm.

Phòng mình kéo nhau ra ăn. Tối về tám đứa thì đến năm đứa bị Tào Tháo rượt. Mình bị nặng nhất, phải nhập viện truyền nước”. Thùy Nhơn (Khoa Kinh tế, Đại học Quốc gia) cho biết: “Dẫu biết ăn cơm bụi, chất lượng vệ sinh không đảm bảo, nhưng quán nào cũng vậy cả thôi, không ăn thì đói. Xui lắm thì bị ngộ độc, đau bụng cũng phải chịu chứ biết kêu ai bây giờ?”.

(bài viết của Thuận Tân-Mạnh Nguyên , báo SVVN)
 
Bình luận (2)

jindo_89

Liu liu.... (*´з`)~♪
Ðề: Kinh hoàng cơm làng đại học

Biết là cơm bình dân sinh viên ko chất lượng rồi nhưng đọc xong bài này vẫn thấy ớn ! ở Thủ Đức vậy chứ ko biết Hà Nội có vậy ko ta? Nghĩ đã thấy ghê !
 

takeo203

Moderator
Mấy cái này chắc ko nhậy cảm,nên chẳng ai đọc,nhìn nút Thanks mà buồn cho nó,bên này đi ăn cơm mà lỡ đau bụng nhập viện thì bác chủ tiệm sửa soạn đóng cửa, bán nhà đi tù rồi JIN ơi.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top