Những “ung bướu xấu xí”

Những “ung bướu xấu xí”

Đó những “ung bướu xấu xí” đang còn tồn tại ở một bộ phận teen và cần phải được cắt bỏ nhanh chóng.
1. Coi rẻ bản thân
Từ những "trò" tự làm hại bản thân mỗi khi có chuyện giận dỗi với bố mẹ như nhịn ăn, không chịu uống tuốc khi ốm, để thân thể tàn tạ xưa kia thì ngày nay, teen thường chọn cái chết để chứng tỏ sự phẫn nộ của mình.
Việc lựa chọn cái chết như sự giải thoát cuối cùng, cho thấy, teen sống ngày càng ít bản lĩnh, không biết đương đầu và dễ đầu hàng số phận. Khi phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại tương đối lớn, teen thường suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực, tự kỉ, yếm thế và không còn nhiệt tình với cuộc sống.
Xét cho cùng, những cái chết đáng tiếc của teen đều xuất phát từ sự thiếu quan tâm của người lớn. Teen không được bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của cá nhân mình và vô tình bị cô lập, ngộ nhận mình bị xã hội, mọi người bỏ rơi, đào thải và ghét bỏ. Tôi đã thấy rất nhiều trường hợp teen tự tử vì bị bạn bè trêu trọc do có một khiếm khuyết về cơ thể hay gia đình; bị giáo viên đối xử quá nghiêm khắc hoặc không công bằng; bị cha mẹ mắng quá lời, không hiểu hoắc đặt quá nhiều mục tiêu nằm ngoài tầm với teen, thường xuyên so sánh, tạo áp lực, khiến teen bị stress...
Tuy nhiên, teen ạ, dù cho điều khó khăn lớn nhất đến với bạn, hãy luôn quý mạng sống của mình. Mạng sống ấy là do ba mẹ bạn đã chắt chiu từng giọt mồ hôi, nước mắt nuôi bạn lớn khôn thế này. Yêu cơ thể mình nghĩa là bạn đang trân trọng và thể hiện lòng biết ơn với các đấng sinh thành. Và chắc chắn rồi, khi bạn chết đi, không có nghĩa là tất cả chấm dứt, bởi bạn đã để lại trong lòng những người yêu thương bạn một vết cứa trái tim, không bao giờ nguôi ngoai đau đớn. Bạn hãy tin rằng, mọi thứ đều có thể vượt qua, cuộc sống luôn công bằng với tất cả mọi người, chỉ cần bạn biết bình tĩnh, có niềm tin, ý chí, sự nỗ lực và cố gắng!

2. Thiếu ý thức tự giác
Khi bạn đi trên đường hoăc có dịp quan sát tại cổng các trường THPT hiện nay, điều đáng buồn là có rất rất nhiều teen thiếu ý thức trong việc giữ gìn môi trường chung. Thật khó có thể kêu gọi teen có ý thức tốt hơn, khi mà một hành động rất văn minh của ai đó (vứt rác đúng nơi quy định, nhặt rác vứt bừa bãi, cho vào sọt rác..) lại bị những teen khác đánh giá là "hâm", "man man", "khác người"... Chủ trương của các teen là "Ăn đâu vứt đó".
Rác được teen "phân phối tự nhiên" khắp nơi, từ nơi công cộng cho tới những nơi trang nghiêm như đền chùa, nhà thờ... Lí do mà teen đưa ra để bào chữa cho hành động của mình chủ yếu vẫn là bệnh lười, thoả hiệp, theo số đông, "Người ta cũng xả, tội gì mình không xả?".
Cách đây không lâu, tôi có đọc một bài báo và thật sự thấy xấu hổ cho các teen nước mình. Ở sân bay quốc tế, một sinh viên mang quốc tịch Việt Nam đã rất ngang nhiên, vừa đi vừa ăn lạc và vứt vỏ trên khắp đường đi. Đáng buồn hơn nữa, một bạn teen nước ngoài đã nhặt tất cả những thứ bạn teen Việt Nam đó ném bừa bãi và cho vào đúng nơi quy định. Teen Việt Nam đã mất điểm trầm trọng trong mắt teen thế giới, một trái tim xấu xí và một hành động đáng lên án.
Tôi nhìn sang teen Singapore, nơi mà teen không những chấp hành nghiêm chỉnh việc giữ gìn môi trường sống xanh, sạch mà còn đi đầu trong các phong trào bảo vệ môi trường, tôi "thèm" một ngày, teen Việt Nam cũng có ý thức tự giác như thế. Khi bạn biết giữ gìn môi trường sống, nghĩa là bạn đang bảo vệ chính cuộc sống của mình và cả con cháu bạn sau này. Hãy biến việc vứt rác đúng nơi quy định thành một thói quen, và rồi, dần dần sẽ trở thành ý thức tự giác thôi.

3. Xu hướng bạo lực
Một sự thật là teen càng ngày càng dễ nổi nóng, khó kiềm chế cảm xúc cá nhân. Từ những cơn giận bình thường, thêm sự khiêu khích, teen dễ trở thành những kẻ hung hăng hiếu chiến. Khi sự hiếu chiến lên ngôi, teen thường "cả giận mất khôn", không nghĩ đến hậu quả khó lường của hành động đó, dẫn đến những sai lầm đáng tiếc. Rất nhiều teen đã bị kỷ luật, đuổi học hoặc, thậm chí phải vào trại cải tạo. Hơn tất cả là phải hứng chịu bản án lương tâm của xã hội, gây cho những người quan tâm biết bao tổn thương, cả về vật chất và tinh thần.
Nguy hiểm hơn, bạo lực không còn là quyền "sở hữu" riêng của các teen boy mà các teen girl cũng đang ngày càng nóng nảy và mức độ bạo lực cũng không kém phần nghiêm trọng, làm mất đi vẻ đẹp nữ sinh trong sáng, thuần hậu. Cách đây không lâu, người ta đã đưa lên sóng truyền hình cả nước một đoạn video ghi lại từ cổng một trường trung học phổ thông có danh tiếng ở Hà Nội, hai nhóm nữ sinh lao vào đánh nhau không một chút kiêng nể, ngại ngùng.
Sự giận dữ không phải và không nên là một phương thức giải quyết vấn đề. Có thể nói, tư tưởng "bạo lực" của các cá nhân kể trên xuất phát từ nhiều nguyên do, nhưng nguyên nhân chủ yếu là các teen này thường có vấn đề trong quan hệ cá nhân, công việc, những đụng độ, tranh cãi... Bên cạnh đó phải kể đến những luồng văn hoá thiếu chọn lựa từ bên ngoài, đặc biệt là từ phim ảnh.
Trong những bộ phim thần tượng của Đài Loan, Hàn Quốc hay những bộ truyện tranh mangan xấu mà teen yêu thích theo dõi, thường xuyên xuất hiện những nhân vật "yêng hùng", anh chị, hơi có xích mích hoặc ngứa mắt ai là đạp, đánh; những cảnh bạo lực học đường bê bết máu; những câu chửi tục, những hành động ngổ ngáo, bất cần đời... Vô hình chung, teen thần tượng và học tập theo những con người ấy và đi theo một cuộc sống văn hoá hoàn toàn khác với dân tộc mình.

4. Tình dục dễ dãi - Lối sống thác loạn
Cách đây không lâu, dư luận tạo nên một làn sóng mạnh mẽ ít thấy về một cô diễn viên nổi tiếng tuổi teen, đóng phim về teen, quan hệ tình dục với bạn trai khi mà cô này đang là một nhân vật "tấm gương" cho teen, và hơn cả là cô mới chỉ 19 tuổi. Một sự thật đáng buồn là teen Việt ngày càng dễ dãi trong chuyện tình cảm và tình dục. Teen quan hệ tình dục từ khi còn rất sớm, khi mà cơ thể teen chưa phát triển toàn diện, dẫn đến những thương tổn vật chất-tinh thần. Do thiếu hiểu biết, teen dễ có thai và tỉ lệ phá thai trong độ tuổi này là rất cao. Có những teen trốn học để hẹn hò nhau ngoài nhà nghỉ, trong khi gia đình, bố mẹ vẫn không hề hay biết gì.
Ngày nay, thời buổi kinh tế mở cửa, tiền bạc kiếm được nhiều hơn, không còn khốn khó như những thập kỉ trước nên bố mẹ không tiếc tạo mọi điều kiện vật chất tốt nhất cho teen. Khi được cung cấp nhiều, teen lại nảy sinh một lối sống đua đòi, phụ thuộc, thiếu suy nghĩ, không biết quý sức lao động. Đêm đêm, teen "toạ lạc" ở vũ trường, quán bar, thoả sức nhảy theo những điệu nhạc "điên cuồng". Thỉnh thoảng, teen đi đua xe, quét trên đường những tia lửa chói loá với số tiền cá cược khổng lồ.
Cũng có khi teen "đua" chẳng vì cái gì cụ thể cả, chỉ để thoả mãn cái mà teen cho là sự phiêu lưu, tính anh hùng. Teen xé không tiếc tay, đốt hàng tá những đồng tiền mang giá trị "trăm đô" chỉ để thoả mãn lòng tự kiêu, biểu lộ sự giàu sang, quý tộc, công tử, tiểu thư của mình, gia đình mình. Trong khi, những đồng tiền ấy, đối với gia đình bình thường thôi, chưa nhắc tới những người đang phải lam lũ ngoài đường, là cả một gia tài!

5. Vấn nạn "cầm nhầm"
M.L. (Hà Nội, 9X đời đầu), bố mẹ buôn bán bánh kẹo, rượu ngoại ở chợ hàng Da, vô cùng giàu có, có thể nói là một trong những thương gia giàu có nhất Hà Thành. Bố mẹ L. chiều con gái hết mực và không từ chối cô bất cứ điều gì. Mới 16 tuổi nhưng L. đã có rất nhiều phấn son đắt tiền và rủng rỉnh tiền nong. Thế nhưng, M.L. có một thói quen "rất" lạ là thích "cầm nhầm" đồ của người khác! Mỗi khi cơn "thèm" mua sắm lên là M.L. dạo một vòng quanh các siêu thị, mặc áo chống nắng, vô tư đi lại giữa các quầy hàng và "nhón" một vài món đồ mà mình yêu thích. Có vài lần trót lọt và đôi ba lần, mẹ M.L. phải đến bảo lãnh cho cô con gái nhỏ khỏi nhân viên bảo vệ của các siêu thị, cửa hàng!
Ăn cắp vặt là một thao tác cụ thể, một hành động có chủ ý và suy nghĩ khéo léo. Nhân vật được nhắc đến, M.L. và còn rất nhiều teen nữa đều có học thức, gia đình khá giả và thường không phải cân nhắc về vật chất, nhưng họ lại dễ mắc vào thói quen tai hại này, tại sao vậy? Các bác sĩ tâm lí cho rằng hầu hết các teen này đều mắc phải một căn bệnh, gọi chung là hội chứng "Cho mình là trung tâm". Đó là ham muốn chứng tỏ mình, chứng tỏ cái "tôi", luôn cảm thấy mọi thứ phải thuộc về mình. Khi nhìn thấy một vật không thuộc quyền sở hữu của mình, họ cảm thấy khó chịu, sự ích kỉ thúc giục và nhanh chóng dẫn đến việc phải chiếm đoạt.

Hành động này cũng là một hành động để gây chú ý một cách thiếu bản lĩnh, thiếu khả năng kiểm soát. Điều nguy hiểm là nếu không được ngăn chặn và giáo dục lại kịp thời, sẽ dễ biến tướng thành những căn bệnh trầm kha hơn, "ăn cắp vặt" dần biến thành "ăn cướp".


Theo Bùi Thị Huyền Châm
Mực Tím
 

Đính kèm

  • nhay31008.jpg
    nhay31008.jpg
    13.1 KB · Lượt xem: 246
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top