Nước Mỹ từng bị tấn công trong Thế chiến II

Nước Mỹ từng bị tấn công trong Thế chiến II

Các vụ tấn công mà máy bay Nhật thực hiện trên đất Mỹ không tạo ra những thiệt hại lớn và đại bộ phận dân chúng ở khu bờ biển phía Tây không quá đến nỗi hoảng sợ vì Chính phủ Mỹ đã bịt miệng báo chí về những sự kiện này.

Việc sử dụng máy bay cất giấu trên tàu ngầm để tấn công đối phương là sự kiện chưa từng có trong lịch sử. Nhật Bản là nước đầu tiên sử dụng biện pháp này để tấn công nước Mỹ. Ngay từ năm 1925, Hải quân Nhật (IJN) đã tiến hành thử nghiệm các tàu ngầm nguyên tử có mang theo các thủy phi cơ để tấn công đối phương. Sau một thời gian dài thiết kế và thử nghiệm, Hải quân Nhật đã hoàn tất chương trình này và bắt đầu cho triển khai trên thực tế.

Trên tàu ngầm B1 (loại I-25 - dài 109 m, chở được 2.584 tấn hàng, 17 quả ngư lôi, và 1 thủy phi cơ...) chiếc thủy phi cơ được neo giữ theo chiều thẳng mà nước không thể lọt qua được. Bộ khung để giữ máy bay được lắp đặt hướng lên trên thành hình tháp nón. Các phần cánh, bộ giữ thăng bằng và phao được tháo bỏ hết. Bộ phận nằm ngang của đuôi máy bay được gập thẳng lên trên để có thể nhét vào được bên trong. Hai đường ray để phóng máy bay trải dài ra phía trước từ giá đỡ máy bay cho tới tận mũi tàu.

Từ vị trí này, máy bay được phóng đi bằng khí nén. Để đưa máy bay trở về vị trí ban đầu sau khi đã đi tấn công trở về, máy bay phải hạ cánh xuống mặt biển và tiến gần lại mạn bên phải của tàu ngầm, sau đó một cần trục sẽ đưa nó trở về vị trí ban đầu trên boong tàu. Thời gian để phóng hoặc đưa một thủy phi cơ về vị trí ban đầu chỉ mất khoảng từ 20 - 30 phút phụ thuộc vào điều kiện thời tiết biển.

Thông thường chiếc thủy phi cơ dùng cho mục đích tấn công là chiếc Uokosuka E14Y1 mà quân Đồng minh hay gọi là “Glen”. Nó được thiết kế bởi loại động cơ tròn 340-hp Haitachi 12 có 9 xilanh, có thể đạt tới tốc độ tối đa là 46km/giờ và tốc độ trung bình là 30 km/giờ. Được lắp ráp bằng khung gỗ và sắt, phần đuôi và cánh máy bay được bọc vải, chiếc Glen nặng 1.590 kg bao gồm cả hai phao nổi. Với sải cánh rộng 11 m, Glen có thể bay liên tục trong khoảng thời gian 5 tiếng đồng hồ với bán kính 320 km. Bình thường, máy bay có thể chở được từ 1 đến 2 người, và tải được số bom nặng 154 kg. Ngoài ra, nó còn được trang bị thêm khẩu súng máy tự động 7.7 mm.

Cha đẻ ý tưởng tấn công nước Mỹ

Ý tưởng dùng thủy phi cơ của tàu ngầm để tấn công nước Mỹ do Chuẩn úy Nobuo Fujita đề xuất vào tháng 12/1941. Fujita sinh năm 1911 và gia nhập Hải quân Nhật vào năm 1932. Năm 1933, Fujita trở thành phi công lái máy bay của quân đội, rồi sau đó lại chuyển sang làm cho đội tàu ngầm I-25 của IJN. Sáng kiến này của Fujita được chính thức thông qua vào tháng 12/1941.

Mùa hè năm 1942, chỉ huy tối cao quân đội Nhật Bản đã hoàn tất kế hoạch tấn công vào các cánh rừng tại khu vực tây bắc Thái Bình Dương của nước Mỹ. Người Nhật hy vọng rằng, một vụ cháy rừng cực lớn sẽ khiến nước Mỹ chú ý hơn tới việc phòng thủ ở vùng biển phía tây khiến Hải quân Mỹ sẽ lùi Hạm đội Thái Bình Dương về phía đất liền. I-25 được giao nhiệm vụ thực hiện trọng trách này bằng 6 quả bom gây cháy. Chuẩn úy Fujita được chỉ thị tới Tổng chỉ huy quân đội Nhật hoàng ngay lập tức. Tại đây, Fujita đã gặp Thái tử Takamatsu để nhận mệnh lệnh thực hiện sứ mệnh này.

Ngày 15/8/1942, chiếc I-25 rời khỏi Yokosuka và tới cảng Orford Heads thuộc bờ biển Oregon vào đầu tháng 9. Nhưng do thời tiết xấu nên kế hoạch không thể triển khai ngay được. Mãi tới ngày 9/9, khi thời tiết tốt hơn, tàu ngầm I-25 mới nổi lên trên mặt nước và chiếc Glen đã sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Fujita và viên sĩ quan Shoji Okuda mặc quần áo phi hành đoàn rồi cho máy bay cất cánh khi mặt trời bắt đầu lặn. Fujita bay theo hướng đông bắc tiến về phía cây đèn biển Cape Blanco.

Sau khi đã bay được khoảng 80 km, Fujita liền cho thả quả bom cháy nhiệt nhôm thứ nhất xuống Mount Emily. Một vệt sáng chói lóe lên phía bên dưới mặt đất. Khoảng 8 km tiếp theo, Fujita cho thả tiếp quả bom thứ hai. Mỗi quả bom này chứa trong nó 520 chất gây cháy, và khi phát nổ nó sẽ lan ra một vùng có đường kính rộng chừng 92m và sẽ nhanh chóng lan ra theo một chiều dài 2.500 m. Sau khi thả hai quả bom, Fujita cho hạ thấp máy bay, lượn trên các ngọn cây để khỏi bị phát hiện để trở về vị trí của tàu I-25.

Trước đó, tại đài quan sát ở Mount Emily, một dân phòng của khu vực Oregon nghe thấy một âm thanh lạ trên bầu trời và xác định đó là một chiếc máy bay. Thông tin đã được chuyển về trạm chỉ huy ở Brookings cách đó khoảng 56 km. Sau khi đã điều tra kỹ hiện trường đám cháy, quân đội Mỹ và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã tiến hành chiến dịch lùng sục chiếc máy bay kia.

Tuy nhiên, tất cả mọi nỗ lực đều tỏ ra vô vọng vì lúc đó chiếc Glen đang ẩn sâu trong lòng đại dương. Dù đã thả hai quả bom có sức công phá lớn, những đám cháy không lan rộng mấy và không gây thiệt hại gì nhiều bởi trước đó đã có nhiều trận mưa lớn. Nước Mỹ cũng đã được cảnh báo trước về một âm mưu tấn công có thể xảy ra nên đã không truyền đi các thông tin về dự báo thời tiết đề phòng I-25 biết được.

Đêm ngày 29/9, chiếc I-25 lại xuất đầu lộ diện với quyết tâm ném bằng được 4 quả bom còn lại. Lúc này cả khu vực bờ biển Oregon hầu như đã chìm trong bóng đêm chỉ trừ có cây đèn biển Cape Blanco. Chiếc thủy phi cơ của Fujita lại lao lên bầu trời nhằm hướng đất liền bay tới. Khi đã bay được chừng khoảng nửa giờ đồng hồ, Fujita cho nổ hai quả bom liền một lúc. Một vệt đỏ kéo dài ở cánh rừng phía dưới. Để tránh bị phát hiện, Fujita liền tắt động cơ và hạ thấp độ cao để cho chiếc Glen bay ra phía bờ biển mà không có tiếng động. Rất khó khăn, Fujita mới nhận ra chiếc I-25 nhờ vết dầu loang đánh dấu ở phía dưới.

Sau khi vụ tấn công thứ hai xảy ra, quân đội Mỹ đã huy động lực lượng để truy tìm những kẻ âm mưu ném bom. Tuy nhiên, cũng giống như lần trước, họ đều bị thất bại. Do thời tiết xấu và do biển động mà chiếc Glen đã không thực hiện phi vụ thứ ba để ném nốt 2 quả bom còn lại. Thuyền trưởng Tagami đã quyết định dùng nó để tấn công các tàu của Mỹ chạy trên biển trên đường trở về Yokosuka, Nhật Bản theo mệnh lệnh được gửi tới.

Các vụ tấn công mà I-25 thực hiện đã không tạo ra những thiệt hại lớn cho nước Mỹ và đại bộ phận dân chúng ở khu bờ biển phía Tây không quá đến nỗi hoảng sợ vì Chính phủ Mỹ đã bịt miệng báo chí về những sự kiện này. Các vụ tấn công kiểu này cũng không được quân đội Nhật Bản sử dụng lại bởi sự ra đời của hàng loạt các loại vũ khí hiện đại hơn sau đó. Chiếc I-25 sau đó cũng đã bị tàu USS Patterson (DD-392) của Mỹ đánh chìm ngoài khơi đảo New Hebrides vào ngày 3/9/1943.

(Theo ANTG )
 

Đính kèm

  • maybay.jpg
    maybay.jpg
    17.5 KB · Lượt xem: 195
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Bài viết liên quan

Your content here
Top