Tai họa từ các rừng thông

Tai họa từ các rừng thông

Nói về tính cẩn trọng, chi li của người Nhật, trong một buổi ăn tối với ông Kondo Takashi - một thương nhân thường hay qua lại mua bán với Việt Nam - tại khách sạn Mt. Fuji nằm bên bờ hồ Yamanaka, dưới chân núi Phú Sĩ tuyết phủ trắng xóa - ông thừa nhận chính nhờ bản tính biết chú ý đến những cái nhỏ nhặt, làm đến nơi đến chốn những việc nhỏ nhặt ấy đã góp phần đưa nền kinh tế Nhật Bản phát triển như ngày nay.


Biết vậy, tôi vẫn rất có ấn tượng về những việc nhỏ nhặt mắt thấy, tai nghe.

Từ nhân viên hãng tàu đến cảnh sát đều làm... việc nhỏ

Có lần, tại ga tàu điện Okayama - Tokyo, đứng sắp hàng chờ tàu bên cạnh tôi là một anh nhân viên của hãng tàu điện Tokyu nổi tiếng, với trang phục nón két đen, sơ mi trắng, cà vạt đen, bộ vét đen chỉnh tề. Tôi đang nghĩ bụng nhân viên của hãng đi tàu cũng phải sắp hàng như ai. Tàu đến, cửa xịch mở, anh cúi xuống đặt chiếc thang nhôm (tôi tạm gọi như thế) dài 1 m mà nãy giờ anh cầm trong tay, xuống bậc cửa cho cô gái đẩy chiếc xe lăn của bà cụ xuống tàu một cách êm ái. Cô gái gật đầu cảm ơn, anh nhân viên nhặt chiếc thang, bước vội. Thì ra, trước đó, phát hiện có người ngồi xe lăn lên tàu họ đã báo ga đến cho nhân viên đứng đón đúng toa, đúng cửa người đi xe lăn sẽ xuống. Mọi việc diễn ra trong lặng lẽ, thuần thục. Tôi quan sát thấy độ chênh giữa sàn tàu với mặt đường đâu có nhiều nhặn gì, chỉ chưa đầy một tấc!

Đến chiếc xe đạp, phương tiện đi lại trên đoạn đường gần khá phổ biến của nhiều người Nhật, giá trị chẳng đáng là bao, suốt ngày đêm họ bỏ lăn lóc ngoài vỉa hè, bãi xe chẳng có người trông giữ, thế nhưng đụng đến là có chuyện. Em Lê Thanh, sinh viên đang du học tại Trường Đại học Điện tử - Thông tin Tokyo (The University of Electro-Communications), kể có lần em rời trường vào lúc 2 giờ khuya đạp xe về nhà - ở Nhật các trường đại học mở cửa 24/24 giờ, sinh viên, thầy giáo ở lại nghiên cứu, học tập, vào ra suốt đêm là chuyện bình thường - em quên bật đèn xe. Thế là bị cảnh sát chặn lại, yêu cầu Lê Thanh khai tên, đọc số sườn xe. Họ kiểm tra bằng cách điện về Cơ quan Quản lý xe đạp Tokyo, chưa đầy 30 giây, đầu dây bên kia xác nhận Lê Thanh đúng là chủ xe. Bình thường, cảnh sát yêu cầu bật đèn, cho đi, nhưng hôm đó - theo lời Lê Thanh đùa - không biết trông em có dáng khả nghi làm sao ấy, nên hai cảnh sát đã cùng theo em về tận nhà xem cho được giấy tờ mới thôi.

Được biết, để quản lý chiếc xe đạp, người mua chẳng làm thủ tục gì. Người bán khi thu tiền, ghi hóa đơn có tên, địa chỉ người mua. Người bán có nghĩa vụ báo những thông tin ấy cho cơ quan quản lý xe đạp. Cơ quan này lưu giữ để “phục vụ” khi hữu sự.

Khổ sở vì phấn thông
Dù cẩn trọng là vậy nhưng trong phát triển kinh tế có những việc người Nhật cũng không lường hết nổi. Với diện tích đất đai hết 3/4 là đồi núi, sau chiến tranh thế giới thứ hai người Nhật nhận ra cây thông có giá trị kinh tế rất cao, có thể khai thác cả nhựa lẫn gỗ. Từ đó, họ dốc nỗ lực để phủ hết cây thông trên các vùng đồi núi. Đúng là nước Nhật đã thu lợi lớn từ cây thông, nhưng trong những năm qua nhiều người dân Nhật đã hết chịu đựng nổi với phấn thông mỗi khi xuân về, hoa thông nở. Trong bản tin dự báo thời tiết hằng ngày trên màn nhỏ, đều có báo lượng phấn thông trong ngày nhiều hay ít, bay theo hướng nào.

Hôm mới tới sân bay Narita, rồi trên đường phố, tàu điện, đâu đâu cũng thấy có nhiều người mang khẩu trang. Tôi cứ ngỡ dân Nhật đang còn sợ dịch cúm, hóa ra họ là những người bị dị ứng với phấn thông. Họ khổ sở với các triệu chứng như chảy nước mắt, hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu...

Trong một lần trò chuyện, tôi đem việc này ra bàn luận với giáo sư - tiến sĩ Toshio Kajiuchi, Đại học Kỹ thuật Tokyo (Tokyo Institute of Technology), được ông cho biết Chính phủ Nhật đang có dự án trồng lại các rừng thông bằng một loại thông không có phấn hoa. Tất nhiên, để vừa giữ được sự cân bằng môi trường sinh thái, vừa thay được giống cây mới không phải là dễ, phải mất cả một thời gian dài.

(Lê Bân)
 

Bài viết liên quan

Your content here
Top