Thái tử Nhật và ước mơ về cuộc sống đời thường

Thái tử Nhật và ước mơ về cuộc sống đời thường

Khi còn là một đứa trẻ, Thái tử Nhật Naruhito đã phải sống một cuộc sống cách li như bị quản thúc. Các đại thần soạn thảo sắc lệnh cho những món mà thái tử ăn và những người mà thái tử gặp. Ngay cả cuộc dạo chơi ngắn bên ngoài cung điện cũng đòi hỏi một đội tháp tùng đông đảo và được lên kế hoạch công phu từ trước.

Gò bó

Trong khi rất nhiều hoàng gia Châu Âu tận hưởng sự tự do đáng ghen tị, thái tử Naruhito và gia đình phải sống gò bó dưới sự giám sát không ngừng nghỉ của hoàng tộc và giới truyền thông Nhật. Họ hiếm khi được đi đây đó tự do trong thời gian rỗi và trải qua phần lớn các kì nghỉ hè tại một trong số rất nhiều nơi ẩn dật của hoàng tộc.


"Các thành viên hoàng gia không thể tới Hokkaido (hòn đảo phía bắc nước Nhật) hoặc đi bơi ở Guam (vùng đất thuộc Mỹ). Họ không thể vui đùa." Yohei Mori, một cựu nhà báo chuyên theo dõi mảng tin tức hoàng gia tiết lộ, ám chỉ tới những nơi nghỉ dưỡng yêu thích của người Nhật.


Ông Minoru Hamao - một viên quan cận thần của thái tử khi còn nhỏ cho biết thêm : "Cậu bé Naruhito có lẽ đã ghen tị với các bạn học vì họ được đến nhiều nơi như Tháp Tokyo chẳng hạn."


Và khi được phép tới địa điểm du lịch hấp dẫn trên - cách cung điện không đầy 2 km, tiểu thái tử đã phải chấp nhận sự hộ tống của một đoàn xe hùng hậu. Cảnh sát đứng gác toàn bộ quãng đường và đèn tín hiệu giao thông luôn giữ bật xanh khi thái tử cùng đoàn tuỳ tùng đi qua.


Cho đến tận ngày nay, cuộc sống thường nhật của tất cả thành viên trong hoàng tộc vẫn còn do các quan đại thần lên lịch và soạn thảo theo một luật nghiêm ngặt.


"Vì vậy khi bạn đột nhiên có một yêu cầu và nói : “Ồ, tôi muốn ra ngoài và ăn món mì Trung Quốc hôm nay”, bạn sẽ không thể thực hiện được điều đó. Bởi vì các bữa ăn của bạn đã được chuẩn bị theo một thực đơn dựa trên sự tính toán lượng calo tiêu chuẩn," cựu nhà báo Mori cho biết.


Hoàng hậu Michiko từng cố gắng phá vỡ truyền thống khi từ chối trao 3 đứa con của mình (thái tử Naruhito, hoàng tử Akishino và công chúa Sayako) cho các bảo mẫu ngay sau khi sinh. Dẫu vậy, cuộc sống của các hoàng tử, công chúa cũng chẳng có nhiều tự do hơn bởi những hạn định nghiêm ngặt về thời gian về nhà cùng mẫu thân.


Những ai biết thái tử thời trai trẻ đều nói rằng trách nhiệm là người sẽ kế vị nền quân chủ lâu đời đã luôn trĩu nặng trên vai cậu thanh niên Naruhito. "Thái tử luôn bị vây quanh bởi những người lớn tuổi," Ông Hamao nói. "Là người kế vị ngai vàng tương lai, cậu ấy không thể là bạn tốt của một nhóm trẻ cụ thể nào. Cậu ấy phải đối xử với mọi đứa trẻ như nhau." Naruhito chỉ có thể đón bạn đến thăm cung điện vào cuối tuần. Mỗi người bạn học lần lượt được mời ít nhất một lần mỗi năm.


Công nương Masako (42 tuổi) - vợ của Thái tử Naruhito, một cựu nhân viên ngoại giao, từng mắc một căn bệnh liên quan đến stress do những áp lực từ việc phải sinh một đứa con trai để kế thừa dòng tộc và những khó khăn trong việc thích nghi với cuộc sống hoàng gia.


Khát vọng đời thường

Theo lời kể của Motohide Osakabe - thầy dạy Naruhito hồi còn ở trường trung học quý tộc Gakushuin, thỉnh thoảng, vị thái tử trẻ tuổi cũng đưa ra một số dấu hiệu tế nhị về việc cậu thích được đối xử giống các bạn học nhiều hơn nữa. Mặc dù có một thoả thuận ngầm rằng thái tử không bị giao các nhiệm vụ ở trường, Naruhito đã từng nhận được phiếu bầu làm trưởng lớp.

Ông Osakabe nhớ lại : "Khi kết quả được tuyên bố, dù chỉ có một lá phiếu ghi từ Thái tử trên đó, Naruhito đã mỉm cười, một bộ mặt hạnh phúc mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy trước đó."

Naruhito thực sự đã được hưởng hương vị tự do khi theo học tại Oxford từ năm 1983-1985, một giai đoạn mà ông đã viết về nó trong hồi kí một cách trìu mến. Hồi kí này gần đây đã được dịch sang tiếng Anh với tên gọi "Sông Thames và tôi", trong đó có đoạn: "Khi phong cảnh London dần dần biến khỏi tầm mắt, tôi nhận ra rằng một chương quan trọng trong cuộc đời mình đã khép lại. Tôi cảm thấy một khoảng trống lớn trong tim khi nhìn không rời mắt ra ngoài khung cửa sổ máy bay. Tôi thấy có cái gì đó nghèn nghẹn trong cổ họng ..."


Hiện giờ, một số người, kể cả bản thân thái tử cho rằng Hoàng gia Nhật cần phải cải cách, từ bỏ những quy tắc cổ xưa đã buộc nhiều thành viên hoàng tộc phải hy sinh tham vọng của bản thân và kìm nén cảm xúc riêng tư. Cựu giáo viên Osakabe nhận định : "Tôi không cho rằng thái tử không hạnh phúc. Nhưng tôi nghĩ cậu ấy cảm thấy bị ép buộc phải tuân thủ luật lệ, giấu kín tình cảm và phải đáp ứng những yêu cầu của thể chế. Nếu không có những thay đổi hệ thống, tương lai hoàng tộc sẽ khó phát triển sáng lạn."

(vnexpress.net)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top