Một nhóm các ông chồng Nhật nghỉ hưu đang học nấu ăn.
Ở Nhật, việc chồng nghỉ hưu trở thành một gánh nặng đối với người vợ. Nhiều bà nội trợ cho biết không thể chịu đựng được cảnh ông chồng cứ quanh quẩn ở nhà cả ngày.
Sakura Terakawa, 63 tuổi, ví 40 năm làm vợ của bà giống như một quá trình chuyển đổi dần dần từ một người vợ sang một người mẹ và thành một người hầu. Mối quan hệ với chồng bắt đầu bằng những lá thư tình tứ với những lời tán tụng dưới cây anh đào nở rộ. Qua thời gian, nó biến thành những lời hạch sách và than phiền về việc nội trợ của bà.
Do đó, khi chồng bà thông báo sắp nghỉ hưu 3 năm trước, Terakawa cảm thấy khốn khổ. "Vậy là xong - tôi đã nghĩ vậy. Lúc đó tôi chắc mẩm sẽ ly dị", bà nhớ lại. "Chẳng vui vẻ gì khi cứ phải chờ ông ấy đi làm về nhưng thật không thể chịu nổi nếu ông ấy suốt ngày ở nhà".
Tuy nhiên, do không có khả năng về tài chính, Terakawa vẫn bị bó buộc trong cuộc hôn nhân này và gia nhập hàng ngũ của vô số các bà vợ bị mắc một chứng rối loạn tâm lý gọi là Hội chứng Chồng nghỉ hưu (RHS).
Theo truyền thống, phụ nữ Nhật có nghĩa vụ chăm lo cho sức khoẻ cho chồng và Terakawa đã cống hiến cả cuộc đời của bà vào việc đó. Nghỉ hưu khiến người chồng tách hoàn toàn khỏi cuộc sống công sở, không bạn bè và đặt lên vai người vợ gánh nặng phải lấp đầy thời gian trống của chồng. Một vài tuần sau khi nghỉ hưu, chồng bà rất hiếm khi ra khỏi nhà, chỉ xem vô tuyến, đọc báo và hạch sách vợ. Ông không cho phép bà đi thăm bạn bè. Hiếm hoi lắm mới có một ngày bà được tới nhà bạn bè nhưng phải chuẩn bị sẵn đồ ăn cho chồng.
Sau một vài tháng, Terakawa bị loét dạ dày, giọng nói trở nên yếu ớt, quanh mắt thì bắt đầu phát ban. Bác sĩ thấy một khối u trong vòm họng của bà nhưng không tìm ra nguyên nhân phát bệnh. Ông khuyên bà tới tìm một bác sĩ tâm lý, tại đây, người ta chuẩn đoán bà mắc chứng RHS.
Kể từ đó, Terakawa bắt đầu trị liệu với bác sĩ Nobuo Kurokawa, một chuyên gia hàng đầu về RHS. Chính ông là người đã khiến thuật ngữ Hội chứng Chồng nghỉ hưu được giới truyền thông sử dụng rộng rãi sau một bài phát biểu năm 1991. "Bà hãy tới đây trị liệu và tránh xa ông chồng càng lâu càng tốt", ông khuyên Terakawa.
Những cú shock liên quan tới việc người chồng bỗng nhiên thường xuyên có mặt ở nhà cũng xảy ra ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, tình trạng này đặc biệt phổ biến ở Nhật bởi có tới 1/5 dân cư quốc gia mặt trời mọc trên 65 tuổi.
Như phần lớn đàn ông Nhật cùng thời, chồng của Terakawa muốn vợ tuân theo mọi mệnh lệnh, thậm chí ngay cả khi ông sống gần như tách biệt với vợ và 3 con. Ông đi làm từ sáng sớm và trở về nhà lúc tối muộn. Ông còn đi nghỉ mát với đồng nghiệp và khách hàng. Quá quen với sự vắng mặt thường xuyên của chồng, việc ông ở nhà cả ngày khiến Terakawa choáng váng. "Tôi đã có những thói quen, cách sống và kiểu làm việc riêng trong những năm ông ấy chẳng mấy ở nhà", bà nói.
Terakawa cho hay giờ đây bà còn không chịu được việc nhìn vào mặt chồng trong bữa tối, vì thế bà ngồi vào một góc để có thể nhìn ra ngoài cửa sổ.
Bác sĩ Kurokawa ước tính khoảng 60% các bà vợ của những ông chồng đã nghỉ hưu bị mắc chứng RHS. Các chuyên gia cảnh báo tỷ lệ này sẽ bùng nổ do từ năm 2007 tới 2009 có tới 7 triệu người nghỉ hưu. Người Nhật luôn tự hào có dân số sống lâu nhất thế giới song các ông chồng già luôn cho rằng vợ là nô lệ khiến việc họ sống lâu trở thành gánh nặng hơn là niềm vui đối với các bà.
Theo kết quả một cuộc điều tra ở công ty quảng cáo Hakuhodo tại Tokyo, trong khi 85% các ông chồng vui sướng với viễn cảnh sắp nghỉ hưu, 40% các bà cảm thấy “tuyệt vọng” vì thấy trước một tương lai ảm đạm đó. Nỗi lo về các ông chồng nghỉ hưu trở thành đề tài nóng bỏng ở Nhật.
“Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với chúng tôi”, Sayoko Nishida, 63 tuổi, nói. “Một trong những nguyên nhân chính là chúng tôi không sống trong một nền văn hoá nơi mà con người có thể trực tiếp bày tỏ cảm xúc. Nhiều phụ nữ lớn tuổi không có nơi nào để chia sẻ nỗi lo lắng của họ”.
Tomohisa Kotake, nhân viên ngân hàng 66 tuổi đã nghỉ hưu, hiểu rõ hoàn cảnh của các bà. “Đầu tiên, tôi cũng giống như những ông chồng đã nghỉ hưu khác. Tôi chẳng chịu tự làm gì cả và đòi vợ phải phục vụ”, ông nói
Điều đó ngay lập tức ảnh hưởng xấu tới hôn nhân của họ. Do đó, ông đã tham gia một nhóm gồm 3.000 người được đào tạo trở thành những người bớt phụ thuộc và biết tán chuyện với vợ. “Tôi sẽ không bao giờ quên được ánh nhìn hạnh phúc của bà ấy lần đầu tiên tôi lau nhà”, ông nói.
“Ở Nhật, chúng tôi vẫn còn khá trẻ mặc dù đã nghỉ hưu”, Tomohisa Kotake nói. “Chúng tôi vẫn còn nhiều năm dài trước mắt. Vì thế, tốt nhất là nên cùng hưởng thụ cuộc sống. Làm một đôi chút việc vặt trong gia đình cũng chẳng đáng kể gì”.
(theo Washington Post)
Có thể bạn sẽ thích