Cơn bĩ cực của ông Abe

Cơn bĩ cực của ông Abe

Ông Shinzo Abe, người được coi là "con nhà nòi", với hình thức bảnh bao và dòng dõi chính trị tuyệt hảo, được lựa chọn để lãnh đạo đảng của ông vào mùa thu năm ngoái vì nhiều người cho rằng ông có khả năng thắng cử cao.
Ông Abe là người đầu tiên sinh sau Thế chiến I trở thành thủ tướng ở Nhật.

Mọi sự khởi đầu đều suôn sẻ, tỷ lệ ủng hộ ông trong nội các là trên 60%.

Thế nhưng vui chẳng tày gang.

Tỷ lệ ủng hộ đó xuống còn có 28% tuần rồi.

Các đảng viên đảng Tự do Dân chủ (LDP) của ông Abe hiện đang cảnh báo rằng đảng này có thể mất kiểm soát tại Thượng viện trong kỳ bầu cử cuối tháng Bảy này.

Các bên tham cử phải tranh nhau 121 trong số 242 ghế tại Thượng viện.

Đảng LDP và đối tác liên minh Tân Komeito đang giữ trong tay 58 ghế, vốn không mang ra bầu lần này.

Vậy cho nên đảng cầm quyền cần giành ít nhất 64 trong số 121 ghế để bảo toàn kiểm soát Thượng viện.

Họa vô đơn chí

Người ta đang nghi ngờ là LDP có thể đạt được mục tiêu này. Nội các của ông Abe trong những tháng gần đây đang gặp nhiều vấn đề.

Bộ trưởng Cải cách và trưởng ban Chính sách Thuế đã phải từ chức vì liên quan tới bê bối tài chính.

Bộ trưởng Nghề nông của ông Abe thì treo cổ tự vẫn sau khi khi bị cáo buộc liên quan trong các vụ biển thủ tiền tài trợ và gian lận phiếu.

Bộ trưởng Y tế cũng làm ông xấu mặt vì lỡ lời gọi phụ nữ là "máy đẻ".

Cuối cùng là việc bộ trưởng Quốc phòng phải từ chức vì đưa ra một số bình luận gây tranh cãi về hai vụ nổ bom nguyên tử thời Thế chiến II.

Nguy hại nhất có lẽ là vụ việc đang dần vỡ lở với cáo giác trong những năm qua chính phủ Nhật đã đánh mất 50 triệu hồ sơ tiền đóng góp lương hưu của dân thường.

Những lỗi lầm trên đa phần xảy ra trước khi ông Abe nhậm chức, thế nhưng điều tai hại là xì -căng - đan lại nổ ra ngay dưới trướng của ông.

Giáo sư Koichi Nakano từ Đại học Sophia ở Tokyo cho rằng ông Abe đã xử lý các vấn đề đó không khéo léo cho lắm.

"Trong khi cố gắng bắt chước phong cách lãnh đạo cứng rắn của người tiền nhiệm Koizumi, ông đã luôn khẳng định mình là người chịu trách nhiệm cuối cùng."

Giáo sư Nakano tin rằng đây là lỗi lầm cơ bản về chiến thuật, xảy ra khi một vị lãnh đạo "vừa thiếu thông tin vừa suy xét sai".

Nói thế có quá bất công cho ông Abe không? Vì làm người đi sau một nhân vật vô cùng nổi danh như ông Junichiro Koizumi chắc chẳng phải chuyện dễ dàng gì.

Tiến sỹ David Satterwhite, chuyên gia về chính trị Đông Bắc Á và là giám đốc điều hành Ủy ban Fulbright tại Nhật, thì lại cho rằng tỷ lệ ủng hộ cao ban đầu của ông Abe cho thấy theo chân ông Koizumi không khó như người ta nghĩ.

Theo ông, việc uy tín của ông Abe sút giảm hiện thời là vì một số sai lầm cụ thể về chính sách và việc bùng nổ bê bối hưu bổng.

"Về mặt chính sách thì nghị trình nặng về dân tộc chủ nghĩa của ông Abe với các hành động như sửa đổi bản hiến pháp hay cải cách giáo dục để tăng tinh thần yêu nước thay vì chú trọng cải thiện cuộc sống và phát triển kinh tế, là một ván bạc về chiến lược."

Và trong ván bạc này xem ra ông Abe không thắng khi xét các chỉ dấu như tỷ lệ ủng hộ thủ tướng giảm trong khi con số người phản đối các chính sách của chính phủ lại tăng.

'Cố vấn tồi'


Ông Takao Toshikawa, chủ nhiệm tờ báo chính trị Insideline, tin rằng ông Shinzo Abe đã bị cố vấn một cách kém cỏi.

"Những người thân cận với ông Abe, kể cả tổng thư ký nội các Yasuhisa Shiozaki, và cố vấn cao cấp về đối ngoại Hiroshige Seko, đều không có kinh nghiệm đối phó với các phe chống lại quyền lực của LDP."

Ông Toshikawa chỉ ra rằng kết quả là ông Abe phải tự mình đưa ra các quyết định chính trị lớn trong khi bản thân ông cũng không có nhiều kinh nghiệm vì ông là nghị sỹ đầu tiên được phong thủ tướng sau có 5 lần được bầu vào Quốc hội.

Liệu có phải ông Abe sắp phải ra đi, quay lại truyền thống thay thủ tướng như thay áo ở Nhật? Nếu mất kiểm soát tại Thượng viện thì ông có buộc phải từ chức hay không?
Giáo sư Jun Iio, Viện nghiên cứu Chính sách Quốc gia, đánh giá rằng có nhiều khả năng đảng đối lập Dân chủ Nhật Bản sẽ giành chiến thắng.

Cứ thể theo Hiến pháp thì chưa chắc thủ tướng đã phải từ nhiệm vì Hạ viện mới là nơi quyết định ai sẽ lãnh đạo đất nước.

Thế nhưng trong quá khứ, lãnh đạo LDP sau khi thua trận tại bầu cử Thượng viện cũng chịu thất bại nặng nề ở các mặt khác.

Ông Iio nói: "Một số chính trị gia cho rằng nếu LDP thu về dưới 44 ghế thì ông Abe nên từ chức."

"Thế nhưng theo ý kiến của tôi thì có thể ông vẫn tại vị vì LDP chẳng có ai khác có thể đảm đương chức thủ tướng."

Kết cục cuối

Giáo sư Nakano tỏ ra bi quan hơn. Thua đậm cũng có nghĩa "đánh dấu chấm hết cho chức vị thủ tướng" của ông Abe.

Ông Satterwhite thì nói việc tuột mất quyền kiểm soát tại Thượng viện không chỉ gây khó khăn cho ông thủ tướng mà còn gây khó khăn cho Quốc hội trong việc thông qua các điều luật cần thiết.

"Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sự tin tưởng của mọi người dành cho ông thủ tướng."

Nói nôm na, có thể xảy ra tình trạng ngừng trệ về luật pháp gây thiệt hại cho chính LDP vì đảng này sẽ khó mà thúc đẩy nghị trình chính trị của mình.

Tuy vậy, còn có tia sáng cuối đường hầm le lói trước mặt ông Abe và nội các của ông.

Đảng Dân chủ đối lập trong quá khứ đã nhiều lần không thành công trong việc nắm bắt thời cơ thu lợi cho mình.

Và trong lúc có ít người có khả năng thay thế ông, ông Abe vẫn có thể giảm thiểu tác hại hoặc thuyết phục các đảng nhỏ hơn ủng hộ ông nếu xảy ra việc bỏ phiếu lần hai.

Và như vậy, theo ông Iio, thủ tướng Shinzo Abe có thể tai qua nạn khỏi lần này.

(BBC)
 

Đính kèm

  • _42450740_abe203bap.jpg
    _42450740_abe203bap.jpg
    11.2 KB · Lượt xem: 188

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top