Dấu ấn của Koizumi sau 5 năm cải cách ở Nhật

Dấu ấn của Koizumi sau 5 năm cải cách ở Nhật

Trong 5 năm cầm quyền, Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi đã áp dụng những biện phái cải cách kinh tế kiên quyết, tạo một hình ảnh mới cho đất nước và thay đổi hoàn toàn cách hoạt động của nền chính trị Nhật.

“Koizumi thật sự là một thủ tướng độc đáo”, giáo sư Haruo Shimada thuộc Đại học Keio nhận xét. “Ông ấy có một đường lối lãnh đạo mạnh mẽ và một thông điệp rõ ràng”.

Đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (LDP) hôm nay bầu Shinzo Abe lên thay Koizumi. Người Nhật có dịp đánh giá những gì ông đã làm và liệu chúng có tác động về lâu dài hay không.

Thành tích lớn nhất của Koizumi, theo giáo sư Shimada, là thay đổi cách đưa ra các quyết định. Ông nắm quyền kiểm soát ngân sách và dùng quyền lực của mình để cắt giảm bộ máy hành chính cồng kềnh cũng như việc vung tiền cho lĩnh vực công cộng của Nhật.

Điều này không phải khiến ai cũng hài lòng. Việc cắt giảm các dự án công trình công cộng – mà xưa nay vốn là cách để giành phiếu ở các khu vực nông thôn của các nhà lập pháp LDP – khiến những người theo tư tưởng truyền thống trong đảng bực bội.

Nhưng kế hoạch cải cách Bưu điện Nhật – nơi nắm giữ nguồn tiền tiết kiệm khổng lồ - mới khiến Koizumi phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ những nhân vật lão thành trong đảng Dân chủ Tự do.

Koizumi lập luận rằng tư nhân hóa ngành bưu điện sẽ giúp giải phóng các nguồn quỹ để thúc đẩy nền kinh tế. Những người chỉ trích thì bình luận việc này sẽ làm mất nhiều công ăn việc làm và khiến bộ máy ủng hộ của đảng LDP suy yếu.

Dự luật tư nhân hóa bưu điện thất bại tại Quốc hội tháng 8/2005. Vì vậy ông Koizumi cho tổ chức cuộc bầu cử mới – cũng là cách trưng cầu dân ý về vấn đề này - và chiến thắng áp đảo.

“Koizumi đã thách thức bộ máy truyền thống trong nền chính trị của Nhật để đạt được lịch trình cải cách của mình”, Nicholas Szechenyi thuộc Trung tậm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington nhận xét. “Ông ấy đã quyết định thúc đẩy lịch trình của mình và gạt truyền thống sang một bên. Koizumi mở đường cho việc hoạch định chính sách một cách độc lập”.

Bằng cách từ chối nhượng bộ các nhân vật lão thành và các phe phái trong đảng, ông cũng từ bỏ đường lối lãnh đạo dựa trên đồng thuận của những người tiền nhiệm.

Việc Koizumi sẵn sàng đối lập với chính đảng của mình để theo đuổi cải cách khiến ông giành được sự ủng hộ của dân chúng. Dân Nhật yêu mến hình tượng của nhà lãnh đạo: niềm say mê của ông đối với âm nhạc – opera và Elvis Presley - cùng mái tóc bồng bềnh trứ danh.
“Những điều này quan trọng vì ông ấy tạo ra một hình tượng hấp dẫn về bản thân mà báo chí có thể khai thác”, tiến sĩ Sarah Hyde thuộc Đại học Kent nhận xét. “Theo dõi những hoạt động của Koizumi rất thú vị, đó là điều hiếm có thủ tướng nào của Nhật làm được”.

Việc dư luận quan tâm đến ông giúp vị thủ tướng truyền tải những thông điệp trong chính sách của mình, và sự ủng hộ của dân chúng, cho dù cũng có lúc lên lúc xuống, khiến ông theo đuổi được những chính sách gây tranh cãi, nhất là trên trường quốc tế.

Koizumi lấy liên minh với Mỹ là ưu tiên, phát triển quan hệ thân thiết với Tổng thống George W Bush. Và chính vì ủng hộ Washington, ông đã cho gửi Lực lượng Phòng vệ đến Iraq. Đây là lần đầu tiên binh lính Nhật được triển khai tại một vùng chiến sự kể từ Thế chiến II.

Mặc dù sự hiện diện của các binh lính không đóng vai trò quan trọng về mặt chiến lược, Mỹ đánh giá rất cao động thái này.

Việc này cũng như các hoạt động khác nhằm hỗ trợ liên quân ở Afghanistan và tái thiết ở Indonesia, cùng một loạt các chuyến thăm của Koizumi tới những nơi như Bắc Triều Tiên, Trung Đông và Trung Á cho thấy Nhật đang cố gắng tạo dựng một vị trí nổi bật hơn trên trường quốc tế.

“Ông ấy giúp củng cố vai trò của Nhật trên toàn cầu”, Szechenyi nhận xét.

Nhưng những vai trò mới và việc Tokyo tìm kiếm ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc một lần nữa hướng sự chú ý vào hiến pháp thời hậu chiến của Nhật. Hiến pháp này cấm duy trì quân đội.

Sau khi gửi quân tới Iraq qua một đạo luật đặc biệt, Koizumi đề xuất sửa đổi hiến pháp cho phép triển khai binh lính trong các hoạt động gìn giữ hòa bình. Ý tưởng này không được dân chúng Nhật ủng hộ và có thể phải nhiều năm nữa mới thành hiện thực.

Sửa đổi hiến pháp sẽ làm mếch lòng các nước láng giềng của Nhật. Và chính quan điểm của Koizumi trong quan hệ của Tokyo ở khu vực gặp phải nhiều sự chỉ trích nhất.

Quan hệ với Trung Quốc đã ở mức xấu nhất trong vòng hàng thập kỷ qua, vì tranh cãi xung quanh các chuyến thăm của ông tới ngôi đền chiến tranh Yasukuni. Hai nước cũng bất hòa về các nguồn tài nguyên dưới biển mà cả hai đều nhận chủ quyền, cho dù thương mại song phương tiếp tục phát triển.
Tiến sĩ Hyde nhận xét quan điểm của Koizumi về Trung Quốc là sai lầm: “Trung Quốc đang từng ngày trở nên quan trọng hơn đối với Nhật, nhưng Nhật chưa nhận ra điều này”.

Tương tự, các nước trong khu vực lo ngại điều mà họ coi là sự trở lại của tư tưởng dân tộc trong quá khứ.

Tiến sĩ Hyde tin rằng tư tưởng dân tộc đang lên, cho dù vẫn chỉ ở trong một thiểu số nhỏ: “Dưới thời Koizumi, những người mang quan điểm dân tộc đã có thể bày tỏ những suy nghĩ của mình dễ dàng hơn nhiều so với trước kia”.

Điều gì sẽ xảy ra sau khi Koizumi thôi chức hãy còn chưa rõ ràng. Các bước cải cách kinh tế của ông phải cần thời gian mới thực sự phát huy tác dụng. Những chủ đề ông nêu ra để tranh luận cần phải chờ người kế nhiệm của ông hoàn tất.

Còn nhiều vấn đế khác mà ông Koizumi chưa giải quyết, như tỷ lệ sinh giảm và mối lo ngại về những chênh lệch ngày càng tăng về thu nhập. Và cũng chưa rõ liệu những thay đổi mà ông đã tạo ra trên chính trường Nhật có lâu dài hay không.

Tiến sĩ Hyde thì dự đoán sẽ có sự quay lại một phần đường lối lãnh đạo kiểu truyền thống. “Tôi cho rằng sẽ có sự trở lại phần nào cách thức lãnh đạo cũ”.

Điều này là do Koizumi quá khác so với các nhà lãnh đạo trong quá khứ.

“Ông ấy thách thức cả hệ thống, cả về mặt chính trị và kinh tế, để thúc đẩy lịch trình cải cách của mình. Ông ấy quả là một nhà lãnh đạo năng động”, Szechenyi nhận xét.

(vnexpress.net)
 

Đính kèm

  • vv5a.jpg
    vv5a.jpg
    5.1 KB · Lượt xem: 182

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top