Nhà nước Tokugawa Bakufu

Nhà nước Tokugawa Bakufu

Nhà nước Tokugawa Bakufu
1.1.Hoàn cảnh ra đời
Tháng 9 năm 1598, sau cái chết của Hideyoshi, quyền lực rơi vào tay của Ieyasu Tokugawa, các lực lượng đối lập đưa Hideyori (con trai của hideyoshi) về Osaka tử thủ. Mặc dù chưa đánh bại hoàn toàn Hideyori nhưng với chiến thắng Sekigahara, trận đánh diễn ra vào ngày 21 tháng 10 năm 1600 với khoảng 160000 dân quân, và được đánh giá là một trong những trận chiến vĩ đại nhất Nhật Bản, dòng họ Tokugawa đã thiết lập cho mình một quyền lực duy nhất trên cả nước (không kể quyền lực bù nhìn của Thiên hoàng ở Kyoto). 1603, Ieyasu Tokugawa thỉnh cầu Thiên hoàng sắc phong cho mình làm Seii Daishougun ( Chinh Di Đại Tướng quân). Ieyasu chuyển dời toàn bộ chính quyền về Edo (Tokyo ngày nay, thời bấy giờ chỉ là một vùng đất không mấy phát triển), bắt đầu một thời đại Tokugawa kéo dài suốt 265 năm.

1.2.Chính quyền trung ương và địa phương: Hệ thống Baku-Han
1.2.1.Chính quyền trung ương:
Cũng như các triều đại khác, Tokugawa trải qua 3 giai đoạn: hình thành, củng cố ổn định và phát triển, suy tàn và diệt vong. Trải qua 3 thời kì dù cơ cấu quyền lực có ít nhiều những thay đổi song nhìn chung chính quyền từ trung ương đến địa phương khá chặt chẽ. Chính quyền trung ương như sau:



Shogun

Tairou (Đại lão)
(tuỳ thời mới có, chức vụ như quan nhiếp chính, tuy số lượng không nhiều nhưng có quyền uy lớn nhiều khi còn chi phối quyền lực của cả triều đình)

Roujuu (Lão trung)
(Hội đồng bô lão)

Wakadoshiyori

Bugyou
(phụ trách một số nơi đặc biệt và các công việc riêng biệt ví dụ như phụ trách việc buôn bán với nước ngoài ở cảng Nagasaki, hay ở Kyoto có các Bugyou giám sát liên minh giữa triều đình với các Han có tư tưởng chống đối Bakufu)
Hội đồng bô lão gồm những người có uy tín trực tiếp lãnh đạo Bakufu, chức vụ trong Hội đồng bô lão có thể truyền từ đời này sang đời khác. Thực chất họ là những người tháp tùng daimyo khi di chuyển từ các Han về Edo và giúp ông ta quản lí công việc ở các Han sau đó thì họ ở lại lâu đài làm đại diện cho daimyo, thay daimyo quyết định công việc.
Còn triều đình ở Kyoto mặc dù không có quyền thực song qua bao đời vẫn hết sức được kính trọng. Triều đình được hưởng toàn bộ bổng lộc ở Kyoto và các vùng lân cận.
Năm 1615, ngay sau khi giành đại thắng ở pháo đài Osaka, Ieyasa đã cho ban hành Luật võ sĩ Buke sho hatto. Trước đây luật phong kiến đã có tiền lệ về việc các daimyo phải thường xuyên đến hầu các lãnh chúa của mình thì nay đến thời Tokugawa đặc biệt là từ vị Shogun thứ 3 Iemitsu thì luật lệ này được thể thức hoá, qui tắc hoá như sau: lâu đài của các daimyo ở Edo, vợ và các con trai cũng sinh sống ở Edo, cứ cách 1 năm các daimyo phải về Edo sống để lên chầu Shogun sau đó về Han cai trị. Các lâu đài cũng không được xây dựng, việc tu sửa đều phải thông qua sự đồng ý của các Shogun.
Tokugawa thực hiện việc phân chia tầng lớp võ sĩ thành 3 loại khác nhau:
· Các võ sĩ Shimpan: những người đặc biệt thân thuộc với Tokugawa, được Tokugawa hết sức ưu ái. Tuy số lượng không nhiều nhưng họ quản lí những vùng quan trọng của đất nước: miền Trung Nagoya và Mito, các hải cảng quan trọng ở Osaka, Nagasaki,… các khu hầm mỏ.
· Các võ sĩ Fudai: có số lượng đông đảo, khoảng 145 người, họ là những người đã đứng về phía Tokugawa từ trước trận chiến Sekigahara, họ được Shogun quí trọng, là chỗ dựa vững chắc của chính quyền Tokugawa. Võ sĩ Fudai cũng như con cháu của họ là nguồn cung cấp những uỷ viên hội đồng, các quan chức cao cấp cho Bakufu.
· Các võ sĩ Tozama: là những võ sĩ chống đối do bị thất bại nên phải thần phục một cách miễn cưỡng, họ bị tước hết lãnh địa và bị giám sát chặt chẽ. Hoặc nếu còn lãnh điạ thì họ cũng không mong gì có cơ hội được có vị trí trong bộ máy chính quyền Tokugawa
Nhật Bản đã thực hiện việc quản lí các thế lực chống đối trong tầng lớp võ sĩ Tozama tốt đến nỗi từ khoảng 1800, những tư tưởng chống đối ấy chỉ còn như những kí ức và “họ có chung một điều là cùng thừa nhận chế độ hiện thời trên cơ sở những phần thưởng mà chế độ đó ban cho các nhà quí tộc triều đình, cho các daimyo, cho shogun, cho các tu sĩ cao cấp cùng các bô lão bộ tộc, các gia nhân đầy tớ nhà Tokugawa”
Bộ luật Buke sho hatto được đánh giá là quan trọng nhất trong chế độ Bakufu Tokugawa qui định:
· cấm các lãnh chúa không được chuyển quân ra khỏi biên giới riêng của mình,
· không được liên kết với nhau thành các tổ chức chính trị,
· không được có 2 pháo đài trong lãnh địa,
· việc cưới xin phải được các shogun chấp thuận .
Về sau còn được thêm các khoản như:
· không được tự ý đúc tiền,
· không trực tiếp quan hệ với triều đình bên ngoài,
· không được đóng tàu thuyền lớn để buôn bán
· …
Các daimyo bất tuân thường bị xử tội rất nặng nề. Nhẹ nhất là bị giáng chức hoặc đẩy xuống các Han nhỏ hơn còn nặng hơn thì có thể bị bắt phải rạch bụng tự tử hoặc diệt cả dòng họ.
Luật lệ này khiến cho các daimyo khánh kiệt tài chính vì mỗi lần di chuyển giữa Edo và các Han hết sức tốn kém lại thêm chi phí cho cuộc sống ở cả Edo và cả Han, đồng thời cũng làm cho Edo phát triển nhanh chóng về kinh tế kịp sánh bằng với Osaka, góp phần bảo vệ Tokugawa không bị các daimyo tấn công và đem lại một thời kì bình yên cho Nhật Bản.

1.2.2.Chính quyền địa phương
Như đã nói ở trên, từ thời Shogun Ieyasu đã thiết lập cả nước thành hệ thống các Han cho nên người ta còn gọi là chế độ Bakuhan. Các daimyo cai quản các Han và cách năm thì trở lại Edo để hầu Shogun. Chính quyền địa phương vận hành chủ yếu theo phương thức làng xã tự trị.
Tokugawa cũng qui định về quyền tự trị địa phương. Các lãnh địa của các daimyo đều là các đơn vị tự quản, các luật lệ thi hành không do Edo ban hành và daimyo địa phương chỉ định những samurai thân tín làm nhiệm vụ giám sát thi hành ở địa phương của mình. Tuy nhiên không có nghĩa là các daimyo tuỳ nghi muốn làm gì thì làm, Shogun cũng đặt ra một số qui định cụ thể hạn chế các daimyo như sau:
· Các vấn đề như tôn giáo, chính sách tiền tệ, nội chiến và quan hệ với triều đình Kyoto phải được tuân thủ 1 cách nghiêm ngặt.
· Các Han nhỏ phải được chỉ thị theo đúng việc quản lí hành chính của Shogun.
· Thay vì phải đóng thuế thường xuyên thì các Han phải đóng góp vào các việc khác như làm đường, sửa chữa pháo đài, cải tạo đất hoang,… mà bình thường thì những công việc công ích như thế rất tốn kém.
· Shogun được tuỳ ý xen vào công việc nội bộ của các Han, thường cũng chỉ là những khi có việc đặc biệt như là tranh chấp kế thừa daimyo, nông dân nổi dậy mạnh mẽ,… mà thôi.
Chính sách phân phối quyền lực Bakufu-han ít nhiều cũng gây ra những sự chồng chéo khá phức tạp và vô lí, đồng thời cũng tạo ra một cơ chế thừa thãi quan lại. Song bên cạnh đó cũng phải kể đến công lao của hình thức cai trị này, ngoai việc giữ ổn định trong nước tring 1 thời gian dài nó còn góp phần xây dựng nên một nét văn hoá chính trị Nhật Bản. Các Han dù ít hay nhiều cũng có sự giống nhau trong cách thức cai trị, nhân dân có những hiểu biết sơ đẳng về luật pháp, trật tự xã hội và thuế khoá.
Nhìn chung, trong suốt hơn một trăm năm cai trị, Tokugawa Bakufu đã giữ được một nền chính trị ổn định trên toàn nước Nhật. Hầu như không cuộc nổi dậy nào đáng kể từ các võ sĩ chống đối. Chính trị ổn định đã mở ra một thời kì phát triển kinh tế thịnh vượng cho Nhật Bản.

1.3. Những ảnh hưởng của Chính quyền Tokugawa Bakufu trong một số mặt đời sống Nhật Bản
Aûnh hưởng quan trọng nhất mà chính quyền Tokugawa đã tạo ra được trong suốt 236 năm cai trị của mình đó là về kinh tế. Nền kinh tế Nhật Bản thời này có sự tiền tệ hoá và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường. Người dân giàu lên thấy rõ, thậm chí nhiều nông dân còn có mức sống khá giả hơn một số các võ sĩ thời trước. Các thành thị ngày càng lớn mạnh, các mặt hàng xa xỉ ngày càng được tiêu thụ mạnh hơn, kéo theo việc các sản phẩm làm ra ngày càng được chú ý hơn về chất lượng, có thể nói cả nước Nhật Bản được thương mại hoá. Mặt dù bị sau này chính sách Sakoku hạn chế phần nào trong việc buôn bán với nước ngoài nhưng nhìn chung ngoại thương vẫn phát triển khá tốt và đem lại sự giàu có cho nhiều thương nhân.
Do những chuyển biến quan trọng về kinh tế mà xã hội Nhật Bản cũng có nhiều thay đổi lớn so với thời kì trước Tokugawa đặc biệt là vào thời các vị Shogun sau này. Do người dân thường ngày càng giàu có hơn nên họ dùng tiền bạc trực tiếp hay gián tiếp thông qua con đường hôn nhân với những người ở tầng lớp Samurai mà tiến lên những tầng lớp cao hơn, ưu tú hơn. Do đó mà từ bốn tầng lớp nay thu gọn lại hầu như chỉ còn 2 tầng lớp: samurai và người dân thường.
Sau một thời gian dài chiến tranh, sau khi ổn định và bước vào thời kì xây dựng đất nước, Nhật Bản chuyển từ chính sách vũ trị sang văn trị, tức là chuyển từ hình thức cai trị bằng vũ lực sang dùng đạo đức để răn dạy. Điều này kéo theo một phong trào học tập sôi nổi trong nhân dân. Khổng học đặc biệt được chú trọng phát triển và trở thành một hệ tư tương khá quan trọng trong lòng người dân Nhật bản, kéo dài đến tận ngày nay.
Do ổn định chính trị, đất nước phát triển nên nghệ thuật cũng có những chuyển biến phù hợp với thời đại. Sân khấu kịch Kabuki (Ca vũ kịch), Bunraku (Văn lạc: hình thức múa rối) không còn vẻ khắc khổ của kịch Noh trước đó mà là những vở kịch hài hước vui nhộn nhẹ nhàng phục vụ cho nhân dân sau những giờ lao động mệt mỏi. Thơ văn, đặc biệt là thơ Haiku bắt đầu được nhân dân hoá với những tác phẩm dí dỏm, hóm hỉnh. Ukiyoe (Tranh Phù thế) cùng với nghệ thuật in màu phát triển mạnh và những chủ đề về cuộc sống đã thay thế cho lối vẽ tranh hoa và chim trước đó và trở thành một trong những nghệ thuật điêu luyện vượt bậc trong nền nghệ thuật chung Nhật Bản.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top