Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (phần 4)

Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (phần 4)

Hội chứng hikikomori - Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (Phần IV)

(Các bạn đọc phần I, II, III tại đây:
http://www.thongtinnhatban.net/fr/t2935.html)

vva.jpg
Hình quảng cáo phim "Hikikomori: Tokyo Plastic", một bộ phim hài về hikikomori. (Imdb.com)​

Một chiều thứ sáu mới đây, Yoshimi Kawakami đứng chờ trên một bậc cửa ở Kyoto, trong lòng đã nghĩ trước sẽ không được ai đón tiếp. Điều này từng xảy ra với cô trong trời tuyết rơi ở Tokyo và giữa cái nóng giữa mùa hè Kyoto.

Giờ đây, cô đã chờ mất 2 tiếng hay hơn thế, mong sao lần này sẽ có người ra mở cửa.

Đó là công việc của một “chị gái cho thuê”, biệt danh của các nhà tư vấn lưu động ở New Start. “Chị” thường là đầu mối giao tiếp đầu tiên của hikikomori và đưa cậu vào con đường quay trở lại thế giới bên ngoài (Cũng có một số “anh trai cho thuê”, nhưng “phụ nữ mềm mỏng hơn, và hikikomori có phản ứng tốt hơn với họ”, một nhà tư vấn cho biết).

Mối quan hệ thường có bước khởi đầu, sau khi một phụ huynh gọi điện cho New Start và thu xếp các buổi tư vấn và những chuyến thăm của một người “chị cho thuê”, chi phí khoảng 8.000 USD/năm. “Chị” viết thư cho hikikomori, giới thiệu về mình và chương trình.

“Tôi chẳng bao giờ đọc thư, tôi toàn vứt nó đi”, Y.S, chàng trai 28 tuổi có nụ cười bẽn lẽn, kể.

Khi Kawakami lần đầu tiên đến nhà anh ở Chiba, gần Tokyo, Y.S. mở cửa phòng ngủ chỉ để nói với cô: “Xin hãy về nhà đi”.

Đó là một cuộc gặp gỡ đầu tiên điển hình. “Chúng tôi thường sẽ nói chuyện qua cánh cửa”, Kumi Hashizumi kể, “và nói cho họ biết những sở thích và mối quan tâm của chúng tôi. Rất hiếm khi chúng tôi được nghe một từ nào đáp lại. Và nếu họ lên tiếng thì cũng rất dè chừng”.

Hàng tháng trời trôi qua một hikikomori mới chịu mở cửa phòng và hàng tháng trời nữa trước khi họ chịu bước ra ngoài để đi xem phim hay chơi công viên cùng “chị”. Mục đích là cuối cùng anh ta sẽ tham gia vào chương trình New Start, sống trong ký túc xá và tham gia vào các chương trình đào tạo nghề, tại một trung tâm chăm sóc trẻ em, một quán café, một nhà hàng.

Y.S. là một ca khó đối với Kawakami. Khi cô đến lần thứ 2, Y.S. lại không chịu mở cửa. “Tôi nói với cậu ấy rằng tuyết đang rơi và tôi có thể sẽ đứng đó suốt đêm cho đến khi cậu ấy ra ngoài nói chuyện với tôi”, cô nhớ lại. Kawakami, 31 tuổi, trẻ trung với chiếc váy ngắn, mắt kẻ màu xanh nước biển. Cô nghịch ngợm dỗ dành với các khách hàng hikikomori, như thể mình là một bà chị đang dỗ ngọt một đứa em trai ngang bướng.

“Hôm đó cậu ấy bước ra ngoài, ngồi thẳng đờ trong phòng khách suốt 2 giờ đồng hồ trong khi tôi và một người khác ở chương trình New Start nói chuyện với cậu ấy về mình và chương trình”, cô kể.

Đến chuyến thăm thứ 5, Y.S. vẫn không lên tiếng. Vì vậy, Kawakami đề nghị anh viết một bức thư kể về bản thân. Y.S. không còn nhớ mình đã viết gì, nhưng Kawakami thì nhớ: Chàng trai nói ngày sinh của mình và kể rằng mình thích làm những mô hình ôtô bằng nhựa: “Tôi biết rằng tình trạng của tôi rất tồi tệ, nhưng tôi không biết giải quyết bằng cách nào. Đây có thể là cơ hội để thay đổi. Nhưng tôi không biết có làm được điều đó hay không”.

Khi Kawakami đề nghị Y.S làm một mô hình ôtô cho các trẻ em tại trường mẫu giáo, 2 tuần sau anh đem đến cho cô một chiếc, được lắp ráp và tô vẽ rất tỉ mỉ. “Trông cậu ấy rất vui mừng, như thể cậu ấy chưa từng được đề nghị làm một điều gì đó cho người khác. Cậu ấy chỉ ngồi trong phòng mình suốt ngày, không ai đòi hỏi cậu làm việc gì và cậu cũng không làm gì để thể hiện giá trị của mình”.

Trong 6 tháng tiếp theo, cô đến thăm anh cách tuần một lần. Kawakami khích lệ Y.S. đặt ra mục tiêu là rời nhà mình trước dịp sinh nhật tiếp theo. Trước ngày anh tròn 28 tuổi, Y.S. chất đồ vào hai cái thùng lên xe của Kawakami và họ phóng xe suốt 2 giờ đồng hồ tới New Start.

Giờ đây, 4 tháng sau, Kawakami đang đứng trước nhà một khách hàng mới, một cựu sinh viên cao học tên là Hiroshi, 26 tuổi, vì những lý do mà cha mẹ của anh và Kawakami đều không rõ, đã thôi đến trường 2 ngày trước. Thỉnh thoảng, anh đi ra ngoài, không ai biết là đi đâu, và dường như toàn nhằm lúc Kawakami tới theo lịch hẹn.

Mặc dù một hikikomori điển hình là một người không bao giờ rời phòng, có nhiều hikikomori cũng đi ra ngoài mỗi ngày hay mỗi tuần một lần. Họ ghé vào một konbini, kiểu quán ăn nhanh 24/24h ở Nhật. Ở đó, họ có thể mua cơm hộp cho bữa sáng, trưa và tối, có nghĩa là họ sẽ không phải nhờ mẹ mình nấu nuớng, và không phải chịu đựng một bữa ăn cùng mọi người.

Và đối với hikikomori, thường sống theo một chu kỳ trái ngược với người bình thường, thức dậy vào buổi trưa và đi ngủ vào lúc sáng sớm, konbini là sự lựa chọn an toàn. Giữa đêm khuya, người bán hàng không tán chuyện, và người làm công ăn lương mặc complet cùng những đứa trẻ mặc đồng phục – vốn gợi cho hikikomori nhớ đến cuộc sống mà họ không có – còn đang ngủ ở nhà.

VnExpress-M.C. (theo IHT)​
 
Bình luận (1)

minhson

New Member
Hội chứng hikikomori - Những thanh niên tự nhốt mình trong phòng ở Nhật (Phần cuối)

vv2a.jpg

Một hikikomori trong chương trình New Start. (New York Times)​

Konbini, loại quầy bán đồ ăn nhanh 24/24 giờ, chỉ là một trong những thứ tô điểm cho cuộc sống của hikikomori, bên cạnh máy tính, video game mà họ phải nương tựa để trải qua những giờ chán ngắt.

Giống như những con thú đi ăn đêm, hikikomori tranh thủ lấy những gì mà họ cần cho cuộc sống ẩn dật của mình và mau chóng trở về nhà trước lúc bình minh và những con người làm việc xuất hiện.

Trở lại nhà của Hiroshi, không ai biết được cậu ở một konbini hay nơi khác, hoặc khi nào cậu sẽ quay trở lại.

"Tôi cho nó biết rằng cô sẽ đến đây vào tuần này, và ngày nào nó cũng đi ra ngoài", mẹ cậu Mieko cho biết, khi bà đón Kawakami ở cửa. Mieko và chồng bà, Kazuo, là cha mẹ của 4 đứa con đã lớn và vẫy còn khổ sở trong việc tìm cách đưa đứa con trai cả ra khỏi nhà. Hiroshi hiếm khi nói chuyện với họ, và mặc dù buồng ngủ của anh chỉ cách bếp có 5 mét, anh chỉ ăn cùng họ có 2 bữa ăn suốt 2 năm qua. Mieko sẵn sàng vui lòng nấu 3 bữa mỗi ngày cho anh, nếu anh chịu ăn. "Thật khổ sở với một người mẹ như tôi", Mieko tâm sự. Đôi khi bà tìm thấy những gói đậu nành lên men đã rỗng trong thùng rác ở nhà bếp - nơi cho bà biết con mình đã ăn hay chưa.

Tại bàn ăn chiều hôm đó, Mieko và Kazuo đưa ra một số giả thuyết về lý do Hiroshi lại trở thành như vậy. Anh từng xấu hổ về một bài diễn giải của mình tại trường, cho rằng mình đã trình bày kém. Bố mẹ Hiroshi trông đợi rất nhiều ở anh, "có lẽ là quá nhiều", bà Mieko cho biết. Hiroshi thông minh, nhưng họ lại không ngợi khen hay bày tỏ tình cảm với anh. Và họ từng bắt con học tại một trường trung học mà anh căm ghét. "Chúng tôi bắt nó phải học nhiều", Mieko tâm sự, "Mối quan hệ giữa vợ chồng tôi với nó sau đó không còn tốt đẹp nữa".

Trong lúc bà đang nói, có tiếng cửa ra vào đóng sập. Hiroshi lướt qua phòng ăn và biến mất vào phòng của mình. Mieko nhướn mày và trao đổi một cái nhìn với Kawakami. Cô gái hít sâu và bước theo Hiroshi.

"Cậu biết là tôi sẽ đến! Và cậu bỏ đi", cô trêu trọc anh bằng một giọng du dương và ngồi xuống chiếu. Hiroshi cao và gày nhom, mặc quần kaki, đi giày thể thao, sơ mi cài kín cổ, tay áo xắn lên đến trên khuỷu. Anh ngồi xổm trên sàn nhà và có vẻ lơ đãng, như thể vừa trở về từ một nơi nào đó quan trọng và đang sắp có một cuộc hẹn quan trọng không kém.

Theo chuẩn mực của người Nhật, căn phòng của Hiroshi rất rộng, bao tường giấy xanh, trông ra khu vườn lát đá. Nhưng thật khó tưởng tượng nổi anh làm gì trong đó suốt cả ngày. Không có những tập truyện tranh, đĩa DVD, game, tất cả những thứ thường thấy trong các căn phòng của đa số hikikomori. Vô tuyến thì bị hỏng, máy tính thiếu mất ổ cứng. Có một ít giấy tờ trên bàn, trong đó có bản tin của chương trình New Start mà Kawakami mang đến từ lần tới thăm trước. Dấu ấn duy nhất cho thấy đây là một căn phòng của một hikikomori là có 3 cái lỗ trên tường - cỡ bằng nắm tay. Những người tự giam mình thường đấm vào tường trong những cơn tức giận với cha mẹ hay chính cuộc sống của họ. Điều này khiến người ta liên tưởng tới việc tự cứa vào cơ thể mình ở những cô gái Mỹ mới lớn. Cả hai hành động đều nhằm trút bỏ cảm xúc lên những vật bất động.

"Cậu ở trong phòng mình cả ngày? Cậu làm gì thế?" Kawakami khích tướng Hiroshi. Anh nhìn cô và chuyển thế ngồi khoanh chân: "Tôi không biết mình làm gì nữa. Không có gì quan trọng. Nhưng ở trong phòng mình là việc xấu hay sao?"

Cô nói rằng muốn Hiroshi đến thăm New Start? Tuần tới nhé? Hay tuần sau nữa? Anh không trả lời không nhưng cũng chẳng nói có, cọ tay, xắn lại tay áo, rồi lại chuyển thế ngồi. Hiroshi nhìn ra cửa sổ, lên trần nhà, liếc Kawakami rồi lại đổ mắt ra chỗ khác. Chàng trai giống như một con chim bị mắc bẫy, tò mò về cô, nhưng cũng sợ hãi và muốn trốn thoát.

Tuy nhiên, Hiroshi vẫn tỏ ra chịu khó giao tiếp. Cuộc trao đổi giữa họ rất khác với buổi gặp giữa Hajime Kitazawa, một “anh trai cho thuê”, và một khách hàng tên là Eisuke, mà anh đến thăm hằng tuần trong suốt 5 tháng. Eisuke trốn trong phòng suốt 4 năm và hiếm khi đáp lại người khác quá một, hai từ. Đột phá lớn nhất có được vào một ngày Eisuke bật trò PlayStation2 lên và chìa ra một cần điều khiển cho Kitazawa - như một cách mời chơi cùng. Nhưng khi anh hỏi cậu vế kế hoạch trong tương lai. Eisuke không nói cũng không nhìn anh trong hơn 30 phút. “Tôi phải bỏ lửng đề tài”, Kitazawa kể. “Sau đó chúng tôi quay lại chơi trò chơi, và cậu ấy bắt đầu có phản ứng trở lại”.

Còn tại phòng của Hiroshi, câu hỏi như vậy lại không có gì mạo muội. “Tôi không có việc gì mà tôi cảm thấy muốn làm. Vì vậy mà tôi mới khốn khổ thế này. Tôi học cao học trong khi đa số những người khác đi kiếm việc làm. Nếu tôi đã đi làm thì tốt biết mấy”.

Hiroshi không nói tại sao đi làm thì tốt hơn hay tại sao ở tuổi 26 là quá muộn để bắt đầu một sự nghiệp. Anh chỉ nói rằng anh sẽ không rời nhà cho đến khi “tôi biết rõ mình muốn gì”. Đó là kiểu tư duy điển hình của hikikomori: thà ở trong phòng còn hơn là mạo hiểm ra ngoài và thất bại.

Khi cuốc bộ trở lại ga tàu tối hôm đó, Kawakami nói rằng cô hy vọng Hiroshi sẽ sớm đến thăm chương trình New Start, cho dù khoảng 30% khách hàng của các “chị gái cho thuê” sẽ không chịu rời phòng mình và khoảng 10% tham gia chương trình cuối cùng vẫn quay trở lại đời hikikomori.

“Thông thường chúng tôi giới hạn các chuyến thăm của mình trong một năm, nhưng nếu có tiến triển, chúng tôi sẽ tiếp tục quay trở lại”, một nhà tư vấn phát biểu. Một “chị gái cho thuê” đến thăm một chàng trai 17 tuổi suốt hơn 18 tháng, và cuối cùng cậu cũng tham gia chương trình tái hòa nhập.

Một trường hợp cực đoan là Takeshi Watanabe thuộc Học viện Sức khỏe Tâm thần Tokyo tư vấn cho một hikikomori suốt 10 năm - 500 chuyến thăm - cho đến khi ông thuyết phục được chàng trai rời khỏi nhà mình. Kể từ khi đó, anh này đã tốt nghiệp đại học, làm việc bán thời gian và mùa hè năm ngoái đi nghỉ ở Tây Ban Nha.

Một buổi chiều thứ bảy ẩm ướt ở Tokyo, khoảng 30 bà mẹ và ông bố đứng quanh tiền sảnh một câu lạc bộ ở ngoại thành Tokyo. Nhiều người trong số họ đã về hưu, và trong hoàn cảnh khác, lẽ ra họ đã có thể đi chơi golf hay tham gia vào một lớp khiêu vũ. Thay vào đó, ở cái tuổi đúng ra phải dựng vợ gả chồng cho con cái và có cháu nội cháu ngoại, thì cứ mỗi tháng một lần, họ lại họp mặt cùng nhóm hỗ trợ các cha mẹ hikikomori.

“Tôi đã 69 tuổi và đúng ra phải về hưu, nhưng có con là hikikomori tốn kém lắm”, Kouhei Nishizuka, người cha có mái tóc bạc chải gọn ghẽ và đôi vai hơi gù của người phải ngồi bàn giấy quá nhiều.

Ông đã phải nuôi cô con gái 28 tuổi của mình, thuộc nhóm thiểu số các hikikomori nữ, suốt 8 năm qua. “Tôi đã đến các bệnh viện, tôi đã đọc sách”, ông nói khi ngồi trong hành lang với một tập bản tin và báo cáo của nhóm hỗ trợ trong tay.

“Vợ chồng tôi đưa nó vào bệnh viện, nhưng các bác sĩ không giúp được nó. Vậy chúng tôi có thể làm gì chứ? Tôi không biết nguyên nhân chứng bệnh của nó. Con tôi muốn trở thành một họa sĩ phim hoạt hình, nhưng lại không tìm được việc làm".

Cô gái sụt cân rất nhanh. “Tôi lo lắng về nó”. Bởi vậy ông đề nghị cô chuyển nhà. “Rồi nó bắt đầu lo đến chuyện những người láng giềng xung quanh nhìn thấy nó, và đó là lúc mọi thứ bắt đầu. Tôi nghĩ nó ghét ra ngoài vì không muốn bị so sánh với những người hàng xóm. Tôi đang cố gắng giúp nó có động lực để làm một điều gì đó”.

Tới khi các bậc cha mẹ tìm kiếm sự giúp đỡ, con cái họ thường đã tự nhốt mình được một năm hay nhiều hơn. “Khi họ gọi đến, tôi cho họ 3 sự lựa chọn”, bác sĩ Saito cho biết. “1) Hãy đến gặp tôi để tôi tư vấn, 2) Đẩy đứa con ra khỏi nhà, 3) Chấp nhận tình trạng của đứa con và sẵn sàng chăm sóc nó suốt cả quãng đời còn lại. Họ chọn phương án 1”.

Ông cũng đưa ra một vài lời khuyên về cách làm cha mẹ, ví dụ đừng để bữa tối trước cửa phòng con mình. “Các vị làm cơm và gọi con đến bàn ăn, và nếu cậu ta không đến thì hãy để cho cậu ấy tự lo cho mình”. Ngoài chuyện ăn uống, phụ huynh thường chu cấp tiền cho đứa con đã lớn của mình, và trong một số trường hợp hiếm hoi, nếu đứa con giở trò gây gổ, cha mẹ còn chuyển ra ngoài ở, nhường cả nhà cho con.

“Họ làm mọi việc cho đứa con”, một nhà tư vấn nhận xét. “Khi chúng tôi tiến thêm một bước, họ lại hoảng sợ. Họ không muốn sự náo động”.

Có một số phụ huynh thực sự tin rằng con cái sẽ không thể tồn tại nếu thiếu mình.

Bà Mieko tâm sự về con trai: “Có lẽ đúng ra chúng tôi nên buộc nó ra khỏi nhà. Nhưng chúng tôi không làm được việc đó ngay từ đầu. Bây giờ thì quá muộn. Tôi không biết làm thế nào để nó có thể tự lo cho bản thân. Nó không có những kỹ năng cần thiết. Chúng tôi đến phải nuôi con suốt đời mất”.

Trong khi đó, con gái bà muốn kết hôn và Mieko lo cậu con trai hikikomori sẽ làm tổn hại đến cơ hội của em mình. “Người ta sẽ kiểm tra lý lịch gia đình”, bà tâm sự. Danh tiếng là tất thảy.

Vì vậy, các phụ huynh phải can đảm lắm mới có thể nhấc máy điện thoại và gọi đến New Start, bác sĩ Saito hay Sadatsugu Kudo, người điều hành một tổ chức có tên là Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên, mỗi năm nhận 1.500 cuộc gọi từ các gia đình cần giúp đỡ. “Các vị phải hiểu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái ở Nhật. Nó rất độc đáo. Đa số các bậc cha mẹ cảm thấy hikikomori là thất bại của họ trong việc nuôi con. Và phải xin ý kiến tư vấn là rũ bỏ trách nhiệm làm cha mẹ, cũng như rũ bỏ con mình”.

Takeshi, anh chàng hâm mộ Radiohead được nói đến ở đầu câu chuyện, đã rời khỏi phòng mình, vào học lại trung học. Cậu được tiếp sức nhờ sự tức giận với bản thân và lời hát của Radiohead: “Đây là cơn tức giận cuối cùng của tôi, cơn đau cuối cùng của tôi”.

Ngày đầu tiên bước ra ngoài, da cậu tái xanh vì ở trong phòng quá lâu, cậu không cạo râu hay đánh răng, quần và áo phông đều bẩn thỉu. “Tôi đã quên hết những nguyên tắc cơ bản”.

Không có bạn học nào nói chuyện với cậu trong suốt 2 năm sau đó. Phải đến khi Takeshi tốt nghiệp và làm công việc lau dọn văn phòng, nơi các đồng nghiệp đều ở tuổi 50, 60, tình trạng này mới thay đổi. “Đó là những người lớn, họ không thành kiến về tôi và quá khứ của tôi”, và cậu lại bắt đầu trò chuyện.

Nhưng khi cậu không làm việc, cậu chỉ ở nhà. Mẹ Takeshi lo lắng đến mức gọi cho New Start. Sau khi gặp “chị gái cho thuê” một lần, cậu tham gia chương trình này.

Bữa tối của các thành viên New Start đang diễn ra sôi nổi với hơn 20 con người, vài cuộc trò chuyện vang lên cùng một lúc. Một vài cậu ngồi thu lu một mình. Một số trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của mình, như thể họ bị đóng băng trong khoảng thời gian nhốt mình trong phòng kín.

Nhóm này tập trung những khách hàng hứa hẹn nhất của New Start, 40% khách không bao giờ đến dự các bữa ăn tập thể. Và còn có những hikikomori không bao giờ bước vào văn phòng của New Start hay những nơi tương tự như thế.

Giám đốc một tổ chức hỗ trợ kể rằng mình đã nhận được thư của các hikikomori trên 40 tuổi, ở trong phòng suốt cả thập kỷ qua hay lâu hơn thế. “Tôi nói cho họ về các chương trình tái hòa nhập với cộng đồng, nhưng họ không bao giờ tham gia".

Đã 9 giờ tối, bữa ăn tối đang tới hồi kết. Takeshi tâm sự về ước mơ của mình khi trở lại phòng ở ký túc xá: “Có thể là ngốc nghếch, nhưng tôi thích được làm việc liên quan đến các chương trình tạp kỹ trên truyền hình. Tôi muốn trở thành người viết kịch bản”. Cậu cũng muốn vào đại học. “Nhưng đó là những giấc mơ lý tưởng, mà còn có thực tại nữa. Không biết mọi việc có quá muộn đối với tôi không”. Cậu mới 23 tuổi.

VnExpress-M.C. (theo IHT)​
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top