Nước biển dâng cao: Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng

Nước biển dâng cao: Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng

:cry: Mực nước biển dâng cao (“sea level rise” - viết tắt SLR) do khí hậu thay đổi là một nguy cơ nghiêm trọng có tính toàn cầu, và nguy cơ này càng trở nên nghiêm trọng hơn đối với những nước có mật độ dân cư dày đặc ở những vùng đất thấp và ven biển như Việt Nam.


Từ trước đến nay, đã có rất nhiều bằng chứng khoa học khẳng định và tái khẳng định nguy cơ này.



Nguy cơ SLR có thể đến từ ba nguồn chính. Thứ nhất là sự gia tăng liên tục của hiệu ứng nhà kính, kéo theo nó là sự ấm dần lên của Trái đất. Theo các nhà khoa học, chỉ riêng hiện tượng này đã có thể làm mực nước biển dâng cao từ 1-3 mét trong thế kỷ 21. Thêm vào đó, việc các dải băng ở Greenland và West Antarctic đang tan nhanh, nhiều nơi tới hơn 1 mét mỗi tháng, có thể làm toàn bộ mực nước biển dâng cao tới 5 mét. Và thứ ba là việc khai thác nước ngầm đang ngày càng gia tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn, làm mặt đất bị sụt lún. Không cần phải là nhà môi trường học cũng có thể hình dung được nếu tình huống này thực sự xảy ra thì cuộc sống của hàng trăm triệu con người hiện đang sinh sống ở các vùng đất thấp ven biển trên khắp địa cầu sẽ bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến mức độ nào.



Xin tóm lược một số kết quả nghiên cứu mới công bố hồi tháng 2-2007 của một nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm đánh giá tác động của SLR đối với 84 nước đang phát triển trong đó có Việt Nam - một trong năm nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của SLR.



Nhóm nghiên cứu của WB đã sử dụng các phần mềm Hệ thống thông tin địa lý (GIS), kết hợp với nhiều nguồn dữ liệu cập nhật và đáng tin cậy, để đánh giá và so sánh tác động của các tình huống tăng mực nước biển từ 1-5 mét đến sáu yếu tố chịu ảnh hưởng của SLR bao gồm đất đai, dân số, nông nghiệp, phạm vi đô thị, đất ngập nước, và GDP. Một cách khái lược, nghiên cứu này chỉ ra rằng nội trong thế kỷ 21, hàng trăm triệu người ở các nước đang phát triển sẽ phải di chuyển do tác động của SLR, đồng thời tác động về kinh tế và sinh thái sẽ rất nặng nề đối vớitất cả các khu vực, trong đó Đông Á sẽ phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng nhất, tiếp sau đó là Trung Đông và Bắc Phi. Nếu mực nước biển tăng từ 1 mét lên 5 mét thì phần trăm dân số chịu ảnh hưởng sẽ tăng từ 2% lên 8,6%; tác động đến GDP tăng từ 2,1% lên tới 10,2%; còn phần trăm diện tích đất đô thị bị ảnh hưởng sẽ tăng từ 1,7% lên đến gần 9% (xem biểu đồ).



Trong khu vực Đông Á, với đặc trưng về vị trí địa lý cũng như địa hình thì Việt Nam lại là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này có thể thấy rõ qua biểu đồ so sánh mức độ tác động của Việt Nam so với mức trung bình của khu vực Đông Á và toàn thế giới. Trong phạm vi nước ta thì hai khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long - vốn là hai khu vực đất thấp, gần biển, lại có mật độ cư dân rất cao. Cũng chính vì thế, chỉ cần mực nước biển dâng cao thêm 1 mét thì sẽ có 5,3% diện tích đất, 10,8% dân cư, 10,2% GDP, 10,9% diện tích đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp, và 28,9% diện tích đất trũng bị tác động. Mặc dù chưa thể ước lượng được thiệt hại tiềm tàng tính bằng tiền, nhưng với phạm vi và quy mô tác động như thế này, cuộc sống của hàng chục triệu người dân nước ta sẽ phải trải qua những biến động to lớn.



Cho đến nay, dường như cộng đồng quốc tế chưa thực sự nghiêm túc xem xét hệ quả của SLR đối với việc quy hoạch định vị dân cư và cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển. Hy vọng rằng những kết quả có tính cảnh báo cao trong nghiên cứu của WB sẽ khuyến khích hoạt động hoạch định để các nước, đặc biệt là các nước nghèo, có đủ thời gian để chuẩn bị để thích nghi với những biến đổi trong môi trường tự nhiên. Mặc dù nghiên cứu không chỉ ra được một cách chính xác về thời gian, mức độ, và phạm vi của ảnh hưởng do mực nước biển dâng cao, một số nghiên cứu gần đây cho rằng thời gian xảy ra điều này có thể đến sớm hơn, và mức độ ảnh hưởng có thể sẽ cao hơn những tính toán trước đây.



Không rõ chúng ta đã có những nghiên cứu tương tự nhằm đánh giá tác động của SLR nói riêng và sự thay đổi của thời tiết nói chung gây ra đối với Việt Nam hay chưa. Tuy nhiên, những lời cảnh báo nghiêm trọng của nhóm nghiên cứu WB đòi hỏi cộng đồng khoa học nước ta phải có những nghiên cứu cẩn trọng để kiểm định tính chính xác của lời cảnh báo, đồng thời lượng định một cách cụ thể những hậu quả tiềm tàng của SLR trong các tình huống khác nhau. Về phía Nhà nước, các quy hoạch và chính sách kinh tế - xã hội (chẳng hạn như chủ trương mới đây về phát triển kinh tế biển) cũng không thể không tính đến những tác động mà SLR có thể gây ra cho các tỉnh ven biển.



Đối với một số tỉnh có nguy cơ chịu tác động nghiêm trọng của SLR, chính quyền Trung ương và địa phương cần có những chính sách thích hợp trên cơ sở những nghiên cứu khoa học đầy đủ và điều kiện đặc thù của địa phương. Ví dụ ĐBSCL, địa hình vốn đã thấp hơn so với mực nước biển nên nguy cơ nước mặn xâm lấn do SLR gây ra càng trở nên nghiêm trọng hơn. Vì vậy, các tỉnh ở ĐBSCL cần chủ động tìm các giải pháp làm chậm tiến trình xâm mặn, giảm tác hại của nó và thực hiện các điều chỉnh cần thiết để thích ứng với sự biến đổi của môi trường sống.
Cac ban oi, hoc nhanh len de ve Viet nam cuu' ba` con yeu thuong!!!
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top