Hôm nay, tại Geneva, VN trở thành một thành viên mới của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Và chỉ vài tuần nữa, các nhà lãnh đạo APEC sẽ nhóm họp ở Hà Nội. Chúng ta vừa vui vì có đủ tự tin để bước vào “sân chơi” chung của số đông, vừa mừng vì không còn ở trong phần “thiểu số” còn lại của thế giới.
Sẽ không có những sự kiện này nếu không có “đổi mới”. Và bài học giản dị mà chúng ta nhận ra ở đây là: một dân tộc chỉ có thể thật sự “làm bạn được với tất cả” khi khẳng định được mục tiêu độc lập dân tộc của mình.
Cuối thập niên 1980, những biến cố ở Liên Xô và các nước Đông Âu xảy ra khi mà đổi mới ở VN chỉ mới bắt đầu, khi mà sản xuất vừa mới được phục hồi và lạm phát thì phi mã. Liên Xô lúc ấy là chỗ dựa gần như duy nhất.
Không còn người “anh cả” để ta “hợp tác toàn diện”. Không còn khoản viện trợ hơn 1 tỉ rúp hằng năm. VN không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải độc lập thật sự, phải tự bước đi trên chính đôi chân của mình.
Kết quả là chúng ta không những không sụp đổ như nhiều dự đoán lúc đó mà còn lớn mạnh hẳn lên. Không còn dựa được hẳn vào một người bạn, chúng ta nhìn thấy bàn tay của rất nhiều người bạn khác.
VN lần lượt gia nhập ASEAN, VN bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF), với EU, với Mỹ và giờ đây trở thành một thành viên của WTO.
Để có được vị thế như ngày nay, VN đã phải từ bỏ cơ chế tập trung, bao cấp. Một cơ chế quan liêu tới mức trở thành tác nhân chủ yếu, trong một thời gian dài kìm hãm các nguồn lực phát triển của đất nước. “Đổi mới”, giờ đây nhìn lại, về bản chất là một quá trình giải phóng các nguồn lực đó.
Sự tham gia của các thành phần kinh tế, của xã hội, của từng hộ gia đình, của người dân đã làm cho nền kinh tế vốn đang kiệt quệ khi chỉ có sự độc quyền của Nhà nước đã dần khởi sắc và rồi tăng trưởng nhanh. VN đã rút dần được khoảng cách với phần còn lại của thế giới.
Người dân VN đã dễ dàng tiếp cận hơn với những giá trị của loài người. Không như những lo ngại lúc đầu, từ bỏ tập trung quan liêu, đất nước chỉ đi theo một đường hướng là hợp tác và phát triển không ngừng.
Tuy nhiên, chỉ có tự tin khi bước vào cuộc chơi ở WTO là chưa đủ. Nền kinh tế của chúng ta gần như chỉ mới từ chỗ như những chiếc lò xo bị nén vừa được bung ra. Sức cạnh tranh chỉ mới được thử thách chủ yếu ở trên “sân nhà”. Những cuộc cọ xát ở sân chơi toàn cầu đang còn ở phía trước.
Những thách thức mới này đòi hỏi không chỉ sự năng động của các doanh nghiệp, tính hiệu quả của nền kinh tế mà còn phải có sự hỗ trợ rất nhiều của bộ máy nhà nước. Một bộ máy không những phải giảm bớt nhũng nhiễu, phiền hà, mà còn phải có khả năng tạo ra sức bật mới cho những chiếc “lò xo” xã hội và kinh tế.
Để có một bộ máy nhà nước như vậy, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành thêm không ít những cải cách từ bên trong. Những cải cách hướng tới sự gọn nhẹ và thật sự hữu hiệu cho hệ thống chính trị.
Những cải cách, theo đó: các cơ quan quyền lực của dân như Quốc hội, hội đồng nhân dân phải do dân và được thiết lập sao cho có thể chế ước được sự lộng quyền dẫn tới tham nhũng, lãng phí hay sử dụng ngân sách vào những công cuộc đầu tư không hiệu quả; một hệ thống hành chính gồm những viên chức thật sự là công bộc; một hệ thống tư pháp khôi phục được niềm tin của nhân dân vào công lý.
Hành trình đi tới WTO của chúng ta không chỉ bao gồm những cải cách kinh tế. Sở dĩ hành trình ấy khơi dậy và tập trung được mọi nguồn lực là vì tính thuyết phục của mục tiêu mà nó hướng tới. Một mục tiêu không có gì quan trọng hơn là đi tới tận cùng những giá trị nhân văn của nhân loại và dân tộc.
Chính mục tiêu ấy đã đánh thức những tiềm lực ở bên trong, đặc biệt là tiềm lực về con người và thu hút sự quan tâm của những nguồn lực bên ngoài. Chính mục tiêu ấy mới có thể hóa giải, gắn kết và tạo ra sức mạnh chung của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước.
Và chỉ có đi tới tận cùng những giá trị nhân văn của nhân loại và dân tộc mới làm cho nền độc lập của VN thật sự bền vững, làm tăng vị thế của VN và luôn kiến tạo cho VN những mối quan hệ bạn bè.
Võ Văn Kiệt
Báo Tuổi trẻ
http://www22.dantri.com.vn/Sukien/2006/11/151167.vip
Sẽ không có những sự kiện này nếu không có “đổi mới”. Và bài học giản dị mà chúng ta nhận ra ở đây là: một dân tộc chỉ có thể thật sự “làm bạn được với tất cả” khi khẳng định được mục tiêu độc lập dân tộc của mình.
Cuối thập niên 1980, những biến cố ở Liên Xô và các nước Đông Âu xảy ra khi mà đổi mới ở VN chỉ mới bắt đầu, khi mà sản xuất vừa mới được phục hồi và lạm phát thì phi mã. Liên Xô lúc ấy là chỗ dựa gần như duy nhất.
Không còn người “anh cả” để ta “hợp tác toàn diện”. Không còn khoản viện trợ hơn 1 tỉ rúp hằng năm. VN không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải độc lập thật sự, phải tự bước đi trên chính đôi chân của mình.
Kết quả là chúng ta không những không sụp đổ như nhiều dự đoán lúc đó mà còn lớn mạnh hẳn lên. Không còn dựa được hẳn vào một người bạn, chúng ta nhìn thấy bàn tay của rất nhiều người bạn khác.
VN lần lượt gia nhập ASEAN, VN bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF), với EU, với Mỹ và giờ đây trở thành một thành viên của WTO.
Để có được vị thế như ngày nay, VN đã phải từ bỏ cơ chế tập trung, bao cấp. Một cơ chế quan liêu tới mức trở thành tác nhân chủ yếu, trong một thời gian dài kìm hãm các nguồn lực phát triển của đất nước. “Đổi mới”, giờ đây nhìn lại, về bản chất là một quá trình giải phóng các nguồn lực đó.
Sự tham gia của các thành phần kinh tế, của xã hội, của từng hộ gia đình, của người dân đã làm cho nền kinh tế vốn đang kiệt quệ khi chỉ có sự độc quyền của Nhà nước đã dần khởi sắc và rồi tăng trưởng nhanh. VN đã rút dần được khoảng cách với phần còn lại của thế giới.
Người dân VN đã dễ dàng tiếp cận hơn với những giá trị của loài người. Không như những lo ngại lúc đầu, từ bỏ tập trung quan liêu, đất nước chỉ đi theo một đường hướng là hợp tác và phát triển không ngừng.
Tuy nhiên, chỉ có tự tin khi bước vào cuộc chơi ở WTO là chưa đủ. Nền kinh tế của chúng ta gần như chỉ mới từ chỗ như những chiếc lò xo bị nén vừa được bung ra. Sức cạnh tranh chỉ mới được thử thách chủ yếu ở trên “sân nhà”. Những cuộc cọ xát ở sân chơi toàn cầu đang còn ở phía trước.
Những thách thức mới này đòi hỏi không chỉ sự năng động của các doanh nghiệp, tính hiệu quả của nền kinh tế mà còn phải có sự hỗ trợ rất nhiều của bộ máy nhà nước. Một bộ máy không những phải giảm bớt nhũng nhiễu, phiền hà, mà còn phải có khả năng tạo ra sức bật mới cho những chiếc “lò xo” xã hội và kinh tế.
Để có một bộ máy nhà nước như vậy, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành thêm không ít những cải cách từ bên trong. Những cải cách hướng tới sự gọn nhẹ và thật sự hữu hiệu cho hệ thống chính trị.
Những cải cách, theo đó: các cơ quan quyền lực của dân như Quốc hội, hội đồng nhân dân phải do dân và được thiết lập sao cho có thể chế ước được sự lộng quyền dẫn tới tham nhũng, lãng phí hay sử dụng ngân sách vào những công cuộc đầu tư không hiệu quả; một hệ thống hành chính gồm những viên chức thật sự là công bộc; một hệ thống tư pháp khôi phục được niềm tin của nhân dân vào công lý.
Hành trình đi tới WTO của chúng ta không chỉ bao gồm những cải cách kinh tế. Sở dĩ hành trình ấy khơi dậy và tập trung được mọi nguồn lực là vì tính thuyết phục của mục tiêu mà nó hướng tới. Một mục tiêu không có gì quan trọng hơn là đi tới tận cùng những giá trị nhân văn của nhân loại và dân tộc.
Chính mục tiêu ấy đã đánh thức những tiềm lực ở bên trong, đặc biệt là tiềm lực về con người và thu hút sự quan tâm của những nguồn lực bên ngoài. Chính mục tiêu ấy mới có thể hóa giải, gắn kết và tạo ra sức mạnh chung của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước.
Và chỉ có đi tới tận cùng những giá trị nhân văn của nhân loại và dân tộc mới làm cho nền độc lập của VN thật sự bền vững, làm tăng vị thế của VN và luôn kiến tạo cho VN những mối quan hệ bạn bè.
Võ Văn Kiệt
Báo Tuổi trẻ
http://www22.dantri.com.vn/Sukien/2006/11/151167.vip
Có thể bạn sẽ thích