Sứ giả anh đào

Sứ giả anh đào

TT - Trong suốt hai tuần qua, lúc nào du khách cũng phải chen chúc, đợi chờ hàng giờ để lên xuống nhà ga tàu điện ngầm Smithsonian. Họ là khách từ khắp mọi nơi, hằng năm vào dịp cuối tháng ba đầu tháng tư, lại bay đến Washington DC chỉ để thỏa sức ngắm hoa anh đào nở.
ImageView.aspx

Du khách Việt bên vườn anh đào - Ảnh: Huy Đức​
Trong suốt một thế kỷ qua, hoa anh đào có mặt như là một sứ giả của người Nhật trên đất Mỹ, lặng lẽ hàn gắn biết bao xung đột giữa hai cường quốc này. Người đầu tiên đề nghị đưa loài hoa được yêu quí bậc nhất của người Nhật về Mỹ trồng là bà Eliza Scidmore, từ năm 1885, ngay sau khi vừa thăm Nhật trở về. Nhưng sáng kiến của bà liên tục bị từ chối. Mãi 24 năm sau, năm 1909, lời đề nghị này mới tới tai đệ nhất phu nhân nước Mỹ lúc đó, bà Helen Taft, người đã từng thăm Nhật. Bà Taft viết thư ủng hộ đề nghị của bà Scidmore.

Thông tin này đến tai hai người Nhật: một nhà ngoại giao - ông Midzuno, một nhà hóa học nổi tiếng - tiến sĩ Takamine. Hôm đó, hai người đang ở Washington. Ngay ngày hôm sau, họ đề nghị gặp phu nhân Taft và xin được tặng 2.000 cây anh đào như là một món quà của thành phố Tokyo. Mọi chi phí được tiến sĩ Takamine tài trợ.

Nhưng 2.000 cây anh đào đầu tiên gửi sang đã bị cơ quan kiểm dịch Mỹ ra lệnh đốt vì có dấu hiệu nhiễm dịch. Đôi bên đã phải mất thêm thời gian với những nỗ lực ngoại giao để tái thực hiện sáng kiến này. Tiến sĩ Takamine lại tài trợ tiếp, lần này là 3.020 cây. Năm 1912, cây anh đào được trồng tại một trong những khu vực trang trọng nhất của Washington DC.

Người Mỹ từ đó yêu anh đào đến nỗi, năm 1938, một nhóm phụ nữ Mỹ đã thề sẽ siết chặt tay nhau bảo vệ một số cây có nguy cơ bị chặt đi để xây dựng đài tưởng niệm một trong những nhân vật được kính trọng nhất của họ, Thomas Jefferson, vị tổng thống thứ ba và là tác giả bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ.

Nhưng rồi chiến tranh xảy ra. Người Nhật đã đụng chạm ghê gớm tới lòng kiêu hãnh của nước Mỹ khi tấn công Trân Châu cảng. Trớ trêu thay, trong những năm mà bất cứ điều gì liên quan tới người Nhật cũng bị căm ghét tột bậc đó, cứ sang xuân những nàng anh đào lộng lẫy không thể tìm ra nơi nào ẩn nấp, lại sặc sỡ đơm hoa quanh mặt hồ Tidal.

Người Mỹ đã quyết định “hủy diệt” hoa anh đào để trả thù. Ngày 11-12-1941, bốn cây anh đào bị đem ra “hành quyết”, phần còn lại, trong suốt Thế chiến thứ 2, được gọi là “cây đào xứ Đông” để tránh sự manh động của những người vì căm thù Nhật mà chặt phá nó đi.

Đến lượt người Nhật thua trận. Những nụ hoa anh đào trở lại sức hấp dẫn đến mê hoặc của chúng. Năm 1948, lễ hội hoa anh đào được tái lập. Những cô gái Mỹ xinh đẹp được tuyển chọn từ các tiểu bang đưa về Washington và từ đây các người đẹp chọn ra một nàng hoa hậu để trị vì suốt những ngày anh đào nở.

Những năm sau đó, tự thân hoa anh đào thiết lập thêm cho người Mỹ và Nhật một mối bang giao: người Mỹ giúp Nhật trồng lại những giống anh đào đưa sang Mỹ từ năm 1912 và trong Thế chiến thứ 2 không may lại bị hủy diệt ở chính quê hương nó; người Nhật tặng thêm những kỷ vật mới cho lễ hội hoa anh đào…

Chỉ mất vài thập kỷ sau chiến tranh, người Nhật đã vươn lên vị trí cường quốc kinh tế. Những Honda, Sony, Toyota… có mặt ở mọi hang cùng ngõ hẻm của nước Mỹ, nơi mà những cây anh đào đã đến trước, đã kết nụ, đơm hoa và đã chinh phục.

Tuổi Trẻ - HUY ĐỨC (Washington DC)​

>>> Theo mình được biết thì cho đến nay chỉ có 3 nước là có cây Anh Đào: Nhật bản (dĩ nhiên rồi), Mỹ (Washington DC) và Trung Quốc (một số vùng)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top