Sự thống trị của tiểu thuyết trên điện thoại di động Nhat

Sự thống trị của tiểu thuyết trên điện thoại di động Nhat

Ra đời vào những năm đầu tiên của thế kỉ 21, từ xứ sở hoa anh đào, tiểu thuyết trên điện thoại di động (ĐTDĐ) nhanh chóng trở nên phổ biến, lan rộng tới cả các nước Châu Á lân cận là Hàn Quốc và Trung Quốc.

Xuất phát là một trào lưu, nhưng giờ đây, với sự "thống trị" ngày càng tăng trên thị trường văn học Nhật Bản, phong cách tiểu thuyết đậm chất công nghệ thông tin này dường như đang lên tiếng, "đòi quyền" được công nhận như một thể loại văn chương.

Trong danh sách 10 tiểu thuyết ăn khách nhất tại Nhật Bản năm 2007 vừa qua, 5 cuốn có xuất phát điểm là tiểu thuyết trên ĐTDĐ. Nghĩa là chúng được soạn thảo trên ĐTDĐ, bao gồm những câu văn ngắn hoặc siêu ngắn (nhưng vẫn có cốt truyện và phát triển tính cách nhân vật), hầu hết đều có đề tài tình yêu và đến với người đọc qua mạng di động hay Internet. Không chỉ áp đảo về số lượng, 3 vị trí đứng đầu trong danh sách xếp hạng cũng thuộc về 3 tác giả của trào lưu văn học ĐTDĐ, lần đầu ra mắt độc giả.

"Liệu những tiểu thuyết gia thời ĐTDĐ có "giết chết" những nhà văn thực sự?" là câu hỏi đang gây xôn xao những ai quan tâm đến văn học Nhật Bản. Trong khi người đọc tỏ ra phấn khích và ủng hộ tiểu thuyết trên ĐTDĐ như một dòng văn chương mới thì giới phê bình tỏ ra hoài nghi, cho rằng với chất lượng nghèo nàn, những sáng tác kia sẽ làm xuống cấp nền văn học nước này. Tuy nhiên, cho dù tranh cãi bao nhiêu thì một sự thật mà khó phủ nhận là những tác phẩm xuất phát từ ĐTDĐ có một số lượng tiêu thụ đáng mơ ước đối với bất kỳ nhà văn chính thống nào.

Rin, cô gái 21 tuổi, sáng tác "If you" từ khi còn là một nữ sinh trung học (ảnh). Trong 6 tháng ròng rã, bất kỳ lúc nào rảnh rỗi, Rin đều "viết" câu chuyện của mình trên chiếc ĐTDĐ, sau đó cho đăng trên một trang web dành cho các cây bút không chuyên.

"If you" kể về mối tình bi lụy giữa hai người bạn thời thơ ấu, được bầu chọn là tiểu thuyết hay nhất trên mạng di động. Sau khi được xuất bản dưới dạng sách giấy, với hơn 400.000 bản đã bán hết, nó trở thành cuốn sách bán chạy thứ 5 tại Nhật năm 2007.

Theo Maho no i-rando - trang web đầu tiên tại nước này cho phép thành viên đăng ký được đưa tác phẩm của mình lên mạng song song với quá trình sáng tác - kể từ năm 2000 đến giờ, con số các tiểu thuyết gia ĐTDĐ có tên tại đây đã lên tới 1 triệu người vào cuối năm ngoái.

"Không phải vì mọi người từ lâu đã mong muốn được viết và rồi ĐTDĐ xuất hiện", nói về một trong những nguyên nhân của sự bùng nổ trên, Chiaki Ishihara - chuyên gia về văn học Nhật Bản tại Đại học Waseda - giải thích, "mà đó là hệ quả của việc trao đổi email thường xuyên và ĐTDĐ như một công cụ khuấy động sự hình thành khát khao được cầm bút trong mỗi cá nhân".

Có rất nhiều người chưa hề sáng tác trước khi trở thành một cây bút trên ĐTDĐ, thậm chí nhiều người đọc cũng chưa từng xem qua một cuốn tiểu thuyết giấy nào trước khi trở thành một fan trung thành của văn học ĐTDĐ.

Giới phê bình cho rằng các tiểu thuyết trên ĐTDĐ bị ảnh hưởng rất nhiều từ những manga (truyện tranh): tính cách nhân vật thường bị bó hẹp, đơn giản, những đoạn văn thì sơ sài và hầu hết đều là đối thoại.

Naito, một nhà văn nữ 36 tuổi, gần đây dưới áp lực của nhà xuất bản cũng đã bắt đầu chuyển sang sáng tác theo phong cách văn học ĐTDĐ cho biết, việc sử dụng những thủ pháp như trong văn chương truyền thống sẽ khiến người xem "không nhận ra được sự quen thuộc mỗi khi đọc tác phẩm".

Được viết ở ngôi thứ nhất, rất nhiều tiểu thuyết trên điện thoại có dạng như một nhật ký cá nhân mà các tác giả phần lớn là những cô gái trẻ, cảm thấy bị vướng mắc bởi tình yêu và cuộc sống.

Cũng như Rin, Mika là một trong số những người đó. Tác phẩm đầu tay của cô, mang tên "Love Sky" là tổng hợp của các yếu tố bạo lực, tình dục và bệnh tật... có hơn 20 triệu người đọc trên mạng. Khi được xuất bản thành sách giấy, nó trở thành tiểu thuyết bán chạy số 1 Nhật Bản, thậm chí chuẩn bị được dựng thành phim.

Trước sự thống trị của tiểu thuyết ĐTDĐ, nhiều ý kiến coi đây như một thể loại văn học chính thống. Khoan bàn đến chuyện việc này có được chấp nhận hay không, một vấn đề được đặt ra trước tiên: Liệu một tác phẩm được phổ biến qua mạng di động nhưng lại không được sáng tác trên điện thoại, mà lại được soạn thảo bằng máy vi tính hay viết bằng tay thì có được coi là một tiểu thuyết ĐTDĐ hay không?

Theo Keiko Kanematsu - một biên tập viên của NXB Goma chuyên xuất bản các tiểu thuyết trên ĐTDĐ: "Khi một câu chuyện được viết bằng máy vi tính, bố cục và sắc thái câu văn khác đi so với được sáng tác trên ĐTDĐ, có thể sẽ không được những người hâm mộ khó tính chấp nhận".

Tuy nhiên, Naito không nghĩ vậy. Cô cảm thấy thoải mái hơn khi viết tác phẩm bằng máy vi tính, sau đó gửi vào ĐTDĐ của mình rồi mới sắp xếp lại câu chữ. Một năm trước, một ngôi sao trong giới văn học ĐTDĐ ở độ tuổi 20 là Chaco cũng đã quyết định chọn chiếc máy vi tính cá nhân thay vì chiếc ĐTDĐ.

Đại diện của NXB giải thích rằng mặc dù soạn thảo trên điện thoại rất nhanh nhưng nó khiến móng tay của Chaco bị xước và gây chảy máu. Ông này còn cho biết thêm, "kể từ khi chuyển sang máy vi tính, ngôn từ của cô ấy phong phú hơn và giọng văn cũng mượt mà hơn".

Lan Phương (Theo New York Times)
 

Đính kèm

  • avataraspxly8.jpg
    avataraspxly8.jpg
    7.4 KB · Lượt xem: 194
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top