Nữa nè, đây là ý kiến của độc giả báo tuổi trẻ
Thứ Sáu, 08/09/2006, 04:54 (GMT+7)
Đặc cách hay đặc lợi?
(Nhân đọc tin “Cựu bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển du học ở Anh”)
Cựu bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển
TT - Tôi vô cùng ngạc nhiên và thắc mắc khi biết ông Hiển đi học ngoại ngữ ở Anh bằng kinh phí của đề án 322. Bản chất của đề án 322 là dành cho các cán bộ khoa học kỹ thuật của Nhà nước được cử đi học theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Câu hỏi đặt ra ở đây là ông Hiển có thật sự cần phải đi học theo diện đặc cách như vậy không? Cần lưu ý, những năm trước đây, khi đề án còn trong giai đoạn đầu, những người được các trường nước ngoài cấp học bổng cho học ngoại ngữ (do họ vẫn chưa đủ điều kiện nhập học), phải đi học bằng chính tiền túi của mình. Vậy ông Hiển dựa vào tiêu chí nào để đi học?
Ông Hiển đi học bằng tiền của Nhà nước, tính riêng khoản chi tiêu hơn 10.000 USD (gồm cả bốn tháng tiền học, ăn ở và kinh phí cho một tháng “công tác” ở Anh) là quá lớn và lãng phí cho ngân sách.
Nếu chỉ đi học ngoại ngữ cho cá nhân ông Hiển, tại sao ông lại lấy tiền của Nhà nước mà thật ra là tiền của dân đóng góp? Ngoài ra, trong khi kinh phí cấp cho các lưu học sinh còn ở mức rất thấp thì việc cấp tiền cho ông Hiển đi học như vậy là cách làm việc theo kiểu “người nhà” của Bộ GD-ĐT. Đây là cách làm việc sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước.
Trong khi Nhà nước đang kêu gọi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng, việc đi học kiểu ông Hiển đã làm tăng nỗi bất bình trong dư luận đối với ngành GD-ĐT vốn đã quá bê bối thời gian qua. Tôi kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính thu hồi ngay khoản tiền cấp đi học sai nguyên tắc tài chính này và trả lời công khai cho người dân biết.
NGUYỄN VINH (Hà Nội)
Tôi không hiểu nổi!
Đọc tin cựu bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Minh Hiển, 59 tuổi, lấy tiền nhà nước để đi học tiếng Anh bốn tháng và sau đó “công tác” tại Anh một tháng tôi thật sự ngỡ ngàng. Tôi nghĩ cỡ giáo sư tiến sĩ đều phải biết tiếng Anh từ lâu rồi chứ.
Tôi cũng có con học tại Anh bằng học bổng của đề án 322 nhưng số tiền đó chỉ đủ trả cho nhà trường bên Anh. Con tôi phải đi làm thêm để có tiền ăn và tiền thuê nhà trọ. Còn ông khi đi làm cũng hưởng chế độ VIP, khi đi học vẫn được hưởng chế độ VIP. Điều đó có trong một văn bản chính sách nào của Nhà nước không?
Ông Hiển học tiếng Anh về để làm gì nhỉ? Tôi đặt ra câu hỏi này và tự đặt ra ba khả năng có thể: Một là làm cố vấn cho ông bộ trưởng mới - điều này chắc chắn ông bộ trưởng mới không tính đến. Hai là làm thành viên ban nghiên cứu của Thủ tướng nhưng ban này hình như đã giải thể rồi. Ba là tham gia Ban dự án cải cách giáo dục bằng tiền vay ODA mà ông đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Dũng đã chất vấn ông Hiển tại Quốc hội làm ông Hiển nổi đóa.
Tôi thật sự không hiểu nổi!
AN THANH LƯƠNG
Sử dụng ngân sách một cách lạ đời...
* Là một người dân nộp thuế cho Nhà nước, tôi không sao hiểu nổi quyết định sử dụng ngân sách một cách lạ đời như vậy! Không cần phải biết ông Hiển học hành bên Anh đạt kết quả thế nào cũng thấy rất rõ hiệu quả của việc đầu tư này khi khả năng đóng góp cho xã hội của một người sắp về hưu sẽ không nhiều bằng một người trẻ tuổi. Như vậy lợi ích xã hội trong trường hợp này đã bị bỏ qua.
Tôi đề nghị các cơ quan chức năng xem xét là đằng sau quyết định đặc cách cho ông Hiển đi học còn ẩn chứa điều gì nữa? Trả ơn, ưu ái, quan hệ cá nhân hay những gì khác tương tự?
NGUYỄN ĐÔNG DU
* Tôi không hiểu mục đích của việc đào tạo này. Ông Hiển muốn nâng cao trình độ tiếng Anh là nhu cầu cá nhân sao lại cầm tiền nhà nước để đi học? Tiền đề án 322 không phải là nhiều, rất nhiều cán bộ trẻ cần được đào tạo nâng cao trình độ để về phục vụ quốc gia. Ông Hiển đã 59 tuổi nên việc chi tiền sai nguyên tắc này lãng phí kinh khủng.
Thanhtamtc…@yahoo.com
* Mục tiêu của đề án 322 nhằm đào tạo lực lượng khoa học kỹ thuật ở nước ngoài để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Cựu bộ trưởng còn làm việc bao lâu hay học xong thì về hưu? Vậy đề án 322 chi cho cựu bộ trưởng đi học hay là chi cho chuyến đi tour dài ngày trước khi nghỉ hưu?
Tôi là một giảng viên dạy đại học. Tôi nghĩ đề án 322 nên dành cho nhiều người khác có nhu cầu, nhất là các bạn trẻ, đó là đạo lý và là nguyên tắc.
NGUYỄN HUY BÍCH
Đề án 322
Ngày 19-4-2000 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 322/QĐ-TTg phê duyệt đề án
“Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (thường gọi là đề án 322).
Hiện đề án đã bước sang giai đoạn hai (theo quyết định ngày 28-4-2005 của Thủ tướng Chính phủ, đề án được gia hạn thực hiện đến năm 2014). Ngân sách dành cho đề án 322 giai đoạn hai khoảng 260 tỉ đồng/năm. Mỗi năm, đề án 322 tổ chức thi tuyển chọn để cấp khoảng 400 suất học bổng, trong đó học bổng đào tạo trình độ tiến sĩ là 200, đào tạo thạc sĩ 100, 40 học bổng bậc ĐH và 60 suất thực tập sinh khoa học.
Những lĩnh vực ngành nghề sẽ được ưu tiên tuyển chọn cử đi đào tạo là công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, năng lượng, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, các ngành phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng, nông - lâm nghiệp, một số ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn...
Để được tuyển chọn, nhận học bổng của đề án 322, ngoài việc phải đáp ứng các yêu cầu về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ..., ứng viên còn phải đáp ứng một yêu cầu bắt buộc về độ tuổi: phải dưới 35 tuổi đối với đào tạo thạc sĩ, dưới 40 tuổi đối với đào tạo tiến sĩ và dưới 50 tuổi đối với thực tập khoa học.
T.H
Thứ trưởng bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung:
Cử anh Hiển đi học có đủ cả lý và tình (?!)
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Văn Nhung là người ký quyết định cử ông Nguyễn Minh Hiển đi học và công tác tại Anh bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước theo đề án 322. Chiều 7-9, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Nhung.
* Nhiều ý kiến cho rằng ông Hiển đi học như vậy là không đúng đối tượng được hưởng học bổng từ ngân sách nhà nước, thưa ông?
- Chiều hôm nay (ngày 7-9) Bộ GD-ĐT đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này. Trong đó đã nêu rất rõ, rất đầy đủ trình tự giải quyết và quan điểm của Bộ GD-ĐT... Khi Bộ GD-ĐT có quyết định cử anh Hiển đi học là cũng căn cứ trên những cơ sở này. Tôi nghĩ là có đủ cả lý và tình...
* Nhưng thứ trưởng là người trực tiếp ký quyết định cử ông Hiển đi học...
- Tôi là người được giao phụ trách đề án 322. Ai được cử đi học theo đề án đều do tôi ký quyết định, không riêng trường hợp này.
THANH HÀ thực hiện
Còn đây là ý kiến của một thành viên mạng Edu.net.vn
Chuyện bác Hiển đi học ở Anh rất đáng khâm phục. Mặc dù đã được liệt vào diện "cao niên" những vẫn có tính thần cầu tiến, phấn đấu trong học tập, rất đáng được khen ngợi, biểu dương trên toàn quốc. Bác Hiển là tấm gương sáng cho các cụ "bô lão" của Việt Nam chúng ta phải noi gương. Chắc chắc bác là người tiên phong cho phong trào "Du học tiếng Anh cho những người cao tuổi". Ở tây, như thế này thì cũng là chuyện thường.
Tuy nhiên, nếu bác sang Anh du học mà tự bỏ tiền túi ra thì không nói làm gì. Đằng này lại là tiền của BDH 322. Câu hỏi đặt ra ở đây là bác trau dồi thêm tiếng Anh để làm gì nữa. Nếu quả thực bác muốn "vi hành" xem nền giáo dục của Châu Âu thế nào, đề rồi trở về đưa ra những sách lược cho Việt Nam thì có lẽ là bác hơi chậm. Việc này đã lẽ bác phải là từ 4 năm về trước cơ. Nếu cần tìm hiểu nền giáo dục Anh Quốc, bác chỉ cần thuê mấy cậu sinh viên 322 đang học bên đó, là có ngay báo cáo 100 trang về nền giáo dục của họ. Bác bác ở nhà tha hồ mà ngẫm. Nếu chương trình học bổng đó, mà dành cho tân Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, tôi hoàn toàn giơ cả 4 tay.
Về mặt quy định, bác đi như thế có thể nói là sai nguyên tắc. Đơn giản là bác đã thành cụ 59. Trong khi yêu cầu tuổi là 50. Chẳng hiểu đây có phải là "quà biếu" của bác Nhung cho bác Hiển hay không (gọi là ơn huệ) chứ tôi thấy bác Nhung ký nhiều quyết định linh "tinh quá". Vì theo nguyên tắc, như thế là sai rồi. Vấp từ sai lầm này, đến sai lầm nọ. Nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ cải tổ ngay lại MoET vì dương như nó làm việc không có hiệu quả. Từ khâu ra quyết định, cho tới khâu thực thi, và rồi cả tới khâu tổng kết, rút kinh nghiệm.
Không biết bác Hiển sang Anh, hoà nhập vào cộng đồng sinh viên thì như thế nào nhỉ. Vai đeo Balô, mặc quần xóc, cặp lồng cơm để trong túi, tay lúc nào cũng cầm chai nước như sinh viên Tây ấy. Mà chẳng biết điểm sàn của bác Hiển nhà ta la bao nhiêu nữa. Có được nổi 300 TOEFL hay 3 ITELS. Bác đi được thế này, giỏi quá rồi! À mà nghe dân tình nói, con gái bác Hiển trước đây thì vào một Bộ nào đó của Chính phủ. Ngày con gái bác thi thì cũng là ngày cô em vào bệnh viên đẻ con. Tất nhiên là đành bỏ thi. Nhưng đến khi gián điểm, con bác vẫn được 9 điểm môn đó. Vẫn trúng tuyển vào Bộ như thường. Bác Hiển giỏi thật. Khéo bác học tiếng Anh là để đi thăm con gái bên đó.
Khâm phục bác sát đất!