Thư gửi tổng thống tương lai của nước Mỹ

Thư gửi tổng thống tương lai của nước Mỹ

Ví tình hình chính trị thế giới hiện nay như một bàn cờ không gian 3 chiều, 3 tầng, khuyên TT tương lai của nước Mỹ cần có tầm nhìn tự do duy thực và khả năng "dĩ bất biến, ứng vạn biến" - đó là tóm tắt nội dung bài phân tích của GS Joseph Nye - Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, nguyên Hiệu trưởng trường John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, "cha đẻ" của khái niệm "sức mạnh mềm" trên tạp chí Harvard.



Là Tổng thống Mỹ, ông sẽ phải đối đầu với hàng loạt vấn đề: Iraq, Iran, Pakistan, Palestine và Bắc Triều Tiên. Sự thất bại trong bất cứ một vấn đề nào cũng sẽ là mồ chôn cương vị TT của ông, làm tiêu tan mọi ủng hộ chính trị giành cho ông và quan trọng hơn thế nữa, sẽ đe dọa đến tương lai của nước Mỹ. Vì thế, ông cần đánh giá bức tranh tổng quan để từ đó xây dựng viễn cảnh chính sách ngoại giao của người Mỹ sẽ như thế nào.

Nhiều người tin rằng dù ai thắng cử năm nay, người đó sẽ phải tiếp bước con đường chiến lược mà TT Bush đã vạch ra. Phó TT Cheney đã lớn tiếng mà nói rằng: "10 năm nữa khi chúng ta nhìn lại ngày hôm nay, chúng ta sẽ thấy rằng việc "giải phóng" 50 triệu người ở Afghanistan và Iraq là một mốc quan trọng. Nó đánh dấu một bước chuyển biến chính của chính sách Mỹ trong việc đối đầu với hiểm họa khủng bố đang hình thành và những thay đổi chúng ta đã đem lại cho khu vực".


tulieu2.jpg


Chính TT Mỹ Bush cũng đã chỉ ra rằng TT Harry Truman từng bị mất uy tín trong lòng dân phần nhiều cũng vì cuộc chiến ở Triều Tiên, nhưng đến ngày hôm nay ông lại rất được trọng vọng và người dân Hàn Quốc thì đang được hưởng nền dân chủ do quân đội Mỹ mang lại. Đừng dễ dàng chấp nhận và tin vào những phát ngôn quá đơn giản như vậy.

Nếu ông suy xét sự việc ở một góc độ rộng hơn, ôngsẽ thấy khi còn đương quyền, Truman đã có công tạo dựng những tổ chức hợp tác rất quan trọng như Kế hoạch Marshall và khối NATO. Ngược lại, chính quyền Bush với những thành phần tân bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa theo đuổi đường lối đơn phương không theo khuôn khổ, chẳng khác nào một chiếc xe không phanh, sớm hay muộn cũng sẽ đi chệch đường.

Sự kiện 09/11/2001 đã tạo điều kiện cho George W. Bush đưa ra tuyên bố hùng hồn. Nhưng chúng ta cần đánh giá một ý tưởng dựa trên sự cân đối giữa cảm hứng và tính khả thi của nó. Đây mới chính là yếu tố chủ chốt của một ý kiến hữu ích mà không phải vị TT nào trong lịch sử chính trị của Mỹ cũng làm được.

Franklin Roosevelt (FDR) đã rất giỏi trong lĩnh vực này, nhưng những người khác chẳng hạn như Woodrow Wilson thì không. David Gergen, người đứng đầu Trung tâm Lãnh đạo Công chúng thuộc trường Kennedy đã từng so sánh sự tự tin của FDR với TT Mỹ đương thời: "FDR hơn Bush ở chỗ ông có tài hùng biện, lí giải cho công chúng kĩ lưỡng về những thử thách cũng như lựa chọn của đất nước, đào sâu vào ý kiến công chúng, và dày công xây dựng một nền móng ủng hộ chắc chắn trước khi ông tiến hành bất cứ một hành động nào. Những gì ông thể hiện trong thời kì tiền Thế chiến thứ II cũng cho thấy không bao giờ tiến lên phía trước và bỏ rơi thành viên của mình như Bush". Bush thì vốn không phải là người kiên nhẫn. Một phóng viên từng bình luận rằng: "Bush thích khuấy tung mọi sự lên. Nguyên do của cuộc chiến tại Iraq cũng là vì thế"

"Dĩ bất biến, ứng vạn biến"

Một kĩ năng rất cần thiết để ông trau dồi là "tùy cơ ứng biến". Có người định nghĩa "tùy cơ ứng biến" là khả năng hiểu môi trường chính trị luôn thay đổi và phát triển theo chiều hướng đi lên, đồng thời phải có khả năng tận dụng những xu hướng đang thịnh hành trên thị trường.

Trong chính sách đối ngoại, khả năng phân tích mang tính trực giác này giúp ông kết hợp chiến thuật với mục đích để vạch ra đường lối hành động khôn ngoan trong những hoàn cảnh khác nhau. Nhân chứng của khả năng lãnh đạo rất xuất sắc này phải kể đến TT Ronald Reagan và TT George H.W. Bush, những nhân vật với kiến thức nền tảng uyên bác về bối cảnh của chính sách đối ngoại Mỹ, cả trong lẫn ngoài nước.

Tuy nhiên, giới học giả và cố vấn lại thường đánh giá lầm về vị trí của Mỹ trên trường quốc tế. Hai thập kỉ trước, người ta tin rằng nước Mỹ đang dần suy thoái, và phải gánh chịu hậu quả từ "hội chứng đế quốc". Một thập kỉ sau, khi thời kì Chiến tranh Lạnh kết thúc, "niềm tin mới" nói rằng thế giới là một thể chế đơn cực dưới quyền bá chủ của người Mỹ. Một vài người thuộc phái tân bảo thủ còn ngạo mạn đi đến kết luận rằng chỉ có nước Mỹ mới có quyền quyết định cái gì là đúng, cái gì là sai, và các quốc gia khác chỉ có một lựa chọn duy nhất là tuân theo. Charles Krauthammer gán cho quan điểm này cái tên "chủ nghĩa đơn phương mới", và nó đã ảnh hưởng sâu sắc tới đường lối của tới chính quyền Bush.

Xu hướng mới này của Mỹ trong những năm đầu thế kỉ 21 xuất phát từ một sự nhầm lẫn cơ bản về bản chất của quyền lực trong thế giới chính trị. Quyền lực là khả năng đoạt được những gì mình muốn, dù đối phương có mong muốn hay không. Nhưng yếu tố quan trọng chi phối kết quả không phải là tiềm lực hay khả năng, mà là bối cảnh của vấn đề.

Ngày xưa, ta vẫn thường suy nghĩ đơn giản rằng khả năng quân sự (sức mạnh áp bức) có thể thống trị mọi việc, nhưng trong hoàn cảnh của thế giới hiện nay, những sự kiện khác nhau đòi hỏi khả năng vận dụng những khả năng khác nhau, đặc biệt là trong những vấn đề lớn lien quan đến quân đội, kinh tế và xuyên quốc gia.

Bối cảnh chính trị thế giới: Bàn cờ không gian 3 chiều

tulieu1.jpg


Đầu tiên, phải có tầm nhìn tự do duy thực và tư duy đó phải xuất phát từ sự am hiểu về mặt mạnh cũng như yếu của sức mạnh Mỹ. Nước Mỹ là cường quốc, đúng, nhưng nước Mỹ chỉ có thể tác động, chứ không thể thống trị thế giới.

Xin được so sánh bối cảnh chính trị thế giới ngày nay với một bàn cờ không gian 3 chiều, 3 tầng. Trong thế giới đa cực như hiện nay, sức mạnh vũ trang được coi là sức mạnh đơn cực, nằm ở lớp thứ nhất, lớp giữa là sức mạnh về quan hệ kinh tế. Lớp dưới cùng của bàn cờ là những mối quan hệ về khí hậu, khoa học, y tế, dịch bệnh, khủng bố, và các sức mạnh phân tán không tuân theo trật tự khác giữa tất cả các quốc gia.

Để ứng phó với những hiểm họa kể trên, sức mạnh vũ trang chỉ đóng một phần nhỏ. Giải pháp chính là sự hợp tác giữa các quốc gia cũng như các tổ chức quốc tế. Ngay cả trên lớp đầu về sức mạnh quân sự (nơi mà Mỹ chiếm tới gần một nửa chi phí phòng bị của cả thế giới), quân đội của nước Mỹ cũng chỉ vượt trội trên những địa phận, không phận và hải phận quốc tế, còn trong những vùng mang tính địa phương cục bộ, tầm kiểm soát còn nhiều hạn chế.

Thứ hai, cần phát triển một chiến lược tổng quát, trong đó kết hợp sức mạnh vũ trang với sức mạnh “mềm và hấp dẫn” để sản sinh ra sức mạnh thông minh. Trong cuộc chiến chống lại nạn khủng bố, chúng ta chỉ có thể dùng sức mạnh “cứng” để hạ những phần tử khủng bố sừng sỏ, còn nếu muốn chiến thắng lâu dài, chúng ta cần thắng được lòng người. Nếu lạm dụng sức mạnh “cứng” và vô tình tạo ra nhiều lực lượng khủng bố hơn tức là chúng ta đã thua.

Hiện nay, chúng ta chưa đạt được cái chiến lược tổng quát đó. Nhiều cơ quan nhà nước như ngoại giao, nhà đài, chương trình giao lưu, hỗ trợ phát triển, cứu trợ thiên tai – những công cụ của sức mạnh mềm – mới chỉ lác đác trong bộ máy chính phủ, và không có ngân sách hay dự án nào với nỗ lực nhằm kết hợp những cơ quan này với sức mạnh quân đội để tạo thành một chiến lược thống nhất đảm bảo an ninh quốc gia.

Thứ ba, chính sách tự do duy thực nên nhằm mục đích phát triển những giá trị như “cuộc sống, tự do, và mưu cầu hạnh phúc” đã từ lâu là gốc rễ của nền văn hóa chính trị của Mỹ. Chiến lược tổng quát nên bao gồm 4 mục tiêu chính là: đảm bảo an ninh cho Mỹ và đồng minh, duy trì một nền kinh tế nội địa cũng như quốc tế bền vững, tránh những hiểm họa môi trường (như dịch bệnh và thay đổi khí hậu theo chiều hướng tiêu cực), và khuyến khích nền dân chủ tự do và quyền con người trong cũng như ngoài nước với mức chi phí hợp lí.

Điều này không có nghĩa là áp đặt những giá trị đó. Nền dân chủ cần được hun đúc bằng biện pháp thu hút và thuyết phục chứ không phải bằng nắm đấm – và nỗ lực này cần thời gian và sự kiên nhẫn. Đối với nước ngoài, nước Mỹ nên quảng bá và thúc đẩy sự tiến triển của nền dân chủ tại bất cứ nơi nào phù hợp, nhưng phải luôn chú ý và tôn trọng sự khác biệt của các thể chế khác, có như vậy người ta mới không coi lời kêu gọi của chúng ta là mệnh lệnh đầy tính “đế quốc” của các tổ chức Mỹ.

Thử thách

Trong số tất cả các thử thách có thể xảy đến, hiểm họa lớn nhất đối với lối sống Mỹ có lẽ là sự đe dọa của chủ nghĩa khủng bố được trang bị bởi vũ khí hạt nhân. Để ngăn chặn hiểm họa này, chúng ta cần thiết lập chính sách để chống nạn khủng bố, chống chạy đua vũ trang, có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt đối với tài sản hạt nhân ở nước ngoài, duy trì ổn định tại khu vực Trung Đông, và chú ý đến những nhà nước đã từng thất bại.

Mối quan tâm thứ hai là chính trị của đạo Hồi và sự lớn mạnh của nó. Cuộc vật lộn với chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan hiện nay đôi lúc khắc họa là “sự xung đột giữa các nền văn minh”. Chính xác hơn, đây là một cuộc nội chiến trong nền văn hóa Hồi giáo – giữa một bên là một nhóm thiểu số chuyên dùng vũ lực để áp đặt một phiên bản tôn giáo được đơn giản hóa và tư tưởng hóa, và một bên là số đông với những quan điểm linh hoạt hơn.

Mặc dù lượng người Hồi giáo tập trung nhiều nhất ở châu Á, họ chịu ảnh hưởng lớn từ tình hình của cuộc tranh giành diễn ra tại Trung Đông – tâm điểm của đạo Hồi – cũng là nơi tụt lại so với những tiến bộ của nhân loại trong toàn cầu hóa, chính sách mở cửa và hội nhập, hệ thống quản lí minh bạch, và dân chủ hóa. Nền thương mại mở cửa, sự tăng trưởng kinh tế, những tiến bộ giáo dục, sự phát triển của các cơ quan dân quyền, và sự gia tăng của việc quần chúng tham gia hoạt động chính trị có thể hỗ trợ cho số đông về lâu dài.

Tuy nhiên chúng ta cũng nên chuẩn bị tinh thần rằng cùng với thời gian, cái nhìn của người Hồi giáo đối với châu Âu và nước Mỹ cũng sẽ nặng nề hơn. Một điều nữa cũng quan trọng không kém là xem xét liệu chính sách của phương Tây có được người Hồi giáo hưởng ứng hay phản kháng.

Thử thách thứ ba là sự xuất hiện của hiện tượng bá chủ khi mà châu Á đang dần lấy lại 3/5 lượng kinh tế toàn cầu tương ứng với 3/5 dân số thế giới. Để ngăn chặn kết quả này, chúng ta cần biến Trung Quốc thành một cổ đông có trách nhiệm, song song với việc loại trừ những lực lượng thù địch trong tương lai bằng cách duy trì quan hệ chặt chẽ với Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia khác trong khu vực.

Mối đe dọa lớn thứ tư là một đợt khủng hoảng kinh tế có thể sẽ bị gây ra bởi chính sách quản lí tài chính không thỏa đáng hay một sự kiện nào đó phá vỡ khả năng thâm nhập vào vịnh Péc-xích (nơi lưu trữ 2/3 dung lượng dầu của thế giới). Để đủ khả năng đối đầu với thử thách này chúng ta cần giảm sự phụ thuộc vào dầu, cùng một lúc nhận ra rằng chúng ta không thể tách nền kinh tế Mỹ khỏi thị trường năng lượng thế giới, và không thể áp dụng những chiến lược bảo vệ tốn kém và phi năng suất như xưa nữa.

Mối đe dọa cuối cùng là những hiểm họa môi trường. Một lần nữa, một phần của giải pháp cho vấn đề này là chính sách năng lượng hợp lí và khôn ngoan, kết hợp với tài quản lí trong việc khí hậu thay đổi, và sự phối hợp cao hơn nữa thông qua các tổ chức quốc tế như Tổ chức Sức khỏe Thế giới.

Cuối cùng, trên tất cả những thử thách kể trên, một chính sách tự do duy thực cần chú trọng tới sự tiến triển của trật tự thế giới, nhận ra trách nhiệm của quốc gia lớn nhất trong hệ thống toàn cầu là phải sản xuất ra hàng hóa chung phục vụ cho nhân loại toàn thế giới.

Tầm nhìn của Tổng thống tương lai và "sức mạnh khôn ngoan"

Nước Mỹ cần khám phá một lần nữa làm thế nào để trở thành một đất nước với “sức mạnh khôn ngoan”. Cú sốc 9/11 đã là bài học xương máu cho nước Mỹ, khiến chúng ta “xuất khẩu” sự sợ hãi và giận dữ hơn là những giá trị truyền thống về niềm tin và sự lạc quan. Abu Ghraib và Guantánamo đã trở nên nổi tiếng hơn cả tượng Nữ thần tự do. Chủ nghĩa khủng bố là mối đe dọa thực sự và sẽ đeo bám chúng ta hàng thế kỉ, nhưng việc phản ứng quá mức đối với những phần tử cực đoan có thể làm hại chính chúng ta nhiều hơn cả những gì khủng bố có thể gây ra. Để thành công, chúng ta cần chuyển chính sách đối ngoại của Mỹ sang một vị trí trung tâm để thay thế phương châm chiến tranh trước đây. Và mục tiêu đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp có thể đem lại cho nước Mỹ vị trí đó.

Nước Mỹ có thể trở thành sức mạnh khôn ngoan bằng cách lặp lại việc đầu tư vào hàng hóa toàn cầu, cung cấp dịch vụ và chính sách mà các quốc gia mong muốn nhưng không có đủ khả năng cung cấp. Điều này có nghĩa là ủng hộ các tổ chức quốc tế, sánh bước cùng sự phát triển toàn cầu, quảng bá sức khỏe cho cộng đồng, mở rộng quan hệ với các xã hội khác, duy trì nền kinh tế mở, và xử lí các vấn đề khí hậu một cách nghiêm túc. Bằng cách tiếp thêm sức mạnh cho quân đội và nền kinh tế Mỹ qua đầu tư vào sức mạnh mềm trên quy mô rộng hơn, ông có thể xây dựng lại mô hình chính sách mà chúng ta cần để đối đầu với những vấn đề khó khăn phía trước.

Catherine Trần (Theo Harvard Magazine)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top