Tiệc trà Nhật Bản

Tiệc trà Nhật Bản

Chaji là tiệc trà truyền thống của người Nhật Bản và thường được thưởng thức cùng với một số món ăn cổ truyền. Trà đạo được coi như một nghệ thuật, một thú vui tao nhã của người Nhật nên việc chuẩn bị một tiệc trà không những đòi hỏi rất nhiều thời gian mà còn cần phải hết sức chu đáo.

Thường thì chủ nhà phải chuẩn bị tiệc trà từ nhiều ngày trước đó sao cho tiệc trà có thể diễn ra một cách hoàn hảo đến từng chi tiết. Tiệc trà phải chuẩn bị sao cho mỗi lần thưởng thức trà người dự phải cảm nhận được không chỉ hương vị độc đáo của trà đem lại mà phải có được những khoảng khắc ấn tượng chỉ có thể có một lần trong đời. Mỗi tiệc trà đem lại cho người thưởng thức một ấn tượng độc đáo không thể trộn lẫn

Chaji thường được tổ chức trong một phòng thiết kế dành riêng cho trà đạo. Căn phòng này gọi là chashitsu. Thường thì căn phòng này nằm cách xa khu dân cư và có vườn cây bao quanh.

Khi khách đến, thường là 4 người, họ sẽ được dẫn vào phòng khách. Tại đây hanto, người trợ tá giúp chủ nhà trong tiệc trà, bưng lên và mời các vị khách sayu, nước nóng được dùng để pha trà. Các vị khách sẽ chọn ra trong số họ một người được gọi là khách chính. Sau khi khách chính được chọn, hanto sẽ dẫn khách tới một khu vườn có vòi phun nước và không có hoa. Đi đầu là hanto, tiếp theo người khách chính và lần lượt là các vị khách khác. Khu vườn này được gọi là roji, vườn sương. Khi bước vào khu vườn sương, khách cảm thấy như được thoát khỏi mọi bụi bặm của thế giới ồn ã bên ngoài và lạc vào một không gian thanh tịnh. Khách sẽ ngồi trên những chiếc ghế băng dài, koshikake machiai, đợi chủ nhà, teishu, tới.

Trước khi đón khách chủ nhà, teishu, phải rửa tay, tráng miệng bằng nước trong một bồn đá nhỏ, tsukubai đặt trước phòng trà. Sau đó chủ nhà đi qua cửa giữa, chumon, cúi mình chào khách. Không ai nói một câu nào. Chủ nhà đi đầu, tiếp đến là hanto, người khách chính rồi lần lượt là những thành viên trong đoàn khách mời cùng vào phòng trà. Tất cả đều bước qua cánh cửa giữa - biểu tượng ranh giới giữa một bên là thế giới trần tục và bên kia là thế giới tinh thần thanh cao của trà đạo.

Những vị khách và người trợ tá cũng phải rửa tay ở bồn đá trước khi vào phòng trà. Cánh cửa phòng trà không cao lắm nên khách vào đây đều phải cúi khom lưng mỗi khi đi qua. Cánh cửa này mang hàm ý khi mọi người tham gia vào thế giới của trà đạo đều bình đẳng như nhau không phân biệt địa vị xã hội cao hay thấp. Người cuối cùng đi qua ngưỡng sẽ đóng cửa lại.

Trong phòng trà

Căn phòng được bài trí khá đơn giản. Trong phòng có một hốc tường gọi là tokonoma. Trong hốc tường đó có treo một bức tranh cuốn, kakemono, được chủ nhân lựa chọn kỹ lưỡng. Bức tranh này thể hiện chủ đề của bữa tiệc trà.

Trước khi ngồi vào chỗ của mình, các vị khách cùng chiêm ngưỡng ấm trà, kama, và bếp (gọi là furo nếu là bếp xách tay và gọi là ro nếu loại này đặt dưới nền vào mùa đông để sưởi ấm) đặt sẵn trước đó. Khách sẽ ngồi theo vị trí phân cấp đã định. Chủ nhà và các vị khách cùng ngồi và lần lượt cúi chào lẫn nhau. Trước tiên là giữa chủ nhà và vị khách chính và sau đó chủ nhà và các vị khách còn lại.

Nếu tiệc trà diễn ra trong mùa đông thì bếp được nhóm lên ngay sau khi chủ khách kết thúc thủ tục chào nhau còn nếu không thì bếp được nhóm sau bữa ăn. Thường thì người Nhật cho thêm vào bếp hương trầm để tạo không khí trang trọng.

Bữa ăn

Mỗi vị khách sẽ được phục vụ một bữa ăn có tên gọi chakaiseki. Các món ăn được đặt trên một cái khay kèm theo một đôi đũa bằng gỗ tuyết tùng. Trên khay có cơm đựng trong bát gốm, canh miso được đựng trong một cái bát sơn mài, cá kho, một đĩa gốm đựng dưa góp.

Rượu sake, loại rượu truyền thống của Nhật Bản, cũng được dùng trong bữa ăn.

Bữa ăn sẽ gồm có 3 đợt. Đợt 1 có tên gọi là hashiarai, khai vị. Khai vị bao gồm có món súp Nimono nóng hổi trong đĩa sơn mài, món nướng, yakimono, bày trên đĩa gốm. Cơm canh sẽ mang đến cho từng người. Kết thúc khai vị là món kosuimono, món súp nhẹ đựng trong bát sơn mài.

Tiếp theo là bữa chính, hassun. Hassun cũng có nghĩa là khay bằng gỗ dùng để bày đồ ăn. Tên gọi hassun bắt nguồn từ truyền thống tôn thờ tự nhiên hoang sơ của người Nhật Bản. Bữa chính gồm 2 món. Món uminomono và món yamanimono, hải sản và thịt rừng, tượng trưng cho phong phú của rừng và biển. Ông chủ sẽ cùng ăn trong bữa chính này, được các vị khách tiếp rượu. Đối với người Nhật, vị thế của người tiếp rượu cho mọi người được coi là một vị trí cao quí nên để đảm bảo tinh thần bình đẳng trong tiệc trà mỗi người không phân biệt chủ khách sẽ lần lượt làm chủ nhà trong một thời gian nhất định.

Cuối cùng là món komomono, món ăn nhẹ bao gồm gạo đỏ và muối được đựng trong những bát nhỏ bằng gốm. Món này tượng trưng cho sự trường tồn của lúa gạo. Mỗi người khách sẽ lau bát đũa bằng giấy mềm mà họ mang theo. Món omogashi, thường là món ngọt, là món kết thúc bữa ǎn. Sau đó, chủ nhà sẽ mời khách ra nghỉ ngơi trong vườn hay trong phòng đợi khi ông chuẩn bị pha trà.

Trong khi khách nghỉ ngơi thư giãn, chủ nhà sẽ thay vào chỗ bức tranh một lọ hoa. Căn phòng được dọn dẹp và trang trí để tạo ra bầu không khí trang hoàng trong phòng. Thường có 13 đồ liên quan tới trà đạo được dùng để trang trí cho phòng trà. Hầu hết đây là những đồ rất có giá trị và mang tính nghệ thuật cao.

Trà đạo

Trong bữa tiệc trà, nước biểu tượng cho âm, Yin, lửa biểu tượng cho dương, Yang. Nước đựng trong một cái bình có tên gọi là mizushashi. Bình này chứa nước suối là biểu tượng của sự trong sạch chỉ có chủ nhà mới được đụng đến. Trà đựng trong một cái bình bằng gốm có tên là chaire sẽ được bọc trong một cái túi lụa tơ mỏng rất đẹp đặt cạnh bình mizushashi.

Khi trà đã sẵn sàng thì người ta sẽ đánh chuông đĩa thông báo nếu tiệc trà diễn ra ban ngày và dùng chuông quả thông báo nếu tiệc diễn ra ban đêm. Thường thì có 5 tới 7 tiếng chuông để mời các vị khách trở lại tiệc trà. Một lần nữa các vị khách lại rửa tay, rửa miệng và bước vào phòng trà y theo nghi lễ trước đó. Họ lại thưởng thức hoa, ngắm ấm, bếp và ngồi đợi.

Chủ nhà bước vào trên tay cầm bình trà, chawan, kèm theo que đánh trà, chaser, và một mảnh vải trắng nhỏ, chakin, dùng để lau khô chén trà và muôi múc trà, chaskaku, đây là muôi làm bằng tre dùng để chia trà. Những đồ này được sắp cạnh bình trà tượng trưng cho mặt trời, dương-yang, và chén trà biểu tượng cho mặt trǎng, âm-yin. Sau đó, chủ nhà quay ra phòng ngoài và mang vào kensui, bát dùng để đựng nước trà bỏ đi, hishaku, muôi múc nước làm bằng tre và futaoki, một đoạn tre để nhóm bếp. Chuẩn bị xong mọi vật dụng cần thiết, ông nhẹ nhàng đóng cửa phòng trà lại.

Tiếp theo, chủ nhà dùng tấm vải, fukusa, lau bình trà, điều này tượng trưng cho tinh thần của chủ nhà. Một cách chậm rãi ông gấp gọn và đặt tấm vải fukusa xuống. Việc gấp tấm vải thể hiện sự chu đáo của chủ nhà nên cần được làm với một sự tập trung cao độ.

Ông dùng muôi múc nước nóng tráng các chén trà rồi lau khô bằng vải, chakin. Sau đó ông nâng ấm trà lên, múc ba muôi nhỏ trà vào chén, và rót nước nóng từ bình vào chén trà cho xâm xấp tạo ra một hương vị nhẹ. Bằng động tác rất nhanh chủ nhà sẽ thêm nước vào chén. Nước chưa dùng đến sẽ được đổ lại vào ấm.

Ông chủ nâng chén trà mời vị khách chính và vị khách này cúi người nhận chén trà. Chén trà được nâng lên và xoay trên tay biểu thị sự ngưỡng mộ. Sau đó vị khách này sẽ nhấp một ngụm rồi lau sạch mép cốc trà và truyền sang các vị khách còn lại. Sau khi các vị khách đều đã được thưởng thức hương vị trà, chén trà quay lại với người chủ nhà. Chủ nhà rửa sạch chén. Que thăm trà, muôi múc trà và ấm trà cũng được làm sạch. Và các vị khách sôi nổi nói chuyện về hương vị trà đem lại.

Rời tiệc trà

Lửa bếp được khơi lại để đun usa cha, trà cánh mỏng. Người ta dùng trà này để tráng miệng. Đây là sự biểu thị của việc các vị khách rời khỏi không gian của trà đạo và quay trở lại thế giới trần tục.

Sau khi uống usa cha khách sẽ được thưởng thức bánh ngọt, higashi. Cuối cùng các vị khách đưa ra các đánh giá về trà và bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nghệ thuật pha trà cũng như cách bài trí của chủ nhà. Khi tiễn khách chủ không đưa ra tới cửa mà dõi theo các vị khách từ cửa phòng trà.


Nguồn danangpt

-----------------------------------------------------

トラを森に放つ ( Thả hổ về rừng )
 

Đính kèm

  • tiectra1_001.jpg
    tiectra1_001.jpg
    35.7 KB · Lượt xem: 527
Bình luận (1)

angelblog360

New Member
lại một bài nữa về trà đạo , tôi thấy đã có 3 bài về vấn đề này rồi
khi nãy ở bài về cách thức pha trà có thắc mắc về các nghi lễ , qua đây đã được giải đáp .
Có một chút góp ý nhỏ : nên tập trung các bài cùng chủ đề vào với nhau , để người xem dễ theo dõi :D
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top