60 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima

60 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima

Ngày thứ hai đen tối

Ngày 6/8, Nhật Bản và thế giới kỷ niệm 60 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima (6/8/1945 - 6/8/2005). 60 năm đã trôi qua, ký ức đau buồn về ngày thứ hai đen tối vẫn mãi ám ảnh tâm trí người Nhật hôm nay.
[wrap]http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/huynhthang/217/13pa.jpg[/wrap]
Itiro Mirimoto, một trong những nạn nhân may mắn còn sống sót sau thảm họa Hiroshima nhớ lại: "Một vầng sáng kinh dị bùng nổ trên bầu trời. Mọi người nhìn lên mà ngỡ một mặt trời thứ hai xuất hiện. Nó chói sáng không kém gì mặt trời thật, còn tôi thì thầm nghĩ có lẽ nữ thần mặt trời đã xuống giúp chúng tôi trong chiến tranh. Nhưng ngay sau đó, có cái gì đó nóng rát bao bọc quanh mình. Bóng tối tràn ngập, thân thể bắt đầu đau đớn, xung quanh tiếng than khóc kêu rống vang lên rền rĩ. Trong đêm tối, đây đó ánh lên những đốm lửa ma quái, xác người cháy đen nằm rải rác khắp nơi. Tôi nhìn thấy hai người phụ nữ đang đi, lớp da trên mặt và cánh tay họ hoàn toàn biến dạng, chảy nhăn nheo. Quá kinh hoàng, tôi thét lên và nghĩ rằng mình sẽ chết. Sau đó tôi ngất đi".

Vào 8 giờ 15 phút ngày thứ hai, 6/8/1945, đại tá không quân Mỹ Paul Tibbets ngồi trong chiếc máy bay B29 và ra lệnh: "Bấm nút". Khoang chứa bom mở ra và Little Boy (tên trái bom nguyên tử) nặng 60 kg được thả xuống Hiroshima. Sau khi rơi được một lúc, cách mặt đất 600m, trái bom nổ tung, giết chết ngay trong phút đầu tiên 80 ngàn cư dân Hiroshima. Các chuyên gia quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ quan sát sự kiện này báo cáo: "Trái bom đã biến cả thành phố thành hoang mạc đầy bụi. Trong một thời gian ngắn tại thành phố này sẽ khó có thể tồn tại một thực thể sống nào. Không biết đến bao giờ cây cỏ sẽ mọc lại được. Nơi đây chỉ có tro bụi, chúng vẫn còn bao phủ khắp bầu trời". May mắn thay, giờ đây dự báo nêu trên của Mỹ đã không trở thành hiện thực. Hiroshima giờ đây cây xanh bao phủ, những đàn sếu bay lượn trên bầu trời, những ngôi nhà mới mọc lên ngày càng nhiều: cuộc sống trở lại với nhịp điệu quen thuộc.

Trong điêu tàn của quá khứ, chỉ còn lại ngôi nhà "mái vòm" - được một kiến trúc sư người Czech xây dựng năm 1915 là còn khá nguyên vẹn. Người Nhật đã lưu giữ nó như một chứng tích của chiến tranh. Còn tại Bảo tàng Thế giới ở Hiroshima trong cảnh tranh tối tranh sáng bao phủ người ta phục dựng lại những giây phút kinh hoàng của ngày thứ hai đen tối: trên các bức tường là hình vẽ những ngôi nhà đổ nát, dọc các hành lang là những hình người với những đôi mắt sợ hãi đến mất trí, áo quần bốc cháy, làn da nhăn nheo chảy dài...

[wrap]http://www2.thanhnien.com.vn/Uploaded/huynhthang/217/13pb.jpg[/wrap]Một nạn nhân của trái bom nguyên tử ở Hiroshima - (ảnh: tư liệu)

"Tôi đã nhiều lần chuẩn bị đến nơi này, nhưng sau đó tôi hiểu rằng, nếu đến đó thì mình sẽ chết - bà Iuriko Kuroki, năm nay 89 tuổi nói - Tôi có một đứa con đang học tại trường phổ thông. Nó đã chết ngay khi trái bom nổ, còn đứa thứ hai cũng chết hai tháng sau đó. Điều kinh hoàng nhất là lúc ấy không ai có thể hiểu được điều gì đã xảy ra. Trong bóng tối có ai đó nói: "Mặt trời rơi xuống trái đất". Và mọi người đã tin. Tôi đã thấy hàng đống xương người và đã chọn một bộ trong số ấy để chôn cất. Không quan trọng người đó là ai, tôi chôn như chôn đứa con của mình". Sau đó chính quyền thành phố Hiroshima đưa những nạn nhân còn sống sót vào các trung tâm tâm lý, phải mất nhiều thời gian giải thích cho họ điều gì đã xảy ra thì họ mới biết đó là bom nguyên tử.

Thời gian không thể làm lành vết thương trong tâm hồn người Nhật. Nhưng giờ đây, họ đã tha thứ cho tội ác của người Mỹ. Thậm chí khi nhớ lại sự kiện này, người ta còn dẫn lại lời của Thư ký Chính phủ Nhật lúc đó là Hisasune Sakomisu: "Bom nguyên tử - đấy là quà tặng bằng vàng cho Nhật Bản từ bầu trời. Nhờ nó mà nước Nhật đã có thể kết thúc chiến tranh". Theo thống kê mới nhất của Nhật Bản, tính đến năm 2004 “quà tặng từ bầu trời” đã và đang đưa tổng số người chết vì nó lên con số 237.062 nhân mạng. Con số này chưa phải là cuối cùng, bởi theo thời gian sẽ còn những người bị chết vì di họa của trái bom oan nghiệt ấy. Đa số người bị chết sau này là do nhiễm phóng xạ.

Cựu đại tá không quân Mỹ Paul Tibbets, hiện 90 tuổi, không hề cảm thấy ăn năn khi chỉ huy phi hành đoàn gồm 12 người trên chiếc B29 ném bom xuống Hiroshima ngày ấy. Trả lời phỏng vấn một đài phát thanh cách đây không lâu, ông nói: "Không có cuộc chiến tranh nào có thể tránh khỏi việc giết hại những thường dân vô tội". Còn một trong những cha đẻ của trái bom nguyên tử, nhà vật lý học người Mỹ gốc Hungary - Leo Shilard thì nói: "Đây là tội ác chiến tranh ghê tởm, vô nhân tính. Nếu như Đức quốc xã cũng hành xử với chúng ta như thế, chúng ta đã treo cổ hết bọn chúng tại tòa án quân sự".

Hoài Sơn
(Theo Luận chứng & Sự kiện - Nga)
Trích đăng từ thanhnien.com.vn
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Bình luận (3)

kamikaze

Administrator
Ðề: 60 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima

Bom Mỹ tàn phá Hiroshima - những cái nhìn trái ngược

Khói bùng lên sau khi quả bom của Mỹ thả xuống Nagasaki hôm 9/8/1945.
60 năm sau ngày Mỹ thả quả bom nguyên tử xuống Hirosima, người ta vẫn đặt ra các câu hỏi liệu việc đó có thực sự là cần thiết, rằng có phải quả bom đó là nguyên nhân khiến Nhật đầu hàng Mỹ trong Thế chiến II hay không?

Các nhà sử học chưa bao giờ hoàn toàn nhất trí với nhau về câu trả lời. Và con cái của những người lính Mỹ đáng lẽ sẽ được đưa tới Nhật chiến đấu năm 1945 vẫn tự hỏi liệu họ có phải biết ơn vì quả bom đã được thả xuống Hirosima hôm 6/8 và ba ngày sau đó xuống Nagasaki hay không.

Thủ tướng Anh Winston Churchill lúc đó đã ví hai vụ ném bom giống như "Cơn thịnh nộ thứ hai của Chúa".

Tổng thống Mỹ Harry Truman cũng thừa nhận về sức mạnh của nó. Khi Truman nhận được thông báo về việc thử nghiệm thành công bom nguyên tử và ra quyết định sử dụng, ông viết trong nhật ký: "Chúng ta đã chế tạo ra một quả bom kinh hoàng nhất trong lịch sử thế giới. Nó như biển lửa tàn phá ở kỷ Lưỡng Hà, sau thời của con thuyền thần kỳ của Noah".

Nhân loại từ đó tiếp tục bị chia rẽ trong vấn đề tại sao quyết định trên lại được đưa ra. Quan điểm chính thống của Mỹ cho rằng Truman đã ném bom bởi nếu không thì chỉ có cách duy nhất là đổ bộ xâm lược Nhật Bản.

Điều khiến Truman bận tâm nhất lúc đó là số thương vong của quân đội Mỹ. Truman viết: "Tôi đã hỏi tướng Marshall nếu phải đưa lính tới Tokyo và các khu vực khác thì tổn thất sẽ là thế nào. Ông ấy trả lời rằng xâm lược Nhật sẽ khiến khoảng 250.000 lính Mỹ thiệt mạng".

Trong cuốn tiểu sử Truman, David McCullough cho hay kế hoạch về một cuộc xâm lược là có thực. "Truman đã trao quyền cho Tham mưu trưởng liên quân điều động 1 triệu quân cho vụ tấn công cuối cùng vào Nhật. Trong khi đó, Nhật có khoảng 2,5 triệu lính trên các hòn đảo của mình", ông viết.

Tuy nhiên câu hỏi vẫn tồn tại là liệu Mỹ đã cố gắng hết sức thương thuyết Nhật đầu hàng? Quan điểm của Đồng minh là Nhật phải đầu hàng vô điều kiện giống như Đức. Cựu đại sứ của Mỹ tại Tokyo Joseph Grew cho rằng Đồng minh đáng lẽ phải khiến cho Nhật tin rằng họ có thể duy trì nền quân chủ nếu đầu hàng. Điều đó sẽ tạo điều kiện để thương lượng tiến triển và có thể dẫn tới thành công.

Song, trong tuyên bố đưa ra ở Potsdam, quân Đồng minh chỉ khẳng định, dân Nhật có quyền chọn cho họ một chính phủ "hoà bình và có trách nhiệm". Điều đó cũng có nghĩa là Nhật có quyền giữ lại chế độ quân chủ, nhưng lời lẽ của bản tuyên bố không nói thẳng ra như vậy. Vì thế, tuyên bố Potsdam đã bị chính phủ Nhật lờ đi bởi trong nội bộ của họ cũng có những ý kiến trái ngược. Thành phần ủng hộ đàm phán cũng không đồng ý với nhiều điều kiện, trong khi đó những người có quan điểm cứng rắn trong Đồng minh cứ kéo dài thêm danh sách yêu cầu.


Trong cuốn sách Racing the Enemy, vừa mới xuất bản, giáo sư sử học và là giám đốc trung tâm nghiên cứu Chiến tranh Lạnh thuộc Đại học California Tsuyoshi Hasegawa đã đưa ra giải thích đối với những sự kiện này. Ông chỉ trích cả Stalin và Truman vì đã không cố gắng để khiến Nhật đầu hàng qua thương thuyết. Ông còn khẳng định chính việc Liên Xô tham gia cuộc chiến chống Nhật khiến Tokyo lo lắng và quyết định đầu hàng.


Hasegawa cho rằng Stalin từ chối những đề xuất hoà bình do Nhật đưa ra bởi ông muốn ghi điểm từ việc tham chiến, còn người Mỹ không chấp nhận các đề xuất hoà bình vì họ không thích.

Nhà sử học này cho rằng Truman từ chối sửa đổi yêu cầu "đầu hàng vô điều kiện" vì ông muốn trả thù cho vụ Trân Châu Cảng. Từ đó, Hasegawa khẳng định, các cơ hội đã bị đánh mất. Ý tưởng rằng chỉ có đánh bom nguyên tử mới có thể chấm dứt được chiến tranh đã được đưa ra để "vuốt ve lòng tự ái của Truman và người Mỹ".

Hasegawa đưa ra luận điểm rằng lãnh đạo Nhật không quá quan tâm tới những thiệt hại do những quả bom Mỹ thả xuống bởi họ cũng sẽ chịu tổn thất tương tự với bom thông thường của Washington, thậm chí là thiệt hại nặng hơn. Theo ông, chính việc Hồng quân tham chiến mới khiến Nhật hoảng sợ. Họ chịu thua vì không thể chấp nhận được việc quân đội của Liên Xô tiến vào lãnh thổ và chiếm đóng một phần đất đai của họ.

Quan điểm trên hoàn toàn trái ngược với cái nhìn được nhà sử học của Mỹ Richard B Frank đưa ra trong cuốn sách Downfall phát hành năm 1999. Ông khẳng định: 'Sẽ chỉ là ảo tưởng nếu cho rằng chiến tranh có thể kết thúc trước khi Mỹ dùng tới bom nguyên tử".


Trong cuốn sách, ông nhắc tới nỗ lực thực hiện đàm phán ở Matxcơva của Ngoại trưởng Nhật Shigenori Togo. Theo ông, đây là một nỗ lực yếu ớt và không chắc chắn mà ngay cả đại sứ của Nhật ở Matxcơva Naotake Sato chế nhạo. Sato đã gửi hàng loạt bức điện tới cấp trên của ông, chỉ ra sự mơ hồ trong đề xuất của Nhật. Người Mỹ đã biết đến sự mơ hồ này sau khi đọc những trao đổi giữa Togo và Sato.

Những tranh cãi về vấn đề này vẫn tiếp tục. Tại một hội nghị do Greenpeace tổ chức tại London đánh dấu 60 năm Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hirosima, Giáo sư Mark Selden thuộc Đại học Binghamton ở New York cho rằng có những toan tính chiến lược đằng sau quyết định của Truman.

"Có những người tin rằng thả quả bom sẽ thúc đẩy chiến tranh chóng kết thúc, và như vậy vị thế của Mỹ ở châu Á được nâng lên", ông nói. "Đây thực chất là một cuộc chạy đua với Nga. Mục đích của việc Mỹ thả bom là để thông báo với thế giới về sự lớn mạnh của Washington. Nó đồng thời ngăn chặn việc Nga đưa quân xâm chiếm Nhật, hoặc cho dù nếu việc đổ bổ Nhật xảy ra thì Mỹ sẽ là lực lượng dẫn đầu chiến dịch đó".

David McCullough lại muốn tìm một sự giải thích thực tế đối với động cơ của Truman.

"Làm thế nào mà một vị tổng thống, hoặc những người có trách nhiệm, có thể trả lời nhân dân Mỹ... nếu sau khi mất một biển máu để xâm chiếm Nhật Bản, người Mỹ mới biết rằng thứ vũ khí có khả năng chấm dứt cuộc chiến đã được chế tạo xong từ giữa mùa hè và không được sử dụng?".

(Theo Hải Ninh

Vnexpress/BBC)
 

Yumi

Member
Ðề: 60 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima

Nhật Bản: Hồi ức sau 60 năm
60 năm đã trôi qua kể từ thời khắc quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới cướp đi trong tích tắc sinh mạng của 140.000 người. Thế nhưng, cho đến tận thời điểm này, những người sống sót tại Hiroshima vẫn không thể quên được những giây phút khủng khiếp ấy. Ai cũng mong sẽ giữ thành phố miền Tây Nhật Bản này mãi mãi là một thành luỹ của hoà bình.

[wrap]http://www.vnn.vn/dataimages/original/images38342_hiroshima.jpg[/wrap]Ông Toshiyuki Okamoto, 78 tuổi, là một trong số vài công dân may mắn của Hiroshima đã không có mặt tại thành phố này vào ngày 6/6/1945, ngày Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử. Nhưng kí ức của những gì ông chứng kiến khi trở lại vài ngày sau đó đã ám ảnh ông suốt cuộc đời. Đó là những đống hoang tàn nghi ngút khói, những xác người cháy đen nằm rải rác khắp nơi.

Ông kể: "Tôi từng không thích kể lại quá khứ vì nó khiến tôi đau đớn. Nhưng giờ tôi nghĩ phải kể cho lớp trẻ, vì tôi không muốn những kí ức đó phai tàn".

Ảnh: Hiroshima tháng 8/1945

Ông cho biết, cháu gái ông đã vận động ông làm hướng dẫn viên bảo tàng để kể lại những kí ức đau thương cho lớp trẻ. Nhưng dường như công việc này vẫn không giúp ông nguôi ngoai.

Tuy nhiên, tại đất nước này, trong khi những người sống cùng thời thảm hoạ bom nguyên tử như ông Okamoto không muốn nhắc lại quá khứ, thì lớp trẻ lại muốn tìm hiểu về nó.

Bé Mikoto Takimoto 9 tuổi nói: "Cháu hiểu cuộc sống trước đây vất vả như thế nào khi chiến tranh xảy ra và cháu nghĩ rằng thật buồn khi có biết bao nhiêu người đã chết vì nó".

Phan Dũng
Trích đăng từ vtv.vn
 

Yumi

Member
Ðề: 60 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima

Ngày định mệnh ở Hiroshima tháng 8.1945

Hiroshima là một thành phố kỹ nghệ và cảng quan trọng, với ba mặt là núi non bao quanh như một lòng chảo, phía Nam hướng ra biển, trở thành một trong những mục tiêu quân sự mà Hoa Kỳ chọn lựa đánh phá nhằm triệt hạ tiềm năng chiến tranh của Nhật Bản.

Tin tức khí tượng cho hay bầu trời Hiroshima ngày 6/8 trong sáng và ít mây, rất tiện cho việc thả bom, và quan sát kết quả của một loại vũ khí mới, tuy đã thử nghiệm, và biết là rất ghê gớm, nhưng chưa rõ sẽ tác hại đối với con người, và cơ sở vật chất tới đâu. Các yếu tố đó chính là "định mệnh" dành cho Hiroshima.

[wrap]http://newsimg.bbc.co.uk/media/images/41358000/jpg/_41358425_crew203.jpg[/wrap]
Lúc 7 giờ 09 sáng ngày 6/8/1945, thành phố báo động "vàng", là dấu hiệu có máy bay địch bay tới, và báo động chấm dứt lúc 7 giờ 31 phút. Mọi người yên chí là không có gì nguy hiểm sẽ xảy ra cả. Tới 8 giờ 15 sáng, Chugoku Gunkanku (Trung Quốc Quân Quản Khu, Trung Quốc ở đây là địa danh vùng Nam Honshu (Bản Đảo) của Nhật Bản chứ không phải nước Trung Hoa) báo động: "Có ba máy bay lớn của địch xuất hiện ở trên bầu trời Saijo (Tây Điều), và đang tiến về phía Tây, cần phải cảnh giác nghiêm trọng".

Sau này được biết đó là chiếc B29 mang danh Enova Gay chở bom nguyên tử và hai chiếc đồng hành có nhiệm vụ chỉ huy và quan sát. Tuy báo động như vậy, nhưng phía quân sự chưa kịp có phản ứng, không có máy bay nào lên nghênh cản.
Ảnh: Nhóm phi công của chiếc phi cơ
Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima


Trong khi khoảng 320.000 người dân và 40.000 quân nhân của thành phố vừa bắt đầu một ngày làm việc thì bỗng nhiên ánh sáng chói lòa chiếu tới, và tiếp theo bằng một tiếng nổ kinh hồn như trời sa đất xụp vang lên. Ngay khi phát nổ, tức vào thời điểm khởi đầu (zero time), quả bom tạo ra nhiệt độ khủng khiếp, lên tới 5.000.000 độ C trong 1/1.000.000 giây đầu, sau đó xuống 300.000 độ C trong 1/10.000 giây kế tiếp, làm phát sinh ánh sáng chói lòa trên.

Nóng hơn mặt trời

Địa điểm ngay bên dưới nơi bom nổ ở cao độ 580 mét, được gọi là tâm nổ hay bộc tâm (hypocenter). Sức ép mãnh liệt do không khí bị đốt bành trướng thành một cơn cuồng phong với tốc độ 400 mét/giây đã biến cả thành phố rộng lớn, với 92% của khoảng 76.000 căn nhà bỗng chốc không chỉ vỡ tan thành đống gạch vụn mà còn bay biến đi mất. Cổ thành Hiroshima rất kiên cố, cách tâm nổ khoảng 700 mét mà không còn lại dấu tích nào. Sức ép cực mạnh còn làm cho mặt đất vùng tâm nổ bị lún xuống hàng tấc.

Độ 1/10.000 giây sau, hiện ra trái cầu lửa "ác ma" khổng lồ đường kính khoảng 280 mét, như một mặt trời nhỏ, với sức nóng 4-5000 độ C kéo dài trong khoảng 10 giây. Trái cầu lửa này nhìn từ mặt đất thấy sáng gấp 10 lần mặt trời, nên từ xa đến 9 km vẫn có thể nhìn thấỵ Sức nóng khủng khiếp ấy đã đốt cháy tất cả những gì còn lại trong vòng bán kính 2000 mét tính từ tâm nổ (tổng cộng khoảng 13 km2).

Với nhiệt độ này, mái nhà bằng sành cách tâm nổ 600 mét cũng bị sôi chảy ra, cửa kính cách tâm nổ 1000 mét cũng bị chảy rạ Khi trái cầu lửa vừa tắt lịm đi thì khói bốc lên, phần trên cuộn lại, và tỏa rộng thành hình cây nấm nhân tạo khổng lồ, dần dần vươn cao tới khoảng 10.000 mét. Cây nấm tồn tại trong khoảng từ 20 đến 30 phút rồi tan dần, bay về hướng Tây Bắc.

Sau đó không lâu là cơn mưa nước đen, do sự kết hợp bởi khói của cây nấm và mây từ trên trời đổ xuống, khiến bầu trời bỗng dưng tối lại, nhiệt độ xuống thấp (hiện tượng này gọi là "mùa đông nguyên tử"), cõi trần gian bên dưới đang đầy cảnh chết chóc càng thêm thê lương ảm đạm.

Địa ngục trần gian

Người chết la liệt, người bị thương rên xiết khắp nơi, nhiều người quần áo bay đi đằng nào mất, nhiều người bị phỏng nặng khiến da tuột từng mảng lớn, có người bị sức nóng làm cháy cụt hết những đầu ngón tay, ai cũng kêu gào khát nước. Cảnh một nữ giáo viên dắt đoàn nữ sinh tiểu học tất cả đều trần truồng đi giữa thành phố chết chóc khiến người xem không ai cầm được nước mắt.

Tiếng kêu cứu khắp nơi nhưng không còn ai rảnh tay để giúp đỡ người khác nữa. Nhiều người nóng quá chịu không nổi, nhảy đại xuống dòng sông. Sự tàn phá khủng khiếp này có thể nói vượt mọi dự tưởng trước đó về thảm kịch của nhân loại, về địa ngục trần gian. Sau đó, việc hỏa táng các xác chết phải kéo dài cả tháng trời.

Ánh sáng và sức nóng khủng khiếp chiếu tới còn để lại những vết tích chưa từng có, đó là những bóng đen của người hay vật nổi trên nền trắng hay ngược lại, in trên vách tường hay mặt đường.

Sự tàn phá của bom nguyên tử không chỉ là những hình ảnh ghê gớm nhất thời đó, mà sự tác hại về phóng xạ của nó còn kéo dài mãi tới ngày nay. Thật vậy, bom nguyên tử còn phát sinh ra các tia alpha, beta, gamma, và trung tính tử (neutron)... rất nguy hại đối với con người.

Ngay sau vụ nổ, nhiều người có chứng bệnh lạ như nổi mụn toàn thân, rụng tóc, bệnh dịch lan tràn, ruồi nhặng sinh sôi nẩy nở cùng khắp... Vì là những tác hại của phóng xạ mà con người thời ấy chưa biết tới nên không có thuốc men chữa trị hiệu quả, nhiều người chết sau đó vài ngàỵ

Tổng kết có khoảng 75.000 người chết ngay khi bom nổ, và tính tới cuối năm 1945 thì tổng số người chết vì thương tích và phóng xạ là khoảng 140.000 người (90% chết trong hai tuần lễ đầu). Trong số những người bị hại, có cả một số người ngoại quốc, đông nhất là người Đại Hàn, các du học sinh từ Trung Hoa hay Đông Nam Á, và một số nhỏ quân nhân Hoa Kỳ bị bắt làm tù binh.

Thời đó, người dân Nhật Bản đã quen với không khí chiến tranh, và những vụ không tập bằng máy bay B29 của Hoa Kỳ từ vài năm trước. Nhưng với sự tàn phá lớn lao ngoài dự tưởng này không ai hiểu Hoa Kỳ đã dùng vũ khí gì, và biến cố gì đã xảy ra.

Quả bom thả xuống Hiroshima dài khoảng 3,3 mét, đường kính 0,7 mét, nặng khoảng 4 tấn, có sức tàn phá tương đương 15.000 tấn chất nổ TNT, là loại bom uranium (U-235), với tục danh "Little Boy" vì thon nhỏ, được thả và cho nổ từ trên cao để tạo ra sự tác hại lớn nhất. Trong quả bom này, chỉ có khoảng 1 kg U-235 mà thôị

Nhật Bản tuy bị thiệt hại nặng nề ở Hiroshima, nhưng vẫn còn bưng bít dư luận trong nước, chính phủ còn tung tin Nhật Bản cũng có vũ khí tương tự để đối kháng, và muốn tiếp tục cầm cư.. Phía Hoa Kỳ thì muốn sớm chấm dứt chiến tranh để tiết kiệm xương máu, vì qua các trận địa chiến ở Okinawa (Xung Thằng)... quân nhân và dân chúng Nhật đã chiến đấu hầu như đến người cuối cùng gây thiệt hại rất nặng cho Hoa Hỳ.

Tiếp đến Nagasaki ba ngày sau

[wrap]http://www.bbc.co.uk/worldservice/images/2005/08/20050803185220_mushroomcloud_pa203.jpg[/wrap]Hình chụp bom nguyên tử nổ ở Nagasaki ngày 9.08.1945

Ba ngày sau vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, lúc 11 giờ 2 phút ngày 9/8, Hoa Kỳ đã thả trái bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố cảng, chuyên về kỹ nghệ đóng tàu Nagasaki ở phía tây của đảo Kyushu (Cửu Châu), phía nam Nhật Bản. Nagasaki (Trường Kỳ) là cửa ngõ rất quan trọng của Nhật để giao thương bằng tàu với thế giới, nhất là Á Châu và Âu Châu, từ thế kỷ 16, người Bồ Đào Nhà đã tới đây buôn bán và truyền đạo Thiên Chúa Giáo.

Tâm nổ là thượng không của chi lưu sông Shimo No Kawa (Hạ Xuyên). Trái bom lần này cũng gây tác hại lớn lao, với 73.884 người chết và 74.909 người bị thương, trong tổng số dân cư khoảng 240.000 người, khoảng 6,7 km2 nhà cửa bị tàn phá hoàn toàn, chiếm 1/3 nhà của thành phố. Quả bom thả ở Nagasaki tuy lớn hơn quả thả ở Hiroshima, nhưng sức tác hại ít hơn vì địa điểm thả hơi xa khu dân cư, và tại một vùng địa hình dài và hẹp.

Quả bom thả xuống Nagasaki là loại bom plutonium (Pu-239), dài khoảng 3,25 mét, đường kính 1,52 cm, nặng khoảng 4,5 tấn, tương đương 21.000 tấn TNT, với tục danh "Fat Man" vì mập tròn, được thả và nổ ở cao độ 500 mét.

Năm 2005, nhân kỷ niệm 60 năm thả bom nguyên tử, bà Genet, cháu của khoa học gia James Conant, người đã tham gia chương trình chế tạo bom nguyên tử đầu tiên của Hoa Kỳ đã cho xuất bản cuốn sách nói về chân dung các khoa học gia thời đó. Theo bà thì vì chuyện chế tạo bom nguyên tử, ông nội bà đã bị khổ tâm cho đến hết đời và việc thả trái bom thứ 2 xuống Nagasaki là không cần thiết. Phải chăng, nếu ông nội bà có quyền quyết định thì đã cứu được khoảng 200.000 người?

Nhật đầu hàng Đồng Minh

Sau trái bom nguyên tử thứ hai nổ ở Nagasaki, Nhật Bản thấy sẽ tiếp tục bị thiệt hại nặng nề mà vô phương chống đỡ, vòng cầm cự đang bị thu hẹp dần, quân đội Hoa Kỳ cũng đang chuẩn bị đổ bộ lên chính quốc sau khi chiếm Okinawa.

Nên ngày 14/8/1945, Nhật Hoàng Hirohito (Dụ Nhân), hiệu là Showa (Chiêu Hòa) lần đầu tiên lên tiếng trên đài phát thanh, tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

Bằng giọng nói cảm động, Nhật Hoàng kêu gọi quốc dân đầu hàng, và nhẫn nhục chờ đón những ngày đen tối chưa từng có sắp đến. Ngay sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, một số sĩ quan trẻ cấp tá vẫn còn hăng máu, muốn tiếp tục chiến đấu đã âm mưu đảo chính nhưng không thành. Một số quân nhân và thường dân khác đã đến trước hoàng cung tự sát để tỏ lòng trung thành với Nhật Hoàng, và tránh nỗi nhục bị chiếm đóng.

Lời tuyên bố đầu hàng của Nhật Hoàng là dấu hiệu chấm dứt chiến tranh giữa Hoa Kỳ (cùng các nước Đồng Minh) với Nhật Bản, cũng đồng thời chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai, vì Đức Quốc đã đầu hàng quân đội Đồng Minh trước đó.

Đỗ Thông Minh
Cộng tác viên BBC từ Tokyo
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top