Bảo hiểm Nhật Bản mua lại Bảo Minh CMG

Bảo hiểm Nhật Bản mua lại Bảo Minh CMG

Công ty Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi (Nhật Bản) sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Bảo Minh CMG. Đây là vụ chuyển nhượng doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực tài chính của VN.



Việc chuyển nhượng hiện đang chờ sự chuẩn y của Bộ Tài chính và dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng này. Khi được chuẩn y, Dai-ichi sẽ là công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản hoạt động tại VN.

Bảo Minh CMG là công ty bảo hiểm nhân thọ đứng thứ 5 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ VN theo doanh thu phí bảo hiểm gộp. Được thành lập năm 1999, Bảo Minh CMG là liên doanh 50/50 giữa công ty Colonial Mutual Life Assurance Society Limited của Australia và Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh.

Ngay sau khi việc chuyển nhượng được hoàn tất, công ty sẽ đổi tên thành công ty bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi VN. Chủ sỡ hữu và tên công ty thay đổi, mọi quyền lợi, nghĩa vụ của tất cả khách hàng tham gia bảo hiểm với BM-CMG sẽ được thực hiện đúng như đã cam kết trong hợp đồng đã ký.

Dai-ichi là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai tại Nhật Bản và lớn thứ 6 trên thế giới tính theo doanh thu phí bảo hiểm gộp hàng năm (29 tỷ USD). Tại Nhật Bản, Dai-ichi cung cấp một danh mục dịch vụ tài chính đa dạng, bao gồm bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí và quản lý tài sản với một mạng lưới phân phối toàn quốc bao gồm hơn 40.000 tư vấn chuyên nghiệp, làm việc toàn thời gian. Dai-ichi quản lý hơn 276 tỷ USD.

http://www.nhatban.net/modules/news/article.php?storyid=503
 
Bình luận (1)

aikochan

New Member
Tại sao Bảo Minh lại được bán cho Daiichi?
Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Daiichi của Nhật Bản sẽ mua lại toàn bộ cổ phần của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Bảo Minh - CMG. Đây sẽ là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên của Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam, theo con đường được xem là nhanh nhất và ngắn nhất.

Sau vụ chuyển nhượng toàn bộ Công ty Allianz Vietnam cho Tập đoàn Bảo hiểm QBE của Australia, đây là vụ chuyển nhượng công ty thứ hai trong lĩnh vực bảo hiểm và là vụ chuyển nhượng đầu tiên trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.

Hồ sơ chuyển nhượng mới được chính thức gửi lên Bộ Tài chính vào ngày 8/1/2007. Và dự kiến, sẽ được Bộ chuẩn y ngay trong tháng.

Tại sao lại bán?

Theo Thông tư số 98/2004/TT-BTC ban hành ngày 19/10/2004 hướng dẫn thi hành Nghị định số 42/2001/NĐ-CP ngày 1/8/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm được quy định rõ rằng, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm có thể chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hay một số nghiệp vụ bảo hiểm (sau đây gọi tắt là chuyển giao) cho các doanh nghiệp bảo hiểm khác được phép hoạt động tại Việt Nam. Việc chuyển giao phải đảm bảo nguyên tắc không gây thiệt hại đến quyền lợi của bên mua bảo hiểm sau khi thực hiện việc chuyển giao.

Mở cửa thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế thì chuyện thành lập, sang nhượng hay đóng cửa của các doanh nghiệp sẽ là hết sức bình thường. Nó tùy thuộc vào chiến lược của từng tập đoàn và các công ty.

Chỉ có điều, trường hợp chuyển giao như Bảo Minh - CMG trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ thì chưa có tiền lệ. Nhất là trong bối cảnh hiện nay khi mà bảo hiểm nhân thọ đang rất khó khăn và chịu áp lực cạnh tranh mạnh.

Bảo Minh - CMG là công ty bảo hiểm nhân thọ đứng thứ 5 trên thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam tính theo doanh thu phí bảo hiểm gộp. Được thành lập năm 1999, Bảo Minh - CMG là liên doanh 50/50 giữa Công ty Bảo hiểm nhân thọ Colonial Mutual Life Assurance Society Limited của Úc và Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh.

Trong suốt thời kỳ từ năm 1999 đến khi chuyển nhượng, liên doanh này luôn trong trong tình trạng lỗ kỹ thuật và xếp hàng cuối cùng trong số 5 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tại thị trường Việt Nam xét theo doanh thu phí bảo hiểm hàng năm. Tuy nhiên, nếu xét về tốc độ tăng trưởng của số lượng hợp đồng khai thác mới thì xếp hàng thứ 3 trên thị trường.

“Chuyện chuyển nhượng này phù hợp với chiến lược của Bảo Minh và chiến lược của Tập đoàn Dai-ichi. Bảo Minh là doanh nghiệp chuyên về kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ. Sau cổ phần hóa, chiến lược phát triển của Bảo Minh đã được hội đồng quản trị đề ra và biểu quyết tại Đại hội cổ đông thường niên đầu năm 2006 là tập trung vào dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ, vốn là thế mạnh của Bảo Minh trong nhiều năm qua”, ông Nguyễn Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bảo Minh, giải thích.

Chọn người để bán

Daiichi - đối tác nhận chuyển giao liên doanh bảo hiểm nhân thọ, là một công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ nhì tại Nhật Bản - nơi có thị trường bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai thế giới. Daiichi cũng là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn thứ 6 trên thế giới tính theo doanh thu phí bảo hiểm gộp hàng năm (29 tỷ USD Mỹ trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2006).

“Trước khi chấp thuận trên nguyên tắc sự chuyển nhượng này, Bộ Tài chính đã nghiên cứu rất kỹ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm cũng như uy tín của Daiichi, để chắc chắn rằng quyền lợi của khách hàng sẽ luôn được đảm bảo. Sau khi có sự chuẩn y của Bộ Tài chính và hoàn tất việc bàn giao công ty, Daiichi Việt Nam sẽ nhanh chóng có thư thông báo cụ thể tới từng khách hàng”, ông Năng nhấn mạnh.

Vốn điều lệ của Bảo Minh - CMG là 25 triệu USD nhưng vốn thực góp là 12,2 triệu USD trong đó Bảo Minh góp 6,1 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị của hợp đồng chuyển nhượng vẫn chưa được phép tiết lộ. Nhưng theo ông Năng, các bên đều hoàn toàn hài lòng với mức giá chuyển nhượng như trong hợp đồng.

Kể từ khi được thành lập vào năm 1902, Daiichi luôn tuân thủ phương châm quản lý mà ở đó khách hàng là trọng tâm. Tại Nhật Bản, Daiichi cung cấp một danh mục dịch vụ tài chính đa dạng, bao gồm bảo hiểm nhân thọ, quỹ hưu trí và quản lý tài sản với một mạng lưới phân phối toàn quốc bao gồm hơn 40 ngàn tư vấn chuyên nghiệp, làm việc toàn thời gian. Tính đến thời điểm tháng 3/2006, Daiichi quản lý khối tài sản lên tới hơn 276 tỷ USD.

“Việt Nam sẽ là thị trường nước ngoài đầu tiên mà Daiichi có công ty bảo hiểm nhân thọ do mình sở hữu 100%. Daiichi cũng đang tiếp tục nghiên cứu để mở rộng hoạt động tại những thị trường tiềm năng khác”, đại diện của Daiichi tại Việt Nam nhấn mạnh.

Chuyển nhượng thế nào?

Ngay sau khi việc chuyển nhượng được hoàn tất, Công ty sẽ được đổi tên thành Công ty bảo hiểm nhân thọ Daiichi Việt Nam và hoàn thiện hoạt động kinh doanh để đáp ứng nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ của khách hàng Việt Nam.

Dù chủ sở hữu và tên công ty có thay đổi, mọi quyền lợi, nghĩa vụ của tất cả khách hàng tham gia bảo hiểm với Bảo Minh - CMG hiện nay đều sẽ được thực hiện đúng như đã cam kết trong Hợp đồng bảo hiểm đã ký. Hơn nữa, đối với bảo hiểm, chữ tín và niềm tin vẫn là yếu tố quyết định tới sự sống của công ty bảo hiểm.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, nếu một doanh nghiệp bảo hiểm giải thể, sáp nhập..., thì phải chuyển giao toàn bộ hợp đồng bảo hiểm của một hoặc một số nghiệp vụ bảo hiểm cho doanh nghiệp khác. Sau khi chấp thuận hồ sơ đề nghị chuyển giao, Bộ Tài chính sẽ cấp giấy phép điều chỉnh cho doanh nghiệp chuyển giao phù hợp với các nghiệp vụ bảo hiểm mà doanh nghiệp chuyển giao còn được phép tiến hành.

Theo Lan Hương
VnEconomy
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Văn hóa xã hội 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top