Biểu tượng của thần đạo Nhật Bản

Biểu tượng của thần đạo Nhật Bản

Sumo không chỉ là một môn thể thao, nó còn là tôn giáo của riêng người Nhật Bản.
Vào ngày thứ nhất của Giải Đô vật Sumo mùa Thu, bằng một cú đệm dũng mãnh, Akebono đã hất đối thủ ra khỏi võ đài. Việc một võ sĩ ở đẳng cấp cao nhất như Akebono loại đối thủ có đẳng cấp thấp hơn mình là chuyện rất bình thường. Nhưng có chuyện không bình thường: anh không phải là người Nhật...

Sumo là môn thể thao có tổ chức vào loại xưa nhất trên thế giới, cách đây chừng 1.500 năm. Chuyện cổ xứ Phù Tang kể rằng, chính Hoàng đế Seiwa đã đăng quang ngai vàng bằng một cuộc đấu Sumo năm 858. Từ đó, vương triều luôn đứng ra bảo trợ môn Sumo nhằm duy trì, bảo đảm mùa màng phì nhiêu, mưa thuận gió hoà. Đến thế kỷ 16, Sumo phổ biến khắp vương quốc nhưng phải đến năm 1680, cơ cấu tổ chức của môn võ thuật này mới hoàn chỉnh và những nét cơ bản của nó đến nay hầu như không thay đổi.

Akebono, tên thật là Chad George Rowan, sinh ra ở Honolulu, Hawaii (Mỹ). Năm 17 tuổi, anh được một huấn luyện viên Sumo phát hiện ra những tố chất cần thiết cho môn võ này. Từ đó, chàng thanh niên người Mỹ bắt đầu tìm hiểu và đến Tokyo ghi danh vào một lớp Sumo. Không phải mọi thứ đều dễ dàng cho Chad: hàng rào ngôn ngữ, khác biệt về văn hoá, đó là chưa kể đến tinh thần bài ngoại của những người phụ trách Liên đoàn Sumo Nhật Bản...

Vì Sumo không chỉ là môn thể thao mà còn là một tôn giáo. Xét về lịch sử, Sumo khởi đầu như một phần của nghi thức Thần đạo (Shinto), tôn giáo bản địa của người Nhật Bản. Ngày nay, nó vẫn còn mang những tập tục, nghi lễ của Thần đạo và võ đài Sumo không chỉ là sân đấu thông thường mà là một nơi linh thiêng, đượm màu sắc tôn giáo.

Bằng tài năng và ý chí, Akebono đã lên đến đỉnh cao của môn võ thuật tưởng như chỉ dành riêng cho người Nhật. Năm 1993, lúc vừa 23 tuổi, Chad đã đạt đến trọng lượng 220kg và trên võ đài, anh có sức khỏe không võ sĩ nào địch nổi. Anh lần lượt thắng các đấu thủ đáng gờm nhất. Hiệp hội Sumo miễn cưỡng xếp anh vào thứ hạng cao nhất: Đại quán quân (Yokozuna). Đó là người ngoại quốc duy nhất đạt được cấp bậc cao quý này trong lịch sử Sumo.

Luật lệ của Sumo rất đơn giản: hai võ sĩ vật nhau trên võ đài, một vòng tròn đất nện có đường kính 5m. Kẻ thắng cuộc là người vật được đối phương ngã ngửa hoặc ném văng ra khỏi võ đài. Vật, vỗ, xô, kéo, khóa, kể cả những đòn thế kiểu nhu đạo đều được phép, chỉ có đấm, đá và cắn là bị cấm. Sumo không quy định tuổi tác và trọng lượng. Thường một võ sĩ Sumo ở đẳng cấp cao có trọng lượng trên 160kg.

Mấy năm nay, Akebono đã giành được nhiều chiến thắng quan trọng. Và anh dồn hết sức lực cũng như hy vọng cho cuộc tranh tài với Takanohana, người đạt đẳng cấp Đại quán quân năm 22 tuổi. Hai người khổng lồ này đã ngự trị thế giới Sumo từ 2 năm nay và trận đấu tới sẽ quyết định ai là kẻ đứng vững ở thứ bậc cao nhất. Cần biết rằng 900 võ sĩ Sumo chuyên nghiệp trên toàn nước Nhật đều mang một con số đặc biệt tuỳ theo thành tích của họ và con số này còn quan trọng hơn cả tên tuổi vì thể hiện vị trí của người võ sĩ trong hệ thống thứ bậc chặt chẽ của Sumo.

Nhật Bản là một xã hội chú trọng đến thứ bậc, đẳng cấp, Sumo thể hiện cô đọng cái truyền thống tinh thần đó. Cũng như các samurai thời trước, võ sĩ Sumo là những người tôn trọng triệt để quy tắc, luật lệ và nhất là giữ tinh thần khắc kỷ, tự chế, thắng không kiêu, bại không nản. Nơi đấu trường, không bao giờ kẻ thắng cuộc bộc lộ sự kiêu căng, tự mãn hay kẻ thua tỏ ra mất bình tĩnh, bất mãn. Trọng tài, giám khảo có một vị trí gần như tuyệt đối. Nếu quyết định của họ sai thì thường không một ai, kể cả cổ động viên, thốt ra lời phản đối. Sau mỗi trận đấu, hai võ sĩ đều cúi đầu thật thấp chào nhau và lặng lẽ rời khỏi võ đài. Hầu như mỗi cử chỉ, động tác của võ sĩ Sumo đều được tính toán cẩn thận, tất cả nhằm duy trì tinh thần truyền thống của nước Nhật...

Ngày thứ mười của giải, trong một trận đấu gay cấn, Akebono đã quật được đối phương ngã ngửa xuống rìa võ đài. Trọng tài đưa tay định báo hiệu anh thắng cuộc thì 5 vị giám khảo đã tiến lại hội ý với trọng tài; một trong số họ cho rằng Akebono có lẽ đã giẫm chân ra ngoài vòng trước khi quật ngã đối thủ. Ban giám khảo quyết định hai võ sĩ phải thi đấu lại. Lần này, Akebono tỏ ra tức giận và không giữ được tính điềm đạm cần có của một võ sĩ Sumo. Anh bị đánh bại...

Một trong những điều quan trọng nhất mà một võ sĩ Sumo phải luyện tập là sự tĩnh tâm. Người học Sumo thường ngồi một mình trước bàn thờ Thần đạo tập trung tư tưởng để gạt bỏ mọi cảm xúc, tạp niệm. Một trong những triết lý của Sumo là "Đối thủ đáng gờm nhất của ngươi luôn luôn chính là ngươi" và người võ sĩ Thần đạo phải học tập để chiến thắng chính mình trước khi chiến thắng đối thủ.

Vào ngày thứ 15, ngày cuối cùng, khi cơn bão số 17 đang ập vào bờ biển phía Đông Nhật Bản, cũng là lúc Akebono phải đối mặt với "cơn bão" Takanohana trong cuộc đấu cuối cùng của hai võ sĩ đẳng cấp Đại quán quân. Trước mặt anh cũng là một sức mạnh ghê gớm không kém gì cơn cuồng phong gào thét ngoài kia, nhưng đó là một sức mạnh biết tự chế ngự. Akebono bị đánh bại dễ dàng...

Trong khi người chiến thắng đón nhận lời chúc tụng và phần thưởng, thì Chad-Akebono trở lại với tinh thần khắc kỷ mà anh từng học: lặng lẽ rời đấu trường, không bộc lộ cảm xúc.

Anh đang chờ giải sắp tới. Trong thời gian đó, anh sẽ luyện tập hơn nữa và nhất là dành nhiều thời gian để suy tư về Sumo, môn thể thao dường như gói ghém trong cái võ đài bằng đất nện đường kính chỉ có 5m những nét tinh tuý nhất của truyền thống Nhật Bản.

Vũ Chiến

(Theo Sport)

Nguồn
http://www.mofa.gov.vn:8080/tbqt/38,03/bieu tuong vhtt38,03.htm
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top