đền Yasukuni Và Các Cuộc Viếng Thăm Của Thủ Tướng Nhật Bản

đền Yasukuni Và Các Cuộc Viếng Thăm Của Thủ Tướng Nhật Bản

Đã nhiều năm nay,cứ đến dịp kỉ niệm ngày phát xít Nhật bại trận trong chiến tranh thế giới lần thứ II thì ngôi đền Yasukuni ở Tokyo- nơi thờ linh hồn những tướng lính Nhật chết trận lại trở thành địa điểm nhạy cảm trong dư luận quốc tế,nhất là tại các nước châu Á.Nếu hay theo dõi chương trình thời sự quốc tế thì chúng ta thỉnh thoảng sẽ nghe tin có một vị thủ tướng Nhật đến thăm đền Yasukuni và ngay sau đó là những thái độ gay gắt phản ứng lại chuyến đi đó, đặc biệt là của các nước châu Á.Còn nhớ trong chuyến viếng thăm đền của của thủ tướng Nhật J.Kọiumi vào ngày 13-8-2001 đã có một nhóm 20 thanh niên Hàn Quốc đã biểu thị thái độ phản ứng bằng cách chặt đứt ngón tay út của mình.
Vậy đền Yasukuni là một địa điểm như thế nào?Tại sao việc thủ tướng Nhật Bản viếng thăm ngôi đền này lại gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế như vậy?Bài viết sau đây sẽ lí giải vấn đề nói trên.

Đền Yasukuni.
Đền Yasukuni nằm tại quận Chyudan của thủ đô Tokyo,là một trong những ngôi đền thần đạo được dựng lên để thờ cúng linh hồn của những người lính Nhật bị chết trận từ thời kỳ Minh Trị Duy Tân(1868) đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ II.Những ngôi đền đầu tiên thuộc loại này được xây dựng bởi chính bạn bè, đồng đội của những người tử trận để tưởng nhớ họ.
Theo thống kê năm 1945,cả nước Nhật lúc đó có 148 ngôi đền Thần đạo thờ những người lính tử trận như vậy và được gọi là những đền chiêu hồn. Đền chiêu hồn được chia làm 3 loại.
Loại một là đền Yasukuni,chỉ có một ngôi duy nhất được xây dựng vào năm 1896 theo”Ngự ý đặc biệt của Thiên Hoàng” và dựa theo pháp lệnh của chính phủ Nhật Bản.Lúc đầu nó chỉ là một thánh địa rất giản dị,thâm nghiêm.Cùng với thời gian sự ngưỡng mộ của người dân Nhật đối với ngôi đền ngày càng tăng lên.Cuối cùng nó trở thành một ngôi đền Thần đạo lớn của cả nước và chỉ đứng sau đền Ise vĩ đại- nơi thờ nữ thần Mặt Trời đã sinh ra dân tộc Nhật Bản.
Loại hai là 48 ngôi đền thờ linh hồn những người lính trận chết ngay tại các địa phương của họ như huyện,tỉnh , xã.Những ngôi đền này có quy mô bình thường,kiến trúc bên trong không có gì đặc biệt ngoài khoảnh sân rất rộng để nhiều người có thể khấn vái.Năm 1939,cùng với sự phát triển tột độ của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt,sự hi sinh của những người lính trên chiến truờng được đánh giá rất cao.Nhằm hạn chế số lượng người đổ về Yasukuni ngày càng đông,những ngôi đền này được nhà nước xếp hạng là đền Hộ Quốc trực thuôc các phủ tỉnh cũng với chức năng thờ cúng những người lính chết trận.
Loại ba là 99 ngôi đền chiêu hồn nằm rải rác khắp nước Nhật thờ những người lính đã hy sinh trên mảnh đất đó dù quê quán họ ở nơi khác ,tập trung nhiều nhất ở các vùng mà công cuộc cải cách Minh Trị Duy Tân được thực hiện tích cực nhất.Những ngôi đền này cũng được giao cho chính quyền các địa phương quản lý.
Trong hệ thống các đền chiêu hồn thì đền Yasukuni là ngôi đền trọng yếu nhất.Nếu các ngôi đền thuộc loại 2 và 3 chỉ thờ cúng những người lính chết trận vốn là dân địa phương thì đền Yasukuni thờ cúng linh hồn của tất cả những người kính tử trận trên toàn đất Nhật.Tính đến ngày 18 tháng 9 năm 1931 khi Thiên Hoàng ban chiếu về “sự biến Mãn Châu” thì đền Yasukuni thờ 14 vạn người chết.Cho tới lúc cuộc chiến Mãn Châu kết thúc thì số người được thờ tài đây lên tới 140 vạn và con số đó hiện nay là 2,47 triệu.Những người được thờ cúng tại đây đều có tên tuổi,chức vụ, đơn vị trực thuộc khi còn sống…tất cả được ghi trong sổ của đền.Thông thường hàng năm đền tổ chức hai kì tế chiêu hồn vào tiết xuân và tiết thu.Kì tế vào mùa xuân lấy mốc vào ngày 30 tháng 4,kì mùa thu lấy mốc ngày 18 tháng 10,mỗi kì tế kéo dài trong suốt 3 ngày.
Như vậy việc thờ cúng ở đền Yasukuni rõ rang là mang tính chất tôn giáo.Việc đó được thể hiện rõ qua việc người ta coi linh hồn của những người được thờ ở nơi đây như là những vị thần của Thần đạo mà người Nhật gọi là Kami.Việc cầu cúng là thể hiện sự tưởng niệm những người đã chết,cảm tạ sự phù hộ của họ và mong muốn tiếp tục nhận được sự phù hộ đó cho cuộc sống trần thế.Tại đền Yasukuni các nghi lễ hàng ngày được các vị đạo sỹ đảm nhiệm và thể hiện theo nghi lễ truyền thống của Thần đạo.Các gia đình có người được thờ trong đền được tặng một mô hình nhỏ của ngôi đền để thờ ở nơi thiêng liêng nhất trong nhà mình và tin rằng ngôi đền này sẽ mang lại những điều tốt lành cho cuộc sống hang ngày của họ.Việc cầu nguyện hàng ngày cũng phải tuân theo những quy tắc nhất định của Thần đạo.Chẳng hạn trước khi cầu nguyện phải tắm rửa cho sạch sẽ,phải rửa tay và súc miệng,phải cúi lạy hai lạy và vỗ tay hai cái rồi mới khấn..

Việc dính líu với chủ nghĩa quân phiệt.
Tuy nhiên đền Yasukuni lại là một ngôi đền có nét đặc biệt khác 147 ngôi đền còn lại.Trong suốt chiến tranh thế giới lần II ngôi đền không chỉ là một cơ sở tôn giáo mà còn là một cơ sở có liên quan đến chính trị,Thời kì đó thông thường các hoạt động tôn giáo cũng như các ngôi đền quốc gia đều nằm dưới sự giám sát,quản lý của thần kỳ viện (Jingiin) thuộc bộ nội vụ của chính phủ Nhật Bản.Tuy vậy đền Yasukuni là một trường hợp ngoại lệ,nó lại thuọc quyền quản lý của lục quân và hải quân.Sở dĩ có cơ cấu như vậy nhằm đảm bảo sự chi phối và giám sát của thế lực quân phiệt với hoạt động của đền- một địa danh có ảnh hưởng rất mạnh trong dân chúng. Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng của chủ nghĩa quân phiệt với ngôi đền này như thế nào.Chính vì điều này ngôi đền Yasukuni đối với các nước châu Á đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt bành trướng vàn chủ nghĩa siêu quốc gia Nhật Bản.Trong thời gian chiến tranh,việc tổ chức các nghi lễ tưởng niệm,việc tôn vinh những người lính chết trận như những người anh hùng đã góp phần mạnh mẽ vào việc kích động tinh thần hiếu chiến của quân đội phát xít Nhật Bản trong quá trình xâm lươc các nước châu Á.Tướng sĩ quân đội Nhật Bản thời kì đó khi giáp mặt với cái chết trên chiến trường thường bày tỏ tinh thần chiến đấu quyết tử bằng câu nói nổi tiếng:”Hẹn gặp lại ở đền Yasukuni”.
Sau khi Nhật Bản thua trận trong chiến tranh thế giới II,quân đội Mỹ đã chiếm đóng Nhật Bản.Lực lượng chiếm đóng cho rằng suốt thời gian chiến tranh đền Yasukuni đã bị chính quyền quân phiệt sử dụng cho mục đích chiến tranh là một vấn đề rõ ràng.Thậm chí một bộ phận tôn giáo thuộc lực lượng đồng minh lúc đó do không có thông tin chính xác còn cho rằng không chỉ đền Yasukuni mà các ngôi đền khác đều là những tổ chức có tính chất quân phiệt,không phải là những tổ chức tôn giáo thực sự và đề nghị các ngôi đền này phải bị giải tán và trưng thu tài sản.Tuy vậy,sau khi xem xét trên các khía cạnh lịch sử,xã hội và tôn giáo của các ngôi đền lực lượng chiếm đóng cho rằng việc xử lý chúng cần phải lưu ý đến nguyện vọng tha thiết của người dân Nhật Bản,mong muốn chính đáng được tưởng niệm tới sự hi sinh của những người lính- những thân nhân của họ đã ngã xuống trong chiến tranh.Cũng chính vì vậy đền Yasukuni và các ngôi đền khác được tiếp tục tồn tại nhưng buộc phải từ bỏ mọi lien quan đến chủ nghĩa quân phiệt và hoàn toàn tách khỏi nhà nước theo quy định tại điều 20 của hiến pháp Nhật Bản năm 1946.Từ đây về nguyên tắc, đền Yasukuni hoạt động như một thực thể tôn giáo bình dẳng với tất cả các ngôi đền Thần đạo ở Nhật Bản.

Hành trình đến các cuộc viếng thăm
Với bản “Điều ước hoà bình Sanfrancisco” có hiệu lực từ 28/4/1952 và việc phục hồi độc lập cho dân tộc Nhật Bản thì một phong trào đòi phục hưng một vị trí đặc biệt cho đền Yasukuni bắt đầu. Ngay từ tháng 11 năm 1952 trong cuộc hội nghị toàn quốc của liên đoàn Nhật Bản vì phúc lợi của các gia đình bị mất mát trong chiến tranh(Nihon izoku Renmei) đã thông qua một yêu cầu đòi có một ngân quỹ nhà nước cho việc tưởng niệm những người được thờ ở đền Yasukuni.Vào năm 1956 hội di tộc Nhật Bản(Nihon izoku kai) đã quyết định rằng đền Yasukuni cần phải được sự ủng hộ của Nhà nước và họ bắt đầu cuộc vận động để thực hiện mục tiêu này.Điều được mọi người chú ý là Đảng dân chủ tự do đã lập ra một tiểu ban”Về sự hỗ trợ Nhà nước cho đền Yasukuni” trong Hội Đồng nghiên cứu chính trị của nội các.Năm 1967 tiểu ban này đã thảo ra bản đề án đền Yasukuni trong đó đề xuất vvề sự ủng hộ của nhà nước cho sự hoạt đồng của đền và trình cho uỷ ban nội các.Như vậy đề án về đền Yasukuni đã được chính thức đặt lên bàn nghị sự.
Trước sự kiện này,Liên Minh tôn giáo Nhật Bản (Nihon Shukyo Renmei) đã ra tuyên bố chống lại đề án Yasukuni.Bản tuyên bố được đưa ra từ một tổ chức tôn giáo lớn như vậy đã cho thấy phần lớn các tôn giáo Nhật Bản lúc đó thể hiện thái độ chống lại đề án đền Yasukuni.Không những thế vào tháng 12 năm 1968,Liên đoàn các tổ chức tôn giáo mới Nhật Bản lại đệ lên chính phủ và các tổ chức có liên quan một bản kiến nghị chống lại dự thảo về đền Yasukuni.Tuy nhiên bản kiến nghị này đã bị chính phủ và đảng Dân chủ tự do lờ đi và dự thảo về đền Yasukuni đã được nộp lên nội các năm 1969,được uỷ ban nội các của nghị viện thông qua năm 1974.
Lập trường kiên quyết của một bộ phân trong chính phủ và đảng Dân chủ tự do về việc ủng hộ đề án đền Yasukuni đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trong phong trào các tôn giáo mới,và cũng chính nó đã làm xuất hiện những bất đồng ngay trong bản thân phong trào này trong khi thảo luận bản đề án.Một số tổ chức tôn giáo cánh hữu đã ngả sang lập trường dân tộc chủ nghĩa.Các tổ chức này không chỉ ủng hộ việc thực hiện đề án Yasukuni mà còn tham gia hình thành các tổ chức cánh hữu có vai trò tích cực trong cuộc vận động xây dựng hiến pháp độc lập của Nhật Bản,thành lập hiệp hội tưởng nhớ linh hồn của những người bị chết trong chiến tranh,kêu gọi các cuộc viếng thăm đền chính thức của Thiên Hoàng,Thủ tướng,các quan chức ngoại giao và các đại biểu của lực lượng phòng vệ Nhật Bản.Bằng nhiều cách người ta cố gắng làm cho nhân dân Nhật Bản có ấn tượng rằng ngôi đền Yasukuni là một biểu tượng có tính chất nhân dân,có quan hệ mật thiết với nhà nước.Đó chính là hoàn cảnh làm xuất hiện các cuộc viếng thăm đền Yasukuni của các vị thủ tướng Nhật Bản.

Các cuộc viếng thăm
Một sự kiện đặc biệt cuốn hút sự chú ý của dư luận Nhật Bản và quốc tế là chuyến viếng thăm đền Yasukuni vào ngày 15-8-1975 của cựu Thủ tướng đương nhiệm Miki Takeo vào dịp kỷ niệm kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương.Chuyến đi này là một sự kiện nổi bật vì nó đã khơi lên một cuộc tranh luận xung quanh vấn đề nan giải là đó có phải là một hành vi tôn giáo mà Hiến pháp đã cấm hay không và nên đánh giá về cuộc chiến vừa qua như thế nào.Điều không thể chối cãi là chuyến đi đó đã dọn đường cho những chuyến thăm chính thức về sau.Sau thủ tướng Miki,ông Nakasone Yasusiro-vị thủ tướng kế nhiệm đã đánh dấu việc”Chấm dứt giai đoạn sau chiến tranh” bằng cuộc viếng thăm chính thức đền Yasukuni vào ngày 15-8-1995.Ông đã mạnh dạn ký vào sổ lưu niệm của đền với dòng chữ “Thủ tướng nội các” và ủng hộ 30000 yên lấy từ quỹ công.Hành động này đã tào ra một tiền lệ cho phép một quan chức chính phủ với tư cách chính thức có thể sử dụng quỹ công để ủng hộ một tổ chức tôn giáo.Cuộc viếng thăm của thủ tướng Nakasone đã làm dấy lên sự phản đối và tranh luận ở trong và ngoài nước.Ngoài những vấn đề được đặt ra như lần trước,dư luận còn đặt vấn đề đâu là ranh giới giữa con người quan chức và con người như cá nhân?Liệu việc ủng hộ cho đền Yasukuni có phải là một hành vi tôn giáo hay chỉ là một nghi lễ có tính chất tập quán thông thường.Chuyến viếng thăm lần này thực sự đã thực sự làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội của các nước châu Á.Một trong những nguyên nhân làm tăng thêm tình hình căng thẳng là hài cốt của 14 tên tội phạm chiến tranh loại A đã được bí mật đưa về quàn tại ngôi đền và bị báo chí tiết lộ sau đó.Dư luận quốc tế cho rằng việc thủ tướng Nhật Bản đến viếng thăm đền Yasukuni như vậy là đồng nghĩa với việc tạo điều kiện phục hồi chủ nghĩa quân phiệt.Chính vì vậy mà các chuyến thăm đền sau đó của các thủ tướng Nhật Bản bị đình chỉ.

Tuy nhiên sau đó trước sức ép của các thế lực cánh hữu và các tổ chức xã hội,ngày 13 tháng 8 năm 2001 thủ tướng đương nhiệm J.Koizumi sau nhiều lần cân nhắc đã quyết định đến viếng thăm ngôi đền này.Hành động của ông không chỉ không chỉ nhằm giữ lời hứa khi ông đang vận động cho cuộc đua giành chức chủ tịch đảng Dân chủ tự do(LDP) cầm quuyền hồi tháng 4 năm đó mà còn phản ánh một xu thế quan điểm bảo thủ trong xã hội Nhật Bản.Như ở đầu bài viết này đã đề cập đến,cuộc viếng thăm của thủ tướng Koizumi đã dấy lên sự phản ứng quyết liệt của các nước Trung Quốc,Hàn Quốc và một số nước châu Á khác.Bộ ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố”thực sự lấy làm tiếc” về chuyến thăm đó và nói nếu các nàh lãnh đạo Nhật Bản thành thực muốn duuy trì mối quan hệ hữu hảo và hợp tác với các nước láng giềng thì phải tôn trọng tình cảm dân tộc của các quốc gia đó trong sự hiểu biết đúng đắn quá khứ lịch sử.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ II đẫm máu đã lùi xa gần sáu thập kỷ nhưng những đáu ấn tội ác mà chủ nghĩa phát xít đã gây ra cho nhân dân tại các nước châu Á thì khó có thể xoá mờ.Các cuộc viếng thăm của thủ tướng Nhật Bản đến ngôi đền Yasukuni chắc chắn còn được đề cập đến tại Nhật Bản trong tương lai.Tuy nhiên những cuộc viếng thăm đó sẽ còn là những sự kiện nhạy cảm và gây phản ứng rất phức tạp trong dư luận ở ngay Nhật Bản cũng như trong dư luận quốc tế,đặc biệt là tại các nước châu Á.

(Nguồn TTVNOL)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top