Các đảng chính trị

Các đảng chính trị

Xin xem thêm phần khái quát chính trị.



Từ những năm 1870 Nhật Bản đã có một nền văn hoá phong phú của các đảng chính trị và trên thực tế đã có hơn 200 đảng đã từng tồn tại và hoạt động. Hiến pháp Minh Trị 1889 hạn chế nghiêm ngặt mức độ đại diện của các đảng trong công chúng, do đó các đảng phải đấu tranh để xác lập ảnh hưởng chính trị của mình. Còn Hiến pháp năm 1946 cho phép các đảng có một vai trò bảo đảm trong trung tâm hệ thống chính trị Nhật Bản.

Hiệp hội quần chúng yêu nước (Aikoku Koto) là đảng chính trị đầu tiên của Nhật Bản được thành lập năm 1874. Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của Nhật Bản được tổ chức vào năm 1890. Một trong những con đường phát triển đảng phái là do Itagakai- người sáng lập Đảng Tự do (Jiyuto) năm 1881 và Okuma Shigenobu- người sáng lập Đảng Cải cách hiến pháp (Rikken Kaishinto) năm 1882 đưa ra. Đây là hai đảng tiền thân của Đảng Dân chủ- Tự do sau này.

Hệ thống chính trị năm 1955 được hình thành trên cơ sở hợp nhất của hai đảng xã hội với nhau và hai đảng bảo thủ với nhau vào năm 1955. Hệ thống này đã hoạt động ổn định cho đến năm 1993. Các đảng hạt nhân của hệ thống 1955 bao gồm :

Đảng Dân chủ - Tự do là nhóm chính trị bảo thủ lớn nhất của Nhật Bản, được thành lập vào năm 1955 trên cơ sở sáp nhập hai đảng Dân chủ và Tự do. Đây là đảng một mình cầm quyền liên tục từ năm 1955 đến năm 1993. Chủ tịch đảng là nghị sỹ Quốc hội, do các đảng viên Dân chủ- Tự do bầu ra cho nhiệm kỳ 2 năm.

Đảng tuyên bố là đảng nhân dân (phục vụ cho lợi ích và hạnh phúc của nhân dân), là đảng hoà bình (cống hiến toàn bộ sức lực cho sự nghiệp bảo vệ hoà bình, công lý và tiến bộ của nhân loại), là đảng dân chủ (tôn trọng và bảo vệ tự do, quyền cá nhân và quyền cơ bản của con người) và đảng mang tính chất nghị viện. Nguyên tắc kinh tế của đảng là hoạch định và thực hiện một chương trình kinh tế toàn diện dựa vào sáng kiến cá nhân và tự do kinh doanh, chú ý đến lợi ích của quần chúng, ổn định cuộc sống của nhân dân và thực hiện một nhà nước phúc lợi.

Trọng tâm của chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ – Tự do là ủng hộ các quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và Mỹ trên cơ sở Hiệp ước hợp tác và an ninh chung giữa hai nước. Đảng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc Nhật Bản đóng góp tích cực vào cộng đồng quốc tế thông qua viện trợ kinh tế cho các nước đang phát triển.

Đảng Xã hội Nhật Bản được thành lập vào năm 1945, song lại tách thành các đảng cánh hữu và cánh tả vào năm 1951. Tháng 10 năm 1955 hai đảng này lại tái sáp nhập thành đảng Xã hội Nhật Bản và từ năm đó đến năm 1993 nó luôn là đảng đối lập lớn nhất trong hệ thống chính trị năm 1955.

Đảng Komei được thành lập vào năm 1964 trên cơ sở của phong trào tôn giáo mới Soka Gakkai (Hiệp hội sáng tạo giá trị) vốn là một nhánh của Phật phái Nichiren Shoshu. Năm 1967 Đảng Komei đã giành được 25 ghế trong Hạ nghị viện với 5,4% phiếu bầu. Mục đích chính của đảng này là xây dựng một xã hội phúc lợi theo quan niệm chủ nghĩa nhân đạo.

Đảng Cộng sản Nhật Bản được thành lập năm 1922 như một tổ chức hoạt động bí mật. Sau chiến tranh thế giới thứ hai đảng được hoạt động công khai. Hiện nay đảng hoạt động theo tinh thần của Cương lĩnh mới được thông qua năm 1961 tại Đại hội VIII của đảng. Đảng Cộng sản Nhật Bản theo đuổi đường lối dân chủ, độc lập, xã hội chủ nghĩa và liên hệ khăng khít với quần chúng. Mục tiêu của đảng là xây dựng một xã hội cộng sản ở Nhật Bản thông qua một cuộc cách mạng dân chủ của nhân dân và tiếp đó là một cuộc cách mạng XHCN.

Đảng Dân chủ Xã hội được thành lập vào tháng 1 năm 1960 trên cơ sở của một nhóm 40 nghị sỹ tách ra từ Đảng Xã hội Nhật Bản. Đây là một đảng trung dung, thừa nhận sự khác nhau về lợi ích giữa các nhóm xã hội và sự tồn tại của những lợi ích quốc gia chung.

Đảng Liên minh Dân chủ Xã hội được thành lập vào tháng 3 năm 1978 thông qua việc sáp nhập của hai nhóm chính trị nhỏ được tách ra từ Đảng Xã hội Nhật Bản và Liên minh Công dân xã hội chủ nghĩa.

Sau sự kiện năm 1993 khi Đảng Dân chủ-Tự do bị mất quyền và trở thành đảng đối lập còn Đảng Xã hội Nhật Bản bị lu mờ thì sự ổn định tương đối cao của hệ thống chính trị năm 1955 đã lui vào dĩ vãng. Ở thời điểm này các đảng luôn thay đổi, lúc sáp nhập, lúc ly khai, lúc lấy tên này, lúc đổi tên khác. Sau năm 1995 cho đến nay Đảng Dân chủ-Tự do là đảng nắm quyền lực song phải phụ thuộc vào sự hợp tác liên minh với các đảng khác để có được đa số tuyệt đối trong Quốc hội. Những gương mặt chính trên sân khấu chính trị Nhật Bản vào thời điểm này (năm 2003) là các đảng: Dân chủ-Tự do, Dân chủ, Tân Komeito, Tự do, Bảo thủ, Cộng sản, Dân chủ xã hội.
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top