Hệ thống phòng chống sóng thần của Nhật Bản

Hệ thống phòng chống sóng thần của Nhật Bản

Là một trong những quốc gia chịu động đất nhiều nhất thế giới, Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm về sóng thần. Từ tsunami bắt nguồn từ tiếng Nhật và một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của đất nước mặt trời mọc của hoạ sĩ thế kỷ 18 Hokusai mô tả sóng thần vượt qua núi Phú Sĩ.

Nhật Bản coi trọng nguy cơ sóng thần tới mức có trường đại học dành riêng một khoa chuyên sâu nghiên cứu tác động thiên nhiên của nó.

Cơ quan Cảnh báo Sóng thần được thiết lập năm 1952, do Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA) quản lý. Sáu trung tâm khu vực kết nối 300 máy cảm biến đặt trên tất cả các đảo của Nhật Bản, trong đó có khoảng 80 máy cảm biến chịu nước, theo dõi địa chấn suốt ngày đêm.

Nếu một cơn động đất có tiềm năng gây ra sóng thần, JMA sẽ ra lệnh báo động trong vòng 3 phút sau khi nhận thấy dấu hiệu. Báo nguy được phát trên tất cả các kênh phát thanh, truyền hình, và nếu cần thì cảnh báo sơ tán cũng được đưa ra. Mục tiêu của JMA là báo cho người dân đi sơ tán khỏi khu vực ít nhất 10 phút trước khi thiên tai xảy đến.

Nhà chức trách địa phương, chính phủ trung ương và các tổ chức cứu trợ thiên tai cũng nhận được cảnh báo thông qua các kênh đặc biệt để có thể phản ứng một cách nhanh chóng.

Mạng lưới của JMA tinh vi tới mức nó có thể dự đoán độ cao, tốc độ, đích đến và thời gian đến của bất kỳ cơn sóng thần nào sắp tràn vào bờ biển Nhật Bản. "Chúng tôi rất tin tưởng vào JMA, họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng con người", Makoto Hikida, sống sót trong trận động đất Kobe năm 1995, cho biết. "Nếu Sri Lanka có một hệ thống giống như chúng tôi, thì có lẽ nhiều người đã được cứu".

Hệ thống cảnh báo của Nhật thường xuyên được nâng cấp. Năm 1999, một mẫu dự báo sóng thần mới được giới thiệu. Tuy nhiên, chi phí cho hệ thống này lên tới 20 triệu USD/năm. Với Nhật Bản thì khoản tiền này không phải là nhiều, nhưng nó có thể là một trở ngại lớn với những nước nghèo hơn.

Tuy nhiên, dân Nhật Bản đều hiểu rằng để cứu sống mạng người, thì không chỉ có một hệ thống cảnh báo sớm.

Gia tăng sức mạnh cho hệ thống cảnh báo là những đạo luật chặt chẽ về xây dựng để bảo vệ nhà cửa khỏi bị động đất, sóng thần. Đồng thời, việc lập kế hoạch phòng chống thiên tai tốt cho tới nay đã giảm thiểu đến mức thấp nhất số thương vong ở một quốc gia trong vành đai lửa Thái Bình Dương. Chẳng hạn, 239 người thiệt mạng khi cơn sóng thần cao 30 mét tràn vào đảo Hokkaido năm 1993.

Cư dân cũng có thể cảm ơn những con đê chắn sóng và các toà nhà vững chắc. Quận Shizouka có 258 nhà chống động đất, sóng thần dọc theo bờ biển. Những thành phố duyên hải khác đã xây các cửa cống để ngăn nước do sóng thần tràn vào nội địa qua các con sông.

Đê chắn sóng cũng góp phần giảm bớt tổn thất. Tuy nhiên, những con đê này chỉ cao vài mét và không thể bảo vệ người dân hoàn toàn khỏi cơn sóng thần lớn như ở Ấn Độ Dương hôm 26/12 vừa qua.

Dù có các biện pháp bảo vệ và hệ thống cảnh báo hiện đại, nhưng Nhật Bản vẫn phải đối mặt với nguy hiểm. Theo ước tính của chính phủ, nếu kịch bản xấu nhất là 3 cơn động đất xảy ra đồng thời, thì 12.700 người có thể chết trong sóng thần xảy ra sau đó.

Với những cơn địa chấn dưới đáy biển Nhật Bản cách bờ có vài km, thì chỉ mất 5 phút là sóng thần có thể tới bờ. Điều này có nghĩa ngay cả hệ thống cảnh báo hiện đại của họ cũng có thể trở nên vô ích, nếu không có những bước cải tiến.

(theo BBC)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top