Học vấn càng cao, bia rượu càng nhiều

Học vấn càng cao, bia rượu càng nhiều

Cứ 5 người trình độ học vấn trên đại học thì gần 4 người sử dụng rượu bia. Trong khi đó, ở những người có trình độ tiểu học và trung học, tỷ lệ sử dụng đồ uống có cồn chỉ là 1 phần 3 hay 1 phần 4.

Một nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho thấy, có 1/3 dân số Việt Nam sử dụng bia rượu. Tỷ lệ lạm dụng rượu là gần 1/5 (đối với bia, tỷ lệ này thấp hơn).


Tỷ lệ sử dụng bia rượu cao nhất ở những người học vấn trên đại học với 77%, tiếp đó là trình độ đại học cao đẳng với 46%. Ở những người học vấn tiểu học, con số này chỉ là 27%. Nếu tính theo ngành nghề thì cán bộ nhà nước, người làm trong các doanh nghiệp, hưu trí và lao động tự do có tỷ lệ sử dụng đồ uống có cồn cao hơn hẳn so với nhóm buôn bán nhỏ, nông dân, người thất nghiệp, mất sức lao động và ngành nghề khác.

Mặc dù tỷ lệ dùng chỉ ở mức trung bình nhưng nông dân lại xếp hàng đầu trong mọi ngành nghề về lạm dụng rượu. Tình trạng này cũng khá nặng nề ở những người làm trong doanh nghiệp và lao động tự do. Nếu xếp theo trình độ, nhóm học vấn thấp lại tập trung nhiều "đệ tử Lưu Linh" nhất, đặc biệt là những người không biết chữ. Tuy nhiên, những người có trình độ sau đại học cũng không thua kém họ bao nhiêu về tỷ lệ lạm dụng rượu.

Người dân tộc thiểu số tuy không nhỉnh hơn người Kinh về tỷ lệ uống rượu nhưng mức lạm dụng lại cao gấp đôi; cứ 3 người uống thì 2 người lạm dụng.

Thạc sĩ Vũ Thị Minh Hạnh, Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, mức độ sử dụng bia rượu ở người Việt Nam khá cao: 6,4 đơn vị/ngày, cao gấp đôi so với tiêu chuẩn an toàn. Lý do bắt đầu uống chủ yếu do sự tác động của bạn bè và trạng thái hưng phấn của cá nhân. Phần lớn lượng rượu được tiêu thụ là lại được sản xuất thủ công, loại rượu có nguy cơ gây độc cao do chưa được loại bỏ hết các tạp chất.


Tại sao bia rượu được tiêu thụ mạnh?


Mặc dù rượu nghiện rượu được xếp hàng thứ năm trong 10 nguy cơ đối với sức khỏe nhưng người dân chưa quan tâm nhiều đến tác hại của nó. Thạc sĩ Hạnh cho biết không ít người thậm chí còn uống rượu vì tưởng rằng nó có khả năng chữa đau mỏi, sau một thời gian thấy đau mỏi nhiều hơn. Nhiều người vợ thường xuyên mua rượu và đồ nhắm cho chồng uống vì cho rằng như thế là chiều chồng. Tập quán và chuẩn mực văn hóa ở nhiều địa phương, nhất là nông thôn lại coi chén rượu là "đầu câu chuyện", không thể thiếu trong các buổi hội hè, đình đám, các lễ chạm mặt, ăn hỏi, ma chay...


Tình trạng gia tăng lượng rượu tiêu thụ cũng có nguyên nhân từ sự tăng mức sống và các mối quan hệ giao tiếp. Quân, một nhân viên kinh doanh ở Hà Nội nói: "Muốn công việc trôi chảy thì phải biết uống rượu, nếu không thì làm sao mà gặp gỡ, đàm phán với đối tác?".


Đặc thù công việc cũng được nhiều người coi là lý do để giải thích cho thói quen uống rượu của mình. Anh Hải, nhân viên một nhà khách ở khu nghỉ mát Tam Đảo (Vĩnh Phúc), cho biết: "Mỗi năm chỉ có mấy tháng là đông khách, những ngày còn lại buồn thiu, vợ con ở xa, không tụ tập anh em uống rượu thì biết làm gì cho qua thời giờ?". Công nhân các khu chế xuất cũng thường lấy lý do xa nhà để tập trung nhậu nhẹt trong những ngày lĩnh lương cuối tuần.


Ông Thưởng, một cán bộ hưu trí ở Hoàng Mai, Hà Nội lại cho rằng nguyên nhân của tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn là sự phát triển quá mạnh của thị trường rượu bia: "Ti vi thì quảng cáo uống bia nọ bia kia mới thể hiện bản lĩnh đàn ông. Vào quán thì toàn các cô gái xinh đẹp đến mời bật nắp bia trúng thưởng, làm sao mà không sử dụng cho được?".


Tiến sĩ Đàm Viết Cương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, ở Việt Nam, rượu bia được xếp vào nhóm mặt hàng hạn chế kinh doanh. Nhà nước đã có một số quy định để giảm tác hại của nó như cấm bán tại các bệnh viện, trường học, bến tàu bến xe, nhà ga, nhà văn hóa; cấm bán rượu cho trẻ dưới 16 tuổi. Cũng như thuốc lá, rượu được cấm quảng cáo dưới mọi hình thức. Bia được hạn chế quảng cáo: Mỗi số báo hay chương trình phát thanh truyền hình chỉ được đăng phát một quảng cáo cho một nhãn hiệu bia, mỗi đợt không quá 5 ngày đối với nhật báo và 8 ngày với truyền hình (mỗi ngày chỉ phát tối đa 5 lần). Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu lực của các quy định trên còn thấp.


Mặc dù về lý thuyết, việc cấp giấy phép kinh doanh rượu bia cần hạn chế về số lượng và đối tượng nhưng nhà nước lại thiếu các quy định cụ thể về điều kiện cấp giấy phép. Chưa có quy định nào để quản lý tình hình sản xuất và lưu thông rượu nấu thủ công. Và vì vậy, tình trạng lạm dụng bia rượu cũng khó kiểm soát.


Tiến sĩ Cương cho biết, sắp tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng một chính sách phòng chống tác hại của rượu bia và với chính sách đó, hy vọng việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng mặt hàng này sẽ "đi vào quy củ", giảm bớt nguy cơ của nó đối với sức khỏe và an toàn xã hội.

Mỗi năm Việt Nam sản xuất 1,2 tỷ lít bia. Con số này tăng 8-10% sau từng năm.

Lượng rượu được tiêu thụ ở Việt Nam mỗi năm là 350 triệu lít. Con số thực tế cao hơn rất nhiều do chưa kiểm soát được lượng rượu nấu thủ công.

Bình quân mỗi người dân tiêu thụ gần 16 lít bia và 4 lít rượu trong một năm. Với mức tiêu thụ này, mỗi năm Việt Nam tốn hàng trăm nghìn tỷ đồng.

Chi phí điều trị cho một ca ngộ độc cấp do rượu bia là 200-300 nghìn đồng, Bảo hiểm y tế không thanh toán cho khoản này


Mức an toàn trong sử dụng rượu là 3 đơn vị/ngày đối với nam và 2 đơn vị /ngày đối với nữ. Mỗi đơn vị tương đương 3 lon bia, hoặc 3 chén rượu vang 125 ml, hay 3 chén rượu mạnh 40 ml. Dùng quá mức này được coi là lạm dụng.

vnexpress
 
Bình luận (2)

micdac

tât cả chỉ là ngụy biện, hãy đội mũ BH
Ðề: Học vấn càng cao, bia rượu càng nhiều

mình k biết úông bia, rượu, nên hèn gì ngu quá

có cái rượu ông úông bà khen nghe hấp dẫn mà chưa dám thử
 

aikochan

New Member
Ðề: Học vấn càng cao, bia rượu càng nhiều

Là rượu gì thế ạ? Bác mitdac khiêm tốn ghê. Cháu thấy bác rất siêu mà. ( Chắc là do không biết uống rượu bia mà ghiền nước lọc ;) ).
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top