Hợp tác với doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản không dễ

Hợp tác với doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản không dễ

Khi tham gia buổi kết nối kinh doanh với đại diện các công ty phần mềm Nhật Bản tại TP HCM vào hôm qua, doanh nghiệp VN nhìn nhận, khả năng hợp tác cùng đối tác này nhiều may rủi với những nguyên tắc đặc biệt, có phần khắt khe hơn so với thị trường Mỹ và châu Âu.

Buổi kết nối kinh doanh do Cơ quan thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP HCM và Hội Tin học TP HCM phối hợp tổ chức. 12 công ty Việt Nam và 6 đơn vị đồng ngành của Nhật đã tham gia với khoảng 30 cuộc tiếp xúc trực tiếp.

Sau khi gặp liên tiếp 3 đại diện của doanh nghiệp phần mềm Nhật Bản, Giám đốc công ty SilkRoad Lương Y Hoà nhận xét, khách hàng Nhật có vẻ khó tính và nhìn nhận đối tác thiên về cảm tính. "Trước nay, chúng tôi chủ yếu làm việc với thị trường Mỹ, châu Âu. Với các thị trường này, nếu đối tác có thành tích, có thể mang lợi cho họ là họ hợp tác ngay", ông Hoà nói, "Nhưng khách hàng Nhật lại đánh giá đối tác thiên về cảm nhận trực quan. Trang phục, phong cách giao tiếp, những biểu hiện về phẩm chất cá nhân... có thể chi phối họ. Việc hợp tác với Nhật mang yếu tố may rủi hơn các khách hàng khác". Cũng theo ông Hoà, nhiều đối tác Nhật không chịu nói tiếng Anh nên quá trình săn thông tin từ các đối tác này khá khó khăn.

Công ty Fujinet chuyên về gia công phần mềm cho các doanh nghiệp Nhật Bản đã 5 năm. Đến buổi kết nối kinh doanh với mục đích tìm đối tác lâu dài hơn, Giám đốc Fujinet Nguyễn Đăng Doanh cho rằng đối tác Nhật không dễ hợp tác ngay sau buổi gặp gỡ đầu tiên mà họ sẽ qua lại tìm hiểu bạn hàng nhiều lần rồi mới quyết định. Nhìn chung, đây là đối tác rất nghiêm túc, họ đề cao chất lượng hàng hoá và chỉ giao việc khi đã tin tưởng. "Doanh nghiệp Việt Nam nên nói đúng mức về thực lực của mình. Và khi đã nhận được đơn hàng thì hãy cố gắng giao hàng theo thời gian ký kết, không nên trễ hạn rồi biện minh lý do. Vì có như thế mới nuôi được niềm tin với đối tác này", ông Phong bày tỏ kinh nghiệm. Ông Phong cho biết thêm, khách hàng Nhật có cách cư xử rất Á Đông. Nếu đã tin tưởng và quan hệ làm ăn, khi khó khăn họ vẫn cố gắng để đối tác không bị thiệt thòi.

Theo ông Nakano Takashi, Giám đốc điều hành Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP HCM, thị trường Việt Nam đang thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp có nhu cầu gia công phần mềm Nhật Bản. Hiện trung bình 1 tháng có 1 đơn vị của Nhật sang Việt Nam với nhu cầu tìm cơ hội hợp tác thật sự và số doanh nghiệp đi tìm đối tác sẽ tăng hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nakano, so với 2 thị trường truyền thống của Nhật là Trung Quốc và Nhật Bản thì thông tin về các doanh nghiệp Việt Nam còn quá ít ỏi. Trung Quốc cũng lợi thế hơn vì có nhiều người nói được tiếng Nhật. Nhưng nhân công của Trung Quốc và Nhật Bản đã đắt đỏ và khan hiếm hơn. Nếu doanh nghiệp Việt Nam chủ động phát tín hiệu tích cực tới Nhật, chuẩn bị tốt tư thế đón nhận đối tác gia công thì chắc chắn đơn hàng từ Nhật sẽ tăng. Việt Nam nên thiết lập văn phòng đại diện tại Nhật, tăng cường các cuộc gặp gỡ 2 bên và sẵn sàng nguồn lực đáp ứng phù hợp cho Nhật. Trong đó, quan trọng nhất là nhân lực CNTT phải biết tiếng Nhật và phải có đội ngũ quản lý dự án chuyên cho thị trường Nhật. "Khác với thị trường Mỹ, châu Âu, nhiều doanh nghiệp Nhật sẽ giao toàn bộ sản phẩm cho đối tác gia công nên cần có người quản lý dự án thích hợp. Hiện tại những dự án lớn chỉ giao cho những công ty lớn. TP HCM muốn lấy được những dự án này cần nỗ lực hơn", ông Nakano nói.

Theo đề nghị của đa số các doanh nghiệp tham gia buổi kết nối kinh doanh, tới đây, Hội Tin học TP HCM sẽ thành lập Câu lạc bộ các doanh nghiệp phần mềm định hướng hoạt động tại thị trường Nhật Bản.

(Thanh Lương-vnexpress.net)
 

Đính kèm

  • CNTT-003-to.jpg
    CNTT-003-to.jpg
    8.1 KB · Lượt xem: 205

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top