Kitakyushu: Nơi “biển chết” thành biển xanh

Kitakyushu: Nơi “biển chết” thành biển xanh

Trung tuần tháng 10-2006, phóng viên Báo SGGP đã đến thành phố Kitakyushu, tỉnh Fukuoka, Nhật Bản. Nơi đây được xem là hình mẫu tiêu biểu cho cuộc đấu tranh của nhân loại chống ô nhiễm môi trường. Chỉ trong 30 năm, Kitakyushu đã lột xác từ một nơi ô nhiễm trầm trọng trở thành thành phố đầu tiên của Nhật, được trao Giải thưởng Global 500 của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) năm 1990.
Dạo mát bằng thuyền trên sông Murasaki - nơi một thời bị ô nhiễm nặng ở trung tâm thành phố.


Ô nhiễm đến mức E-coli cũng không sống nổi

Đứng bên bờ vịnh Dokai đón cơn gió mát mang theo hương biển trong lành, thực khó hình dung được nơi này vào những năm 1960 từng bị phủ kín bởi lớp váng nước thải ô nhiễm từ các nhà máy quện thành.

Như bị đầu độc, biển xanh đã biến thành “biển chết”, đến cả vi khuẩn E-coli cũng không sống nổi. Lần giở lịch sử, năm 1901, một nhà máy thép được xây dựng ở Kitakyushu đầu tiên, sử dụng nguồn quặng sắt nhập từ Trung Quốc, và dùng năng lượng than đá để vận hành.

Từ đó, các ngành công nghiệp nặng và hóa chất phát triển nhanh chóng nhờ sự hậu thuẫn bởi các chính sách của nhà nước. Thành phố Kitakyushu trở thành một trong số bốn vùng công nghiệp dẫn đầu Nhật Bản.

Tuy nhiên, mặt trái của sự phát triển, phồn vinh này là vấn nạn về ô nhiễm môi trường. Tại quận Shiroyama ở khu vực vịnh Dokai, nơi các nhà máy chen chúc nhau dày đặc và bị liệt vào hàng “kỷ lục” ô nhiễm khói bụi của Nhật Bản vào năm 1965; tính ra bình quân mỗi tháng, trên mỗi km vuông phải hứng khoảng 80 tấn bụi công nghiệp, và mức cao nhất lên đến 108 tấn/tháng. Tình trạng ô nhiễm nặng này đã thực sự biến thành cơn ác mộng đối với người dân.

Biến “biển chết” thành biển xanh

Xót xa trước cảnh khói bụi dày đến mức sánh lại như bồ hóng, bám đầy mặt những đứa trẻ mỗi khi chúng ra đường, các bà mẹ ở Kitakyushu quyết định hành động. Được sự ủng hộ của nhiều giáo sư đại học, họ bỏ hàng tháng trời để định lượng mức độ ô nhiễm bằng cách tiến hành những thực nghiệm ngay trong nhà mình: đo lượng bồ hóng đóng trên tấm trải giường, ghi số lần trẻ con phải nghỉ học vì các chứng bệnh đường hô hấp, và bắt cá thả vào chậu nước lấy từ vịnh Dokai thì cá chết không kịp ngáp. Sau khi thu thập các chứng cứ tố cáo mức độ ô nhiễm khủng khiếp ở thành phố, các bà mẹ dấy lên phong trào yêu cầu hành động với khẩu hiệu “Hãy làm bầu trời xanh trở lại!”.

Chính quyền thành phố đã đáp lại bằng việc đặt ra những điều luật môi trường thật nghiêm khắc và yêu cầu các công ty ở địa phương phải ký kết “Điều ước ngăn chặn ô nhiễm”. Chính quyền hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các nhà máy thực hiện những biện pháp tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên và năng lượng để giảm thiểu ô nhiễm, cải tiến hệ thống xử lý chất thải, xây dựng nhiều vành đai xanh và công viên…

Năm 1972, thành phố cho nạo vét 350.000m3 cát bùn bị nhiễm độc thủy ngân ở vịnh Dokai. Năm 1970-1975, mức khói bụi ô nhiễm đã giảm được 75% mà phần lớn nhờ vào việc hạn chế dùng than đá. Với phương châm “Cả cộng đồng cùng cải tạo môi trường”, Kitakyushu đã tạo ra được vòng liên kết giữa chính quyền, các nhà máy và cư dân.

Mọi tầng lớp đều được khuyến khích đưa ra các sáng kiến kiểm soát ô nhiễm để cùng nhau thực hiện. Nhờ những nỗ lực phi thường của cộng đồng, bầu trời Kitakyushu dần trở nên quang đãng, và cá trở lại tung tăng ở vịnh Dokai. Kết quả tốt đẹp này đã được quốc tế công nhận, và đến năm 1990, Kitakyushu vinh dự nhận Giải thưởng Global 500 của UNEP.

Chia sẻ kinh nghiệm với thế giới





Trẻ em Kitakyushu đăng ký tham gia hoạt động cùng nhặt rác làm sạch môi trường.



Sau khi tự thoát khỏi cơn ác mộng ô nhiễm môi trường, bằng kinh nghiệm, kỹ thuật và nguồn nhân lực của mình, Kitakyushu đã nỗ lực đóng góp vào các hoạt động hợp tác môi trường quốc tế.

Cùng với hai tổ chức JICA Kyushu và KITA, từ năm 1986 đến 2004, thành phố đã tiếp nhận 1.292 học viên nước ngoài, trong đó có 569 người đến từ khu vực châu Á. Hiện ở JICA Kyushu có một học viên Việt Nam là Thạc sĩ Hoàng Thị Mai Hương (thuộc Ban Quản lý dự án Công trình giao thông công chính Hà Nội) đang theo học khóa đào tạo xử lý nước sinh hoạt.

Kitakyushu cũng tổ chức mạng lưới những người đến tuổi về hưu nhưng có kinh nghiệm và kỹ năng môi trường tốt để sẵn sàng đưa đến các nước đang phát triển khi có yêu cầu. Năm 1997, Kitakyushu cùng 6 thành phố Đông Nam Á thiết lập Mạng hợp tác môi trường, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh (Việt Nam), Batangas và Cebu (Philippines), Surabaya và Semarang (Indonesia), Penang Island (Malaysia).

Từ năm 1980, Kitakyushu bắt đầu cử các cố vấn về môi trường đến những nước đang phát triển nhằm giúp đỡ chính quyền địa phương lập kế hoạch và thực thi những biện pháp chống ô nhiễm theo mô hình của Kitakyushu. Hiệu quả của sự hợp tác này có thể thấy rõ qua thành công của thành phố Đại Liên ở Đông Bắc Trung Quốc, một thành phố từng được xem như “bản sao” của Kitakyushu thời kỳ ô nhiễm nặng.

Trong 15 năm, Kitakyushu đã tổ chức các lớp huấn luyện cho giám đốc các nhà máy ở Đại Liên, cải tạo nhà máy bằng kỹ thuật công nghiệp sạch, tiến hành cuộc khảo sát môi trường chi tiết kéo dài 3 năm để làm nền cho chính quyền Đại Liên phát triển một khu vực mẫu mực về môi trường, đưa Đại Liên đi đầu trong thử nghiệm giải quyết sự ô nhiễm ở Trung Quốc. Môi trường Đại Liên đã hồi sinh và được UNEP biểu dương vào năm 2001.

Trong lúc đó, cư dân Kitakyushu không ngủ quên trên chiến thắng. Các chương trình hành động vì môi trường thường xuyên được tổ chức với những hoạt động sôi nổi, cuốn hút từ người lớn tuổi đến trẻ em còn đi học. Nhiều người đã đăng ký làm tình nguyện viên ở Bảo tàng môi trường Kyushu, truyền đạt những kinh nghiệm trong cuộc chiến chống ô nhiễm và hướng dẫn quan khách tham gia vào những hoạt động tự tay biến rác thải thành vật dụng có ích. Rõ ràng, công cuộc bảo vệ môi trường cần có sự duy trì liên tục giữa các thế hệ và sự hợp tác toàn cầu giữa các quốc gia.

Theo SGGP

http://www.nhatban.net/modules/news/article.php?storyid=446
 

Đính kèm

  • aa0.jpg
    aa0.jpg
    5.9 KB · Lượt xem: 199
  • aa1.jpg
    aa1.jpg
    7.6 KB · Lượt xem: 187

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top