Người Việt Nam đầu tiên ở Nhật Bản

Người Việt Nam đầu tiên ở Nhật Bản

Người Việt đầu tiên tới Nhật là một vị sư đi tham dự lễ lạc thành (khai mạc) tượng Phật ở chùa Todaiji (Đông Đại Tự) ở cố đô Nara (Nại Lương) vào năm 752.
Tuy nhiên, có lẽ công chúa Nguyễn Thị Ngọc Hoa, còn có tên là Vương Gia Cửu là người Việt đầu tiên đến định cư ở Nhật Bản. Bà đã được Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả cho một thương nhân rất giàu có kiêm thuyền trưởng Nhật Bản tên Sotaro Araki (Hoang Mộc Tôn(g) Thái Lang) đến Việt Nam vào thập niên 10 đầu thế kỷ 17, để buôn bán tại Phố Hiến thuộc Hải Phòng và Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Dưới thời Hậu Lê, Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn phân tranh, giặc giã khắp nơi. Trước đó, Nguyễn Kim nổi lên định chiếm lĩnh một vùng thì bị diệt. Năm 1599, Trịnh Tùng (1570-1620) lên ngôi Chúa, con Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng (1600-1613) thấy anh là Nguyễn Uông đã bị giết nên sợ, xin Chúa Trịnh vào Nam khai khẩn (khi đó mới có tới miền Trung). Rồi kế đến Nguyễn Phúc Nguyên (1913-1935), muốn lập một cõi riêng, để xây dựng cơ sở, mộ quân, chế tạo binh khí... thấy không gì hơn là mở cảng để giao thương và thu thuế nên đã lập ra cảng Hội An, là giao điểm buôn bán Đông-Tây của con đường "Tơ Lụa Trên Biển".

Ông Sotaro Araki đến Việt Nam, với giấy phép của Sứ Quân ghi "Độ Nhật Bản Đáo Giao Chỉ Quốc" tức Đi Từ Nhật Bản Đến Nước Giao Chỉ. Ông được yết kiến Chúa Nguyễn, nguyện phục tùng dưới trướng, được Chúa cho gia nhập hoàng tộc với tên Nguyễn Thái Lang và hiệu là Nguyễn Hùng. Sau ông đi lại Việt Nam nhiều lần, được Chúa Nguyễn thương gã con gái cho năm 1619.

Ngay sau đó bà Ngọc Hoa theo chồng về Nagasaki (Trường Kỳ) sinh sống, với tên Nhật rất ưu ái là Anio (Vương Tử). Ông Sotaro Araki mất ngày 7/11/1636, bà mất năm 1645, ngẫu nhiên cùng một ngày với chồng. Hai người có một con gái, đặt tên là Yasu (Gia Tu). Không có ghi nhận chi tiết về cuộc sống của bà, từ khi qua Nhật cho đến khi mất bà không về Việt nam lần nào, bia mộ chung hai vợ chồng tại chùa Đại Âm Tự (Daionji), còn có tin nói được cất quay về phương Nam để hướng về cố quốc. Viện bảo tàng Nghệ Thuật Nagasaki vẫn còn lưu trữ chiếc gương soi của bà Ngọc Hoa, các hình vẽ và tài liệu về ông Sotaro Araki.

Một số sử liệu thời Hoằng Định của Nhật Bản, hay cuốn "Những Samurai Của Biển" (Umi No Samuraitachi) do Ichiro Shiaishi (Bạch Thạch Nhất Lang) viết và đài NHK phát hành có ghi chép về cuộc hôn nhân Nhâ.t-Việt này. Nay có Hội Hữu Nghị Nagasaki-Việt Nam (Nagasaki-Vietnam Yuko Kyokai).

Đặc biệt, 7 năm 1 lần, vào năm … 1999, 2006…, từ ngày 7 đến 9 tháng 10, trong lễ hội ở Nagasaki có phần rước Chu Ấn Thuyền (Nhật Bản) với hai em bé đóng vai Sotaro Araki và Anio và ca vũ rất long trọng để đánh dấu sự kiện này. Dịp này, Hội Hữu Nghị Nagasaki-Việt Nam thường mời các nghệ sĩ Việt Nam qua trình diễn.
Năm 1995, đài truyền hình CV21 của Nhật Bản đã phối hợp với đài truyền hình Sài Gòn Việt Nam (HTV) thực hiện tập phim tài liệu "Thời Gian Vĩnh Cửu", ghi lại mối tình hy hữu Việt-Nhật cách nay gần 400 năm.
 
Bình luận (3)

kamikaze

Administrator
Ðề: Người Việt Nam đầu tiên ở Nhật Bản

Cảm ơn bạn đã gửi bài viết rất có giá trị này. Xin lỗi xin cho biết trích từ tài liệu nào vậy? Theo một tài liệu khác thì công chúa này không phải là Nguyễn Thị Ngọc Hoa mà là Nguyễn Ngọc Vạn(Tức là hai người này khác nhau).
 
Ðề: Người Việt Nam đầu tiên ở Nhật Bản

Xin chào mọi người
Mọi tư liệu sử sách đều có tỷ lệ sai sot do thất truyền hoặc truyền khẩu hoặc do chiến tranh hay đơn giản là do thời gian
Việc Kamikaze có tư liệu là công chúa Ngọc Vạn là người đầu tiên đến Nhật bản chắc cũng do 1 trong các lý do trên ,xin đưa ra thêm 1 só tư liệu như sau:
Thời kỳ Phong kiến ,1 số vua chúa vì tranh giành quyền lực,vì nhứng mối quan hê bang giao ,hay có việc gả bán công chúa vv , do vây; (trích)
Chính sách hôn nhân nhằm mục đích chính trị này cũng đã được các chúa Nguyễn sau này sử dụng trong công cuộc Nam tiến của mình. Từ thế kỷ XVII, đã có nhiều người Việt đến hai xứ Đồng Nai và Mỗi Xuy của Chân Lạp (Biên Hòa, Bà Rịa nay) để vỡ hoang làm ruộng. Vua Chân Lạp Chey Chetta II muốn tìm một đối lực để chống lại lân bang Tiêm La nguy hiểm kia, đã xin cưới một công chúa Nguyễn làm hoàng hậu, hầu trông mong sự ủng hộ của triều đình Thuận Hóa. Và chúa Hy Tông Nguyễn Phúc Nguyên với mưu đồ xa xôi muốn tiến vào đất phương Nam, năm 1620 đã gả cho vua Chân lạp một công nữ. Cuộc hôn nhân này ảnh hưởng lớn lao đến vận mạng Chân Lạp về sau. Bà Hoàng hậu này “đem nhiều người Việt đến, có người được giữ chức hệ trọng trong triều, bà lại lập một xưởng thợ và nhà buôn bán gần kinh đô” (Việt sử xứ Đàng Trong - Phan Khoan). Sử sách của nhà Nguyễn phần lớn không ghi chép gì về việc này , trong “Tiền biên liệt truyện“ tiểu sứ hai công chúa để khuyết , vì nhà Nguyễn cho đây là việc không lấy gì làm tốt đẹp. Giáo sĩ Borri ở Đàng Trong trong thời gian ấy cũng nói đến cuộc hôn nhân này, đó là công chúa Ngọc Vạn hay Ngọc Hoa. Các tài liệu Nhật Bản khẳng định công chúa Ngọc Hoa được chúa Sãi gả cho một thương nhân người Nhật, còn bà Ngọc Vạn là vợ của vua Chey Chetta II.
Với cuộc hôn nhân giữa Chetta II và nàng công chúa Ngọc Vạn, đã đưa đến việc thiết lập các cơ sở Việt Nam ở Sài Gon năm 1623, chúa Nguyễn đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ ở triều đình Chân Lạp và trên Thủy Chân Lạp, để rồi từng bước di dân xâm thực, chúa Nguyễn đã hoàn toàn làm chủ xứ Đàng Trong, góp phần lớn lao trong công cuộc mở mang bờ cõi nơi biên cương và giữ gìn sự vẹn toàn của lãnh thổ.
Cá thông tin tóm lược trên đuợc trích dẫn rất nhiều trong các tài liệu lịch sử Việt Nam
Các bạn co thể tìm trên các web : nguoivietonline hay www.huongduong.com.au

Chúc vui vẻ nhe
Sonpaintus
 
Ðề: Người Việt Nam đầu tiên ở Nhật Bản

Thêm tư liệu về công chúa Ngọc Vạn - Người có rất nhiều công lao cho đát nươc hồi thế kỷ 17
CÔNG CHÚA NGỌC VẠN

Vào đầu thế kỷ 17, sau khi Nguyễn Hoàng từ trần năm 1613, con là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên, lúc đó 51 tuổi (tuổi ta), lên kế vị và cầm quyền ở Đàng Trong từ 1613 đến 1635. Theo di mệnh của Nguyễn Hoàng, Sãi Vương quyết xây dựng Đàng Trong thật vững mạnh để chống lại chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Do đó, ông giao hảo với các nước phương nam để củng cố vị thế của ông.

Phía nam nước ta là Chiêm Thành và Chân Lạp (tức Cambodia ngày nay). Lúc đó, vua Chân Lạp mới lên ngôi là Chey Chetta (trị vì 1618-1628). Ông nầy muốn kết thân với chúa Nguyễn để làm thế đối trọng với vua Xiêm La (Siam tức Thái Lan ngày nay), nên đã cầu hôn với con gái Sãi Vương.

Không có sử sách nào ghi lại diễn tiến đưa đến cuộc hôn nhân nầy. Có thể vì ngày trước, quan niệm người Chân Lạp là man di, nên các sách sử nhà Nguyễn tránh không ghi lại việc nầy. Bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên, khi ghi chép về các con gái của Sãi Vương, đến mục „Ngọc Vạn“, đã ghi rằng: „Khuyết truyện“ tức thiếu truyện, nghĩa là không có tiểu sử. Gần đây, bộ gia phả mới ấn hành năm 1995 của gia đình chúa Nguyễn cho biết là vào năm 1620 (canh thân) Sãi Vương gả người con gái thứ nhì là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey-Chetta II.(5)

Ba năm sau cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn, Sãi Vương cử một sứ bộ sang Chân Lạp xin vua Chey-Chetta II nhượng khu dinh điền ở vùng Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến đó canh tác. Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và Mô Xoài là bàn đạp để người Việt dần dần tiến xuống đồng bằng sông Cửu Long.

Chồng công chúa Ngọc Vạn, vua Chey-Chetta II từ trần năm 1628. Từ đó triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra cuộc tranh chấp ngôi báu giữa các hoàng thân. Năm 1658 (mậu tuất) hai hoàng thân So và Ang Tan nổi lên đánh vua Chân Lạp lúc bấy giờ là Nặc Ông Chân (trị vì 1642-1659), nhưng thất bại, xin nhờ thái hậu Ngọc Vạn giúp đỡ. Thái hậu Ngọc Vạn chỉ cách cho hai người nầy cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần, cháu gọi thái hậu Ngọc Vạn bằng cô ruột, liền cử phó tướng Tôn Thất Yến (hay Nguyễn Phúc Yến), đang đóng ở Phú Yên (dinh Trấn Biên), đem 3.000 quân qua giúp, bắt được Nặc Ông Chân ở vùng Mô Xoài (Bà Rịa ngày nay), đưa về giam ở Quảng Bình vì lúc đó nhà chúa đang hành quân ở Quảng Bình. Tại đây, Nặc Ông Chân từ trần năm 1659.(6)

Chúa Nguyễn phong So lên làm vua Chân Lạp tức Batom Reachea (trị vì 1660-1672). Từ đó, nước ta càng ngày càng can thiệp vào công việc của Chân Lạp và đưa người thâm nhập nước nầy, dần dần tiến đến sinh sống tận mũi Cà Mau như ngày nay.

Như thế, đã hai lần bà Ngọc Vạn đã dẫn đường cho người Việt mở đất về phương nam. Lần thứ nhất sau cuộc hôn nhân năm 1620 và lần thứ nhì trong cuộc tranh chấp nội bộ vương quyền Chân Lạp năm 1658
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top