Nhật Bản: Tranh cãi về dạy tiếng Anh bắt buộc ở bậc tiểu học

Nhật Bản: Tranh cãi về dạy tiếng Anh bắt buộc ở bậc tiểu học

Giáo dục Nhật Bản dường như đang có quyết tâm rất lớn đưa tiếng Anh vào giảng dạy từ các lớp nhỏ. Hội đồng giáo dục trung ương đã đề xuất coi tiếng Anh là môn bắt buộc ngay từ lớp 5 (bậc tiểu học dài 6 năm). Tuy nhiên, những người chỉ trích phản ứng quyết liệt rằng trường tiểu học là chỗ cho trẻ học tiếng mẹ đẻ. Thực tế đặt ra một câu hỏi, rằng số lượng giáo viên tiếng Anh đủ năng lực để triển khai trên diện rộng sẽ lấy ở đâu ra?

Trong năm học này, 93,6% trường tiểu học công lập đã đưa các hoạt động liên quan đến tiếng Anh vào chương trình. Nhiều trường sử dụng thời gian ngoại khóa để dạy tiếng Anh, thường sử dụng các bài hát và trò chơi để trẻ làm quen với tiếng Anh.

Học sinh lớp 6 có trung bình 13,7 giờ học tiếng Anh mỗi năm, trong khi các trường như trường tiểu học Amano tại Kawachinagano, quận Osaka – một trường điểm được Bộ Giáo dục thành lập hơn 10 năm trước với mục đích nghiên cứu giáo dục – dành khoảng 70 tiết tiếng Anh mỗi lớp hàng năm.

Những học sinh lớp 1 và lớp 2 trường Amano sử dụng bài hát và trò chơi để làm quen với ngôn ngữ, các lớp 3 và 4 sử dụng kịch ngắn, và học sinh lớp 5 và 6 cùng nhau diễn đạt một bài báo bằng tiếng Anh. Khi học sinh lớp 6 ở trường thí điểm được cho làm thử bài thi tuyển vào trường trung học phổ thông – tức là dành cho học sinh nhiều hơn 3 tuổi – các em trả lời đúng từ 44% trở lên các câu hỏi.

Giáo dục Nhật Bản lâu nay vẫn bị chỉ trích là tụt hậu trong giáo dục tiếng Anh so với nhiều nước khác. Hàn Quốc đưa giáo dục tiếng Anh bắt buộc vào trường tiểu học từ năm 1997. Từ năm 2001, giáo dục tiếng Anh bắt buộc tại Trung Quốc đã vượt ra khỏi các thành phố về tới nông thôn. Nhiều nước châu Âu như Pháp và Đức, từ lâu đã buộc học sinh tiểu học học ngoại ngữ.

Phụ huynh là những người quan tâm đặc biệt về khả năng tiếng Anh của trẻ em. Nhiều người cho con học tiếng Anh từ rất sớm. Vào cuối năm 2005, trường tiếng Anh Yamaha, có 1600 cơ sở, thu hút 63.000 học viên tiếng Anh trẻ tuổi – tăng 35% so với 5 năm trước đó.

Đặc biệt được ưa thích là lớp dành cho trẻ 2 và 3 tuổi. Cuộc nghiên cứu của Bộ Giáo dục cũng phản ánh xu hướng này, cho thấy rằng 70,7% phụ huynh gửi con vào trường công đồng thuận giáo dục tiếng Anh ở trường tiểu học nên là môn bắt buộc. Lí do chính mà Bộ Giáo dục lần lữa là “Trẻ sẽ ít chịu học nếu chúng bắt đầu từ tuổi quá nhỏ”.

Cũng có sự quan tâm lớn từ thế giới thương mại. Hiệp hội quản trị tập đoàn Nhật vào tháng 6/1999 đã kêu gọi “giáo dục nói tiếng Anh nên được thực hiện từ bậc tiểu học” để thích ứng với quốc tế hóa thị trường và đảm nhiệm các vị trí tại nước ngoài. Hiệp hội này hưởng ứng nhiệt liệt với đề xuất của Hội đồng GD trung ương: “Cần thiết phải thực hiện điều này thật nhanh, thậm chí dù chỉ ở mức độ tăng khả năng giao tiếp của trẻ”.

Thế nhưng, số những người phản đối kế hoạch trên lại không phải là ít. Nhiều chuyên gia tin rằng giáo dục tiếng Anh ở bậc tiểu học là một sai lầm. Vào tháng 2 vừa qua, một nhóm khoảng 100 nhà nghiên cứu với trưởng nhóm là giáo sư Yukio Otsu, ĐH Keio, đã gửi đơn tới Bộ trưởng Giáo dục phản đối đưa tiếng Anh thành một môn ở trường tiểu học.

Trong đơn trình bày rằng không có dữ liệu thuyết phục và cảnh báo sẽ tạo ra sự lẫn lộn trong phòng học. Masahiko Fujiwara, một nhà toán học tại ĐH Ochanomizu đồng thời là nhà phê bình có tiếng, thường lên tiếng chỉ trích những thay đổi trong hệ thống giáo dục, nói: “Những thứ quan trọng nhất trong trường tiểu học là tiếng Nhật và toán... Điều quan trọng là trước tiên dạy cho trẻ học văn hóa và truyền thống của đất nước. Nói được tiếng Anh không có nghĩa bạn sẽ là một “người quốc tế”.

Trong khi những bất đồng về quan điểm vẫn còn khoảng cách xa vời thì những nguồn lực để thực hiện giáo dục tiếng Anh sớm đặt lên bàn cân dường như không đáp ứng được tham vọng.

Một mối quan tâm chính là nếu đề xuất được chấp thuận thì làm thế nào để bảo đảm những tiết học tiếng Anh trên lớp. Với một “hệ thống giáo dục thư thả” và tuần học 5 ngày, tổng số giờ học tiếp tục giảm và nếu những tiết học khác bị loại bỏ để dành cho tiết tiếng Anh thì chắc chắn sẽ có phản ứng.

Các trường học cũng gặp khó khăn bảo đảm đủ giáo viên có chất lượng. Hiện tại, giáo viên chủ nhiệm tạm thời đảm nhiệm vai trò giáo viên tiếng Anh trong lớp của mình khoảng 90% thời lượng. Giáo viên trường tiểu học thực tế thiếu năng lực, thậm chí cũng rất khó để có chuyên gia dạy tiếng Anh ở bậc cao đẳng và đại học. Những tiết dạy với trợ giảng tiếng Anh cũng rất ít.

Tất cả cho thấy, cho dù đề xuất dạy tiếng Anh bắt buộc trong trường tiểu học nếu được thực hiện cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

(Theo Giáo dục Thời đại)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top