Sự kỳ thị người Nhật trên báo chí Anh, Mỹ

Sự kỳ thị người Nhật trên báo chí Anh, Mỹ

Nhà báo David McNeil viết bài bình luận trên tờ Japan Times về cách báo giới Anh và Mỹ bộc lộ định kiến chủng tộc khi nói về vụ cô gái Anh Lindsay Hawker bị giết hại và thi thể chôn trong bồn tắm đầy cát, trong một căn hộ ở Nhật. Bài viết dưới đây còn được trích đăng lại trên tờ Times.

Ít ngày sau khi thi thể của nữ giáo viên Anh Lindsay Hawker được tìm thấy trong căn hộ tầng 4 ở Ichikawa (ngoại ô Tokyo), một tổng biên tập gọi điện cho tôi từ London: “Vụ án có diễn biến mới gì chưa? Ở đây, người ta đang cuồng hết cả lên vì cái sinh vật ấy và sự say mê của hắn đối với các phụ nữ da trắng”.

Làm nghề phóng viên là phải quen với những đòi hỏi kỳ quặc của các chủ bút muốn duy trì doanh số cao cho những tờ báo của họ. Câu chuyện có những yếu tố hay nhất cho một bài viết trên trang nhất: một vụ án tàn bạo có hơi hướng dâm ô, một nạn nhân xinh đẹp, một thủ phạm độc ác và khôn ngoan đã bỏ trốn. Nó còn có một yếu tố khác đáng lo ngại hơn: chủng tộc.

Tatsuya Ichihashi xuất hiện trong nhiều bài báo với hình ảnh một người đàn ông Nhật, ném những cái nhìn lén lút vào người phụ nữ phương Tây mà họ không thể với tới.

Để chứng tỏ bên dưới chiếc complet của mỗi nhân viên văn phòng Nhật ẩn giấu một kẻ đầu óc nhiều tà ý, một số phóng viên nước ngoài phỏng vấn các cô gái bar da trắng tại khu hộp đêm Roppongi – “trung tâm của xã hội” Tokyo – như tờ báo Anh Daily Mail miêu tả. Nhiều cô gái làm việc tại đây tỏ ra lo lắng về những người đàn ông Nhật “kỳ quái”.

“Trong khi một số phụ nữ Anh miêu tả thái độ của những người đàn ông mà họ gặp phải là kỳ lạ và khó đoán trước, những người khác nói rằng đàn ông Nhật tôn thờ những phụ nữ phương Tây”, tác giả bài báo viết. Và những phụ nữ Anh “cao ráo hơn” và “có tư tưởng phóng khoáng hơn” phải “liên tục chịu đứng sự chú ý mà họ không hề mong muốn từ cánh nam giới – chẳng hạn việc sờ mó trên tàu”. “Họ muốn bạn thuộc về họ nhưng họ bực bội vì họ biết rằng họ không thể có bạn”, một cô gái bar bình luận.

Có thể thấy ở đây xuất hiện hàng loạt những ấn tượng sáo mòn về chủng tộc. Người đàn ông Nhật khó hiểu và xảo quyệt quá hèn nhát để nói thẳng ra điều mà anh ta muốn: lên giường với một cô gái Anh. Vì sao các tờ báo không đặt ra những câu hỏi hiển nhiên hơn: Tại sao lại phải đến khu hộp đêm để tìm hiểu về cuộc sống của một giáo viên dạy tiếng Anh, tại sao lại chọn cái nơi vốn kiếm tiền từ những tưởng tượng tình dục để điều tra về quan hệ chủng tộc và những gì nam giới thực sự nghĩ? Người phóng viên không buồn đi phỏng vấn một người Nhật nào.

Trái lại, khi một hãng thông tấn của Nhật AFP-Jiji phỏng vấn các khách hàng nam giới, họ đã giải thích vì sao lại nghĩ rằng tiền cho phép họ quá đà với các cô gái: “Không có nước nào có nhu cầu cao với gái bar như Nhật. Ngay cả cho dù các cô gái không thông minh, họ vẫn kiếm được nhiều tiền miễn là họ xinh đẹp. Bạn cũng phải nhớ là các cô ấy đến từ một nước mà họ sẽ chỉ kiếm đuợc 1/10 thu nhập họ có được từ đồng yen ở đây”.

Hàng loạt các tờ báo Anh tạo ra ấn tượng rằng Lindsay Hawker dự định rời Tokyo vì cô cảm thấy bất an khi ở gần những người đàn ông Nhật.

Ngay cả những hãng tin "có uy tín" cũng không thoát khỏi những định kiến kỳ quặc khi đưa tin về Nhật. Đài CBS (Mỹ) trong chương trình tài liệu "60 phút" cũng đến Roppongi để điều tra về vụ cô gái bar người Anh Lucie Blackman bị giết hại. Trong số “hàng triệu người đàn ông Nhật” tìm kiếm “tình yêu của một cô gái trẻ phương Tây”, các phóng viên CBS chọn kẻ ăn thịt người điên loạn Issei Sagawa làm nhân vật chính dẫn dắt họ trong phóng sự mang tên “Những kẻ săn mồi ở Tokyo”.

Sagawa từng khai mình bị mất trí năm 1981, khi lý giải cho hành động giết và ăn thịt một sinh viên Hà Lan. Thế mà, phóng viên CBS phát biểu dõng dạc: “Điều đáng sợ là y không chỉ có một mình. Ở Tokyo đêm nay, những kẻ săn mồi đang đi rình mò những cô gái trẻ Australia”.

Erika Gondo là một trong những khán giả đã không tin vào lập luận của các nhà sản xuất chương trình rằng họ “chỉ đang cố gắng” cảnh báo cho các phụ nữ biết về mối nguy hiểm. “Khá nhất thì đây là trường phái giật gân thấp hèn, còn tệ nhất thì đây là sự kích động tư tưởng bài chủng tộc”, cô nhận xét trong thư gửi CBS. Đài này về sau bác bỏ thông tin họ đã trả Sagawa 800 USD cho buổi phỏng vấn.

Trên thực tế, cứ một người phụ nữ làm nghề phục vụ trong hộp đêm với những quan điểm hằn học (điều có thể hiểu được) đối với các khách hàng của họ, các phóng viên có thể dễ dàng tìm thấy 50 người khác nói cho họ biết đường phố ở đô thị Nhật an toàn hơn hầu hết các thành phố nơi đặt các tòa soạn của họ. Tỷ lệ các vụ cưỡng hiếp ở Nhật là 1,75 trên 100.000 người, so với 16,5 ở Anh và 31,77 ở Mỹ. Số liệu thống kê về các vụ bắn súng, giết người và tấn công nghiêm trọng của Nhật cũng thấp hơn nhiều các nước công nghiệp khác.

Một định kiến phổ biến khác là người Nhật nghiện văn hóa phẩm đồ trụy. Điều này trên thực tế phức tạp hơn nhiều. Mỹ mới là nước sản xuất nhiều ấn phẩm khiêu dâm nhất thế giới. Tỷ lệ tiêu thụ ấn phẩm đen tính trên đầu người ở Hàn Quốc cao hơn Nhật. Trung Quốc là nước có doanh thu cao nhất thế giới từ các ấn phẩm loại này. Hơn nữa hàng đống những phim ảnh đen có chủ đề là người châu Á xuất hiện nhan nhản ở phương Tây có thể dễ dàng xóa bỏ ảo tưởng rằng chỉ có nam giới Nhật mới mơ đến những cô gái ngoại quốc.

Câu chuyện hoàn toàn bịa đặt

Các bạn đã bao giờ nghe đến vụ lừa mua chó xù chưa? Câu chuyện ấy như thế này: Hàng nghìn người Nhật yêu chó và cả tin đã bị gạt tới 150.000 yen (hơn 1.200 USD) để mua những con cừu được cắt xén lông cẩn thận giả làm chó xù. Vụ lừa chỉ bị phát hiện, khi một chủ nhân của một “chú chó” bị ốm đưa nó tới bệnh viện. Tại đó, các bác sĩ đưa ra một tin xấu: chú chó yêu kia thực ra là một con cừu.

Câu chuyện này mới đây được báo chí khắp thế giới đưa, kể cả các đài của Mỹ, Australia và New Zealand. Tờ Sun của Anh còn tuyên bố hàng loạt đàn cừu đã được xuất khẩu từ Anh và Australia qua một công ty trên Interrnet có tên là "Poodles as Pets", đặt tại vùng Hokkaido của Nhật. Một cảnh sát Nhật còn bình luận: “Chúng tôi cho rằng có hơn một công ty kinh doanh kiểu này”.

Tờ Sun khẳng định có tới 2.000 phụ nữ giàu có đã mua cừu vì tưởng chúng là chó xù. “Một cặp vợ chồng phát hiện ra sự thật chỉ sau khi một người làm nghề chăm sóc chó cho họ biết cô ấy không thể tỉa móng cho con chó của họ, vì chúng là móng guốc”.

Câu chuyện này có rất nhiều chi tiết đáng ngờ. Trước hết, cừu không hành động hay trông giống chó xù. Còn phát biểu cho rằng người Nhật “không biết cừu trông như thế nào” có thể đáng tin ở đâu chứ không thể tại Hokkaido, vốn là trung tâm ngành kinh doanh chăn nuôi cừu của Nhật.

Vậy vì sao giới báo chí Nhật – vốn thích những câu chuyện lạ - lại im lặng? Các phóng viên nước này đã không tìm được vị chủ nhân nào bị lừa, một cảnh sát nào tham gia điều tra vụ việc, hay một công ty nào có tên là "Poodles as Pets". Nhưng họ tìm ra được nữ diễn viên Maiko Kawakami, người mà các báo phương Tây tuyên bố là một nạn nhân của vụ lừa đảo. Cô cho biết là thực ra cô chỉ nghe nói là câu chuyện “xảy ra với một người bạn của một vị khách” trong một trung tâm thẩm mỹ. “Tôi kinh ngạc khi hay tin là khắp thế giới lại đưa tin về vụ đó”, cô bình luận. “Thậm chí chính tôi còn không biết là nó có đúng hay không”.

Dĩ nhiên, câu chuyện hoàn toàn bịa đặt, với những lời trích dẫn và cả “cuộc điều tra của cảnh sát” cũng được bịa nốt. Truyền hình Nhật về sau đã dẫn vụ này như là một ví dụ của toàn cầu hóa, những chuẩn mực báo chí đi xuống và sự phân biệt chủng tộc. “Thế giới đang giễu cợt người Nhật”, một người dẫn chương trình truyền hình nhận xét.

Nhật là địa điểm cho những câu chuyện kỳ quái và thường chỉ đúng nửa vời: những người đàn ông làm công ăn lương đọc sách khiêu dâm trên tàu (điều đã trở nên hiếm hoi), việc ăn thịt cá voi hàng loạt (chỉ dưới 1% dân số), những hầu bàn robot (không hề có). Tất cả những điều này tạo nên ấn tượng về một nước Nhật kỳ dị.

(vnexpress.net)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top