Thế giới ráo riết chuẩn bị chống đại dịch cúm

Thế giới ráo riết chuẩn bị chống đại dịch cúm

Không phải vô cớ mà nhật báo Washington Post 31-7-2005 đăng một bài viết với tựa đề rất "báo động": “Thế giới chưa sẵn sàng đối phó với bệnh cúm”, ngay trên trang 1 (A 01) của tờ báo dày cộm này.

Tác giả David Brown trích lời các quan chức y tế (Mỹ) cho rằng họ “đang chuẩn bị cho trận chiến chống lại điều mà họ gọi là “đại dịch toàn cầu không thể tránh khỏi”.

Đây không phải là tiếng chuông báo động đầu tiên. Ở nhiều nước khác, các quan chức y tế cũng đã chuẩn bị lực lượng cho cuộc chiến này.

Các nhà khoa học Mỹ của Bệnh viện St. Jude (bang Tennessee) hôm 19-7 công bố kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy thuốc trị cúm thông thường Tamiflu có tác dụng tích cực đối với dòng virus H5N1 tại VN.

Nếu biết rằng Bệnh viện St. Jude Children’s Research Hospital là bệnh viện nhi chuyên nghiên cứu đối phó các dịch tễ lạ và hiếm đầy tự hào của Hoa Kỳ, thì có thể thấy y tế Hoa Kỳ quan tâm đến cúm gà đến đâu. Thêm một bằng chứng để thêm củng cố cơ sở khoa học tại một nước mà hệ thống y tế, nhất là cơ quan FDA (quản lý thực -dược phẩm), có truyền thống không tin, không sử dụng những thuốc các nước khác cấp phép lưu hành, trái lại chỉ tin những thuốc được FDA cấp phép lưu hành mà thôi!

Từ kết quả công bố hôm 19-7 đó, y tế Hoa Kỳ có thêm cơ sở “ao nhà” để củng cố niềm tin vào kết luận của “thiên hạ” về chất Oseltamivir trước virus H5N1 lây từ người sang người, cho dù trước đó trong một hội thảo toàn ASEAN về cúm gà ở Bangkok hôm 19-4 năm nay, một trong những giáo sư của Bệnh viện St.Jude này, Robert G. Webster, đã trách: “Các nước ASEAN đã không dự trữ đủ thuốc chống cúm gia cầm để bảo vệ người dân của mình”.

"Liều thuốc thử" tại Đông Nam Á

Dịch cúm gà bùng nổ tại Đông Nam Á từ đầu năm ngoái cùng những đợt điều trị liên tiếp cho đến nay bằng thuốc này đã cho phép tin rằng thuốc này có thể trị được cúm gà do virus H5N1 nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời.

Những liều thuốc Tamiflu đầu tiên đến VN bằng viện trợ y tế của Tổ chức WHO (2.000 viên) và cả bằng đường nhập khẩu (TP.HCM nhập 1.500 viên đầu tháng 2-2004). Nhật Bản, một nước cũng bị cúm gà, đã viện trợ ào ạt 100.000 viên. Các liều thuốc Tamiflu này chứng tỏ tác dụng: tính từ 17-10-2003, tức ngày đầu khởi dịch, đến 22-2-2004, tức một ngày trước khi công bố khống chế được dịch (đợt đầu), có 126 người đã bình phục và ra viện so với 38 người tử vong (do nhập viện trễ hay thể trạng yếu, hay có thêm bệnh sử khác...?).

Tại Thái Lan cũng có những kết quả khích lệ: đầu tháng 3-2004, bệnh nhân thứ 21, một bé trai 1 tuổi ở Nakhon Ratchasima (Thái Lan), đã hồi phục sức khỏe sau khi được điều trị bằng thuốc này. Được biết, một liều điều trị gồm 10 viên Oseltamivir 75mg/viên uống trong vòng năm ngày.

"Tích cốc phòng cơ"

Từ các kết quả lâm sàng đó ở các nước Đông Nam Á và sau khi đã hiểu rõ thêm cơ chế bệnh cúm gia cầm, các nước công nghiệp lần lượt mua trữ thuốc này. Hãng tin thị trường MarketWatch 6-4-2005 cho biết: Chính phủ Hoa Kỳ đã đặt mua 2,3 triệu liều thuốc này. Anh, Bỉ, Canada, Pháp cũng đã đặt mua, đơn vị đặt mua là hàng triệu liều. Thật ra, 2,3 triệu liều mà Mỹ đặt mua chưa thấm vào đâu so với Anh, cả trên bình diện tổng số lẫn tỉ lệ liều thuốc/dân số: 14,6 triệu liều.

Những quyết định "tích dược phòng cơ" như thế có lý do của nó. Một nước như Canada cũng đã có kinh nghiệm với H5N1 khi một nhân viên Cơ quan Kiểm soát thực phẩm Canada (AFIA) nhiễm virus cúm gà sau khi tiếp xúc với gà chết bệnh tại một trang trại ở thung lũng Fraser (CBC news 27-3).

Quả thật, không thể không... phòng cơ khi mà H5N1 nay đã xuất hiện nơi nhiều loài chim khác nhau, chứ không chỉ nơi gà vịt như từng thấy. Những con chim di trú chết ở Trung Quốc đã đành, còn những con lúc đó chưa chết, còn đủ sức bay đến một nơi nào khác? Cúm gia cầm xuất hiện ở Nga vào đầu tháng tám ở tận Siberia có nguồn gốc từ đâu và sẽ từ đây bay đến đâu? Không khó lắm để hình dung phân bố dịch tễ học của virus H5N1 qua đường chim bay.

Trong khi đó, các nhà khoa học của Bệnh viện St.Jude nêu trên đã có những báo động khác. Virus cúm týp B của người (cúm thông thường) thường thì không gây tử vong khi thí nghiệm nơi chuột, có thể biến thành cực độc một khi có một biến đổi gen lạ thường nơi một protein mang tên M1 - từ đó gọi là virus týp

B/Memphis/12/97. Ngoài thể này, virus cúm này còn có thể biến đổi gen ở nhiều thể khác (http://www.stjude.org/infectiousdiseases/0,2535,427_2054_18458,00.html).

Vấn đề ở chỗ ai cũng có thể cúm được cả, biết cúm nào là cúm nào? Chính vào lúc mà cả cúm “thường” cũng có thể đe dọa nếu gen đột biến, lại xuất hiện từ Trung Quốc thêm loại cúm lợn do cầu khuẩn như đã từng xuất hiện bệnh SARS. 36 người đã chết vì cúm lợn từ tháng sáu! Vấn đề cơ bản là làm sao đừng để loại cúm này “thẩm thấu” qua đường “thịt lợn mậu biên”.

Tất nhiên, không phải không có những chuẩn bị “tích cốc” từ phía VN. Tỉ như nếu vào cuối tháng 1-2005, Sở Y tế TP.HCM có trong tay khoảng 17.000 viên thuốc đặc trị họ Oseltamivir (hơn phân nửa số dự trữ của Thái Lan vào thời điểm hội nghị cúm gà ASEAN tháng 4-2005), thì cách đây hai tháng, Sở Y tế TP.HCM lại đã tiếp xúc với hãng thuốc, đặt vấn đề mua thuốc này ở dạng bột thay vì mua dạng viên (đắt hơn) để... phòng cơ được nhiều hơn. Trước tiên là sự tự đề phòng.

(Theo Tuổi Trẻ)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top