Đại tá Trần Bá Khoa
Viện Nghiên cứu chiến lược
Viện Nghiên cứu chiến lược
Đặc điểm nổi bật nhất của công nghiệp quốc phòng Nhật Bản là chiến lược phát triển công nghiệp lưỡng dụng.
Khác với Mỹ và các nước phương Tây, chỗ dựa vững chắc của công nghiệp quốc phòng Nhật Bản là cơ sở công nghệ dân dụng. Vũ khí trang bị được sản xuất chủ yếu tại các công ty tư nhân gọi là Keiretsu như Mitsubishi Kawasaki... Tuy nhiên sản xuất hàng quân sự cho quốc phòng không bao giờ vượt quá 16% tổng doanh thu của các công ty này.
I/ Hiện trạng nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản.
Ngành công nghiệp quốc phòng Nhật Bản lấy xí nghiệp tư doanh làm chủ đạo, không có xí nghiệp công nghiệp quân sự độc lập, việc nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị kỹ thuật đều do Cục Phòng vệ Nhật Bản thông qua hợp đồng ủy thác xí nghiệp tư doanh thực hiện. Hiện nay có hơn 1.500 xí nghiệp, chủ yếu sản xuất trang bị quân sự, có khoảng 70.000 công nhân, chiếm khoảng 0,1% tổng số công nhân trên toàn quốc. Những công ty sản xuất vũ khí trang bị chủ yếu của Nhật là: Các công ty công nghiệp nặng Mitsui, Mitsubishi, Kawasaki, Toshiba, Komatsu, Công ty sản xuất thép Nhật Bản và công ty công nghiệp nặng Mitsui, các công ty công nghiệp điện khí Oki, Nippon, công ty đóng tầu Hitachi và Ishikawa...Cụ thể là những năm gần đây, Cục Phòng vệ đã đặt hàng các công ty dưới đây:
-Công ty công nghiệp nặng Mitsui sản xuất máy bay tiêm kích F-I, máy bay huấn luyện T-2, máy bay lên thẳng SH-60J, tên lửa đất đối hạm kiểu 88 (SSM-1), tên lửa hạm đối hạm kiểu 90, xe bọc thép kiểu 89, pháo tự hành 155 ly kiểu 75, ra đa 3 chiều kiểu cố định ( J/ FPS-3), động cơ đi.ê.den dùng cho tầu quét mìn.
-Công ty Kawasaki sản xuất máy bay huấn luyện T-4 tên lửa chống tăng kiểu 87 (ATM-3), hệ thống tên lửa đa tác dụng kiểu 96.
-Công ty Toshiba sản xuất tên lửa đất đối không vác vai kiểu 91 (SAM-2), tên lửa đất đối không tầm thấp kiểu 81 (SAM-1CO), ra đa phục vụ pháo binh (JTPS-P16).
-Công ty điện khí Nhật Nippon Denki sản xuất hệ thống thông tin cho cấp sư đoàn.
-Công ty đóng tầu Hitachi và Ishikawa sản xuất thiết bị rải thuỷ lôi kiểu 94, tầu chiến.
Nhật Bản luôn chú trọng nghiên cứu và ứng dụng những kỹ thuật và công nghệ cao vào lĩnh vực quốc phòng. Họ cũng kết hợp chặt chẽ việc tự nghiên cứu, với việc giành được công nghệ tiên tiến bằng cách mua phát minh sáng chế, và cả con đường tình báo như mua bí mật và đánh cắp. Ngân sách chính thức giành cho nghiên cứu , phát triển kỹ thuật và công nghệ quốc phòng ở Nhật chiếm 2,4%-2,6% của ngân sách quân sự hàng năm, song ngân sách quân sự của Nhật rất lớn, nên ngân sách nghiên cứu phát triển kỹ thuật quốc phòng cũng rất lớn. Theo Sách trắng quốc phòng Nhật năm 1997 và năm 2001, ngân sách quân sự tài khoá 1995 là 47,3 tỷ, 1996 là 48,5 tỷ, 1997 là 46 tỷ, 2000 là 45 tỷ, 2001à 46 tỷ USD và ngân sách dành cho nghiên cứu phát triển kỹ thuật quân sự năm 1995 là 1,18 tỷ, 1996 là 1,26 tỷ, 1997 là 1,19 tỷ , 2000 là 1,86 tỷ, 2001 là 2,966 tỷ USD. Nhưng theo đánh giá của một số nhà nghiên cứu quân sự nước ngoài, ngân sách thực tế lớn hơn con số mà Nhật đã công bố.
Trên cơ sở một nền công nghiệp phát triển, đứng ở hàng đầu thế giới trong những lĩnh vực điện tử-bán dẫn, xe hơi, thiết bị thông tin, đóng tầu, hoá dầu, vật liệu mới...phần lớn số vũ khí trang bị hiện có trong biên chế của quân đội Nhật là do các công ty của ngành công nghiệp quốc phòng sản xuất, một số được sản xuất theo giấy phép của nước ngoài, số còn lại là vũ khí trang bị nhập khẩu. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực máy bay, Nhật đã tự nghiên cứu, thiết kế và sản xuất được máy bay tiêm kích F-1 F-2 (FS-X ) các loại máy bay vận tải C-1, YS-11, các loại máy bay huấn luyện T-1A/B, T-2, T-4, máy bay tìm kiếm cấp cứu US-1A và máy bay trực thăng OH-X.
Nhật cũng sản xuất theo giấy phép của nước ngoài các loại máy bay tiêm kích F-15J/DJ, F-4EJ, máy bay lên thẳng trinh sát SH-60J, máy bay lên thẳng nhiều tác dụng UH-1H/J, máy bay lên thẳng vận tải CH-47J/JA,V-107A, máy bay trinh sát chống ngầm P-3C. Ngành công nghiệp tên lửa và vũ trụ cũng phát triển mạnh, tên lửa không đối không tầm trung XAAM-4 mà Nhật Bản tự nghiên cứu và chế tạo về trình độ cũng đã tiếp cận với tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến của Mỹ. Ngoài ra, Nhật Bản cũng đã thiết lập hệ thống vệ tinh trinh sát quân sự của mình. Ngành công nghiệp vũ khí hạt nhân cũng bước đầu phát triển, tên lửa đẩy H-2 đã phóng thành công vào năm 1995. Cơ sở công nghiệp hiện đại của Nhật chứng tỏ Nhật hội đủ tiềm lực khoa học công nghệ tiên tiến để nghiên cứu và phát triển chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhật Bản là nước bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ II, chịu sự hạn chế, dàng buộc nhất định của các hiệp ước, hiến pháp và các điều luật.
Nhìn chung trang bị vũ khí của Nhật Bản chỉ dùng để phòng thủ quốc gia, cơ bản không xuất ra thị trường cũng không tham gia vào cuộc cạnh tranh thị trường. Các nhu cầu chế tạo trang bị quân sự phải thông qua một số đạo luật như "Luật về chế tạo quân giới", " Luật về công nghiệp chế tạo máy bay ", sau đó sẽ do các công ty đã được chỉ định, tiến hành sản xuất. Căn cứ vào qui định của "Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí " của Nhật Bản , các công ty này không được phép xuất khẩu sản phẩm công nghiệp quân sự của họ, vì thế khách hàng của họ chỉ là một loại duy nhất - Cục Phòng vệ Nhật Bản. Cục Phòng vệ Nhật Bản căn cứ vào điều khoản luật pháp nêu trên để tiến hành hạch toán giá thành, kiểm tra phân loại hàng, sau đó mua các trang bị vũ khí với chất lượng tốt, giá rẻ.
Về sản phẩm do ngành công nghiệp quân sự Nhật Bản chế tạo rất đa dạng từ các trang bị vũ khí hạng nặng, máy móc cỡ lớn, thiết bị điện tử tinh xảo cho đến quần áo và thực phẩm...
Về phương thức sản xuất, trước đây nhiều hạng mục hàng quân sự nói chung đều cho xí nghiệp lớn nhận thầu, còn ngày nay căn cứ vào tinh thần của "Chính sách giao cho xí nghiệp nhỏ nhận thầu " mới ban hành, tăng thêm cơ hội cho các xí nghiệp nhỏ được tiếp nhận hợp đồng nhận thầu, do đó nhiều xí nghiệp nhỏ có thể tham gia vào dây chuyền sản xuất công nghiệp quân sự. Có lúc để sản xuất ra một chiếc xe tăng đã có hơn 1000 công ty tham gia chế tạo. Có công ty như công ty sản xuất đạn dược, phần lớn đơn đặt hàng sản xuất của họ trực tiếp nhận từ Cục Phòng vệ Nhật Bản, các công ty này thường sử dụng kỹ thuật dân dụng để khai thác và sản xuất trang bị quân sự.
Mặc dù số lượng trang bị kỹ thuật quân sự của Nhật xuất khẩu ít, nhưng rất nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật quân sự của nước này xuất khẩu dưới dạng lưỡng dụng, với trình độ kỹ thuật rất cao. Vì vậy không thể đánh giá thấp tiềm lực xuất khẩu trang bị kỹ thuật quân sự của nước này. Theo đánh giá của một cơ quan nghiên cứu về Nhật Bản cho biết, nếu Nhật gia nhập thị trường thương mại trang bị kỹ thuật quân sự quốc tế, thì họ có thể kiểm soát 40% thị trường thiết bị điện tử dân dụng, 46% thị trường thiết bị điện tử quân dụng, và xe quân dụng, 25-30% thị trường tầu thuyền.
Theo thống kê của Cục kiểm soát và tài giảm quân bị Mỹ cho biết, những năm cuối thập kỷ 80, kim ngạch xuất khẩu trang bị kỹ thuật quân sự hàng năm của Nhật từ 100-400 triệu USD, từ thập niên 90 trở lại đây giảm xuống còn từ 10-20 triệu USD.
II/ Chính sách nghiên cứu - phát triển khoa học công nghệ quốc phòng và sản xuất công nghiệp quốc phòng.
Mấy năm trở lại đây, cùng với sự thay đổi của tình hình quốc tế, Nhật Bản là một nước kinh tế phát triển, đã có tham vọng trở thành một nước có thể gây ảnh hưởng chính trị và quân sự. Họ đã đẩy nhanh nhịp độ xây dựng vũ khí trang bị, tăng cường đầu tư vào nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng, ra sức ủng hộ sự phát triển của ngành công nghiệp quân sự nước mình, để thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào kỹ thuật quân sự của Mỹ.
a/ Xác định phương hướng phát triển khoa học công nghệ quốc phòng và vũ khí trang bị.
Căn cứ vào sự thay đổi của thực trạng nước này và nhu cầu tác chiến trong tương lai, Cục Phòng vệ Nhật Bản xếp vũ khí phòng không và chống tên lửa, vũ khí hàng không, hệ thống vũ trụ và công nghệ điện tử vào trọng điểm phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng trong tương lai. Tháng 7 năm 1997, cuốn Sách trắng "Phòng vệ Nhật Bản năm 1997 ", đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng. Văn kiện này xác định trong lĩnh vưc nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng "đang có sự thay đổi rất lớn mang tính cách mạng". Năm lĩnh vực khoa học công nghệ cao mà lần đầu tiên Sách trắng phòng vệ Nhật Bản yêu cầu phải đặc biệt chú ý và bảo đảm sự phát triển là:
1- Hệ thống điện tử, bao gồm từ hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính và hệ thống tin tức, hệ thống vệ tinh thông tin, dẫn đường cho tầu thuyền , máy bay trinh sát và theo dõi mặt đất. Những hệ thống này sẽ quyết định độ chuẩn xác của tin tức.
2- Hệ thống hàng không , đặc biệt là những loại máy bay vừa có khả năng thám trắc mục tiêu vừa có khả năng kiểm soát, chỉ huy.
3- Hệ thống vũ khí có thiết bị điều khiển dẫn đường, bao gồm các loại vũ khí và hệ thống chống tên lửa có khả năng điều khiển chính xác và có uy lực cao trong chiến đấu.
4- Hệ thống đạn dược và chiến xa, bao gồm đạn pháo dẫn đường chính xác, chiến xa tàng hình và động cơ gốm sứ.
5- Tầu thuyền và hệ thống thám trắc dưới nước, bao gồm tầu ngầm động cơ đi.ê.den tiếng ồn nhỏ, kỹ thuật cao và hệ thống sona tổng hợp.
Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục các chương trình nghiên cứu chế tạo vũ khí trang bị như đã vạch ra trong kế hoạch phòng vệ trung hạn và dài hạn. Trong đó đặc biệt chú ý đến các lĩnh vực hải quân, không quân, nhất là khả năng tác chiến tầm xa.
Trong kế hoạch phòng vệ trung hạn 2001-2005:
+ Phát triển loại xe tăng chiến đấu hạng nặng mới được tăng cường hoả lực và áp dụng công nghệ thông tin mới (gắn vệ tinh định vị toàn cầu GPS) và đưa vào trang bị từ 2007.
+ Đóng mới và trang bị cho lực lượng phòng vệ tầu vận tải cỡ lớn 13.600 tấn; nâng cấp tầu hộ tống cỡ 5.000 tấn hiện nay lên 10.000 tấn.
+ Có kế hoạch đóng 4 chiếc tầu chiến cỡ lớn (lượng giãn nước từ 15.000 tấn đến 20.000 tấn).
+ Hoàn thành kế hoạch chế tạo máy bay chiến đấu F-2 (đã sản xuất 130 chiếc).
+ Chế tạo khoảng 100 máy bay tuần tiễu thế hệ mới để thay thế máy bay P-3C.
+ Hoàn thành hệ thống vệ tinh do thám (hệ thống này có Trung tâm điều khiển ở Tokyo, Trung tâm xử lý dữ liệu tại tỉnh Ibaraki, hai trạm ăngten mặt đất đặt tại tỉnh cực bắc Hôkaiđô và tỉnh phía nam Kagôsima). Dự kiến, các thiết bị mặt đất sẽ được hoàn thành vào năm 2002 và 4 vệ tinh sẽ được đưa lên quĩ đạo vào năm 2003.
Sau 2005:
-Nghiên cứu phát triển loại máy bay vận tải có tầm hoạt động khoảng 10.000 km. Chương trình này sẽ được tiến hành trong 10 năm (2000-2010) với kinh phí chi cho nghiên cứu chế tạo khoảng 800 triệu USD.
-Đến năm 2015 sẽ chế tạo 2 tầu sân bay có độ giãn nước 40.000 tấn để tăng cường thực lực của hải quân.
-Đến 2010 trang bị thêm cho hải quân 6 chiếc tầu khu trục lớp "Kim cương" (Kongo Aegis) tiên tiến nhất thế giới (hiện Nhật có 4 chiếc loại này).
-Đến năm 2010 chi 300-400 tỷ yên cho nghiên cứu phát triển loại máy vận tải tầm xa (tài khoá 2000 đã chi 13 tỷ yên).
Ngoài ra trong việc phối hợp với Mỹ nghiên cứu tên lửa phòng thủ khu vực (TMD), Nhật được phân công nghiên cứu, phát triển 4 hạng mục: 1/ Thiết bị nhận biết và bám sát tên lửa đối phương. 2/ Hệ thống tránh phát nhiệt gây sự cố trong quá trình nhận biết và bám sát tên lửa. 3/ Động cơ tầng hai của tên lửa. 4/ Đầu đạn bắn chặn và phá huỷ tên lửa đối phương.
b/ Nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng.
Để tăng cường kỹ thuật quân sự, Chính phủ Nhật Bản không ngừng tăng mạnh đầu tư vào nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng. Từ năm 1986 đến năm 1995, tỷ lệ chi phí cho nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng trong chi phí quân sự của Nhật Bản tăng từ 1,7% lên 3%, kế hoạch đến năm 2000 sẽ nâng lên 5% so với từ 5%-15% của Mỹ, Anh,Pháp. Cục Phòng vệ Nhật Bản đã yêu cầu sử dụng 1,58 tỷ USD tài khoá 1997 vào việc nghiên cứu và phát triển kỹ thuật, tăng 8,8% so với tài khoá trước. Tỷ lệ kinh phí nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng trong dự toán quân sự của Nhật Bản từ 3,39% tài khoá 1996 tăng lên 3,58% tài khoá 1997. Chi phí đặt mua thiết bị quân sự của Nhật Bản tài khoá 1996 là 11,96 tỷ USD, tăng 1,9% so với tài khoá trước.
c/ Đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu xí nghiệp công nghiệp quốc phòng.
Một số xí nghiệp công nghiệp quốc phòng chủ yếu của Nhật Bản đang đẩy nhanh nhịp độ điều chỉnh cơ cấu theo hướng tập trung và liên hợp. Tháng 10 năm 1995, Công ty công nghiệp nặng Komatsu và Công ty công nghiệp nặng Kawasaki đã đồng ý liên hợp thiết kế vũ khí và tầu thuyền hải quân giữa hai bên, đồng thời liên hợp sửa chữa sản phẩm song phương. Công ty công trình đóng tầu Ishikawa và công ty đóng tầu Hitachi tháng 4 năm 1995 đã công bố cùng sử dụng 350 nhân viên kỹ thuật của nhà máy đóng tầu. Để bảo hộ xí nghiệp công nghiệp quốc phòng trọng điểm và dây truyền sản xuất trang bị kỹ thuật quân sự chủ yếu, Chính phủ Nhật Bản qui định sẽ xếp các xí nghiệp có giá trị sản lượng trang bị kỹ thuật quân sự chiếm trên 10% tổng giá trị sản lượng xí nghiệp vào hàng ngũ xí nghiệp công nghiệp quốc phòng trọng điểm, thực hiện chính sách ưu tiên đối với họ trong đầu tư kinh phí và thực hiện bảo hộ đối với thiết bị sản xuất của họ. Những xí nghiệp công nghiệp lưỡng dụng chủ yếu này bao gồm: Công ty công nghiệp nặng Mitsubishi, Công ty công nghiệp nặng Mitsui, Công ty công nghiệp nặng Komatsu và Sở chế tạo thép Nhật Bản.v.v...
d/ Thực hiện trợ giúp ưu đãi một số xí nghiệp công nghiệp quốc phòng.
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện ưu tiên về mặt kinh phí, chính sách quản lý và áp dụng các biện pháp giúp đỡ ưu đãi. Theo thống kê của Tổ chức hợp tác kinh tế thế giới (OECD),từ năm 1988 đến năm 1992, Chính phủ Nhật Bản đã tăng vốn cho phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ công nghiệp đóng tầu , bình quân hàng năm tới 1 tỷ USD, Nhật Bản còn bù thêm một khoản lớn cho một số hạng mục nghiên cứu khoa học công nghệ trang bị kỹ thuật quân sự khó có thể thực hiện sản xuất qui mô lớn. Ví dụ, Chính phủ nước này đã giành một khoản kinh phí lớn cho việc phát triển các hạng mục khoa học kỹ thuật cao như người máy đóng tầu, tổ hợp vi tính trợ giúp hệ thống chế tạo.
đ/ Mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng.
Căn cứ vào tình hình cụ thể, thị trường trong nước hẹp, dự trữ kỹ thuật công nghiệp quốc phòng không đầy đủ và tiền vốn thiếu, Nhật Bản thực hiện phương châm kết hợp chặt chẽ giữa tự nghiên cứu chế tạo với không ngừng phát triển hợp tác quốc tế về sản xuất công nghiệp quốc phòng. Đối tượng hợp tác quốc tế công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản chủ yếu là Mỹ , các nước châu Âu, gần đây Nhật Bản cũng đã phát triển hợp tác với Nga và các nước Đông Nam Á. Hai bên Nhật Bản - Mỹ có kế hoạch hợp tác phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường TMD vì vậy Nhật Bản sẽ giành được giấy phép sản xuất tên lửa Patriot PAC-2. Nhật Bản và Mỹ đã ký thoả thuận cùng chế tạo máy bay chiến đấu phản lực. Tháng 5 năm 1997, cấp cao hai nước Nhật Bản và Nga đã cùng đi đến thoả thuận, tăng cường giao lưu và hợp tác phòng vệ giữa hai nước.
e/ Mở rộng sản xuất hàng dân dụng và tăng cường kết hợp sản xuất quân đân dụng
Chính phủ Nhật Bản luôn khích lệ các xí nghiệp công nghiệp quân sự mở rộng sản xuất hàng dân dụng, tăng cường kết hợp và tương hợp giữa công nghệ và sản phẩm quân dân dụng Cục Phòng vệ Nhật Bản chỉ ra rằng, phát triển giao lưu giữa công nghệ quân dụng và dân dụng, có lợi cho việc giảm thiểu sự mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo cho sự phát triển ổn định của việc nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng; Đồng thời yêu cầu trong giai đoạn nghiên cứu cơ bản và phát triển vũ khí trang bị, việc nghiên cứu khoa học công nghệ quốc phòng phải áp dụng hết khả năng những công nghệ tiên tiến dân dụng. Ví dụ, Cục Phòng vệ Nhật Bản đưa hệ thống cánh quạt làm bằng vật liệu tổng hợp và vũ khí truyền cảm tính năng kỹ thuật hồng ngoại cao đã phát triển trong ngành dân dụng vào sử dụng cho máy bay trực thăng quan sát hạng nhỏ kiểu mới. Ra đa đặt trên máy bay tiêm kích FS-X của Nhật đã áp dụng công nghệ mạch Block. Ga-As với trình độ tiên tiến nhất hiện nay.
Kết luận
Từ chỗ là nước bại trận trong Chiến tranh Thế giới thứ II, bị quân đội Mỹ chiếm đóng và giải tán lực lượng vũ trang, ngày nay quân đội Nhật được xây dựng thành một quân đội hiện đại có đủ 3 quân chủng hải, lục, không quân tinh nhuệ. Trên cơ sở một nền kinh tế hiên đại đứng thứ hai thế giới, nền công nghiệp quốc phòng Nhật Bản gắn liền với nền công nghiệp dân dụng, tuy qui mô chưa lớn, nhưng có tiềm năng phát triển nhanh chóng. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ. Nhật có thể chế tạo được bất kỳ loại vũ khí tiên tiến nào-từ vũ khí tinh khôn điều khiển chính xác (70% trang bị điện tử trong hệ thống vũ khí công nghệ cao dẫn đường bằng la.de của Mỹ đều do Nhật sản xuất ) đến hạm tầu , máy bay kể cả vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo ./.
Tư liệu tham khảo
1. Sách trắng quốc phòng Nhật: Defense of Japan 1992, 1997, 2001, the Japan Times
2. The military balance 2000 - 2001, IISS, London
3. Japan's security strategy, IIPS, Tokyo, 1999.
4. Japan Future defense capability, IIPS, Tokyo, 1995.
5. Tạp chí Binh khí hiện đại, 4-1998 (Trung Quốc)
6. Công nghiệp quốc phòng các nước châu Á đang thay đổi, Tạp chí Anh: Survial, thu 1997.
(Nguồn: trung tâm nghiên cứu Nhật Bản)
Có thể bạn sẽ thích