Thí điểm cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Thí điểm cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam

Thí điểm cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Sẽ không lặp lại bài học nhà ở cho Việt kiều!

Như tin đã đưa, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ đề án thí điểm cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Có thêm một chính sách mới nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ... nhưng cũng không ít người tỏ ra hoài nghi tính khả thi của nó khi nhìn lại chủ trương cho Việt kiều mua và sở hữu nhà 6 năm về trước.



Người nước ngoài được lợi

Theo Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà, từ năm 2004 - 2006 có hơn 81.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, học tập và sinh sống, trong đó 25.000 người vào Việt Nam theo các dự án đầu tư, 1.699 người làm việc trong các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế và khoảng hơn 54.000 người sinh sống và làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao...


Qua khảo sát của Bộ Xây dựng, đa phần trong số này thuê nhà để ở, thời gian thuê nhà chủ yếu từ 3 - 5 năm. Tại Hà Nội, nếu là nhà ở do tổ chức nước ngoài đầu tư xây dựng thì giá cho thuê khoảng 1.400 - 2.000 USD/căn hộ/tháng; nhà ở do tổ chức trong nước đầu tư thì giá thuê khoảng 700 - 1.000 USD/căn/tháng. Tại TP.HCM, giá thuê đối với căn hộ từ 800 -1.000 USD/căn hộ/tháng, và 3.000 - 4.000 USD/tháng đối với biệt thự. Ông Nguyễn Mạnh Hà tính toán: "Với giá thuê nhà trung bình này thì trong 5 năm sống tại Việt Nam, người nước ngoài phải trả xấp xỉ 50.000 USD. Nếu họ mua một căn hộ với tiện nghi trung bình, giá mua khoảng 70.000 USD/căn, sau 5 năm sử dụng, chỉ cần thu hồi được 70% giá trị ban đầu (khoảng 50.000 USD) cũng sẽ thấy việc được mua nhà tại Việt Nam giảm bớt cho họ một khoản chi phí đáng kể liên quan đến nhà ở. Ngoài ra còn nhiều tiện ích khác do việc ổn định về chỗ ở mang lại".

Những ai được mua nhà?

Tuy nhiên, không phải hễ cứ là người nước ngoài vào Việt Nam là được mua nhà. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, chỉ có khoảng 21.000/81.000 người đủ điều kiện mua và sở hữu nhà tại Việt Nam. Ngoài việc khoanh 6 đối tượng được phép (trực tiếp đầu tư vào Việt Nam; có công đóng góp cho Việt Nam được Chủ tịch nước, Chính phủ tặng huân, huy chương, các nhà hoạt động văn hóa...) thì đề án còn đưa ra 4 điều kiện khác như: phải vào Việt Nam, được phép cư trú tại Việt Nam từ 1 năm trở lên và phải có giấy tờ chứng minh thuộc 1 trong 6 đối tượng được mua nhà; phải đang làm việc, hoạt động tại Việt Nam, không phạm tội; mua nhà để ở cho bản thân và gia đình; có giấy chứng nhận được mua nhà do cơ quan quản lý nhà ở T.Ư cấp.

Trong đề án, Bộ Xây dựng cũng đề nghị cho phép người nước ngoài sở hữu nhà và sử dụng đất ở trong thời hạn 50 năm. "Quá thời hạn trên mà không được gia hạn thì phải bán cho người khác" - ông Hà giải thích. Bộ Xây dựng cũng thiên về quan điểm: mỗi cá nhân người nước ngoài chỉ được sở hữu một đơn vị nhà ở và được thực hiện các quyền bán, thế chấp, tặng cho, thừa kế tài sản sở hữu của mình nhưng không được cho thuê lại.

Bài học nhà ở cho Việt kiều

Năm 2001, Chính phủ đã ban hành chính sách cho phép 4 đối tượng Việt kiều được mua nhà tại Việt Nam (Nghị định 81/2001/NĐ-CP). Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng, chỉ có khoảng 100 Việt kiều đứng tên mua nhà (trong đó TP.HCM khoảng 70 người, Hà Nội chưa có trường hợp nào).

Luật Nhà ở năm 2006 tiếp tục mở rộng đối tượng Việt kiều được mua nhà song cũng hơn một năm trôi qua kể từ ngày luật này có hiệu lực, vẫn chưa có một Việt kiều nào mua được nhà. Trong khi theo tính toán của Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài thì có khoảng 100.000 Việt kiều có nhu cầu và có khả năng mua nhà ở tại Việt Nam. Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, cản trở lớn nhất của Nghị định 81 là do không có quy định cụ thể về thủ tục. "Đơn giản nhất là việc cơ quan nào xác nhận người đó là Việt kiều và đủ điều kiện mua nhà cũng không rõ ràng" - ông Hà nói. Không có gì "làm bằng" nên rất nhiều địa phương "đảm bảo an toàn" bằng cách... chẳng giải quyết trường hợp nào cả.

Vướng mắc chính hiện nay, theo ông Hà là Bộ Ngoại giao và Bộ Công an chưa ban hành hướng dẫn cụ thể việc xác định thời hạn cư trú tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi cấp visa theo quy định. Liệu đề án cho người nước ngoài mua nhà có bế tắc giống như chủ trương cho Việt kiều mua nhà kể trên không? Ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định: "Rút kinh nghiệm chính sách nhà ở cho Việt kiều, lần này chúng tôi dự kiến mọi quy định về thủ tục sẽ được quy định ngay trong nghị định hướng dẫn nếu đề án được Chính phủ thông qua". "Chẳng hạn như những giấy tờ để chứng minh thuộc các đối tượng được mua nhà sẽ bao gồm: hộ chiếu hợp lệ do cơ quan nước ngoài cấp, giấy chứng nhận đầu tư, thư mời của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, xác nhận thời gian sinh sống tại Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền... sẽ quy định ngay trong nghị định không cần phải có hướng dẫn" - ông Hà nói thêm.

Tuyết Nhung - Báo Thanh Niên
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top