Bóng ma hạt nhân bao trùm châu Á

Bóng ma hạt nhân bao trùm châu Á

Bóng ma của một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ngày hôm nay đã bắt đầu phủ bóng xuống toàn khu vực, sau khi CHDCND Triều Tiên gây sốc đối với các nước láng giềng bằng tuyên bố tiến hành thành công vụ thử hạt nhân đầu tiên.


Theo nhận định của hãng thông tấn AP, vụ thử sẽ tạo ra một cuộc đua hạt nhân từ Bình Nhưỡng cho đến Tokyo. Từ đó, nó sẽ đẩy một số thành phố lớn nhất trên thế giới nằm dưới mối đe doạ của vũ khí hạt nhân. Nó cũng sẽ khiến một số quốc gia trước kia phải miễn cưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân như Hàn Quốc, Đài Loan, tái trang bị loại vũ khí nguy hiểm này.



Rộng hơn, cũng theo hãng thông tấn AP, nó cũng sẽ đẩy một số cường quốc hạt nhân khác, như Mỹ, Ấn Độ, hay Trung Quốc, nối lại các vụ thử. “Nếu vụ thử là có thật, nó không chỉ gây hại nghiêm trọng đến vùng đông bắc Á mà còn ảnh hưởng đến cả sự ổn định của toàn thế giới,” Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhận định.



Tất cả các quan chức từ Washington tới Seoul đều cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang trước khi Bình Nhưỡng tuyên bố tham gia câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân.



Ngoài ra Hàn Quốc cũng lo sợ Nhật sẽ là nước đầu tiên tham gia vào cuộc đua vũ khí hạt nhân, và sẽ khiến các quốc gia láng giềng châu Á khác ồ ạt tiến hành nước cờ đối phó. “Không có cái gì khác tạo ra thế cân bằng giống như bom (hạt nhân),” Peter Beck, người đứng đầu Nhóm nghiên cứu các khủng hoảng quốc tế tại Seoul nhận xét. “Chắc chắn nó sẽ tạo ra một cuộc chạy đua vũ trang - sẽ đẩy tất cả các chính phủ trong khu vực phải tăng cường cho hệ thống phòng thủ của nước mình.”



Còn Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld hôm thứ năm vừa qua cũng cảnh báo rằng việc để Bình Nhường tiến hành một vụ thử bom sẽ tạo ra một hậu quả khôn lường, “sẽ hạ thấp ngưỡng cửa (hạt nhân) và cho phép các nước khác dễ dàng bước qua nó”.



Bế tắc hạt nhân hiện tại của CHDCND Triều Tiên bắt nguồn từ năm 2002, khi Mỹ tố cáo Bình Nhưỡng bí mật tiến hành chương trình hạt nhân, vi phạm hiệp ước năm 1994. Còn ngày hôm nay, Bình Nhưỡng công khai tuyên bố họ đã tiến hành thành công vụ thử hạt nhân dưới lòng đất, và khẳng định vụ thử “sẽ góp phần bảo vệ hoà bình, ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như trong khu vực”.



Nhưng vấn đề quan tâm lớn nhất là Bình Nhưỡng có thể sẽ phóng tên lửa mang theo đầu đạn nguyên tử nhắm vào Seoul, Tokyo hay thậm chí là một số vùng của Mỹ, mặc dù cho đến nay, người ta vẫn chưa rõ khả năng thực sự của Bình Nhưỡng là như thế nào. Nhưng lo lắng chắc chắn vẫn còn nguyên đó bởi ngay từ năm 1998 CHDCND Triều Tiên đã khiến cả thế giới bàng hoàng khi cho phóng một quả tên lửa đạn đạo tầm xa bay qua bầu trời Nhật và rơi xuống vùng biển Thái Bình Dương. Chưa hết, tháng 7 vừa qua, nước này lại “nắn gân” cả thế giới khi thử liên tiếp 7 quả tên lửa, trong đó có một quả tên lửa tầm xa được cho là có khả năng vươn tới vùng bờ biển của Mỹ. Tuy nhiên, nó đã phát nổ ngay sau khi rời bệ phóng.



Có lẽ nỗi căm ghét vũ khí hạt nhân vẫn ăn sâu trong tâm trí người Nhật, bởi họ không thể nào quên được vụ tấn công bom nguyên tử của Mỹ xuống Hiroshima và Nagasaki năm nào. Song mới vừa tháng trước, cựu Thủ tướng Yasuhiro Nakasone nước này lại công khai gợi ý đến chính sách Nhật nên “xem xét đến lựa chọn vũ khí hạt nhân”. Đương nhiên chính phủ Nhật chưa thể tán thành ý kiến này bởi họ sợ sẽ không còn được Mỹ bảo bảo trợ về quân sự nữa và sợ sẽ đặt các nước láng giềng vào trong cảnh giác.



Cho đến nay, Hiến pháp thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ II của Nhật vẫn theo chủ nghĩa hoà bình. Nước này không có tàu sân bay, máy bay chiến đấu hay tên lửa tầm xa. Song tân thủ tướng Shinzo Abe, chính trị gia có quan điểm cứng rắn với Bình Nhưỡng, đang muốn sửa đổi hiến pháp để đội quân phòng vệ của Nhật có nhiều quyền hạn hơn.



Nếu Nhật quyết định tham gia chạy đua hạt nhân, họ sẽ không mất nhiều thời gian để biến kho pluton khổng lồ ở các nhà máy năng lượng hạt nhân thành loại vũ khí có sức công phá khủng khiếp. Và chắc chắn Trung Quốc và Hàn Quốc, hai nước luôn nhìn Tokyo với con mắt nghi hoặc kể từ khi Nhật xâm lược và đô hộ họ từ đầu thế kỷ 20, sẽ không thể ngồi yên.



Xét về vấn đề hạt nhân, cả Nhật và Hàn Quốc đều dựa rất nhiều vào sự bảo vệ của Mỹ. Nhưng khi phải đối mặt với nguy cơ hiện hữu về bom nguyên tử ở ngay sát sườn biên giới của mình, Hàn Quốc có thể sẽ phải xem xét đến khả năng trang bị vũ khí hạt nhân riêng cho mình.



Theo các chuyên gia quốc phòng Hàn Quốc, năm 1991, Mỹ đã dỡ bỏ vũ khí hạt nhân của họ ra khỏi Hàn Quốc trong kế hoạch cắt giảm vũ khí sau thời kỳ Chiến tranh lạnh. Cũng năm đó, hai nước Triều Tiên ký kết hiệp ước không triển khai, phát triển hay sở hữu bom nguyên tử trên bán đảo. Tuy nhiên, ngay từ những năm 1970, Seoul đã là nước rất tích cực theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng thời đó, do lo sợ sẽ có một cuộc đua vũ khí hạt nhân trong vùng, Mỹ đã ép Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee phải từ bỏ kế hoạch hạt nhân, nếu không nước này sẽ phải đối mặt với lệnh trừng phạt kinh tế. Hàn Quốc lúc bấy giời rất nghèo và đang phải vật lộn với hậu quả cuộc chiến Triều Tiên 1950-53 để lại.



Chính vì vậy, Shen Dingli, phó giám đốc Viện các vấn đề quốc tế, trường Đại học Fudan, Trung Quốc, cho rằng Hàn Quốc và Nhật hiện tại không theo đuổi vũ khí hạt nhân cũng vì những lý do tương tự. “Điều đó sẽ làm sói mòn khối liên minh của họ với Mỹ, và sẽ khiến tình hình an ninh Đông Á thêm nhiều thử thách lớn hơn. Cơ hội phát triển chương trình hạt nhân của riêng Nhật và Hàn Quốc không lớn lắm.”



Tuy nhiên, một số nước khác sẽ vẫn dùng vụ thử của Bình Nhưỡng như là một cái cớ để phát triển vũ khí hạt nhân, Ralph Cossa, chủ tịch diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở ở Honolulu cho hay. “Nếu CHDCND Triều Tiên “có lý do chính đáng” vì họ đang phải đối mặt với mối đe doạ từ một siêu cường khó chịu, thì Đài Loan cũng có thể lý giải như vậy…Đấy là chưa nói đến vùng Đông nam Á. Burma cũng đang nói đến việc phát triển một lò phản ứng để nghiên cứu. Còn Indonesia cũng đang để ý đến khả năng dùng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, những nước này vẫn còn xa mới có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân.”



(dân trí .com)
 

Đính kèm

  • nk091006.jpg
    nk091006.jpg
    26.9 KB · Lượt xem: 172

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top