Tản mạn về các trung tâm dịch thuật Việt-Nhật

Tản mạn về các trung tâm dịch thuật Việt-Nhật

Đây chỉ là một tâm sự nhỏ nên gửi vào box này.

Gần đây mình có dịp tiếp xúc với một số văn bản do các trung tân dịch thuật và công chứng ở Việt Nam dịch từ tiếng Việt qua tiếng Nhật. Sau đây là một số nhận xét về các bản dịch, nói đúng hơn là thái độ của người dịch đối với công việc họ đang làm.

+Không biết rõ là dịch cho ai đọc:
Tất nhiên là đứa trẻ lên ba cũng biết rằng dịch Việt-Nhật là dành cho người Nhật không biết tiếng Việt và muốn hiểu một nội dung tiếng Việt nào đó. Thế nhưng cách trình bày của các văn bản này thì lại không phải cho người Nhật mà là cho người Việt đọc. Xin nêu một ví dụ: Sau khi dịch 1 tấm bằng tốt nghiệp thì ở dưới tấm bằng có ghi bằng tiếng Việt rằng:

"Tôi, nhân viên của công ty A, đã dịch đúng theo bản chính"

Nếu mà người Nhật giỏi tiếng Việt để hiểu dòng này thì ai lại nhờ ngừơi dịch nữa chứ? Mình đọc xong và cư hỏi tại sao không ghi 1 câu tiếng Nhật?

+Tự tiện sáng tác từ:

Từ những từ cơ bản như "Nơi sinh", "Quê quán" v.v... đều bị sáng tác ra hết. Nhiều người dịch "Nơi sinh" là 田舎(いなか) thay cho 出身地 ... còn bệnh lao thì được viết là ラオス thay cho 結核(けっかく)

Việc này thể hiện tính cẩu thả không chịu tra từ điển của người dịch thuật.

+Thiếu kiến thức
Nhiều người cho rằng cứ giỏi ngữ pháp và biết nhiều từ thì sẽ dịch giỏi. Đây là một quan niệm sai lầm. Biết nhiều từ mà không biết sử dụng đúng thì cũng coi như vô nghĩa.
Quay trở lại vấn đề dịch thuật. Đa số người ở Việt nam dịch "Trường cao đẳng" thành là "高等学校”(Có nghĩa là trường cấp 3). Chắc không cần giải thích bạn cũng rõ sự khác nhau giữa "cao đẳng" và "cấp 3 rồi . Một tai hại nữa là vì sự dịch ẩu này mà nhiều người bị mang vạ oan vô cớ. Lấy thí dụ, bạn tốt nghiệp cao đẳng(đủ tiêu chuẩn để xin đi lao động ở Nhật theo dạng kỹ sư)nhưng hồ sơ của bạn vô tình bị dịch ra là 高等学校(cấp 3) thì bạn sẽ bị đánh rớt.

Nếu như người dịch chịu khó tìm hiểu về chế độ giáo dục Nhật Bản chút xíu thì họ sẽ không dịch ẩu như thế này!

Chắc không ít thành viên của ttnb.net có liên quan đến vấn đề dịch thuật. Hy vọng những tâm sự trên đây sẽ gợi cho các bạn ít nhiều suy nghĩ.
 
Bình luận (4)

htv9

New Member
hoàn toàn đồng ý với bác luôn

dịch thừ Việt sang Nhật quả là 1 vấn đề khó vô cùng, có lần mình dịch dùm 1 bài phát biểu của ông Tiến Sỹ kia để ổng qua Nhật phát biểu (diễn văn), quả thật là khó gặm bởi vì có những từ ngữ tiếng Việt bạn phải hiểu rõ nó mới chuyển sang được tiếng Nhật

vidu như :
- quan hệ song phương giữa 2 nước đã phát triển lên 1 tầm cao mới, cả về chiều rộng lẫn chiều sâu
- VN đang dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành hàng...

nói chung là sau khi dịch xong, đưa người Việt đọc thì ai cũng hiểu, nhưng đưa người Nhật đọc thì họ bảo ...hổg hiểu hichichic

khó tè luôn, ở đây tiếng Nhật bác Kami là khá nhất, nhưng dạo này bác hay bỏ diễn đàn đi đâu đó, mong bác thương xuyên ghé nhà để giúp đở thánh viên nhé
 

kamikaze

Administrator
Mình có cảm nhận rằng chữ Hán là con dao hai lưỡi. Một mặt nó giúp người Việt học tiếng Nhật nhanh hơn người các nước khác. Mặt khác nhiều người phụ thuộc vào chữ Hán quá nên dịch sai hay dịch không sát.

Bản dịch tiếng Nhật là để dành cho người Nhật đọc. Nếu họ đọc mà không hiểu thì có nghĩa là dịch chưa đạt. Để dịch được sát chút xíu thì cần phải có kiến thức về vấn đề mà mình đang dịch.
Còn phần diễn đạt cho người Nhật hiểu thì cần chịu khó đọc sách báo tiếng Nhật nhiều và học theo cách diễn đạt của họ.

Quay lại vấn đề mình đưa ra thì mình muốn bàn về ý thức và tinh thần trách nhiệm của người dịch. Cho dù không biết thì nếu bạn có tinh thần trách nhiệm thì vẫn có chỗ để hỏi và tham khảo mà. Những lỗi dịch mình nêu ra trên kia là những vấn đề sơ đẳng nhưng có tác hại khá lớn.
 

quyenjp

Member
Hic, chuyện này cũng khó. Nhất là đối với các bạn chưa từng ra nước ngoài. Kami nói đúng,hầu như bị con dao hai lưỡi là chữ Hán và cách suy nghĩ dịch tàm tạm đủ nghĩa là được. Chẳng hạn như bây giờ bảo dịch quan hệ họ hàng, gia đình thì hầu như 99% sẽ dịch là : 親戚関係 hay 家族関係 gì đó, nhưng trong văn bản của Nhật là : 続き柄
Cái này cũng giống như từ chuyên môn rồi, vì vậy mà những người không có chuyên môn mà cứ tưởng mình đã đủ trình độ chuyên môn thì sẽ gây ra chuyện dở khóc dở cười như chơi ! :matroi:
 

quyenjp

Member
Kinh nghiệm phiên dịch và hướng dẫn biên dịch của công ty dịch thuật Nibe ở Hà Nội.
Kinh nghiệm biên dịch :
I. TRAU DỒI NĂNG LỰC SINH NGỮ

Để phiên dịch Nhật Việt, khả năng tiếng Nhật và tiếng Việt của bạn đều phải tốt. Để làm được điều này, bạn cần nỗ lực không ngừng trong cuộc sống hàng ngày để trau dồi năng lực sinh ngữ.

1. Trau dồi năng lực tiếng Việt

- Nghe đài, xem vô tuyến. Nếu có thể, hãy tổng hợp lại thông tin và kể cho bạn của mình. Luyện nhắc lại thông tin đã nghe với từ chuyên môn chính xác. Chú ý cả cách thể hiện qua ngữ điệu, cử chỉ nữa nhé.

- Đọc báo và xem sách càng thường xuyên càng tốt. Cố gắng mỗi tháng đọc một cuốn sách. Tôi biết các bạn rất bận. Nhưng thử nghĩ mà xem, thể nào bạn cũng tìm ra thời gian trống.

2. Trau dồi năng lực tiếng Nhật

- Nghe băng tiếng, xem băng hình của Nhật Bản. Cố gắng bắt lấy những từ mà mình đã biết, từ đó suy đoán ra nghĩa của câu nói. Đừng bao giờ nghĩ rằng chỉ khi bạn biết hết nghĩa mọi từ, nghe rõ từng âm một thì bạn mới hiểu được. Thật ra, những phiên dịch viên giỏi cũng không nghe được 100% đâu, mà có nghe được thì cũng không nhớ chính xác 100% được, và cũng không chắc đã biết nghĩa của 100% những điều đã nghe. Quan trọng là nắm được tất cả những gì quen thuộc mà mình đã biết và từ ngữ cảnh mà đoán được nghĩa của câu. Tập nhắc lại những điều đã nghe.

- Tăng vốn từ, vốn câu bằng tất cả những cách nào bạn có thể: học trên lớp, tự đọc sách luyện kyu, tự tra từ điển,... Đừng cố sức chọn cách phức tạp. Hãy bắt đầu từ cách dễ tiếp cận nhất. Nếu bạn bỏ công ra thì cách nào cũng mang lại kết quả như nhau, ấy là bạn sẽ biết rất nhiều.

- Tập nói. Muốn nói lưu loát thì từng từ phải lưu loát, từng cụm phải đúng ngữ điệu. Đừng bao giờ tập nói bằng cách cầm sách đọc. Bạn phải có băng catset hoặc đĩa CD. Hãy nhắc lại đúng từng từ mà người Nhật nói. Đừng sốt ruột nhé. Hãy luyện từ những quyển giáo trình a, i, u, e, o. Có nhiều bạn cứ nghĩ rằng giai đoạn ban đầu toàn câu dễ, không chịu luyện nói. Kết quả là bây giờ rất hối hận vì cách nói tiếng Nhật của mình mắc đầy tật, không sao sửa được. Nếu chẳng may bạn đã học lên cao rồi mà lại quên luyện nói thì hãy quay lại luyện nói từ đầu.

3. Trau dồi khả năng ghi nhớ và tổng hợp

Rất nhiều khách hàng hay nói một đoạn dài. Không phải họ thích vậy mà là vì với một vài câu ngắn thì không sao truyền đạt được đầy đủ và hiệu quả điều muốn nói được. Vậy phiên dịch viên phải chuẩn bị ra sao để ghi nhớ và dịch được những đoạn này?

- Trước hết cần luyện ghi nhớ. Mỗi ngày học thuộc lòng một đoạn văn. Tăng dần độ dài của đoạn văn lên và thực hiện trong thời gian dài thì bạn có thể cải thiện được trí nhớ ngắn hạn một cách rõ rệt.

- Luyện khả năng tổng hợp. Nói một cách đơn giản, các câu nói trong một đoạn bao giờ cũng xoay quanh một mục đích chính nào đó. Nếu bạn nắm được cái lõi đó và mối quan hệ với các vệ tinh con xoay xung quanh thì bạn sẽ nắm được toàn bộ đoạn nói, từ từ dịch sang ngôn ngữ đích là không bị sót. Còn nếu bạn coi đoạn nói đó là một cái dây nối từ câu 1 sang câu 2, sang câu 3,... cho tới câu cuối cùng thì nguy cơ ngắc ngứ là rất lớn. Bởi bạn chỉ cần quên một nút trong cái dây này là dây đứt ngay, bạn quên sạch các nút khác. Tất nhiên ghi từ khoá ra giấy cũng sẽ giúp bạn rất nhiều nhưng nếu thiếu khả năng tổng hợp, không nhìn ra cốt lõi của câu chuyện thì cũng rất khó để lựa chọn cách diễn đạt cho phù hợp.

4. Trau dồi khả năng thể hiện

- Trong cuộc sống hàng ngày, hãy thể hiện điều mình muốn truyền đạt một cách rõ ràng, hiệu quả. Đừng sợ ai cười mình cả. Hãy thể hiện tình cảm, thái độ của mình thử xem bạn có thể làm thế theo đúng ý bạn không. Khó lắm đấy. Thế nên mới cần luyện tập.

II. ĐĨNH ĐẠC VÀ TỰ TIN KHI PHIÊN DỊCH

1. Chuẩn bị trước khi đi phiên dịch

- Sức khoẻ: Bạn nên ăn uống và ngủ đầy đủ trước khi đi phiên dịch.

- Trang phục: Lịch sự, áo sơ mi có cổ hoặc bộ vest. Màu sắc nhã nhặn.

- Đồ dùng: Mang theo giấy và bút để ghi từ khoá. Nếu đi xa, nên mang theo chứng minh thư.

- Tài liệu: Đọc tài liệu và trao đổi trước khi thực sự vào công việc.

- Tư tưởng: Bạn đã chuẩn bị kỹ càng. Bạn sẽ phiên dịch chính xác, trung thực và khách quan. Vậy nên không nên quá căng thẳng khi phiên dịch. Nếu không hiểu điều gì, đừng ngại hỏi lại khách hàng.

2. Giọng nói và âm lượng khi phiên dịch

- Hãy nói nhẹ nhàng, âm lượng vừa đủ nghe và rõ chữ. Như vậy bạn sẽ không tốn sức, có thể nói lâu mà người nghe vẫn hiểu rõ.

- Thể hiện đúng thông điệp mà người nói muốn truyền tải kể cả về nội dung và tình cảm, ẩn ý gửi trong câu nói gốc.

- Điều chỉnh tốc độ nói cho phù hợp. Không nên nói chậm quá vì người nghe sẽ sốt ruột. Không nên nói nhanh quá khiến người nghe không kịp hiểu. Nói nhanh là tốt, tuy nhiên tuỳ theo phản ứng của người nghe mà có thể nói chậm lại.

III. NHỮNG ĐIỀU KHÔNG NÊN

Dưới đây là một số tình huống mà bạn nên tránh:

1. Bị tiền bạc chi phối

- Phiên dịch viên: Tôi chỉ được trả XYZ tiền thôi nên không thể làm được việc ấy!

- Khách hàng: ??? (Tức giận.)

Lý do: Thù lao phiên dịch của bạn đã được bạn đồng ý trước khi đi phiên dịch. Nếu bạn không đồng ý, bạn có thể từ chối kia mà. Vậy việc tiếp theo chỉ là làm tốt công việc mà thôi. Nếu thực sự bạn không thể làm được công việc khách hàng yêu cầu, bạn hãy nêu lý do thực, không nên bao biện bằng lý do thù lao không thoả đáng. Hãy nhiệt tình giúp đỡ khách hàng trong khoảng thời gian bạn làm phiên dịch cho họ. Đảm bảo rằng bạn sẽ không bao giờ phải hối hận, nỗ lực của bạn sẽ mang lại kết quả xứng đáng.

2. Lồng ý kiến cá nhân vào nội dung phiên dịch

- Khách hàng Nhật (hỏi đối tác Việt Nam): Giá cho thuê nhà xưởng của các ông là bao nhiêu tiền?

- Phiên dịch viên (nói bằng tiếng Nhật): Vừa nãy ông vừa hỏi phía Việt Nam, họ trả lời rồi sao lại còn hỏi nữa?

- Khách hàng (nói bằng tiếng Nhật): Tôi nói gì thì cô cứ dịch như thế cho tôi! (Tức giận.)

Lý do: Phiên dịch viên chỉ là người trung gian truyền tải thông điệp. Khách hàng mới là người rõ hơn ai hết mục đích nói chuyện là gì, nên nói ra sao. Bạn nên tách riêng tình cảm, ý kiến cá nhân của mình ra. Cố gắng giữ vị trí trung lập, bình tĩnh chuyển tải chính xác điều khách hàng muốn nói.

Hướng dẫn biên dịch:
I. Chuẩn bị trước khi biên dịch

1. Chuẩn bị tinh thần

Trước khi bắt tay vào bài dịch, bạn có thể sẽ gặp những trạng thái tâm lý tiêu cực sau:

- "Bài dịch này quá khó, mình không thể làm được. Cố mà làm gì."

Bình luận: Không ai tự nhiên giỏi một việc gì. Bao giờ cũng phải tập làm từng bước. Nếu bạn không bắt đầu, sẽ chẳng bao giờ bạn giỏi lên được. Bạn nghĩ rằng nếu có người hướng dẫn ở bên, bạn sẽ dễ dàng làm được chăng? Không phải đâu. Hầu như không ai có được lợi thế này cả, mọi người đều phải tự làm, y như bạn vậy. Nếu áp dụng mọi kiến thức mà bạn biết, tra từ mới theo mọi cách mà vẫn không dịch được, bạn hãy đi hỏi giáo viên, hỏi những người có kinh nghiệm hơn mình. Quan trọng là bạn đã vượt qua tâm lý ngại khó, bắt tay vào biên dịch. Sau đó, bạn sẽ dịch thành thạo hơn. Đương nhiên là vậy, có ai làm cái gì mãi mà càng ngày càng dốt hơn không?

- "Bài dịch này quá chán. Chán tới mức không muốn làm nữa. Thôi, chẳng làm làm gì."

Bình luận: Nếu bạn dịch vì sở thích của bạn thì bạn toàn quyền từ chối không dịch bài đó. Nhưng mà chưa dịch sao bạn biết là nó chán? Thường thì con người hay cảm thấy chán nhất những lĩnh vực mà mình không hiểu tí gì. Nếu bạn cố gắng dịch bài đó, biết đâu bạn sẽ có thêm kiến thức có ích thì sao? Nhưng nói chung, tôi hoàn toàn ủng hộ việc từ chối làm việc mình không thích. Tuy nhiên, nếu đó là công việc của bạn được giao thì đừng bao giờ để mình rơi vào trạng thái này. Vì thứ nhất, bạn sẽ bị đánh giá xấu là không hoàn thành công việc. Thứ hai, bạn sẽ luôn buồn chán trong công việc và cuộc sống. Thể nào xung quanh bạn cũng đầy những điều bạn không muốn làm nhưng lại rất cần thiết. Bạn không làm vì chán quá, thế là bạn lúc nào cũng chán. Trong trường hợp thế này, hãy tìm niềm vui trong sự kiên trì. Tự nhủ rằng "Mình thật kiên trì. Sao mà mình giỏi thế." rồi làm tiếp. Cách tự kỷ ám thị này hiệu quả lắm đấy.

- "Bài dịch này quá dài. Làm bao giờ mà xong được. Ôi, chết tôi mất thôi. Bao giờ thì xong được đây. Hic hic..."

Bình luận: Tâm trạng này làm bạn rất nôn nóng, không đủ kiên nhẫn để đọc hết một câu văn chứ không dám nói là đọc hết một đoạn. Thế là đã chậm lại càng chậm, mãi vẫn không dịch được. Thực ra, đây là vấn đề về tốc độ dịch. Bạn hãy ghi lại thời điểm bắt đầu dịch một trang và thời điểm kết thúc trang đó. Làm vậy, bạn sẽ biết được tốc độ dịch của mình: một trang mất bao nhiêu phút. Sau đó, bạn hãy dàn xếp thời gian sao cho với tốc độ đó mà vẫn kịp dịch xong bài đúng hạn. Hoặc bạn liên hệ và bàn bạc với người yêu cầu dịch để có biện pháp khác (như cho bạn thêm thời gian, hay chia bớt một phần nhờ người khác dịch,...). Không ai có quyền ép bạn làm thật ẩu miễn là thật nhanh. Và có làm cách nào đi nữa, bạn cũng không thể tăng tốc độ dịch trong một sớm, một chiều cả. Vậy nên, bạn không cần nôn nóng. Hãy cứ bình tĩnh khi biên dịch nhé.

2. Chuẩn bị dụng cụ

Bạn cần có những dụng cụ sau để sẵn sàng sử dụng trong quá trình biên dịch:

- Máy tính đã cài bộ gõ tiếng Nhật và có nối mạng internet

- Từ điển chuyên ngành nếu cần. Chẳng hạn như từ điển kỹ thuật tổng hợp Anh - Việt, từ điển kinh tế Nhật - Việt, từ điển pháp luật Nhật - Việt, từ điển y học,...

II. Một số quy ước chung khi biên dịch

1. Đảm bảo chất lượng biên dịch

- Sau khi dịch xong 1 trang, bạn nhất thiết phải đọc lại và sửa lại một lần. Trong lúc đọc lại, hãy tự kiểm xem mình có hiểu những gì mình đã viết ra không. Nếu có chỗ không hiểu, hãy xem lại bản gốc để dịch lại cho chính xác. Điều này được đặt ra làm quy ước chung bởi vì nó giúp cho bản dịch của bạn dễ hiểu đối với những người khác. Nếu bản thân bạn cũng chẳng hiểu điều bạn đã viết ra thì cực kỳ nguy hiểm. Chắc đến 95% là người khác có đọc cũng chẳng hiểu.

- Nếu có từ không hiểu, nhất thiết phải tra từ điển. Nếu tra mà vẫn không ra nghĩa thì căn cứ vào ngữ cảnh để dịch tạm ra theo suy đoán của mình. Tuy nhiên, nếu có chỗ "dịch tạm theo suy đoán" như vậy thì nhớ thông báo cho người yêu cầu bạn dịch.

2. Đảm bảo đúng hạn

Đảm bảo đúng hạn là vô cùng quan trọng. Nếu thấy không thể làm kịp đúng hạn thì hãy báo cho người yêu cầu dịch càng sớm càng tốt để xử lý.

3. Trình bày đẹp và thống nhất

Có thể bài dịch rất dài, bạn chỉ tham gia dịch một phần trong đó. Nếu vậy, bạn hãy xác nhận rõ về cách trình bày (như font chữ, cỡ chữ, page setup, tiêu đề 1, điêu đề 2 như thế nào,...) để thống nhất với các phần khác do người khác dịch. Hãy luôn xác định rằng bản dịch bạn làm ra sẽ là một bản hoàn hảo, có thể đem in sử dụng ngay.
http://www.nibe.com.vn/default.aspx?MNU=465&CT=1735 :matroi:
 

Bài viết liên quan

Văn hóa xã hội 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top