Toyota - Bắt đầu từ chiếc máy dệt

Toyota - Bắt đầu từ chiếc máy dệt

Giấc mơ của con trai người thợ mộc

ImageView.aspx

Máy dệt do Sakichi Toyoda sáng chế năm 1890

Sự phát triển của nền công nghiệp dệt may Nhật Bản chịu ảnh hưởng rất nhiều từ các nhà phát minh, mà đặc biệt là Sakichi Toyoda - cha đẻ của chiếc máy dệt tự động đầu tiên của Nhật Bản, người sáng lập ra Tập đoàn Toyota, nhà doanh nghiệp công nghiệp vĩ đại, người được đưa vào sách giáo khoa Nhật Bản. Với suy nghĩ: “Tôi muốn làm công nghiệp để đóng góp cho xã hội!”, Sakichi Toyoda đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp chế tạo.

Với nghị lực phi thường, Sakichi Toyoda - con trai một người thợ mộc ở làng quê nghèo Nhật Bản - đã tự mình mở ra một lối đi mới. Bằng tinh thần yêu nước cháy bỏng, ông không những thay đổi bộ mặt ngành dệt may Nhật Bản mà còn góp phần đặt nền móng đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc trên thế giới về công nghiệp ôtô. Không phải đơn giản mà người dân Nhật coi Sakichi Toyoda như một anh hùng dân tộc.

Bước ra từ một nỗi đau...

Sakichi Toyoda sinh ra trong một ngôi làng nhỏ thuộc tỉnh Yamaguchi (nay thuộc thành phố Kosai, quận Shizuoka) vào ngày 14-2-1867, một năm trước khi Thiên hoàng Minh Trị nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Nghề dệt may từ lâu đã đi vào cuộc sống của những người dân trong làng của Sakichi và những làng lân cận. Mặc dù gia đình Sakichi trước đây có truyền thống làm nghề nông, nhưng cha ông lại làm nghề mộc và mẹ ông thì dệt vải để phụ trợ thêm vào thu nhập của gia đình. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Sakichi bắt đầu theo cha học nghề mộc.

Và cũng như cha, Sakichi dồn mọi tâm huyết vào công việc. Tuy nhiên, hằng ngày tận mắt chứng kiến cảnh đói nghèo đeo bám cuộc sống mọi người dân trong làng, đồng thời lại nghe kể về những cố gắng hiện đại hóa ngành công nghiệp đang diễn ra trên khắp Nhật Bản, Sakichi khao khát được góp phần vào sự phát triển đó.

Thời Minh Trị, nước Nhật đã trải qua một cuộc cách mạng hiện đại hóa lớn trong cố gắng đuổi kịp các quốc gia phương Tây hàng đầu. Sau thời kỳ dài thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”, Nhật đã mở cửa lại buôn bán với thế giới. Những mặt hàng công nghiệp hiện đại từ các quốc gia phương Tây ồ ạt tuôn vào Nhật đã khiến không chỉ chính quyền mà cả các nhà kinh doanh Nhật nhận ra một điều: đã đến lúc Nhật Bản cần phải đánh thức nền công nghiệp đang ngủ yên của mình.

Sự xuất hiện của vô số hàng hóa nhập khẩu giá rẻ trên thị trường đã ảnh hưởng mạnh đến rất nhiều ngành nghề truyền thống của Nhật. Ngành dệt may cũng bị giáng một đòn nặng bởi những mặt hàng cotton giá rẻ, chất lượng cao đến từ Anh và các nước phương Tây khác.

Trong cố gắng bảo vệ ngành dệt may nước nhà, chính quyền Nhật đã cho tiến hành nhiều biện pháp, từ vĩ mô như truyền bá công nghệ mới thông qua các cuộc triển lãm công nghiệp lớn, đến vi mô như mở những công ty dệt may nhà nước hay bán máy dệt cho các doanh nghiệp cá nhân với giá thật rẻ. Tuy nhiên do sự thua kém về mặt kỹ thuật, ngành dệt may Nhật Bản vẫn tiếp tục theo đà đi xuống.

Ngôi làng nhỏ nơi Sakichi Toyoda sinh ra và lớn lên, cũng như mọi ngôi làng Nhật Bản có nghề dệt may khác, đã chịu ảnh hưởng nặng nề. Một buổi tối năm 1885, Sakichi tham dự một lớp học về luật sáng chế mới được ban hành. Ở đây, người ta nói với ông rằng: chỉ có phát minh và sáng chế mới là con đường để đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Rời lớp học, chứng kiến mẹ mình và những phụ nữ khác trong làng ngày ngày cặm cụi dệt vải bên những dụng cụ dệt tay cũ kỹ, Sakichi càng nung nấu quyết tâm phát minh ra những chiếc máy dệt hiệu quả có thể giúp giải phóng bớt sức lao động và thật sự đóng góp vào những nỗ lực hiện đại hóa ngành công nghiệp đã và đang được thực hiện khắp nơi trên đất nước Nhật Bản.

Phòng sáng chế trong nhà chứa cỏ

Thời bấy giờ, công việc dệt may bị coi như một công việc không quan trọng, chỉ phụ nữ mới làm, cho nên khi nghe về dự định của Sakichi, không ít dân làng đã chê cười: “Đàn ông con trai mà đi lo về chuyện dệt may này nọ. Đúng là dở hơi!”.

Nhưng Sakichi lại không nghĩ như vậy. Ngọn lửa của lòng đam mê nghiên cứu trong ông càng bừng cháy hơn, vì theo ông: “Đã là những thứ cần thiết cho cuộc sống thì cái gì cũng quan trọng. Không ai có quyền coi khinh việc dệt may ra vải vóc để làm quần áo mặc. Tuy nhiên, nếu cứ giữ nguyên cách làm việc như bây giờ thì thật sự không ổn, vì vậy nhất thiết phải cải tiến mẫu máy dệt”.

Là con của một người thợ mộc, Sakichi từ nhỏ đã được huấn luyện để nối nghiệp gia đình. Ông nhận ra vốn kiến thức về nghề mộc có thể áp dụng vào việc chế tạo các máy dệt gỗ. Ban đầu, tranh thủ lúc cha không để ý, Sakichi quanh quẩn bên mẹ quan sát bà dệt vải, sau đó ông lân la đến các nhà trong làng quan sát các máy dệt khác để tìm hướng cải tiến.

Sakichi nhận ra nếu có thể dùng sức máy móc để thay thế sức người di chuyển con suốt liên tục từ trái sang phải và ngược lại thì hiệu quả làm việc sẽ tăng lên rất nhiều. Sau mỗi lần quan sát, Sakichi lại chui vào nhà chứa cỏ khô của gia đình mày mò chế tạo chiếc máy dệt mơ ước. Nhưng cải tiến máy dệt không phải là một công việc dễ dàng với Sakichi, một người có kỹ năng thợ mộc nhưng lại thiếu những kiến thức kỹ thuật cơ bản.

Bao nhiêu lần Sakichi thử nghiệm rồi thất bại, tuy nhiên sau đó ông lại tiếp tục dồn hết tâm huyết vào các thử nghiệm mới. Do quá bận rộn với việc cải tiến máy dệt, Sakichi không còn tập trung được vào công việc thợ mộc. Bất chấp sự phản đối từ cha mình và rất nhiều dân làng (họ cho ông là một con người lập dị), niềm say mê sáng tạo của Sakichi ngày càng tăng.

Câu hỏi lớn của người “lập dị”

Năm 1890, khi Sakichi nghe tin Hội chợ triển lãm công nghiệp quốc gia lần 3 tổ chức tại Tokyo, không gì có thể cản ông đến tận nơi để tham quan. Có khoảng 1.700 sản phẩm nước ngoài được trưng bày tại đây.

Trong hai tuần, ngày nào Sakichi cũng đến khu vực trưng bày máy móc để ngắm những chiếc máy màu ánh bạc lấp lánh và tìm hiểu cách thức chúng hoạt động. Sau đó, ông đến tham quan một số nhà máy tại khu vực Tokyo-Yokohama trước khi về nhà. Dù chuyến đi không giúp Sakichi có một sáng kiến kỹ thuật nào mới, nhưng nó đã giúp xua tan mọi nghi ngờ, thiếu tự tin còn lại trong ông. T

uy nhiên, bên cạnh sự vui sướng được tận mắt thấy những chiếc máy hiện đại, một nỗi buồn dâng tràn trong Sakichi khi ông nhận ra trong số những chiếc máy được trưng bày tại hội chợ, không có một chiếc nào do Nhật sản xuất. “Tương lai của Nhật sẽ ra sao?”, câu hỏi trở đi trở lại trong đầu, khiến ông không ngớt băn khoăn suốt thời gian tham quan hội chợ. Khi người gác cổng thấy Sakichi ngày nào cũng đến và bảo ông đừng đến nữa, Sakichi chỉ đứng tần ngần rồi lặng lẽ hỏi: “Ông có thấy đáng tiếc không khi những máy móc trong kia toàn là của nước ngoài sản xuất?”.

Trở về nhà, Sakichi bắt đầu đắm mình trong việc nghiên cứu đến quên ăn quên ngủ. Tuy nhiên, như Sakichi đã dự liệu, mơ ước của ông không dễ dàng thành công. Những chiếc máy ông dành hết tâm trí hoàn thành trong nhà chứa cỏ khô của gia đình từng cái, từng cái một thất bại khi chạy thử.

Nhưng Sakichi quyết không bỏ cuộc. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước, ông tỉ mỉ tìm hiểu từng công đoạn, loại bỏ dần dần những sai sót trong bản vẽ phác mô hình cấu trúc máy. Không phụ công Sakichi, mùa hè năm đó, sau vài tháng thử nghiệm với các mẫu máy khác nhau, Sakichi đã hoàn thành phát minh đầu tiên của mình: một chiếc máy dệt tay bằng gỗ (Sakichi lấy bằng sáng chế mẫu máy này năm 1891).

Sakichi ngay lập tức đem chiếc máy dệt của mình ra trình diễn trước dân làng. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, chiếc máy đã tạo ra những mảnh vải chất lượng vượt trội với tốc độ sản xuất tăng 40-50%. Những người dân vốn quen với những dụng cụ dệt tay chậm chạp lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến một chiếc máy dệt tự chạy như có phép lạ và người vận hành chiếc máy dệt mơ ước đó chính là mẹ của Sakichi.

(Theo Tuổi Trẻ)
 
Bình luận (3)

nvhcuong

New Member
Kỳ 2: Hãy làm, trước khi nói không thể

Sau này khi được hỏi lý do tại sao lại chọn máy dệt là đối tượng để tập trung sức lực và trí tuệ của mình, Sakichi nói: “Cũng như nhiều người trai trẻ lúc đó, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng nếu không làm được gì cho đất nước thì không đáng với sinh mệnh đàn ông sinh ra ở trên đời.

Có những lúc tôi tự giam mình trong phòng nghĩ xem sức mình làm gì là tốt nhất. Tạo ra một hòn đảo hay tặng cho đất nước một vùng đất mới thì tôi không thể”...

Sự chọn lựa đi qua những thất bại

Thật may là Luật bản quyền sáng chế được ban hành ngày 18-4-1885. Năm ấy Sakichi 19 tuổi. Ông kể: “Khi cùng những thanh niên khác trong làng đến nghe thầy giáo giảng về Luật bản quyền, tôi được biết đây là bộ luật liên quan đến những điều trước nay chưa hề được biết đến và chúng được sản sinh ra từ bộ não con người.

Kể từ đó, nghề mộc gia truyền dường như không còn chiếm hữu trí óc tôi nữa. Lúc đó tôi chợt hiểu rằng phát minh, sáng chế chính là mục đích lớn duy nhất của đời tôi, chỉ với điều này tôi mới làm được gì đó cho đất nước.

Nhưng phát minh cái gì bây giờ? Càng nghĩ tôi càng thấy hoang mang. Làng tôi chuyên nghề nông nhưng ai cũng có dụng cụ dệt tay. Có lẽ môi trường sống xung quanh đã làm tôi dần hướng suy nghĩ của mình vào máy dệt.

Cái dụng cụ này khắp nước đâu đâu cũng dùng. Nếu cải tiến tốt sẽ tăng được tốc độ của máy dệt, dệt ra nhiều vải hơn, giá thành của tấm vải sẽ thấp đi, người mua sẽ mua được vải rẻ hơn. Nếu làm được vậy là giúp ích cho đất nước nhiều lắm. Thế là tôi quyết định sẽ phát minh cải tiến máy dệt...”.

Sau khi Sakichi lấy bằng phát minh về chiếc máy dệt tay đầu tiên của mình (năm 1891), Nhật Bản rơi vào giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng. Ngành vải sợi trước đó phát triển mạnh cùng với việc thành lập các công ty dệt giờ lâm vào tình trạng hàng tồn kho, cung vượt quá cầu.

Đó cũng là lúc Sakichi chế tạo thêm 4-5 máy dệt nữa, sau đó mang lên Tokyo mở cửa hàng bán vải và giới thiệu sản phẩm là những chiếc máy dệt tay năng suất cao. Nhưng vào thời buổi bấy giờ ít có công ty dệt qui mô nhỏ nào lại chịu mua về những chiếc máy với qui trình sản xuất chiếm hết thời gian làm việc của thợ như vậy cho dù sản lượng có tăng thêm một nửa.

Nắm bắt được nguyên nhân đó, Sakichi tự đề ra cho mình một mục tiêu mới: tạo ra một chiếc máy dệt chạy bằng năng lượng. Chỉ có điều lợi nhuận từ cửa hàng của ông lúc đó không đủ để đài thọ cho những nghiên cứu cần thiết. Mặc dù đã nỗ lực hết sức, đến năm 1893 Sakichi buộc phải đóng cửa hàng và trở về làng.

Liền trong năm này, thể theo nguyện vọng tha thiết của cha, Sakichi kết hôn với Tami Sahara, sinh cậu con trai là Kiichiro Toyoda. Cuộc sống hôn nhân của Sakichi cũng thật khác người. Ông thường xuyên cố thủ trên căn gác dùng làm phòng thí nghiệm, hiếm lắm mới ăn cơm cùng vợ. Tiền tích lũy từ cửa hàng tiêu hết vào nghiên cứu, thiếu thốn đến độ có khi phải cầm cố cả quần áo để lấy tiền ăn.

Mùa hè năm 1897, Sakichi hoàn thành chiếc máy dệt chạy bằng năng lượng (hơi nước) đầu tiên của mình, được gọi là máy dệt gỗ động lực kiểu Toyoda, là máy dệt động lực khổ hẹp đầu tiên của Nhật Bản. Một người thợ có thể vận hành 3-4 chiếc máy cùng một lúc, giúp tăng năng suất đến bốn lần và giảm 50% chi phí sản xuất.

Vậy nhưng, phát minh lần này của Sakichi lại đi trước thời đại quá, và Sakichi lại nếm trải nỗi buồn một lần nữa. Ông kể: “Vất vả lắm tôi mới hoàn thành máy dệt động lực, nhưng mình thì mừng rỡ ngắm máy mà thiên hạ lại chưa tiến đến chỗ dùng máy động lực, chẳng ai mua cho. Nỗi thất vọng lại bao trùm lấy tôi. Phải mất đến ba năm trời sự thất vọng ấy mới chấm dứt...”.

Để mở rộng các thử nghiệm về máy dệt, Sakichi thí điểm thành lập một nhà máy của chính mình tại Nagoya làm cơ sở cho việc tích lũy kinh nghiệm sản xuất. Sau nhiều cải tiến, chiếc máy dệt Toyoda với ưu điểm nhỏ gọn, dễ bảo trì, dễ vận hành, giá thành rẻ hơn rất nhiều các đối thủ cạnh tranh nước ngoài khác (chỉ có 93 yen, trong khi máy Hartmann của Đức giá 872 yen và máy Diederich của Pháp 389 yen) đã thành công đến nỗi không thể đáp ứng kịp lượng đặt hàng khổng lồ từ các xí nghiệp dệt may loại nhỏ.

Từ những kinh nghiệm học hỏi được ở nước ngoài...

Tháng 5-1910, Sakichi quyết định làm một chuyến tham quan Mỹ và châu Âu cùng một người bạn thuở thiếu thời và cũng là kỹ sư dệt - Akiji Nishikawa. Sakichi ở Mỹ năm tháng, đi đến tất cả nhà máy dệt ở New York, Boston, New Bedford, Fall River, Providence và Worcester.

Lúc này hầu hết xưởng may của Mỹ đều sử dụng loại máy dệt tự động Northrop. Sau khi so sánh tốc độ, khả năng bị sự cố và chất lượng sản phẩm tạo ra từ các máy dệt này với máy dệt của mình, niềm tin của Sakichi vào những phát minh của mình đã phục hồi. Ông cho rằng các máy dệt của Mỹ vận hành chậm, độ ồn cao và đặc biệt là cơ cấu thay suốt chỉ khá rườm rà do đó gây ra nhiều lỗi dệt.

Tin tưởng vào những phát minh đầy tính cạnh tranh của mình, sau khi ở Mỹ, Sakichi đến Anh tiếp tục công việc điều nghiên ở các nhà máy vùng Manchester, sau đó đi thăm một số nhà máy dệt khác ở châu Âu.

Trở về sau chuyến đi, Sakichi đôn đáo vận động vốn, đến tháng 10-1911 ông thuê được khoảng 10.000m2 đất ở phường Eisei, quận Tây thành phố Nagoya, khởi công xây nhà máy dệt tự động. Lần này ông quyết tâm độc lập kinh doanh nhà máy với mục đích dùng nguồn lợi kinh doanh bù đắp kinh phí nghiên cứu và hoàn thiện chiếc máy dệt tự động trong mơ của mình.

Cùng với gia đình, ông dọn đến ở ngay tại nhà máy và hằng ngày đắm mình vào công việc. Mỗi buổi sáng trước khi công nhân đến nhà máy, Sakichi đã có mặt tại phòng làm việc nghiên cứu từng mẫu bản vẽ. Sau đó, ông ra tận xưởng sản xuất quan sát những chiếc máy dệt đang vận hành để tìm ra những chi tiết có thể cải tiến, bất chấp người dính đầy xăng dầu. Buổi tối, ông lại một lần nữa nhốt mình trong văn phòng để tiếp tục nghiên cứu.

Tháng 10-1918, Sakichi cùng Akiji Nishikawa sang Trung Quốc nghiên cứu triển vọng phát triển để thành lập một công ty dệt mới ở đó. Hai nguyên nhân sâu xa khiến ông tìm hướng phát triển thị trường mới chính là: Thứ nhất, hơn cả mục đích kinh doanh, ông muốn phát triển sản xuất ra nước ngoài, điều mà không mấy công ty dệt của Nhật muốn thực hiện.

Thứ hai, điều kiện sống của người Nhật ngày một cao kèm theo chi phí nhân công tăng và Sakichi nhận ra rằng ông cần có một kế hoạch quyết định để chuyển hướng sản xuất sang một nền kinh tế với chi phí lao động rẻ hơn.

Ông nói: “Dùng chiến tranh, đổ máu chiếm đất, mở rộng lãnh thổ là chuyện đã xưa. Ngày nay từng người dân phải cùng tìm hiểu lẫn nhau, thân thiện nhẹ nhàng bắt tay, hòa đồng kinh tế mà giúp đỡ nhau để cùng đi lên...”.

Sau hơn một năm trời khổ công tìm kiếm đất làm nhà xưởng, cuối cùng Sakichi cũng mua được 66.000m2 đất tại thành phố Thượng Hải. Ông lập tức khởi công xây dựng nhà máy qui mô lớn trên một nửa diện tích đất, lắp đặt dây chuyền máy tinh chế sợi và máy dệt hiện đại nhất.

Sakichi một mình hoạt động kinh doanh đến tháng 11-1921, ông mở rộng phạm vi hoạt động và thành lập Nhà máy dệt bông vải sợi Toyoda tại Thượng Hải với 400 máy dệt và cùng gia đình dời đến sống tại đây. Thành công của chuyến “phiêu lưu” vượt biên giới này đã mang lại cho công ty nguồn ngân sách cần thiết cho việc nghiên cứu.

Có thêm sự trợ giúp từ con trai là Kiichiro vừa tốt nghiệp chuyên ngành công trình cơ khí tại Đại học hoàng gia Tokyo, và sau khi đã hoàn toàn yên tâm với tình hình tài chính của công ty, Sakichi một lần nữa bỏ lại công việc kinh doanh, toàn tâm toàn ý dốc hết trí óc vào công việc nghiên cứu cải tiến máy dệt còn đang bỏ dở...

* Ngay cả khi đã thành đạt, Sakichi vẫn luôn lặp lại với những cộng sự của mình: “Nhật Bản vẫn còn là một quốc gia nghèo, các công ty, các nhà lãnh đạo và mọi công dân cần tiếp tục hợp tác làm việc với nhau”.

Ông cổ vũ những nhân viên dưới quyền rằng: “Trước khi nói không thể, hãy thử làm việc đó một lần”, và: “Đừng lo sợ sẽ làm sai”, những khẩu hiệu mà chính bản thân ông đã áp dụng. Sakichi chỉ ra cho mọi người rằng ngay cả những thứ nhỏ bé nhất cũng có chỗ đứng của riêng nó và cần được coi trọng. Dù đã là vị chủ tịch của một tập đoàn lớn, người ta vẫn thấy Sakichi nhặt những con đinh ốc, những miếng vải bông vụn hay bất cứ thứ gì rơi trên nền nhà máy.

(Theo Tuổi Trẻ)
 

nvhcuong

New Member
Đừng ngại làm bẩn tay!

Với 119 phát minh đóng góp cho ngành công nghiệp dệt Nhật Bản, tháng 11-1927, Sakichi được vinh dự gặp mặt và trò chuyện với Thiên hoàng. Trong buổi tiệc mừng tại nhà, Sakichi đã gọi con trai lớn của mình là Kiichiro Toyoda lại, nói:

“Mỗi con người cần phải thực hiện một kế hoạch lớn lao trong cuộc đời mình. Cha đã dành trọn cuộc đời cho việc phát minh một loại máy dệt mới. Giờ đến lượt con, Kiichiro. Con cũng cần phải cố gắng làm một cái gì đó có ích cho xã hội. Hãy tạo ra những chiếc xe tốt nhất. Hãy để Nhật Bản có quyền tự hào đứng ngang hàng với các quốc gia công nghiệp phát triển trên thế giới...”.

Từ bốn bàn tay chai sạn...

Sâu thẳm trong trí óc của mình, Sakichi vẫn lưu giữ ấn tượng mạnh mẽ về những chiếc xe hơi được sử dụng rộng rãi ở Mỹ. Ông đã sớm nhận ra thế giới đang thay đổi, và những chiếc máy dệt năng lượng chỉ là công nghệ của ngày hôm qua, trong khi xe hơi sẽ là công nghệ của ngày mai.

Nhưng không chỉ có thế, Sakichi đã ghi được dấu ấn của mình trong nền công nghiệp thế giới bằng việc chế tạo máy dệt, và bây giờ ông cũng muốn con mình có cơ hội đóng góp cho thế giới bằng một sản phẩm riêng của chính mình...

Tháng 3-1918, khi đạo luật trợ cấp xe quân đội được ban hành, những tập đoàn, công ty lớn của Nhật với nguồn vốn đầy đủ bắt đầu cân nhắc nghiêm túc việc gia nhập ngành công nghiệp ôtô. Vào thời điểm đó, Kiichiro Toyoda còn học đại học, tuy hầu hết các khóa học công trình phổ biến nhất tập trung vào việc chế tạo tàu thuyền, thế hệ sinh viên cùng lứa tuổi với Kiichiro đã bắt đầu hứng thú với những động cơ đốt trong.

Trước ngưỡng cửa Chiến tranh thế giới thứ nhất, tiêu điểm chú ý của các sinh viên ngành công trình cơ khí dồn vào động cơ xe hơi và máy bay. Kiichiro cũng không ngoại lệ. Năm 1921, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành công trình cơ khí tại Đại học hoàng gia Tokyo, Kiichiro vào làm tại Công ty dệt bông vải sợi Toyoda của cha. T

hừa hưởng từ cha niềm tin rằng những kiến thức kỹ thuật tiên tiến chỉ trở nên hữu ích khi người ta đã nắm vững trước hết những kỹ thuật thực tế ngay tại xưởng sản xuất, Kiichiro không chỉ ngồi yên trong văn phòng chỉ đạo mà luôn lăn xả xuống xưởng trực tiếp hướng dẫn công nhân cách thức cải tiến công việc. Hơn ai hết, Kiichiro hiểu rõ chính triết lý “đừng ngại làm bẩn tay” mà cha cậu tôn thờ là chìa khóa dẫn đến những thành quả ông có được ngày hôm nay.

Người con trai hiểu khi cần thực hiện một việc gì, chính mình chứ không ai khác phải tự tay thực hiện công việc đó. Kinh nghiệm thật sự quí giá chỉ khi nó có được từ mồ hôi, nước mắt đổ ra ngay tại xưởng làm việc, không phải khi bạn ngồi một chỗ thừa hưởng công sức của người khác. Khi thử thách xuất hiện, câu trả lời là hãy thử giải quyết nó - học hỏi bằng cách làm việc trực tiếp.

Tinh thần“không ngại bẩn tay vì công việc” này vẫn luôn tiếp tục ngay khi Sakichi đã trở thành người lãnh đạo cao nhất của công ty. Sakichi luôn là người có mặt sớm nhất tại nhà máy, và ngoài những giờ nhốt mình trong phòng làm việc mày mò nghiên cứu các bản thiết kế, ông luôn có mặt tại phân xưởng để quan sát các cỗ máy dệt hoạt động nhằm tìm ra những chỗ có thể cần được cải tiến, chỉnh sửa mà không để tâm đến việc mình dính đầy dầu nhớt máy.

Noi gương cha, không chỉ tự mình thực hiện triết lý đó, Kiichiro còn khuyến khích mọi thành viên khác trong công ty hãy đừng ngại “bẩn tay” khi làm việc. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Nhật bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, ông đã từng nhận xét: “Sẽ rất bi quan cho hi vọng xây dựng lại nền công nghiệp đất nước nếu như thế hệ kỹ sư của chúng ta là những người có thể ngồi vào bàn ăn mà không phải rửa tay”.

Đối với những kỹ sư trẻ mới ra trường chỉ biết dựa vào kiến thức lý thuyết học tại trường, Kiichiro dạy cho họ tầm quan trọng của việc trực tiếp xuống phân xưởng làm việc để lấy kinh nghiệm thực tiễn bằng những câu trách khéo: “Các bạn chắc khéo tay lắm vì các bạn không có vết xước nào trên tay. Tôi thì không khéo như các bạn, vì tay tôi đầy vết cắt và chai như thế này”.

Không văn vẻ, hoa mỹ, những câu nói của Kiichiro đơn giản và trực tiếp, không phải trên tư cách một giám đốc với nhân viên dưới quyền mà là tư cách một kỹ sư đàn anh khuyên bảo thế hệ kỹ sư đàn em. Nhờ vậy mà tinh thần “không ngại bẩn tay” đã được tiếp thu và phát huy trong suốt mọi thế hệ lãnh đạo, quản lý cũng như nhân viên của Toyoda.

Một khát vọng cha truyền con nối

Sau cơn động đất tại Kanto vào ngày 1-9-1923, 800 khung gầm xe tải của Ford đã được nhập vào Nhật để chế tạo xe buýt thay thế tạm hệ thống giao thông bị hủy hoại ở Tokyo. Tính hiệu quả của những chiếc xe này đã đánh thức sự chú ý của quần chúng vào ôtô, và những chiếc xe của Mỹ nhanh chóng tràn vào Nhật với số lượng lớn. Hai hãng xe hàng đầu thế giới thời điểm đó là Ford và GM đã có nhà máy lắp ráp xe ngay tại Nhật.

Một chiếc xe được tạo nên từ sắt, thép, cao su, kính, vải... Những ngành công nghiệp về những vật liệu đó ở Nhật đều có, nhưng những chiếc xe chạy trên đường phố Nhật lại toàn là xe Mỹ. Mang cùng những bức xúc giống như cha mình, Kiichiro đã có lần nói với đồng sự: “Nếu không có một người nào chịu đứng lên thử sức với ngành công nghiệp ôtô, nền công nghiệp quốc gia sẽ không bao giờ phát triển.

Người đó là ai cũng được, không nhất thiết phải là người của dòng họ Toyoda. Nhưng hãy nhớ tấm gương của nền công nghiệp ôtô của Canada, dưới sự thao túng toàn bộ của Ford đã hoàn toàn không phát triển gì, hiện vẫn còi cọc mãi trong trứng nước. Nước Nhật hiện đang đi theo cùng con đường đó. Nếu chúng ta cứ mãi chịu cúi đầu để các hãng xe Mỹ tung hoành thị trường thì nền kinh tế Nhật sẽ vĩnh viễn phải lệ thuộc Mỹ”.

Thấy được quyết tâm của Kiichiro, Sakichi cho phép con trai dùng số tiền chuyển nhượng bản quyền máy dệt G-Type của ông để phát triển các nghiên cứu về ôtô.

Tháng 3-1930, sau chuyến tham quan các nhà máy ôtô tại Mỹ và châu Âu, Kiichiro trở về Nhà máy dệt tự động Toyoda, dành ra một góc trong nhà máy cho việc nghiên cứu chế tạo sản xuất xe hơi. Ông tập hợp những kỹ sư dưới quyền lại và cùng nhau bắt tay chế tạo thử một động cơ chạy bằng xăng loại nhỏ.

Kiichiro muốn bắt đầu bằng động cơ, chi tiết quan trọng nhất của một chiếc ôtô, nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng ngay bước đi ban đầu này đã đòi hỏi hàng loạt thử nghiệm quan trọng, trong khi nhóm nghiên cứu gặp hết rắc rối này đến rắc rối khác...

Ngay cả khi phải đánh vật với những kỹ thuật cần thiết cho việc sản xuất xe hơi, Kiichiro vẫn không quên viếng thăm các công ty kinh doanh bộ phận phụ tùng xe cũng như các nhà máy chế tạo thiết bị máy móc và sử dụng cơ khí. Bằng cách mua các bộ phận và phân tích chúng, ông có thể có cái nhìn chính xác về ngành công nghiệp bộ phận, một ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô.

Tháng 5-1931, Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp Nhật mở cuộc họp bàn về việc phát triển ngành công nghiệp ôtô với quyết định sản xuất những chiếc xe theo tiêu chuẩn đặc biệt. Cùng với Bộ Giao thông, ba nhà sản xuất xe hơi của Nhật (Dat Motor, Ishikawajima Automobile, Tokyo Gas & Electric) đã được giao nhiệm vụ thiết kế xe hơi theo yêu cầu.

Tháng 3-1932, họ đã hoàn thành khung gầm xe cho xe buýt và xe tải với khả năng vận chuyển 1,5 - 2 tấn, cùng kích thước nhưng hơi lớn hơn mẫu khung gầm của xe Ford và Chevrolet. Chính phủ thúc giục ba nhà sản xuất này hợp nhất với nhau để có thể tiến hành sản xuất mẫu xe hơi trên. Tuy nhiên, mâu thuẫn phân chia quyền lợi giữa các công ty đã ngăn cản tiến trình sản xuất hàng loạt.

Trong thời gian đó, Kiichiro vẫn tiếp tục chuẩn bị để Toyoda gia nhập làng sản xuất và kinh doanh ôtô. Mỗi khi có ý tưởng mới nảy sinh, ông cẩn thận ghi lại, liên tục cân nhắc, so sánh chúng với những ý tưởng khác và với khả năng kỹ thuật nhà máy hiện có. Từ hàng núi ghi chú ông để lại, người ta có thể biết được kế hoạch của ông dần định hình như thế nào.

Kiichiro nhận ra rằng một chiếc xe dù tốt đến đâu cũng sẽ chẳng ích lợi gì nếu nó quá đắt, và với xe hơi nội địa, trừ khi nó rẻ hơn xe nước ngoài, nếu không sẽ khó tìm được chỗ đứng trên một thị trường vốn đã quen với các loại xe đó. Kiichiro bắt đầu cân nhắc số tiền cần thiết để chế tạo một chiếc xe cũng như mức hao tổn duy trì chúng cho đến khi người mua chịu để mắt đến. Lúc này, quan tâm chính của ông là Nhà máy dệt tự động Toyoda có thể hỗ trợ mức thâm hụt đó được bao lâu?

(Theo Tuổi Trẻ)
 

nvhcuong

New Member
Kỳ cuối: Thành phố trên bãi đất hoang

Tháng 1-1959, thị trấn Koromo được đổi tên là thành phố Toyota. Ngày nay với dân số gần 500.000 người và diện tích khoảng 918km2, thành phố Toyota được biết đến như một thành phố công nghiệp chế tạo và sản xuất ôtô, nơi đặt đại bản doanh của Toyota Group

Rất nhiều người trong công ty đã phản đối khi biết về kế hoạch gia nhập ngành công nghiệp ôtô của Kiichiro. Tuy nhiên Kiichiro vẫn nhất quyết giữ nguyên ý định của mình.

Vì khó nên mới phải làm

Ông đã viết lại trong cuốn sổ ghi chú của mình là: “Vì khó nên mới phải làm. Nếu không ai chịu làm, không ai có thể làm thì tôi sẽ làm. Cũng có thể tôi chỉ là một kẻ ngốc, nhưng nếu không có những kẻ ngốc như thế này, thế giới đã không thể sản sinh ra những điều mới. Mỗi người trên thế giới này ít nhất phải có một điều gì đó quan trọng đáng để họ dành trọn đời sống vì nó. Nếu vì lo sợ điều xấu xảy ra mà không dám bước đi trên chính đôi chân của mình thì thà tôi mổ bụng tự sát còn hơn”.

Ngày 29-1-1934, tại cuộc họp cổ đông của Nhà máy dệt tự động Toyoda, Kiichiro đã trình ra dự án chế tạo ôtô của mình và mạnh dạn tuyên bố trong năm nay sẽ hoàn thành chiếc xe hoàn chỉnh. Tất nhiên Kiichiro cũng gặp nhiều phản đối, nhưng ông nói “đó là nguyện vọng của ba tôi trước khi chết” (Sakichi Toyoda mất ngày 30-10-1930) và đã thuyết phục được mọi người.

Đến tháng ba, phân xưởng được xây xong. “Trái tim của một chiếc xe là động cơ, cho nên chúng ta hãy bắt đầu từ chế tạo động cơ trước” - Kiichiro quyết định và cùng các nhân viên dưới quyền ngay lập tức bắt tay vào nghiên cứu chế tạo động cơ, lấy mẫu là động cơ của xe Chevrolet.

Thời gian trôi nhanh. Mục tiêu trong một năm hoàn thành chiếc xe đầu tiên đặt ra dạo trước, đến giờ thời hạn đã qua lâu mà ngay cả một cái động cơ vẫn chưa hoàn thành. Số tiền 1 triệu yen mà Sakichi giao cho Kiichiro nghiên cứu nay cũng hết sạch. Tương lai trước mắt mờ mịt, không biết phải mất thêm bao nhiêu năm mới tạo ra được một chiếc xe, và cũng không biết chắc chiếc xe ấy có bán được hay không. Ngân hàng và các cổ đông trong công ty đã bắt đầu lên tiếng phản đối hoạt động chế tạo xe hơi của Kiichiro, cho rằng ông đang dần đẩy Nhà máy dệt Toyoda vào tình trạng nguy hiểm.

Một đêm mùa xuân, Kiichiro nằm trong phòng mình (một căn phòng trong nhà máy). Ngắm ánh trăng bên ngoài, ông buồn bã nghĩ: “Phải chăng mình đang dần dần trở nên lập dị giống cha mình?”.

Thình lình Kiichiro nghe tiếng đập cửa dồn dập, cùng giọng nói hổn hển của một nhân viên: “Động cơ chạy rồi! Mã lực mạnh lắm!”. Ngay lập tức Kiichiro chạy xuống phân xưởng. Tại đó, động cơ của ông đang chạy và đang bắt đầu vượt qua mức 60 mã lực của động cơ Chevrolet... 62 rồi đến 63 mã lực. “Ừ, tốt lắm!” - Kiichiro vừa cười vừa gật đầu. Sau đó ông đến bắt tay từng cộng sự một, những bàn tay còn dính đầy dầu nhớt và nói: “Bắt đầu từ tối hôm nay, hãy lập tức dồn hết tâm sức bắt tay vào chế tạo chiếc xe đầu tiên của chúng ta”.

ImageView.aspx


ImageView.aspx

Tháng 7-1936, Kiichiro đã tổ chức một cuộc thi sáng tác biểu tượng cho công ty mới. Trong số 27.000 mẫu biểu tượng gửi về, có một biểu tượng mang tên “Toyota” với hình tròn bao quanh, viết theo dạng chữ Katakana và được sắp xếp theo một thiết kế truyền đạt được cảm giác và tốc độ. Cái tên “Toyota” có vẻ như khá thích hợp đối với tâm lý quảng cáo, hơn nữa chữ “Toyota” viết theo dạng chữ Katakana chỉ có tám nét so với 10 nét của “Toyoda”.

Theo quan niệm truyền thống của người Nhật, con số 8 mang lại sự may mắn và tượng trưng cho sự lớn mạnh không ngừng, trong khi số 10 là một số tròn trĩnh, không còn chỗ cho sự phát triển. Thêm nữa, bản thân Kiichiro còn có một lý do rất riêng cho việc chọn lựa biểu tượng này, đó là ông muốn tách riêng sinh mệnh của công ty mới với sinh mệnh của những người sáng lập ra nó. Ông muốn công ty sẽ phát triển mạnh mẽ ra khỏi phạm vi của một dòng họ...

Những chiếc xe hiện tại của chúng ta là kém nhất

Sau khi chiếc xe thử nghiệm đầu tiên được hoàn thành, đến tháng sáu, tới lượt những mẫu xe tải thử nghiệm đầu tiên ra đời. Khi Kiichiro tuyên bố: “Cần ngay lập tức tiến hành sản xuất xe tải. Nội trong năm nay phải bắt đầu bán xe tải” - mọi người xung quanh đều hết sức ngạc nhiên vì chỉ còn sáu tháng nữa là hết năm.

Tháng mười một, mẫu xe tải G1 ra mắt và được đem giới thiệu ở Tokyo. Sau đó, tại từng địa phương, các chiến dịch marketing bắt đầu được tiến hành. Nhưng lời khuyên của Kiichiro dành cho những người bán hàng của chính mình lại rất khác biệt: “Tuy chúng ta bán xe, nhưng đừng bao giờ nói xe của chúng ta tốt hơn những chiếc xe khác. Cho dù đem so sánh với xe ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, những chiếc xe hiện tại của chúng ta vẫn là kém nhất.

Tuy nhiên, vì đây là xe nội địa, hãy thuyết phục khách hàng mua và sử dụng nó. Nếu không, thị trường xe của Nhật sẽ mãi mãi bị Mỹ độc chiếm. Nếu chính những người Nhật không nuôi dưỡng nền công nghiệp ôtô của Nhật thì toàn thể nền công nghiệp quốc gia của chúng ta sẽ mãi bị bỏ lại phía sau, chỉ có thể xếp vào loại hai, loại ba trên thế giới. Nếu mọi người sử dụng xe Toyoda, Toyoda nhất định sẽ liên tục cải tiến để trở thành chiếc xe hàng đầu thế giới”.

Trong suốt sáu tháng trời, các hoạt động nghiên cứu, thử nghiệm hối hả diễn ra tại nhà máy với hàng loạt những vấn đề nảy sinh mỗi ngày. Kiichiro cũng gần như ở hẳn tại nhà máy, và luôn khuyến khích đội ngũ kỹ sư tiếp tục cải thiện: “Cho dù chỉ là một lỗi nhỏ chúng ta cũng không được phép bỏ qua”. Đôi lúc người ta thấy Kiichiro vẫn mặc nguyên chiếc áo trắng văn phòng, bò trườn dưới gầm xe để tìm ra nguyên nhân sự cố, bất chấp mặt mũi, tay chân và quần áo dính đầy dầu nhớt.

Mỗi khi một phụ tùng mới được hoàn chỉnh, ông cho đập hết tất cả phụ tùng cũ tồn kho trước mặt mọi người để khẳng định quyết tâm không bao giờ làm ra một sản phẩm chất lượng kém nữa. Chỉ trong một năm, có hơn 800 điểm trên chiếc xe Toyoda được cải tiến, số lượng lỗi sai giảm hẳn, và chất lượng xe Toyoda dần chiếm được lòng tin của khách hàng.

Thành phố Toyota

Sau khi quyết định chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh vực sản xuất ôtô cho thị trường nội địa, Kiichiro lập tức bước vào hành trình tìm kiếm nơi đặt nhà máy. Ông đã đi qua nhiều thành phố, thị trấn và cuối cùng dừng chân tại thị trấn Koromo. Phía nam thị trấn Koromo lúc bấy giờ là vùng đất khô cằn được bao quanh bởi hệ thống đường ray Mikawa và đường cao tốc hướng đến Okazaki...

Ngay lập tức Kiichiro nhận ra đây sẽ là nơi xây dựng nhà máy sản xuất ôtô đầu tiên của Toyota. Nếu một nhà máy mọc lên trên mảnh đất khô cằn, bỏ hoang này thì gần như không ai phải hi sinh cho sự ra đời của nó. Hàng loạt thanh niên trong thị trấn sẽ có công ăn việc làm ổn định. Viễn cảnh u ám của nền kinh tế ở thị trấn lấy nghề trồng dâu nuôi tằm làm gốc này sẽ nhanh chóng tan biến...

Sau này rất nhiều nhà kinh tế học, xã hội học đã phân tích quyết định này của Kiichiro Toyoda và họ cho rằng: “Kiichiro có thể chọn một vùng đất tốt hơn cho việc xây dựng nhà máy thế nhưng ông đã không làm như thế. Chính tinh thần luôn hướng đến lợi ích của cộng đồng đã thôi thúc ông chọn vùng đất khô cằn Koromo làm điểm dừng chân cho nhà máy sản xuất ôtô đầu tiên của mình...”.

Tư tưởng vì cộng đồng này vốn bắt nguồn rất rõ nét từ Sakichi, sang đến Kiichiro và truyền nguyên vẹn sang những thế hệ kế thừa như Eiji Toyoda (cháu gọi Sakichi bằng bác) - người được coi như là thầy phù thủy của nền công nghiệp ôtô Nhật Bản.

Tất cả họ đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng giá trị của con người trong công việc, như Eiji Toyoda đã có lần giải thích: “Một nhà sư đã nói rằng “Cuộc đời con người được tạo ra từ sự tích lũy của thời gian, vì vậy mỗi một giờ đều là một phần cuộc đời của người đó, hay nói cách khác bản thân nó chính là cuộc sống”.

Cho nên khi thuê nhân công làm việc cũng đồng nghĩa với việc ta mua cả cuộc đời họ trong suốt khoảng thời gian họ làm việc với chúng ta. Công nhân đã dâng tặng một phần rất quan trọng trong cuộc đời họ cho chúng ta. Nếu không sử dụng thời gian của họ một cách có hiệu quả là chúng ta đã lãng phí đi cuộc đời của họ”.

(Theo Tuổi Trẻ)
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top