Về nền văn học Nhật Bản cận đại và hiện đại

Về nền văn học Nhật Bản cận đại và hiện đại

Oe-1.jpg

Oe Kenzaburo​

Người ta có thể làm tái hiện buổi ban đầu của nền văn học cận đại Nhật Bản thời hiện đại hóa mà cuộc Canh tân Minh Trị năm 1868 tác thành. Sự kiện này đánh dấu một bước khởi đầu mới cho đất nước đang thoát khỏi hệ thống phong kiến để trở thành một nhà nước tập trung dựa trên quyền lực tuyệt đối của Nhật Hoàng. Điều này hàm ý hơn một cuộc cải cách chính trị nội bộ đơn thuần: quả vậy, cuộc Canh tân đã đặt nước Nhật vào bối cảnh quốc tế. Đến nỗi, cả trên mặt bằng trong nước cũng như trong quan hệ với nước ngoài, Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ và cũng phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng nặng nề. Những nhà trí thức thời đó cảm thấy cần có một nền văn học tiểu thuyết tạo cho người Nhật ở thời đại mới đó một tiếng nói riêng, và họ ra sức đi tìm nó. Đây chính là bước đầu của cái mà người ta gọi là nền văn học Nhật Bản hiện đại.

Những người tiên phong của nền văn học này là những trí thức được giao một sứ mệnh, đều có một giọng nói và cách cảm nhận ăn sâu trong hiểu biết về những nhà văn cổ điển Trung Hoa. Họ thêm thắt vào đó các nghiên cứu khác, đặc biệt là về văn học Nga, Đức, Pháp, Anh…Họ dịch riêng lẻ các tác phẩm châu Âu và dùng nó như bàn đạp để tạo nên viễn cảnh của thời đại mới, khi đã cắt được ràng buộc với những qui ước của nền tảng văn học cũ. Trong số đó có Shimei Futabatei, chuyên về văn học Nga, Sôseki Natsume, quen thuộc với văn học Anh, Ogai Mori, nghiên cứu tiếng Đức và Pháp. Vậy là ở Nhật Bản đã tồn tại một dòng tiểu thuyết từ cách đây hơn một thế kỷ đã làm cầu nối giữa những trí thức thời MinhTrị với những nhà văn hiện đại.

Nhà nước cận đại Nhật Bản tiếp tục phát triển qua buổi giao thời bằng cách sử dụng các niên hiệu chỉ có ở Nhật Bản như Minh Trị (1868-1912), Đại Chính (1912-1925), Chiêu Hòa (1925-1989). Việc Hoàng đế Chiêu Hòa băng hà năm 1989 tỏ rõ sức mạnh của một hệ thống ẩn dụ mà tên tuổi được gán cho các thời đại theo sự đổi ngôi hoàng đế, điều đó làm cho dân chúng cảm nhận được mỗi giai đoạn đặc thù lần lượt kết thúc. Việc chấm dứt của triều đại Chiêu Hòa đặc biệt có ý nghĩa vì nó kéo dài hơn tất cả các triều đại khác, nhưng cũng bởi lẽ nó được đánh dấu bằng những chuyển biến sâu sắc và phức tạp nhất.

Điều gì đã chấm dứt? Nhìn chung đó là một thời kỳ kéo dài 64 năm, đã chứng kiến những thăng trầm của chủ nghĩa phát xít, sự xâm lược của Trung Quốc và kéo theo đó là cuộc chiến Thái Bình Dương, sự thất trận của quân Nhật và thảm họa bom nguyên tử, tiếp đến là công cuộc khôi phục và tái thiết đất nước từ đống đổ nát và sự thịnh vượng kinh tế. Tuy nhiên, một số ít người lại đơn giản đồng nhất kết thúc của triều đại Chiêu Hòa với kết thúc của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Khi tôi nghĩ về “Chiêu Hòa” trong mối tương quan với lối viết đương đại hay trong bối cảnh rộng hơn là mối liên hệ giữa sự thiết lập một nhà nước hiện đại với sự ra đời của lối viết hiện đại thì dường như nhà văn Shôhei Ôoka qua đời ngay trước hoàng đế Chiêu Hòa. Còn nếu chúng ta nhớ tới vai trò chủ chốt của những nhà văn và trí thức trong quá trình đó thì cuốn sách mà Ôoka xuất bản ngay cuối đời là một tiểu luận phê bình về nhà văn thời đại Minh Trị, Shôseki, thật rõ nét. Ôoka tiêu biểu khá đầy đủ cho lối viết thời đại chúng ta, ông là người khăng khăng hướng về Shôseki với một lòng hâm mộ khôn nguôi. “Một khi đã bén mùi ở đó, - Ôoka viết - ông đi đi lại lại giữa phương Tây và Nhật Bản. Cuộc đời Shôseki cũng là một hiện tượng văn học lạ lùng hiếm có của Nhật.” Dù ông là một nhà văn thời Minh Trị nhưng chỉ tới năm 1925, năm đầu tiên của triều đại Chiêu Hòa, một loạt tác phẩm của ông mới được xuất bản dưới dạng sách bỏ túi đại chúng và được phổ biến rộng rãi. Từ đó đến cuối thời Chiêu Hòa, Shôseki vẫn là tác giả quen thuộc nhất đối với mọi tầng lớp dân chúng Nhật Bản. Nếu chúng ta quay lại cuộc Canh tân Minh Trị và xem xét lại toàn bộ công cuộc hiện đại hóa của Nhật Bản cho tới ngày hôm nay, chúng ta chỉ có thể trả lời câu hỏi “Ai là nhà văn Nhật Bản có ảnh hưởng nhất?” bằng cách đưa ra tên của Shôseki.

Như phần lớn các tác phẩm văn học chín muồi của ông, Soreka (“Thế rồi”) viết năm 1909 là một bức tranh về tầng lớp tư sản Tokyo thời nay, và qua giọng nói của nhân vật trí thức chính của mình, Shôseki tấn công chống lại những giá trị văn hóa thống trị, người ta có thể gọi đó là một cuộc phê bình bản sắc văn hóa dân tộc hoặc Nhật Bản luận. Việc hiện đại hóa đã cho phép nước Nhật tiếp xúc với phương Tây và ngay khi giành thắng lợi trong chiến tranh Nga-Nhật, người Nhật đã bị giày vò bởi ham muốn vật chất được kích thích bởi thế giới bên ngoài. Cũng vào thời kỳ này, những chuẩn mực đạo đức trở nên suy giảm. Sự phê phán của Shôseki không chỉ dừng ở chỗ quy kết cho phía Nhật đã mải chạy theo mô hình kinh tế phương Tây; ông còn phê phán những điều kiện sống cơ bản (như tình trạng nhà ở tồi tàn) mà quả thực đã càng trở nên tồi tệ hơn trong tiến trình hiện đại hóa.

Như Shôseki, người am tường văn học Anh, Ôoka hiểu sâu về nền văn hóa nước ngoài, đặc biệt là văn hóa Pháp. Hơn nữa, Ôoka đã duy trì với phương Tây - đặc biệt với châu Mỹ - một mối quan hệ chặt chẽ mà Shôseki chưa từng có, vì Ôoka bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh ở Philippin. Trong khoảng thời gian từ khi Nhật Bản thất bại trong cuộc chiến tại Thái Bình Dương cho tới giai đọan thịnh vượng kinh tế những năm 80 (chưa bao giờ được Shôseki xem xét trong những lời tiên tri liên quan tới tương lai nước Nhật), Ôoka là nhà văn và trí thức tiêu biểu nhất thời đại ông, người có những phê bình văn hóa sâu sắc nhất. Việc Ôoka vẫn tiếp tục viết về Shôseki hẳn là do trong những năm 80 ông thấy mình lâm vào tình trạng tương tự như Shôseki: cả hai ý thức được giá trị tinh thần bị sao nhãng, trong khi những ham muốn vật chất lại được bên ngoài cổ súy (mọi người đều rõ là giới trẻ Nhật Bản thuộc số những người tiêu thụ nhiều nhất các nhãn hiệu xa xỉ của phương Tây). Cũng vậy, dù cho sức mạnh kinh tế Nhật Bản đã được ghi nhận trên trường quốc tế nhưng những điều kiện sống trong nước vẫn còn tồi tệ, nhất là trong một thành phố lớn như Tokyo, nơi mà vào thời Shôseki còn dễ sống hơn rất nhiều.

Người ta có thể nói là từ Shôseki đến Ôoka, nền văn hóa do những nhà trí thức sản sinh và được dành cho trí thức (mà nền tảng của học vấn dựa trên nghiên cứu phương Tây) có mối liên hệ chặt chẽ xuyên suốt một thời kỳ lịch sử văn học. Tuy vậy, chính trong giai đoạn sau khi Nhật Bản bại chiến - kỷ nguyên của nền “văn học hậu chiến” - mà tính chất của lối viết trí thức “đã nổi lên rõ ràng”. Và trong chừng mực mà Shôseki và Ôoka là đại diện tiêu biểu nhất trong số những nhà văn đó, người ta có thể nói thêm rằng tinh thần của nền văn học sau chiến tranh vẫn là một sức mạnh tích cực và một sự hiện diện cụ thể cho đến khi Ôoka mất, vào cuối những năm 80.

Năm 1945, những trận ném bom nguyên tử đã biến những thành phố Hiroshima và Nagasaki thành tro bụi, đó cũng là số phận của Tokyo và những vùng đô thị khác. Cả đất nước thiếu lương thực. Tuy vậy, lần đầu tiên, quyền tự do ngôn luận được xác lập và bảo đảm, và cùng với nó, một nhiệt huyết văn học cho đến lúc đó bị đè nén đã bùng nổ. Những nhân vật quan trọng nhất của văn đàn sau chiến tranh tiến hành đánh giá lại khẩn cấp giới của họ sau tất cả những thảm cảnh mà người Nhật đã gây nên ở châu Á. Thời kỳ đó, từ 1945 đến khi nền kinh tế tăng trưởng vào những năm 60 được đánh dấu bằng việc, trong khi dân chúng cảm thấy thỏa mãn những đòi hỏi vật chất của mình là khó khăn lớn nhất, thì những vấn đề tinh thần được bộc lộ trong văn học thời đó lại ở đỉnh cao.

Nhiều nhà văn sau chiến tranh như đều hiểu được việc họ tham gia vào phong trào rộng rãi chống đối hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật trong những năm 60, chứng tỏ họ cùng chung tầm nhìn chính trị tiến bộ. Phản ứng với những dư luận áp đảo, Yukio Mishima thuộc cùng thế hệ, hành nghề trong sự pha trộn lý do riêng tư và chính trị (điều ngày càng trở nên hiển nhiên trong thái độ của ông suốt những năm cuối đời) và công bố một dạng chủ nghĩa dân tộc độc đáo. Tuy vậy, mặc dù Mishima và các bạn văn của ông tiến theo những hướng ý thức hệ trái ngược nhau, với lòng ham muốn chung là những giá trị tinh thần thắng giá trị vật chất, họ vẫn cùng nhau gợi nên một nét tách biệt với nền văn hóa thời ấy, một đặc trưng cho “văn học thuần túy” có từ Shôseki.

Như người ta có thể trông chờ, “lối viết trí thức” ấy phụ thuộc vào một lớp bạn đọc trí thức. Văn học hậu chiến nói riêng vốn biểu thị thử thách của việc tự do bộc lộ mới, lôi kéo bạn đọc trí thức các loại. Tranh luận với những nhà văn về những chủ đề chung, có những nhà lý luận chính trị, nhà kinh tế và nhà khoa học cộng tác với những tạp chí văn học đương thời và giúp đánh thức lòng hứng thú của giới bạn đọc có suy nghĩ.

Trong khi đó, phải nói là văn học mất dần sức lôi cuốn tri thức đối với phần lớn dân chúng, như cảnh tàn phá ngay sau chiến tranh đã gây ra việc phục hồi trong những năm 50, rồi thời kỳ bành trướng kinh tế nhằm đi tới sự thịnh vượng chốc lát vậy. Chỉ cần xem xét ngành công nghiệp xuất bản một chút là người ta có thể biết điều đó. Thật sự là 5 tờ nguyệt san văn học vẫn tiếp tục xuất bản.

Người ta thường thấy ở đó những truyện ngắn - thể loại văn học trung tâm và đặc trưng của văn học Nhật Bản. Xuất bản truyện ngắn và tiểu thuyết trước hết dưới dạng ấy, trên những xuất bản phẩm hàng tháng, là một thực tế thông thường. Tuy vậy, từ nay tất cả những tạp chí đó đều chịu thua lỗ khi xuất bản. Sự thâm thương được trang trải bằng hai cách: bằng thành công của việc bán sách, trước hết được công bố trong những tạp chí đó và được cùng nhà xuất bản đó lặp lại; bằng việc xuất bản lan tràn một khối lượng tác phẩm giải trí thuần túy bao gồm truyện tranh-manga.

Chính vì vậy mà nền “văn học thuần túy” và giới độc giả đã biết đến một sự thoái trào kéo dài, khi một xu thế mới nổi lên suốt trong những năm vừa qua. Hiện tượng mới lạ này chủ yếu mang tính chất kinh tế, điều này phản ánh qua việc tiểu thuyết của vài nhà văn trẻ như Haruki Murakami hoặc Banana Yoshimoto bán được hàng trăm ngàn bản. Có lẽ chỉ riêng lượng sách của hai tác giả này bán ra đã nhiều hơn lượng sách của tất cả những nhà văn còn sống khác.Chính tại đây mà chúng ta nhận thấy rằng sự hưng thịnh kinh tế của Nhật Bản được cảm nhận trên thị trường văn học. Ngược lại với điều chính yếu của văn học sau chiến tranh, là tiểu thuyết hóa kinh nghiệm thực của nhà văn và những bạn đọc ở lứa tuổi 20, 30 đã từng biết đến chiến tranh, Murakami và Yoshimoto lột tả kinh nghiệm của một lớp trẻ không có thái độ chính trị rõ rệt, hoặc dửng dưng, vui sống …

Nhưng còn quá sớm để nói trước xu hướng đó dẫn đến gì khi họ về già. Phải chăng lớp công chúng được những người như Murakami hoặc Yoshimoto tập hợp và dạy dỗ sẽ tạo nên cơ sở của tính hư cấu Nhật Bản hơn? Hoặc giới độ giả đó sẽ tàn tạ đi cùng lúc với những nhà văn yêu thích của mình, cùng nền văn hóa thấp kia?

Tin vào những tác phẩm gần đây của Yoshimoto, người ta có thể nói rằng chúng phản ánh trung thành những thói quen và thái độ của tuổi trẻ Nhật Bản, một nền văn hóa trẻ, bề ngoài giống với… Ít ra tính hư cấu của họ là sự bộc lộ không dè dặt về chính thế hệ của mình. Nhưng trong trường hợp của Murakami, một nhà văn tuổi 40, và vì thế. thuộc thế hệ đi trước Yoshimoto, chúng ta thấy tác phẩm của ông thể hiện rõ những thói quen văn hóa hiện đại phô trương quá đáng. Murakami cũng là một bạn đọc chu đáo…, hệt như một người dịch đã diễn tả chủ nghĩa tối giản theo một ngòi bút miêu tả Nhật Bản gợi cảm vậy. Từ quan điểm này, ông tiêu biểu cho một nhà văn trí thức “thuộc dòng Soseki và Ôoka”. Tuy vậy khi cuốn hút được một số lượng độc giả rộng lớn như vậy, Murakami đã làm trọn điều mà cho đến lúc đó tuột khỏi các nhà văn thuần túy trí thức khác, mặc dù họ đã tìm kiếm cảm hứng ý thức hệ hoặc phong cách trong nền văn học hiện đại châu Âu, châu Mỹ.

Trong khi Murakami và Yoshimoto là những nhân vật nổi lên trên văn đàn, tôi vẫn muốn lưu ý các bạn về một xu thế mới có lẽ tồn tại như một dòng chảy ngầm. Nhiều nhà văn hiện đại nghiêm túc cứ vừa chịu những điều khắc nghiệt của một mùa đông ế ẩm vừa tích lũy trong mình cảm nghĩ về sức mạnh thực tế và tính hiệu quả văn học mà biết bao kẻ trước đó chẳng bao giờ có được. Còn ở tầm họ, nếu họ tiếp tục kiên quyết làm việc, một công chúng trí thức rộng lớn chẳng bao lâu sẽ trở về với họ. Trong số họ nổi lên hàng đầu là Kôbô Abé, một trong những gương mặt quan trọng nhất, nổi bật nhất sau chiến tranh, làm việc với ý thức tách khỏi truyền thống Nhật Bản và gắn bó với việc xây dựng thế giới ảo tưởng dù chúng có vẻ hơi bí hiểm nhưng vẫn in dấu một lối nhìn riêng tư mà nghiêm túc về đời sống hiện đại…

Trong số những nhà văn trẻ hơn, tôi muốn nói đến Kenji Nakagami mà tác phẩm đã đạt đến độ súc tích và kết cấu cùng năm tháng, chừng nào ông tạo dáng cho môt mảnh đất ngoài lề đời sống Nhật Bản, vùng đất của một cộng đồng trước đây bị tách biệt để lộ những tầm cỡ huyền thoại của chúng. Cùng thời với Nakagami, Yuko Tsushima đạt đến việc tạo ra một ngòi bút mô tả, có thể mô tả những người đàn bà sau hơn một thế kỷ hiện đại hóa, đến một mức độ phổ quát và ở mức độ đời sống hàng ngày. Còn Masahiko Shimada chưa 30 tuổi đã bắt đầu giới thiệu một lối mô tả trần thuật sống động, bằng cách dùng lối viết nhại kèm theo ý đồ phê phán sắc bén của cùng một thế hệ mà thái độ văn hóa được chuyển vào những tác phẩm của Murakami và Yoshimoto.

Những vấn đề lịch sử và xã hội đã sinh ra những dòng chảy ngầm của văn hóa Nhật Bản là gì? Giờ đây, khi mà thời đại Chiêu Hòa đã chấm dứt thì nền văn hóa thuần túy hướng về đâu? Câu trả lời của chúng ta phải kể đến cuộc cải cách mà công cuộc hiện đại hóa và nền văn học cận đại đã tiến hành kể từ Canh tân Minh Trị.

Cần phải nhớ rằng trong phần lớn thời kỳ lịch sử của mình, người Nhật hoàn toàn xa lạ với phương Tây. Họ là một dân tộc thường bị hiểu sai, mà tính cách thực của họ thì người ta cho rằng chẳng bao giờ hiểu được. Đối với châu Mỹ, Nhật Bản trở thành kẻ thù. Giờ đây, dưới ánh sáng của sự phồn thịnh kinh tế của mình và qua việc tạo ra một mạng thông tin toàn cầu, người Nhật đã được đưa vào đích ngắm của người Âu, Mỹ như những đối thủ cạnh tranh trên thị trường… Tôi còn tự hỏi liệu hình ảnh Nhật Bản giờ đây phô bày cho thế giới có phải là hình ảnh của một dân tộc khó hiểu hơn bao giờ hết không?

Những nhà văn và trí thức Nhật Bản cần phải phản ứng với cuộc khủng hoảng đó bằng một bộ sưu tập vũ khí chiến lược đồ sộ ra lệnh cho phần lớn chính khách, viên chức và doanh nhân đưa ra hình ảnh đúng đắn về nước Nhật và người dân Nhật. Điều mà những người Âu, Mỹ nhìn thấy rõ ràng, đó là một nước Nhật có một cách nhìn đời được rèn đúc, dồi dào nhân tố văn hóa vừa truyền thống vừa xa lạ, với một ý muốn làm việc như thành viên hợp tác của cộng đồng thế giới để đem lại một sự đóng góp độc lập và đặc biệt cho môi trường trên hành tinh mà chúng ta cùng nhau chung sống. Hơn đâu khác, trí thức Nhật Bản phải cảm nhận được tính khẩn cấp của nhiệm vụ này qua những đổi thay mới đây cũng như qua sự đối đầu trong quan hệ Đông-Tây.

Văn học hiện đại phải phản ánh về một cuộc khủng hoảng cần vượt qua và một sứ mạng cần làm tròn. Chỉ đến lúc đó, tiểu thuyết Nhật Bản mới có thể thu hút hết được sự chú ý của một giới độc giả thành thạo. Đó là nhiệm vụ mà tôi tự đặt cho mình với tư cách là nhà văn hiện đại.

Công cuộc hiện đại hóa Nhật Bản để lộ lịch sử của một nước châu Á cố tách mình khỏi khối châu Á và trở thành một nước kiểu Âu. Với văn học Nhật Bản, người ta cũng hướng về châu Âu, Nga, Mỹ. Hôm nay, nhà văn Nhật Bản vẫn nhìn về phương Tây mà giờ đây bao gồm cả Đông Âu và châu Mỹ Latinh. Tuy vậy, trước những phong trào văn học mới ở Trung Hoa và Triều Tiên, một vài nhà văn và nhà phê bình trẻ Nhật Bản đã bắt đầu để ý học tập nghiêm túc văn học châu Á. Tôi nghĩ đây cũng có thể là một hướng khả dĩ mà văn học Nhật Bản có thể lựa chọn. Và điều này sẽ đưa chúng ta tiến thẳng từ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và hiếu chiến đến một tương lai rộng mở hơn.

Kenzaburô Ôé sinh năm 1935 ở Shikoku, Nhật Bản. Là nhà văn tiêu biểu nhất của Nhật sau thế chiến thứ hai. Đoạt giải Nobel Văn chương năm 1994.

Tham luận trên đây của Kenzaburô Ôé (được đọc tại Hội nghị văn học quốc tế tại San Francisco, 1990) cung cấp một cái nhìn tổng quan và đặc sắc về nền văn học Nhật Bản hiện đại.


Oe Kenzaburo
Hội nghị Wheatland
San Francisco 1990
Ngô Quang Vinh dịch từ tiếng Pháp
Nguồn vnexpress.net
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top