Vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng - Cái nhìn từ Hiroshima

Vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng - Cái nhìn từ Hiroshima

Tại Hiroshima, cách khu vực bị san phẳng năm nào vài trăm mét là một chiếc đồng hồ tính ngày vụ thử hạt nhân cuối cùng của thế giới. Nhiều năm qua, nó vẫn chạy đều đặn, nhưng ngày hôm nay, 10/10, chiếc đồng hồ đó lại phải quay lại từ con số 1.


Song ở đây còn có một chiếc đồng hồ khác, đánh dấu thời điểm Hiroshima bị tấn công, vẫn tiếp tục chạy. Và khi những người sống sót trong thảm hoạ năm 1945 cùng nhau tập trung để phản đối vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, thì chiếc đồng hồ đã chỉ sang năm thứ 61 và 65 ngày. Không ai ở đây có thể quên được ngày đó.



Ông lão Sunao Tsoboi 81 tuổi là một trong những người may mắn sống sót trong vụ ném bom của Mỹ hơn 61 năm về trước. Ngày hôm nay, trên người ông vẫn còn đầy những vết sẹo, và nỗi căm ghét vũ khí hạt nhân vẫn còn ăn sâu trong tâm trí ông.



“Vụ thử của CHDCND Triều Tiên là không thể tha thứ được. Tôi vô cùng tức giận. Tôi đã quá ngán với điều đó rồi.”



Nhật là nước phản đối vũ khí hạt nhân quyết liệt nhất. Và ở Hiroshima, lúc nào cũng có thể tìm được một ai đó phản đối vũ khí hạt nhân vì những lý do cá nhân đặc biệt. Trên một cây cầu nhìn sang mái vòm A-bomb nổi tiếng, mái vòm duy nhất vẫn còn hiên ngang đứng vững sau vụ thả bom của Mỹ, phóng viên ABC News đã bắt chuyện với một người đi xe đạp và được biết ông cũng là người sống sót trong thảm hoạ Hiroshima. Khi vụ tấn công xảy ra, ông mới có 4 tuổi.



“CHDCND Triều Tiên giống như một cậu nhỏ đi giày của người lớn vậy,” ông nhận xét. Và ông cũng gọi vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng là “không thể tha thứ được”.

“Nhật có hai lý do chính để “dị ứng” với vũ khí hạt nhân”, Jeff Kingston, một giáo sư giảng dạy tại Đại học Temple Nhật nhận định. “Đó là Hiroshima và Nagasaki.” Nagasaki là địa điểm phải hứng chịu quả bom nguyên tử thứ hai, ba ngày sau vụ Hiroshima.



Nhưng vụ thử mới đây của Bình Nhưỡng cùng với vụ thử tên lửa hồi tháng 7 vừa qua nhắm vào Nhật Bản đã làm cho câu hỏi từ lâu vẫn là đề tài cấm kỵ ở đây lại nổi lên: Liệu Nhật có nên phát triển vũ khí hạt nhân hay không?



“Nhật sẽ có một thái độ quân sự cứng rắn hơn”, Kingston nhận xét. “Tôi cho rằng Nhật sẽ củng cố lực lượng phòng vệ của mình. Tôi không nghĩ họ sẽ chỉ ngồi đó và không làm gì hết. Và chắc chắn Thủ tướng sẽ phải đứng trước áp lực về chính trị, buộc phải phản ứng lại, và có vẻ như họ sẽ có phản ứng.”



Kể từ sau thất bại trong Thế chiến thứ II, Nhật phải áp dụng hiến pháp theo chủ nghĩa hoà bình. Nhưng từ đó đến nay, họ cũng có một vài “phá lệ”. Cụ thể năm 2003, họ đã quyết định xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, và năm 2004, còn gửi quân tới Iraq. Đây là lần đầu tiên sau 59 năm họ lại triển khai quân ở nước ngoài. Và hiện giờ, tân thủ tướng Shinzo Abe đang kêu gọi xây dựng một nước Nhật quyết đoán hơn.



Tuy nhiên chỉ có một số lượng nhỏ những người theo chủ nghĩa dân tộc là mong muốn Nhật phát triển bom nguyên tử. Tại khu vực phải hứng chịu vụ tấn công hạt nhân đầu tiên của thế giới, chỉ cần nghĩ đến bom thôi là người ta đã cảm thấy rùng mình.



Khi được hỏi liệu ông có lo sợ khi có người cho rằng Nhật cần phải có vũ khí nguyên tử để bảo vệ chính mình hay không, ông cụ Tsoboi trả lời: “Tôi vô cùng kinh ngạc khi anh hỏi tôi điều đó. Đó là điều khủng khiếp khiến chúng tôi đi chệch hướng khỏi con đường hoà bình mà chúng tôi luôn muốn gìn giữ.”


(Dantri.com)
 

Đính kèm

  • nk111006.jpg
    nk111006.jpg
    29.8 KB · Lượt xem: 211

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top