Osaka ký sự - Trông người mà nghĩ đến ta

Osaka ký sự - Trông người mà nghĩ đến ta

Tôi cũng có may mắn giống như một số người Việt đồng hương khác, đó là trong năm có vài cơ hội tới một số nước khác để làm việc ngắn ngày hoặc họp hành cho công ty. Sống ở Hoa Kỳ và đã từng tới các nước phát triển như Anh, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, và một số nước chưa phát triển lắm như Mexico, nhưng tôi chưa hề bao giờ muốn làm bất cứ so sánh nào giữa các quốc gia này với Việt Nam (VN). Đơn giản là vì hoàn cảnh đất nước và nền tảng văn hóa quá khác biệt để sự so sánh có ý nghĩa. Tuần cuối tháng 6, 2006 vừa qua tôi có dịp đi công tác cho hãng ở Osaka, Nhật Bản. Đó là một quốc gia ở Đông Á Châu gồm 4 đảo lớn (Hokkaido, Honshu, Shikoku, và Kyushu) và vài ngàn đảo nhỏ khác, dân số khoảng 128 triệu, diện tích cỡ VN, và tài nguyên thiên nhiên rất ít, trừ thủy sản. Osaka là thành phố lớn thứ 3 tại Nhật sau Tokyo và Yokohama, dân số khoảng 2.7 triệu, nằm trên đảo Honshu, có sông Yodo chảy ngang và đổ vào vịnh Osaka. Vài ngày trước khi tới Osaka tôi đã được đọc trên một tờ báo internet của VN một bài viết khá thú vị của tác giả Nguyễn Văn ở Úc viết về Osaka khi tác giả đi dự một hội nghị khoa học ở đó [“Một thoáng Osaka - Nghĩ về thái độ vô cảm ở VN”, Người Viễn Xứ 11/06/2006]. Bài viết này kể một số kinh nghiệm tác giả gặp phải khi đến Osaka, nhấn mạnh đến tinh thần và phong cách làm việc nghiêm túc của người Nhật, và trình bày ý kiến của tác giả khi làm một so sánh nhỏ với VN về cung cách phục vụ. Dù đã có người viết về Osaka, tôi vẫn thấy trong lòng có cái gì thúc đẩy để viết thêm một chút về Osaka, về nước Nhật, những chuyện tôi đã thấy tận mắt, những người Nhật tôi đã tiếp xúc, và về những cảm xúc riêng nhận được từ chuyến đi này. Bài viết không có ý định so sánh Nhật Bản với VN vì nhân thức rằng hoàn cảnh mỗi nước rất khác nhau. Chỉ hy vọng rằng, cùng với bài viết súc tích của tác giả Nguyễn Văn, những quan sát nhỏ bé của tôi sẽ giúp bạn đọc VN chưa có cơ hội đến Nhật có thêm một góc nhìn về Osaka, về nước Nhật, và về người Nhật thời nay, từ đó nghĩ đến những gì mỗi người Việt, nhất là những người có quyền hành, có thể làm hay nên làm để sau này đưa VN tới chỗ sánh vai được cùng các nước khác trên thế giới. Nếu bài viết này lỡ có điều gì làm bạn đọc không thích, xin hãy bỏ qua cho.


1. Chuyện phục vụ hàng không của Japan Airlines (JAL), chuyện về con người

Tôi chọn JAL để bay tới Osaka rất tình cờ vì hãng này có chuyến bay thẳng từ Los Angeles (Hoa Kỳ) tới Osaka, mất 12 giờ bay. Chuyến bay có lịch khởi hành lúc 1:55 chiều. Vé của tôi là hạng coach, tức là hạng thường. Về giờ bay, các hãng hàng không lớn kể cả của Mỹ trễ năm mười phút bay, thậm chí nửa tiếng, là chuyện bình thường nên tôi không có bất cứ kỳ vọng gì với JAL. Khá ngạc nhiên, đúng 1:55 pm, chiếc B-747 của JAL lùi chậm ra khỏi gate, và chỉ sau 15 phút chiếc phi cơ khổng lồ màu trắng đã nhấc mình khỏi phi đạo để hướng về Osaka, phía bên kia Thái Bình Dương. Các cô tiếp viên (flight attendant) đều mặc suit và đầm đen, có đeo chiếc khăn ở cổ in vải hoa trông rất sang trọng. Cô tiếp viên phụ trách khu vực tôi ngồi còn rất trẻ, chỉ khoảng 25 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, mang bảng tên là Matsumoto. Vào những giờ cuối cùng của chuyến bay cô cho tôi biết tên đầy đủ của cô là Hanae Matsumoto. Cô Hanae nói tiếng Anh khá, có nụ cười thật tươi mỗi khi hỏi han hành khách coi họ có cần gì không. Phía trái truớc tôi 2 hàng ghế có một gia đình trẻ người Nhật có con còn tuổi nằm nôi đang ngủ trên tay người mẹ; JAL đã bố trí để họ ngồi nơi có nôi xếp trước mặt (nôi có thể xếp gọn lại trong tường vách của khu restroom). Phi cơ vừa ổn định cao độ cô Hanae đã đến xếp nôi đặt nệm cho đứa bé, vừa trò chuyện với hai vợ chồng trẻ, sau cùng cô bế đứa nhỏ trên tay nựng nịu như con của cô trước khi chậm rãi đặt nó vào nôi. Khi Hanae đưa nước giải khát lần thứ nhất tôi gọi ly trà xanh Nhật, trà nguội và mát, có vị chát rất nhẹ. Uống lai rai được nửa ly, khi với tay lấy cái headphone dưới gầm cái khay tôi vô ý đụng phải cái khay làm đổ hết nửa ly còn lại lên khắp quần. Đang bối rối đứng lên khỏi ghế thì thấy cô Hanae bước tới, tôi phân trần là đã làm đổ nước trà và nói có lẽ sẽ phải thay quần khác. Cô đi thật nhanh về phía cuối máy bay và khi quay lại đem cho tôi một chiếc khăn vải mềm trắng toát, giúp tôi đỡ hành lý từ ngăn chứa (aircraft bin) xuống để lấy quần mới, và nói nhỏ với tôi: “Xin ông đừng cảm thấy phiền gì cả.” Lúc bay gần tới Osaka tôi hỏi cô về phương tiện di chuyển từ phi trường về thành phố, cô vui vẻ giải thích cho tôi cách mua vé xe bus hay xe điện. Thay vì đứng cong người xoay mặt về phía tôi và sẽ phải xoay mông về phía khách bên kia aisle, Hanae đã ngồi khụyu chân xuống sàn máy bay để nói chuyện với tôi; dáng điệu của cô vừa khiêm tốn lại vừa sang trọng. Khi đến phi trường quốc tế Kansai, cô Hanae và các cô attendant khác cùng đứng cúi chào tiễn khách rất lễ độ. Sau 12 giờ bay với biết bao công việc, nụ cười của cô Hanae xinh đẹp vẫn tươi tắn như lúc đầu. Thực là đáng thán phục cách thức huấn luyện tiếp viên của JAL.

Còn Vietnam Airlines (VA) thì sao. Tôi chưa có kinh nghiệm với VA, nhưng hình như theo lời nhiều khách hàng tôi quen thì phục vụ chưa tới được mức đó của JAL, nếu không nói là ngược lại. Tiếp viên hàng không VN nghe nói cũng xinh đẹp, tại sao hãng VA lại không huấn luyện nhân viên mình phục vụ khách cho lịch sự, có khó gì đâu.


2. Chuyện phương tiện và công nghệ di chuyển, chuyện hotel, lại chuyện con người

Phi trường Kansai nhân tạo như một hòn đảo bê tông giữa biển có thể xem như là một công trình “đội đá vá trời”. Đẹp, rộng, hiện đại, và… vắng vẻ, không ồn ào xô bồ như nhiều phi trường quốc tế khác. Hình như phi trường này đã được xây dựng để có thể chứa gấp 3-5 lần tải nhiều hơn hiện nay. Cô hải quan bình thản chào khách, nhìn tờ khai, passport, và chỉ hỏi tôi hai câu “Ông từ Mỹ đến phải không” và “Ông tới Osaka làm việc với hãng nào vậy”. Cách hỏi của cô rất lễ phép và dịu dàng làm người bị hỏi không thấy khó chịu.

Thay vì đi thẳng ra khỏi phi trường từ lầu 1 để đi xe limousine bus về Osaka (45 km) tôi chọn đi tàu rail-way điện của hãng Nankai trên lầu hai, gọi là Nankai Rapi:t, nghe nói là tàu điện này nhanh hơn xe bus (37 phút thay vì 60 phút), hơn nữa hotel Nikko Osaka mà tôi sẽ ở nằm trên đường Midosuji chỉ cách trạm cuối là Namba chỉ có vài block đường. Vé mua rất dễ dàng vì chỗ bán vé có các bảng hướng dẫn rất rõ và khách chỉ cần nói muốn về Namba Osaka là đủ. Trên vé có chỉ số toa và số ghế. Không có ai soát vé khi vào khu các tàu điện đến và đi. Chỉ cần đút vé vào khe máy đặt ngay cổng chặn là cổng mở, và khi đi qua phía bên kia máy, vé lại được tự động bật lên trả lại cho khách. Trước khi bước lên tàu, để chắc chắn là không bị nhầm lẫn, tôi hỏi (bằng tiếng Anh) một thanh niên Nhật đang đứng gần đó, anh ta gật đầu cho biết là đúng vậy tàu này sẽ ngừng ở trạm cuối Namba. Tàu có 6 toa sơn toàn màu xanh blue đậm. Bên trong mỗi toa có hai hàng ghế nệm (2 ghế mỗi hàng), vải bọc màu cà phê sữa, và hành lang ở giữa. Trên chuyến đi, mỗi lần cô nhân viên soát vé mở cửa đi tới một toa hay rời toa cô đều cúi đầu thẳng chào khách rất lễ độ, gây ấn tượng khá mạnh với tôi về sự lễ phép và tôn trọng của nhân viên dành cho khách đi tàu. Tại VN ta, khách đi tàu xe hay máy bay hình như bị nhân viên khinh rẻ hơn là coi trọng, có khi còn bị lơ xe hay tiệm cơm giữa đường đánh nữa, thật là ngậm ngùi cay đắng. Người Việt ta vốn xưa nay cũng có tính hiếu khách, thân thiện, và lấy đức làm trọng, chẳng biết từ đâu và từ bao giờ đã sinh ra cái thứ văn hóa thô lỗ đáng buồn này.

Tàu điện Nankai chạy khoảng 80 km/h. Từ phi trường về trạm cuối Namba, tàu ngừng ngắn ở 6 trạm khác, mỗi lần ngừng đều có thông báo bằng hai thứ tiếng Nhật và Anh. Khi tàu ngừng hẳn và khách đã xuống hết, cửa mỗi toa được chắn ngang bằng một dây vải cũng màu xanh blue, sau đó các hàng ghế tự động xoay chậm 180 độ vì tàu sẽ chạy về lại phi trường. Các nhân viên vệ sinh lên từng toa thu dọn sắp xếp lại mọi thứ thật nhanh và xịt thuốc thơm (thật ra có cái gì cần dọn đâu vì người Nhật không xả rác bậy).

Trạm ngừng của tàu ở tầng 3, tôi theo hướng dẫn của các bảng đèn (taxi, subway, shopping, hay exit) đi xuống tầng 1 để ra khỏi trạm Namba, gọi taxi về khách sạn. Xe ở Nhật chạy bên trái giống như ở Anh nên tay lái bên phải (thời 1980 VN ta nhập xe Nhật cũ về chạy và gọi là xe tay lái nghịch). Trên lề đường rộng và sạch trước trạm có nhân viên đứng vẫy taxi cho khách. Các taxi đã đứng sẵn theo hàng chờ đến phiên. Cửa xe taxi mở tự động bằng nút, tài xế không cần xuống xe hay với tay ra sau. Tôi đưa tấm giấy có địa chỉ hotel cho người tài xế, xe chạy khoảng 5 phút thì tới hotel Nikko. Tài xế chỉ nhận đúng tiền ghi trên đồng hồ xe, không nhận tiền tip (ở VN gọi là tiền boa, theo âm tiếng Pháp “pour boire”, để uống nước?). Người nhân viên đứng sẵn trước cửa hotel mở cửa taxi và tự động mang hành lý của tôi vào bên trong. Một nhân viên khác chờ sẵn mang hành lý của khách tới tận quầy check-in, lùi về phía đợi khách làm check-in, sau đó mang hành lý theo khách lên phòng. Tại đầu hành lang thang máy cũng có nhân viên đứng cúi đầu chào khách khi khách bước qua. Sau khi đặt hành lý vào phòng nhân viên lại cúi đầu chào lễ phép trước khi đi ra và nhất định không nhận tiền tip dù rằng tôi đã thử nài nỉ.

Thái độ phục vụ lễ phép của người Nhật đối với khách không chỉ dành cho khách nước ngoài (bạn đọc nên biết rằng người Nhật nói chung ít có hảo cảm với khách nước ngoài, nhất là người Mỹ da trắng; có nhiều tiệm ăn ở miền quê còn cực đoan đến độ từ chối phục vụ người Mỹ da trắng). Đa số khách đến hotel là người Nhật, và nhân viên chào kính mọi người khách như nhau một cách rất chân thành. Đó là điều làm khách Việt như tôi ngỡ ngàng. Người Việt làm phục vụ của ta thì thường lại trân trọng hay ngán ngại va chạm khách da trắng bên ngoài, thích xin tiền thêm bất cứ khi nào có thể, và coi thường khách bản xứ. Cung cách ấy chẳng phải đáng buồn sao. Lỗi này có phải ở giáo dục không. Ông bà ta đã dạy “bé không vin cả gẫy ngành” là vậy.


3. Chuyện thành phố và con người (lại chuyện con người)

Vì qua sớm một ngày trước khi làm việc để quen với thay đổi về giờ giấc (8g sáng ở Osaka là 4g chiều hôm trước ở Los Angeles), tôi có một ngày lang thang ở khu downtown Osaka một mình. Thành phố Osaka (và chắc là các thành phố khác ở Nhật) là một pha trộn hoàn hảo giữa tự do, hiện đại, và văn hóa truyền thống. Không hề có rác, dù là rác vụn hay tàn thuốc, trên hè phố. Không thấy bóng dáng cảnh sát, chỉ có người nhân viên vệ sinh đi qua lại quét rác từ sớm. Hơn 8g sáng xe cộ đã chạy ào ạt trên đại lộ Midosuji có hai hàng cây xanh thơ mộng trước mặt hotel. Rất nhiều xe tải nhỏ qua lại đi giao hàng cho các tiệm. Không có xe SUV (Sport Utility Vehicle) hay truck to dềng dàng như ở Mỹ. Không hề có tiếng còi xe. Người đi làm tràn lên đường phố từng đợt từ các trạm subway hiện đại dưới lòng thành phố nhưng lưu thông vẫn điều hòa nhịp nhàng và trật tự theo đèn hiệu tự động. Không có cảnh sát chỉ đường khoa tay qua lại, không có tiếng còi ra lệnh. Tất cả trật tự đều diễn ra bằng tự giác của mọi công dân. Osaka hôm đó mưa nhẹ, ẩm, và hơi nóng, nhưng người đi làm vẫn ăn mặc rất tề chỉnh; đàn ông phần lớn mặc suit (VN gọi là veston) đậm màu có cà vạt, phụ nữ mặc sơ mi với đầm màu nhạt hay đậm nhưng không lòe loẹt xanh đỏ. Tuổi sinh viên thì đơn giản hơn với chiếc T-shirt và quần jean (VN gọi là quần bò). Dù che mưa bằng nhựa trong và giấy vệ sinh trắng muốt trong bao (khi cần dùng nhà vệ sinh công cộng) được phát không tại các góc đường. Nhìn chung người Nhật thích mặc quần áo formal (trang trọng?) màu đen trắng hay xanh blue đậm khi đi trên đường phố hay đi làm. Không hề có cảnh phụ nữ trẻ hở lưng hay khoe rốn khoe ngực trên đường phố, mặc dù Nhật là một trong những quốc gia tự do nhất hiện nay về tình dục và luyến ái. Cách ăn mặc nghiêm trang và khá cổ điển của dân chúng trên các đường phố Osaka hài hòa một cách lạ lùng với cung cách kiến trúc hiện đại và gam màu xám tro lịch lãm của các building cao thấp khác nhau.

Tôi vào một quán ăn kiểu bistrot (có hàng rào bằng kiếng và bàn ghế chiếm khoảng một phần ba lề đường) bên đường, cô nhân viên trong quầy cúi đầu chào (lại chào) với cung cách đặc biệt Nhật Bản bằng một tràng tiếng Nhật. Cô cũng nói được chút tiếng Anh đủ để tôi order một phần ăn sáng đơn giản, một patechaud với nhân là ham và broccoli và một ly cà phê đá. Người Nhật thích uống cà phê đá như người Việt. Cà phê pha sẵn để trong bình lạnh, chế vào ly thủy tinh trong suốt, thêm vài cục đá nhỏ là xong. Cách chuẩn bị cà phê nghe đơn giản nhưng cà phê rất ngon, nước màu nâu cánh gián đậm, có chút hương vị đắng, chát, và thơm của cà phê nguyên chất chứ không bay mùi vanilla hay mùi hương nhân tạo như cà phê mua ở mall tại Mỹ (chẳng còn mùi vị cà phê gì nữa), cũng không phải loại đặc quánh đen thui trong cái tách bé xíu như cà phê ở Âu Châu (nhìn không thi vị chút nào). Ly cà phê đá trong quán Nhật mà tôi đã uống có hương vị tựa như ly cà phê đã có lần được uống trong nhà vườn trên Ban Mê Thuột, nước pha đậm vừa phải ngay sau khi cà phê mới được xay ra. Ở Osaka đường dùng cho cà phê đá là đường syrup trong hộp nhỏ đóng kín, chắc để tránh cho khách phải quậy mãi mà đường chẳng chịu tan vì cà phê đang lạnh.

Tất cả mọi thứ trong quán, từ đồ ăn đồ uống tới ly chén, bàn ghế ngồi, giấy lau, đều sạch sẽ đến độ phải cúi đầu thán phục, hơn cả nhiều quán ở Mỹ chứ đừng nói đến quán Việt nhà ta. Phần nhiều dân ta (ngay cả sống ở Mỹ) vẫn chuộng cái rẻ mà không quan tâm đến vệ sinh mấy (có dân nước nào thích nói như VN ta là “ở dơ sống lâu !”). Vì thế không ngạc nhiên khi biết rằng tuổi thọ của người Nhật hiện nay cao nhất trên thế giới, dù rằng hầu hết thanh niên đàn ông đều hút thuốc lá.

Buổi tối khi cả thành phố Osaka rực sáng ánh đèn, khu Shinsaibashi bên kia đường lại càng rực rỡ sáng chói hơn với đủ màu sắc của ánh đèn quảng cáo từ các tiệm ăn, tiệm bách hóa, và quán rượu. Đó là một khu phố gồm chục con đường hẹp và dài đan vào nhau vuông vắn như bàn cờ. Người Nhật thuộc đủ lứa tuổi qua lại mua bán ăn uống tấp nập như ngày hội nhưng chỉ có lời rao hàng mà không hề có cảnh chèo kéo giành giựt khách, cũng không có cảnh phụ nữ hở hang khêu gợi; lác đác có vài khách Tây đi lạc lõng giữa rừng người Châu Á và chẳng ai dòm ngó mời mọc hay xin xỏ gì.


4. Công việc

Công ty tôi đến làm việc với là một công ty khá lớn ở Osaka. Nhìn từ cổng vào đã mường tượng ra sự trật tự và sạch sẽ của người Nhật là tiêu chuẩn hàng đầu. Sân tráng nhựa không có một cọng rác. Chung quanh công ty không có quán xá. Xe đi qua cổng, khách được đón từ cửa vào building. Trong phòng hội, khi đã có mặt đầy đủ người dự họp, công việc trao đổi business card được bắt đầu trước, và cũng rất… Nhật Bản; người trẻ hơn sẽ đứng thẳng, cúi đầu chào, hai tay đưa thẻ cho khách, và xưng tên mình, đại khái như “Kanata desu” (tôi là Kanata). Khách cũng cúi đầu nhận và đọc tên người trao thẻ, sau đó đặt lên bàn (chứ không cất ngay vào túi). Cũng may tôi đã cẩn thận tìm hiểu trước khi đi nên đã có dịp cho bạn Nhật biết người Việt cũng lễ độ và lịch lãm như ai. Bạn Nhật thực sự tỏ vẻ thích thú khi biết tôi là Việt chứ không phải là Hoa hay Hàn.


5. Lời kết

Một tuần ở Osaka, dù đầy ấn tượng, dĩ nhiên sẽ chỉ cho tôi một cái nhìn còn giới hạn về Nhật Bản. Hơn nữa, quốc gia nào dù hiện đại đến mấy cũng có những vấn đề xã hội của nó phải giải quyết mà nếu chỉ đến thăm vài ngày ta không hình dung ra được. Nhưng nói theo phương ngôn của người xưa “trông mặt mà bắt hình dong” thì một tuần quan sát và làm việc ở Osaka đã tạm đủ cho khách từ xa đến có một cái nhìn tổng quát về đất nước và con người Nhật Bản. Những gì tôi đã thấy trong 1 tuần ngắn ngủi là một Osaka sạch sẽ, an toàn, trật tự, con người lễ độ với nhau, tự do và tự giác của công dân đến độ hoàn hảo, không có dấu hiệu của nghèo đói trên suốt con đường 45 km từ thủ phủ ra đến ngoại ô, và sau cùng là khả năng phục vụ công ích cực kỳ hữu hiệu. Đó là một thành phố pha trộn được rất tuyệt vời giữa truyền thống và hiện đại, giữa tự do và ý thức tự giác của công dân. Nụ cười Nhật Bản đã đón chào tôi đến từ ngay cửa phi cơ và lại tiễn tôi đi tận cửa vào phi cơ. Tôi đã rời Osaka với sự ngưỡng mộ thầm lặng của riêng mình.

Tôi thiển nghĩ, các quốc gia còn đang học hỏi và loay hoay đi tìm một hướng đi đến văn minh và phát triển ở Á Châu trong đó có VN ắt hẳn phải nhìn vào gương nước Nhật mà đặt những câu hỏi tại sao cho đất nước mình.

California 2006

Nguyễn Vĩnh Long - Nguồn : www.talawas.org
 
Bình luận (2)

kamikaze

Administrator
Đây là con tàu rapid mà tác giả đã đề cập đến:

rapito-nankai-namba.jpg
 

quyenjp

Member
Hì hì...boku mà sống ở thành phố Osaka thì cũng không thèm về Việt Nam nữa ! Sống thật đáng sống !
 

Bài viết liên quan

ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
ĐIỂM TIN NHẬT BẢN 0
Your content here
Top